CEO Dcorp R-Keeper Vietnam – James Dương Nguyễn: Công nghệ số gắn bó với “quán quen, nhà hàng ruột”

0
564

Chuyển đổi số không phải “phép màu” để giúp nhà hàng, quán cà phê ăn nên làm ra ngay, mà là quá trình đưa công nghệ vào quy trình hoạt động và hỗ trợ nghiệp vụ.

CEO Dcorp R-Keeper Vietnam - James Dương Nguyễn: Công nghệ số gắn bó với “quán quen, nhà hàng ruột”

Đồng hành cùng các thương hiệu F&B lớn ở Việt Nam trong quá trình này, ông James Dương Nguyễn diễn đạt một cách giản dị rằng, khi áp dụng trong lĩnh vực F&B thì nhà kinh doanh rất thuận lợi trong công việc, còn khách hàng có những trải nghiệm tích cực và càng gắn bó với quán quen, nhà hàng ruột…

Để khái quát về thị trường nhà hàng và dịch vụ ăn uống (F&B), năm 2018 vừa qua, có thể dùng cụm từ “cuộc đua khốc liệt” mở thương hiệu ẩm thực, đặc biệt ở mảng lẩu, nướng, trà sữa và cà phê. Thêm vào đó là sự vào cuộc của hàng loạt ứng dụng giao nhận đồ ăn (Food Delivery), ứng dụng đặt bàn, hay các ứng dụng gia tăng kết nối với khách hàng (Customer Engagement) càng làm cho “sức nóng” của ngành này tăng lên gấp bội.

Đó cũng là một trong những điều mà chúng tôi đang rất mong đợi, khi mà ngày càng nhiều nhà hàng nhanh chóng tiếp cận các xu hướng công nghệ mới. Thị trường càng khốc liệt càng mang đến cơ hội cho những thương hiệu không ngừng cải tiến dịch vụ (đặc biệt là về tốc độ), nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho thực khách. Đồng hành cùng họ, Dcorp R-Keeper Việt Nam sẵn sàng cung cấp nền tảng để các doanh nghiệp có thể bứt phá và cạnh tranh công bằng, ông James Dương Nguyễn chia sẻ.

* “Chuyển đổi số” đang là cụm từ “thời thượng” với việc hướng tới nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngành F&B với những đặc thù riêng dường như vẫn chưa cảm nhận được “sức nóng” của nó. Ông nhận định thế nào về điều ấy?

– Từ ngày thâm nhập thị trường đến nay, Dcorp R-Keeper Việt Nam nhận thấy bước chuyển rất rõ của ngành F&B khi tiếp nhận và thích ứng những công nghệ mới. Cách đây 10 năm, đưa công nghệ số vào nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, chuỗi ẩm thực là thách thức lớn với hầu hết công ty công nghệ.

Nhưng đến nay, từ khách hàng của Dcorp R-Keeper Việt Nam, chúng tôi có thể tự tin nói rằng không chỉ doanh nghiệp F&B lớn mà ngay cả những quán ăn, quán cà phê nhỏ đã từng bước nhận thức được tầm quan trọng khi ứng dụng công nghệ số để quản lý và tối ưu hóa hoạt động. Vì thế họ chủ động tiếp cận công nghệ, tự cảm thấy tụt hậu so với thị trường nếu như không có sự hỗ trợ của công nghệ.

Mặc dù quá trình ứng dụng công nghệ số có nhiều mức độ khác nhau tùy theo quy mô, mô hình hoạt động, nhưng nhìn chung đang trở thành xu hướng khi tạo ra những hình thức và mô hình kinh doanh mới, không chỉ riêng đối với ngành F&B.

* Là người trực tiếp trong hành trình cung cấp công nghệ số cho hàng ngàn nhà hàng lớn nhỏ tại Việt Nam, ông nhận thấy có những thách thức gì?

– Dcorp R-Keeper Việt Nam là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tư vấn, triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ quản lý và tự động hóa nghiệp vụ cho ngành F&B tại Việt Nam. Chúng tôi được đánh giá là một trong những công ty kiên định nhất trong quá trình phát triển khi đã vượt qua nhiều công ty công nghệ nước ngoài và nội địa khác tại thị trường Việt Nam. Đó là vì chúng tôi nghiên cứu và phân tích thị trường rất kỹ, luôn bám sát thị trường để có được chiến lược kinh doanh phù hợp.

Xu hướng ứng dụng công nghệ số mới diễn ra trong một vài năm gần đây thôi, khi Việt Nam đón các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng nước ngoài. Qua quá trình làm việc với nhiều khách hàng, tôi nhận thấy những thách thức thường gặp nằm ở những vấn đề sau:

Thứ nhất là kỳ vọng của khách hàng. Thời gian đầu, rất nhiều nơi từ chối giải pháp R-Keeper, vì họ nghĩ việc ứng dụng công nghệ rất cao siêu, đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật quá cao, thậm chí không cần thiết. Phải qua một thời gian dài họ mới quay lại làm việc với chúng tôi sau khi nhận thấy tính đúng đắn của những tư vấn mà chúng tôi đưa ra.

Thứ hai là sự thích ứng của nhân sự khi đối mặt với những đổi mới trong cách thức vận hành bằng công nghệ số. Những công ty lâu năm và đang vận hành theo phương thức cũ khá miễn cưỡng khi thay đổi thói quen và còn quá nhiều e ngại, hoài nghi vào sự hỗ trợ của công nghệ. Do vậy, quá trình ứng dụng công nghệ số cần nhận được sự ủng hộ, sẵn sàng và tư duy tích cực từ ban lãnh đạo cho đến nhân viên.

Thứ ba là sự kiên định khi đầu tư công nghệ số. Khi được hỏi về nhu cầu ứng dụng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về cách thức mà chúng sẽ tác động tới thị trường và mô hình kinh doanh của họ. Rất vất vả để giúp họ ý thức được áp lực mới này, cũng như việc đầu tư hợp lý vào công nghệ để tồn tại và phát triển.

Và đến nay, có thể thấy thị trường F&B đã sẵn sàng cho công nghệ số, khi mà quy mô phát triển đến độ chín với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực đầu tư, mức độ sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối, khả năng thích ứng, thay đổi của lớp nhân lực trẻ.

* Trong bối cảnh đó, nền tảng POS (Point Of Sale) và hệ sinh thái công nghệ mà Dcorp cung cấp cho doanh nghiệp F&B đã giúp họ thay đổi về quản trị như thế nào, thưa ông?

– Bản thân R-Keeper không đơn giản là một hệ thống POS, nó là một hệ thống phức hợp gồm rất nhiều môđun kết nối để tự động hóa nghiệp vụ và vận hành trong một nhà hàng cũng như một chuỗi nhà hàng: Từ việc tiếp nhận đặt món, quản trị và tự động hóa nghiệp vụ trong nhà bếp, tương tác với khách hàng qua các công nghệ hiện đại… Tóm lại, có thể hiểu R-Keeper như một nền tảng ứng dụng cho lĩnh vực F&B (R-Keeper Platform).

Giải pháp của chúng tôi giúp doanh nghiệp F&B vận hành trơn tru và chuẩn xác với bất kỳ quy mô nào, từ một tới hàng chục, hàng trăm nhà hàng ở nhiều địa điểm khác nhau với nhiều chính sách kinh doanh và quy trình vận hành khác nhau.

Ví dụ như Golden Gate với hơn 20 thương hiệu và hơn 300 nhà hàng, Red Sun với 15 thương hiệu và hơn 250 nhà hàng ở  các thành phố lớn tại Việt Nam đều sở hữu các chuỗi nhà hàng đa mô hình: lẩu nướng, sushi, beer club, nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Trung Hoa, vì vậy mà yêu cầu vận hành và quản trị khá phức tạp, đòi hỏi am hiểu sâu về ngành.

Hệ thống của chúng tôi đảm bảo hoạt động ổn định, khả năng đáp ứng thay đổi, khả năng quản lý dữ liệu tập trung và thiết lập các chính sách linh hoạt cho hệ thống kinh doanh ấy. Các công ty F&B lựa chọn chúng tôi bởi tính tin cậy, độ ổn định và khả năng tùy biến, linh hoạt giúp họ quản lý kinh doanh tối ưu nhất.

* Một số “đại gia” trong ngành F&B cho biết họ bất ngờ với cách tư vấn của ông, từ việc diễn đạt sao cho công nghệ trở nên dễ hiểu nhất có thể, cho đến cách ví von về sự ưu việt của giải pháp công nghệ số. Ông có thể chia sẻ về chuyện này?

– Dcorp R-Keeper Việt Nam là kiểu công ty công nghệ “làm thật, ăn thật” nên tránh khoa trương hoặc mang kỹ thuật ra làm khách hàng hoa mắt. Cá nhân tôi khi tư vấn cho khách hàng thường chia sẻ về công nghệ theo cách dễ hình dung nhất, sinh động nhất có thể.

Ví dụ, với những khách hàng lớn đã gắn bó với Dcorp R-Keeper thì ít nhiều đều được nghe tôi trình bày giải pháp đầu tư lớn một lần để sử dụng lâu dài, bền vững, chứ không cung cấp giải pháp kiểu “công nghệ của tụi em còn mới nên chưa vận hành trơn tru, từ từ khắc phục sẽ ngon lành”. Chừng nào ngon lành không biết, nhưng trước mắt, nhà hàng mất khách, mất cơ hội, sa sút về doanh thu và năng lực cạnh tranh. Tệ hơn là để khắc phục hậu quả chi phí “đập cũ xây mới” tốn kém không ít.

* Cụ thể thì bằng cách nào mà Dcorp R-Keeper Việt Nam gắn bó với nhiều doanh nghiệp F&B hàng đầu như Golden Gate, Red Sun, VinGroup, Hoàng Yến?

– Chúng tôi thường nhận được lời mời hợp tác, làm việc với những công ty F&B hàng đầu ở thời điểm họ tăng trưởng và mở rộng, và chính từ những yêu cầu khắt khe của họ đã giúp chúng tôi có những cải tiến để R-Keeper ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, năm vừa rồi chúng tôi đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, bên cạnh các trung tâm R&D lớn tại London, Frankfurt và Moscow. Với trung tâm R&D tại Việt Nam, chúng tôi đầu tư nghiên cứu và phát triển các phân hệ và tính năng tối ưu cho nhu cầu và môi trường kinh doanh địa phương và khu vực, tiếp tục vai trò tiên phong trong ngành ở quy mô toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đầu tư hàng chục triệu USD vào phát triển và mở rộng hệ sinh thái công nghệ giúp khách hàng áp dụng công nghệ số tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, phía công ty mẹ cũng đẩy mạnh việc mua lại một số công ty chuyên về công nghệ phụ trợ cho ngành nhà hàng ở châu Âu để bổ sung vào hệ sinh thái công nghệ của mình. Tại triển lãm “VietRF 2018 và Food & Hotel 2018”, chúng tôi đã giới thiệu một vài sản phẩm mới nhất trong hệ sinh thái công nghệ trên thiết bị di động phục vụ cho việc bán hàng, đặt hàng và tương tác với khách hàng.

Ví dụ như phần mềm đặt món trên thiết bị cầm tay của nhân viên, phần mềm cho khách hàng tự đặt món trên tablet, phần mềm đặt bàn, phần mềm quản lý thẻ thành viên và ưu đãi trên điện thoại của khách, hệ thống báo cáo thời gian thực trên di động, các ki ốt cho khách tự đặt món trong quầy thức ăn nhanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác với các công ty công nghệ tại Việt Nam để gia tăng tiện ích cho người dùng, như hệ thống phát hành và quản lý e-coupon, e-voucher, hệ thống ví điện tử hay các kênh thanh toán online, tích hợp với các công ty thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng, từ đó hình thành chuỗi giá trị và hệ sinh thái công nghệ đầy đủ và toàn diện nhất cung cấp cho thị trường.

* Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển tại thị trường Việt Nam của Dcorp R-Keeper?

– Dcorp R-Keeper không chỉ là một công ty triển khai công nghệ thuần túy, mà như tôi chia sẻ ở phía trên, chúng tôi đầu tư nhiều vào R&D với các tính năng mới, tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu và mô hình kinh doanh tại Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi sẽ khai trương trung tâm trải nghiệm công nghệ tại tòa nhà văn phòng mới, nơi để khách hàng tiếp cận tương đối đầy đủ những xu hướng công nghệ mới nhất hay những sản phẩm công nghệ tiên tiến mà Dcorp R-Keeper cùng các đối tác đang phát triển.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Song Hà