Công ty TNHH Giải pháp Môi trường Hana: Giải cứu nguồn nước bằng công nghệ và cái tâm một thương hiệu môi trường

0
1943

Những năm gần đây, mặc dù phát triển mạnh nhưng ngành Xử lý môi trường vẫn còn khá mới mẻ đối với truyền thông nói chung. Sở hữu công nghệ đặc thù, các tiêu chuẩn chất lượng riêng cùng định hướng phát triển bài bản, Hana đang bộc lộ các phẩm chất của một thương hiệu Giải pháp môi trường năng động và có chiều sâu.

Điểm sáng trong định hướng phát triển 

Có thể nói, tiềm năng của ngành Xử lý môi trường ở Việt Nam hiện nay rộng mở cả phạm vi hoạt động lẫn phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, để đánh giá hoạt động của ngành có rất nhiều tiêu chí như: Nhu cầu khách hàng, tính khả thi, chất lượng công nghệ,… và quan trọng nhất là lợi nhuận. Việc cân bằng các yếu tố trên để định hướng kinh doanh phù hợp là một bài toán không dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường.

Công ty TNHH Giải Pháp Môi Trường HANA là đơn vị trẻ hoạt động từ 2015. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là Xử lý nước: Xử lý nước thải, nước cấp sinh hoạt, nước nhiễm mặn … So với mảng xử lý nước sinh hoạt, nước nhiễm mặn, thì xử lý nước thải do tính chất nguồn nước đầu vào thay đổi tuỳ loại hình hoạt động của từng nhà máy, nên phức tạp hơn về quy trình cũng như công nghệ. Tuy nhiên, giám đốc công ty HANA, thạc sỹ Phạm Ngọc Tĩnh cho biết: “Không khó để đưa ra giải pháp, cũng như công nghệ xử lý nước thải đạt các tiêu chuẩn của nhà nước. Cái khó là thuyết phục khách hàng bỏ đi tư tưởng xây dựng Hệ thống xử lý nước thải chỉ để đối phó”.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Tĩnh: Giám đốc Công ty TNHH Hana Giải pháp Môi trường.

www.moitruonghana.com

Tốt nghiệp từ Đại học Công nghiệp TP.HCM, rồi học cao học tại Viện Môi Trường & Tài Nguyên TPHCM, anh Tĩnh có một quá trình tích lũy dày dạn kinh nghiệm lẫn hiểu biết về ngành của mình. Phân tích riêng yếu tố công nghệ, người đứng đầu công ty Hana cho thấy sự khác nhau giữ xử lý nước thải và xử lý nước nhiễm mặn: “Có rất nhiều công nghệ xử lý nước thải nhưng chỉ có duy nhất một phương pháp xử lý nước mặn được dùng trong thực tế đó là dùng màng lọc RO. Đến nay, công nghệ này trên thế giới gần như đã phát triển đến mức tối ưu!”.

Hệ thống lọc nước nhiễm mặn của Hana dao động từ 40 – 90 triệu đồng. Ưu điểm của hệ thống chính là “Áp dụng công nghệ Mỹ nên độ bền và chất lượng nước sau lọc có độ mặn tương đương bằng 0”, đồng thời có những Model khác nhau cho bà con lựa chọn. Đây được xem là cứu cánh cho người dân ở các vùng ngập mặn đang phải mua nước ngọt sinh hoạt, tưới tiêu với chi phí đắt đỏ từ 150.000 – 200.000 VNĐ/ 1m3 nước ngọt. “Đến giờ mình vẫn còn xúc động khi có cô/chú gọi đến cầu cứu “Người thì chịu đựng được chứ cây thì sắp chết rồi. Có cách nào giúp tôi không chú ơi!”” – anh Tĩnh hồi tưởng lại.

Là dân công nghệ bước sang lĩnh vực kinh doanh, không tránh khỏi những xung đột nhất định giữa mục tiêu chuyên môn với hoạt động công ty. Lúc này, anh Tĩnh  đăng ký học lớp đào tạo kinh doanh chuyên sâu, kêu gọi tham gia và chia sẻ vai trò quản lý cho đội ngũ công sự. Thương hiệu HANA đánh dấu bước dịch chuyển mới hiệu quả hơn. “Dù nền tảng chính của HANA là công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người và quản trị doanh nghiệp. Một thương hiệu môi trường không thể quá thiên lệch về chuyên môn hoặc lợi nhuận!” – anh Tĩnh tổng kết lại.

Niềm vui và cái tình đối với bà con vùng nhiễm mặn

Từ mảng xử lý nước thải, Hana chuyển qua mảng xử lý nước nhiễm mặn khoảng 2 năm gần đây. Đối tượng khách hàng là các hộ cư dân, nông dân thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt trong mùa khô – cũng là mùa xâm nhập mặn. Hiện tại, công ty đang phát triển thị trường Tiền Giang và Bến Tre, là hai tỉnh có độ nhiễm mặn cao nhất mấy tháng nay. Anh Tĩnh cho biết: “Ngoài việc cung cấp sản phẩm, mục tiêu quan trọng nhất là duy trì tốt dịch vụ chăm sóc sau bán hàng. Đó là cách chúng tôi xây dựng thương hiệu và chinh phục lòng tin của bà con!”.

Trong giới chuyên môn, xử lý nước nhiễm mặn được xem là ngành “không khó để theo nhưng cũng chẳng dễ phát triển”. Nói dễ là vì nhu cầu thị trường luôn cao, công nghệ gần như chỉ có một. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận thấp cộng với khó tìm được ngách thị trường riêng nên ít doanh nghiệp muốn tham gia. Người đứng đầu công ty HANA khẳng định: “Đừng nghĩ rằng lợi nhuận là tất cả, đưa đến được cho bà con một sản phẩm mà mình đặt cả kỹ thuật và cái tâm vì cộng đồng mang đến cho Hana những giá trị lớn lao khác và chúng tôi hạnh phúc với điều đó!”.

Thật vậy, động lực thúc đẩy doanh nghiệp cống hiến đơn giản chỉ là giá trị của họ được đón nhận và trân trọng. Anh Tĩnh kể lại “Mình cảm nhận được lòng tin tưởng, sự kỳ vọng trong ánh mắt bà con dành cho mình khi đi giới thiệu sản phẩm. Đó là nguồn khích lệ to lớn cho mình giữa nhiều khó khăn!”. Công nghệ này có thể không to tát gì nhưng mang lại cả sự sống “Giọt nước như giọt vàng” đến với người dân giữa mùa khô hạn ngập mặn. Đó mới thực sự là sứ mệnh cao quý của những con người làm công tác môi trường.

“Sự thoải mái, dễ chịu của bà con nông dân nơi đây khiến công việc của mình lúc nào cũng tràn đầy năng lượng!” là điểm nhấn trong câu chuyện của giám đốc công ty HANA. Đối với người làm công nghệ, tính thật thà chất phác của người dân vùng quê là một lợi thế vốn quý để những kỹ sư công nghệ động viên nhau làm thật tốt công việc của mình. Bởi vậy, cái tên HANA được lan tỏa những người dân miền quê với nhau bằng sự ngợi khen rất mộc mạc, đậm đà: “Chỗ này làm cho tui rồi, được lắm nha!”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến anh Tĩnh trăn trở. Trước hết là hạn chế ít hiểu biết về công nghệ của bà con nông dân. Sâu xa hơn vẫn là tâm lý chuộng rẻ, chỉ nhìn vào giá thành mà không nghĩ đến chất lượng. Rủi ro phát sinh chi phí đầu tư, chất lượng không đạt và không có chính sách bảo hành – chăm sóc cụ thể sẽ là gánh nặng lâu dài cho khách hàng. Tối ưu giá thành hệ thống hiện là bài toán lớn chờ anh cùng đội ngũ cộng sự giải quyết.

Hướng đến một dự án vì lợi ích chung trong tương lai

Đến nay, tính luôn cả hoạt động kinh doanh thì anh Phạm Ngọc Tĩnh đã có 16 năm làm trong lĩnh vực môi trường. Quá trình đó đúc kết cho anh quan điểm, thái độ và cách nhìn nhận sâu sắc những gì mình làm. Đứng ở vị trí cố vấn cho doanh nghiệp hay giải quyết vấn đề cho nông dân, tinh thần của HANA đều hướng đến lợi ích lâu dài và khả thi. Anh Tĩnh phân tích: “Mọi ngành nghề đều có mối liên hệ đối với môi trường. Nếu mọi người không có ý thức trách nhiệm chung thì đóng góp của chúng tôi cũng trở nên vô nghĩa!”.

Về ngắn hạn, hệ thống lọc nước nhiễm mặn giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt tạm thời. Nhìn xa hơn, công nghệ này có ý nghĩa tích cực đối với thổ nhưỡng. Nó sẽ góp phần hạn chế việc khoan giếng hút nước, gây sụt lún và tăng độ nhiễm mặn làm hư hại đất. Chi phí đầu tư máy một lần để sử dụng nhiều năm không đáng là bao so với hậu quả của khoan giếng. “Thực sự mình muốn tuyên truyền tác hại của khai thác nước ngầm vì lợi ích lâu dài của bà con hơn là vì công việc kinh doanh của mình!”  – anh Tĩnh bày tỏ.

Chia sẻ nhiều hơn về hệ thống lọc nước nhiễm mặn của công ty, anh Tĩnh cho biết dù công nghệ tốt đến đâu vẫn sẽ có điểm dừng. Nhu cầu sử dụng hệ thống lọc nước nhiễm mặn cũng có thời điểm chạm mức bão hòa trên thị trường. Những doanh nghiệp công nghệ như HANA sẽ bắt đầu một thời kỳ phát triển mới. Anh Tĩnh nói: “Đến lúc đó, Hana sẽ thay đổi chiến lược hoạt động, tiếp tục phát triển một sản phẩm mới như hệ thống lọc nước trên tàu đi biển chẳng hạn!”.

Sau mỗi công trình lọc mặn được hoàn thành, bên cạnh niềm vui vì thương hiệu của mình được tin tưởng lựa chọn là không ít nỗi tâm tư. Với giá thành từ 30 – 40 triệu trở lên, rất khó cho người dân vùng quê tiếp cận với công nghệ này. Điều đó ấp ủ cho anh Tĩnh ý định mở xưởng lắp ráp hệ thống lọc nước nhiễm mặn số lượng lớn bằng nguồn linh kiện chất lượng cao. “Mình là sẽ tối ưu giá thành hệ thống xuống còn một nửa so với hiện giờ. Lúc đó khả năng 2 – 3 nhà cùng nhau góp vốn đầu tư dùng chung là rất khả thi!” – anh Tĩnh tâm sự.

Chọn thị trường ít lợi nhuận mà nghiêng về lợi ích lâu dài là định hướng táo bạo đối với một thương hiệu trẻ như HANA. Bằng những đóng góp tâm huyết của mình, anh anh Phạm Ngọc Tĩnh đã cho thấy cái tâm và tầm của một doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở kinh doanh mà còn biết hướng về cộng đồng. Những thành tựu có được hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn lực để anh cùng công ty tiếp tục sứ mệnh mang công nghệ giúp ích cho đời.

Trung Lân