Mới ngoài 20 tuổi, Má A Nủ đã thành lập và là chủ nhiệm HTX H’Mông Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. HTX của A Nủ là đơn vị tiên phong trong việc SX, chế biến dược liệu từ rừng…
A Nủ vào rừng lấy cây thuốc |
HTX của A Nủ là đơn vị tiên phong trong việc SX, chế biến dược liệu từ rừng, giúp nhiều gia đình người Mông nơi đây vươn lên làm giàu.
Nghèo vật chất, giàu ý chí
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp Má A Nủ (SN 1994), là sự cảm mến đặc biệt. A Nủ, một chàng trai người Mông trẻ trung, hiện đại, nhiệt huyết và cởi mở. Anh cũng là chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 vinh danh những nhà nông trẻ xuất sắc có thành tích đặc biệt trong SX, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Ít ai biết được rằng, tuy mới ngoài tuổi 20, A Nủ đã từng đứng lên thành lập, đồng thời là chủ nhiệm HTX H’Mông Cát Cát. HTX chủ yếu kinh doanh các loại tinh dầu chiết xuất từ tự nhiên, thuốc tắm, muối ngâm chân, xà bông tắm, nến sáp ong, dịch vụ tắm lá thuốc, homestay… được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Nhờ các sản phẩm du lịch đa dạng này mà tuy mới thành lập, nhưng HTX đã ổn định doanh thu, đảm bảo công việc thường xuyên, thu nhập đều đặn cho 14 xã viên và nhiều lao động.
Sơ chế dược liệu |
A Nủ sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em. Khi A Nủ học tới lớp 9, người anh cả là lao động chính của gia đình thi đỗ đại học. A Nủ thầm nghĩ, nếu cả hai cùng đi học, tiền đâu để ăn học, lại còn các em. Cuối cùng, A Nủ quyết định bỏ học đi làm thuê. Bốn năm trời đằng đẵng làm công cho một đơn vị du lịch, A Nủ vô tình biết đến công việc chiết xuất tinh dầu thảo dược và quyết tâm theo đuổi.
Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Hoàng Liên, A Nủ không chỉ gắn bó, thân thuộc với từng gốc cây ngọn cỏ mà còn tâm huyết đặc biệt đối với các bài thuốc thảo dược tăng cường sức khỏe của đồng bào mình.
Khâu chuẩn bị nấu dược liệu |
Năm 2013, A Nủ cùng vài người bạn thành lập một nhóm, tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm trên những loài thảo dược quý sẵn có tại Sa Pa. Ban đầu, gia đình và bạn bè nhiều người nghi ngờ, ngăn cản, nhưng A Nủ quyết không từ bỏ.
Thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhiều mẻ thảo dược với bao công sức làm ra đôi khi phải bỏ. Nhưng sau mỗi lần thất bại, A Nủ lại như có động lực để tiến lên. “Mất nửa năm trời, mỗi lần thất bại tôi lại rút được một bài học về dược tính, nhiệt độ, cách chiết xuất sao cho phù hợp nhằm giữ được mùi hương nguyên chất từng loại thảo dược như: bạc hà, màng tang, quế, hương nhu…”, A Nủ tâm sự. |
Nhờ gom góp được chút vốn rồi huy động bạn bè người thân cùng làm, anh mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương thành lập HTX. Xưởng sản xuất được xây dựng trên diện tích 200m2, với tổng kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng. Rất may, Sở Công thương tỉnh Lào Cai đứng ra hỗ trợ 150 triệu đồng. Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị đầu tư hiện đại, đảm bảo dược liệu được chiết xuất sạch, giữ được dược tính tốt nhất.
Một trái tim bao dung
Sau chuỗi ngày thất bại thì thành công cũng tới. Những sản phẩm đầu tiên của A Nủ cũng được bán ra thị trường. Năm 2014, HTX lãi trên 300 triệu đồng. Dần dần, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, doanh thu tăng lên, A Nủ mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng SX với quy mô lớn hơn.
Có sẵn vốn kiến thức từ các bài thuốc dân gian, A Nủ nảy ra sáng kiến biến chúng thành những sản phẩm quảng bá tới khách du lịch với suy nghĩ mộc mạc là để mọi người đều được hưởng thụ những sản phẩm tốt nhất đến từ núi rừng. Bởi thế, không chỉ dừng lại ở sản phẩm tinh dầu, từ nguồn dược liệu phong phú ở địa phương, A Nủ say sưa nghiên cứu cách chế biến, chiết xuất và đã SX thành công các sản phẩm mới từ tinh dầu dược liệu như xà phòng tắm, dầu gội, dung dịch tắm, ngâm… từ các bài thuốc cổ truyền của người Mông, Dao tại Sa Pa.
Đích thân A Nủ vào bếp nấu dược liệu |
Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ SX, A Nủ trồng gần 5ha dược liệu như gừng, sả, thảo quả, long não và khai thác các cây màng tang, chùa dù… sẵn có trong tự nhiên. Những lúc đông khách, A Nủ phải huy động thêm hàng chục lao động ngoài HTX để thu hái dược liệu. Hiện nay, diện tích dược liệu của HTX còn mở rộng sang cả xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu). Sản phẩm của A Nủ được ưa chuộng bởi tính tự nhiên cao, an toàn với người sử dụng.
Đến nay, các đơn hàng đã vượt ngoài phạm vi của Sa Pa, Lào Cai ra các tỉnh lân cận, đến cả thủ đô Hà Nội và TP.HCM, thậm chí nước ngoài. HTX của A Nủ còn mở thêm các dịch vụ tắm, ngâm chân bằng thảo dược và trải nghiệm du lịch nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Kiểm tra sản phẩm kỹ lưỡng trước khi xuất bán |
Phải nghỉ học từ sớm, A Nủ thấu hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. A Nủ đã thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% từ mỗi sản phẩm bán ra, góp vào quỹ. Anh còn đang tranh thủ vận động các nhà hảo tâm quyên góp sách cũ thành một thư viện, xúc tiến mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ngay trong khuôn viên HTX.
“A Nủ trẻ tuổi mà lại có niềm đam mê mãnh liệt với cây dược liệu dân tộc. Những sản phẩm của HTX do anh làm chủ nhiệm đã có chỗ đứng và dần khẳng định thương hiệu trong lòng khách du lịch. Chính quyền xã đã cùng A Nủ trao đổi cách làm, động viên thanh niên địa phương tham gia để có nhiều giống cây dược liệu quý hơn nữa”, Chủ tịch xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết. |