Thế hệ trẻ được kì vọng trong việc bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa 

0
885

Vừa qua hội thảo về không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP. HCM” diễn ra tại Tòa nhà Saigon Times Square (Q1, TP.HCM).

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở quy hoạch – Kiến trúc TP. HCM và Công ty Cổ phần Minerva tổ chức dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên viện trưởng  nghiên cứu phát triển TP. HCM.

Hội thảo về không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP. HCM”.

Tham dự Hội thảo lần này có đại diện các sở Xây dựng, – Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở du lịch TP. HCM … Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của 30 chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản trong nước và gần 10 chuyên gia, nhóm chuyên gia nước ngoài (Pháp, Singapore, Ý, Nhật, Trung Quốc).

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận để tìm giải pháp bảo tồn hiệu quả các công trình kiến trúc cổ tại TP.HCM. Đại diện các cơ quan quản lý cung cấp thông tin tổng quan về hiện trạng các công trình cần nghiên cứu bảo tồn và chương trình bảo tồn TP.HCM đang thực hiện.

Đại diện các cơ quan cũng thể hiện rõ chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn các công trình có giá trị. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu trong nước đi sâu vào phân tích các mô hình, giải pháp, kinh nghiệm trong nước và quốc tế  về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Suốt quá trình thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận và phân tích các áp lực từ nhu cầu phát triển thành phố tác động đến hoạt động bảo tồn. Áp lực này khiến việc bảo tồn các giá trị về kiến trúc cảnh quan gặp nhiều thách thức. Vì lẽ đó, các đại biểu cũng phân tích kỹ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan gồm cả nhà quản lý, nhà nghiên cứu lẫn chủ sở hữu các công trình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng đến sự phát triển bền vững và đậm đà bản sắc.

Hội thảo tập trung đánh giá tính cấp thiết của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tại TP.HCM. Đồng thời, hội thảo tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử  tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, một số trường hợp điển hình được đưa ra thảo luận gồm: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố, Villa số 110 – 112 Võ Văn Tần và một số công trình có giá trị về lịch sử và văn hóa ở Quận 5, TP.HCM.

Các chuyên gia kiến nghị đưa khu biệt thự cổ 100 tuổi trên đường Võ Văn Tần, TP.HCM  để phát huy, bảo tồn giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa Sài Gòn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ nước ngoài trình bày những hướng tiếp cận lý luận, có chuyên môn sâu và những kinh nghiệm quốc tế về công tác quản lý bảo tồn và mang lại hiệu quả toàn diện cho các công trình, khu vực có giá trị di sản kiến trúc cảnh quan … có thể nghiên cứu áp dụng cho TP.HCM.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu Kiến trúc của Sở quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết: “Hiện nay, vấn đề bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TPHCM là rất cần thiết. Đây là hướng đi đúng đắn không chỉ góp phần khẳng định những giá trị vốn có của dân tộc, phát huy những giá trị đó trong thời đại toàn cầu hóa, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thu hút khách du lịch tham quan TP.HCM.

Giữ gìn di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Bản thân tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay trong vấn đề giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa. Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với việc nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc, các bạn thực sự nghiêm túc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc và đã nhận thức được những giá trị mà di sản văn hóa dân tộc để lại. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bản thân ông đặt rất nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay trong vấn đề giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa. 

Tôi tin rằng với khả năng tiếp cận truyền thông nhanh và năng lực ngoại ngữ tốt, người trẻ có thể xúc tiến nhiều hoạt động truyền thông sáng tạo để việc bảo tồn di sản trở nên hấp dẫn, cùng với đó là kéo theo cộng đồng quốc tế tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam”.

 

Yến Nguyễn