* Thời của Tạp chí (Phần 1): Vong thân trước mạng xã hội
* Thời của Tạp chí (Phần 2): Thuốc gây mê của những kẻ nghiện view
* Thời của Tạp chí (Phần 3): Đứng trên vai những người khổng lồ
* Thời của Tạp chí (Phần 4): Cận cảnh và soi chiếu
* Thời của tạp chí (Phần 5): Nghề và nghiệp
* Ấn phẩm Thế Giới Khởi Nghiệp (Tập 4)
Ở đó, các thủ thuật công nghệ tăng view vừa như một hiểm họa, vừa giống một giấc mơ, thể hiện một quyền năng đáng kinh ngạc đối lập với nội dung báo chí, mọc lên từ sự mê hoặc khó cưỡng lại của các chỉ số truy cập, lưu trang hiển thị từng giây. Nó đòi hỏi các tòa soạn báo chí chọn lấy một thái độ dấn thân: hoặc tập trung đầu tư đội ngũ làm thủ thuật công nghệ, đổi lấy sự hiệu quả bằng một bảng số liệu đẹp , câu view bằng mọi cách để thu tiền từ các nền tảng quảng cáo tự động; hoặc kiên định xây dựng nội dung-giá trị cốt lõi của mọi loại hình truyền thông- để thật sự làm cho báo chí đoạt lại vị trí làm chủ dòng chủ lưu dư luận.
Với tư cách là người đã từng có cơ duyên kinh qua tất cả các vị trí : từ phóng viên, biên tập viên đến thư ký Tòa soạn… trong nhiều cơ quan báo chí từ Nam chí Bắc, từng trực tiếp tác nghiệp và tổ chức nội dung trong tất cả các “mảng” chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, giải trí…, từng xông pha từ rừng hoang núi thẳm, vỉa hè thành thị, “động” buôn người đến nghị trường Quốc hội để làm tin – bài tường thuật, phỏng vấn, phóng sự, điều tra, đã từng thử sức cả với tạp chí lẫn nhật báo, nói cách khác là đã trải nghiệm qua quá nhiều vui sướng, cay đắng, bầm dập của nghề báo, cá nhân tôi chọn cách thứ 2. Vì sao vậy?
Ngay từ thập niên trước, khi Internet và các thiết bị cầm tay kết nối với nó- đặc biệt là smartphone và máy tính bảng-trở nên phổ biến, không một ai tỉnh táo lại nghĩ rằng nhật báo tin tức còn có cơ hội tái hiện vẻ huy hoàng trước đây.
Khởi nguồn từ một cõi băng thông giống như đến từ hư vô, ngay từ khi mới xuất hiện, nền tảng truyền thông website lập tức trở thành một hóa thân của quái vật Medusa trong thần thoại Hy Lạp, làm hóa đá mọi tin tức sốt dẻo trên báo in, làm cứng đơ mọi kỹ năng “săn tin” của phóng viên nhật báo. Bị giới hạn về tốc độ và biên độ bởi phương thức xuất bản định kỳ, phụ thuộc nhà in, ngôn ngữ và rào cản biên giới quốc gia, trang nhật báo giống như một pháp trường trắng hành quyết những khái niệm như “Tin mới nhận”, “Tin giờ chót”, “Tin độc quyền”.
Đi qua kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện, những lý thuyết lỗi thời, những kiểu tư duy bức tử sự sáng tạo trong cách thể hiện (mà trớ trêu thay, cho đến bây giờ vẫn không bị chối bỏ trong giáo trình báo chí của các trường Đại học), những cái khuôn đúc ra kiểu viết tin hình tháp ngược giống nhau đến nhàm chán, ngắc ngoải, giãy giụa trên trang nhật báo (và ở chừng mực nào đó là các loại hình báo chí truyền thống khác như truyền hình và phát thanh)-khiến người đọc, người xem ngán ngẩm và kinh sợ – đã thực sự đáng bị đào thải. Và rồi mạng xã hội với tính lan tỏa và sức tương tác “thần thánh” ra đời, giống như một phát súng ân huệ, kết liễu luôn cả niềm hy vọng cuối cùng của báo chí truyền thống, bao gồm cả nhật báo, phát thanh, truyền hình, báo điện tử với tư cách là một phương tiện truyền lưu ưu việt về phương diện xã hội.
Khi đó, nhật báo chỉ còn là một xác chết, website tin tức đã chiếm lĩnh trận địa truyền thông bằng một hành động tối hậu với dáng vẻ lạnh lùng: hạ sát báo in. Hệ thống phát hành nhật báo- một binh chủng hợp thành hùng hậu với khí tài thô sơ bao gồm bưu điện-sạp báo-người bán báo dạo-xe rao loa- đã tan rã, nói đúng hơn là bị phá hủy bởi băng thông rộng.
Báo điện tử trong sắc áo website có nguy cơ lâm vào kết cục còn tệ hại hơn: bị hòa tan, trở nên trong suốt giữa biển thông tin trực tuyến trên internet, đến mức người dùng đôi khi không phân biệt nổi đâu là báo chí điện tử, đâu là website tin tức.
Thực tế đã cho thấy, hiện thực khắc nghiệt luôn đè nặng áp lực lên đôi vai còn khá non trẻ đang gánh vác giấc mơ về sự hiện hữu của dòng chảy thông tin báo chí (vốn trước đây là dòng chảy chủ lưu) trong biển thông tin xã hội của báo điện tử. Sự tiệm cận vô thức đến việc buông bỏ gánh nặng, mà thực chất là buông bỏ sứ mệnh người lĩnh xướng trong dàn giao hưởng thông tin (vốn trở nên đa sắc hơn bao giờ hết trong thời đại công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo, theo sát và cập nhật thói quen người dùng, trong đó có bạn đọc), báo chí điện tử đang hòa thanh cùng website câu view đến mức khán giả (ở đây là bạn đọc) không phân biệt nổi đâu là solo, đâu là bè phụ.
Giai điệu chính- những thông tin chính thống, có quan điểm, có độ xác thực cao mà không ai khác, chính báo chí phải gánh vác bởi tính chuyên nghiệp, bởi quyền năng được xã hội và luật pháp thừa nhận rằng báo chí là một nghề, rằng người làm báo là người được trang bị những phương tiện, kỹ năng và cả quyền hạn để làm tốt nghề nghiệp của mình – đôi lúc đã biệt vô tăm tích trong bản tổng phổ phức điệu thông tin tự nhiên chủ nghĩa trên Internet của cư dân mạng (vốn chính là đối tượng phục vụ của báo chí).
Fake news (tin giả)-một dạng thức mang gương mặt @ của tin vịt và tin vỉa hè trước đây- vì vậy đã trở nên khó nhận diện hơn trong suốt chiều dài lịch sử của việc cung cấp thông tin chính thống, từ thuở “ trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”, băng qua những chặng đường ngựa trạm truyền tin để trở thành những bản tin multimedia, e-magazine (kiểu bài báo đa phương tiện có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa) hay long-form (các bài viết dài với dung lượng nội dung lớn) thời hiện tại.
Hiện tại, rất nhiều người làm báo, trong đó có tôi cảm nhận sâu sắc rằng, trên thực tế, Facebook và Google đã trở thành những tờ báo khổng lồ nhất mọi thời đại, có dung lượng thông tin và độ nhanh nhạy mà mới ngay trong thập niên trước, chúng ta không hình dung nổi. Nếu báo chí cứ cuốn theo cách làm bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua thông tin với mạng xã hội thì đó sẽ là một sai lầm chí tử, dẫn chúng ta đến một đường hầm không lối thoát.
Ở khía cạnh khác, cũng trong bài phỏng vấn trên báo Công luận đã dẫn ở trên, tôi đã tâm sự thật lòng: “Báo chí hiện nay không phải là kênh truyền thông độc tôn như trước đây, nó phải đối mặt với mạng xã hội có những ưu thế áp đảo về sức lan tỏa và tính tương tác. Người đọc không cần báo chí cũng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Những thông tin này chỉ cần một cú click chuột là có thể xuất hiện trên mọi kênh truyền thông, san bằng mọi ưu thế về tính phát hiện, tính độc quyền của thông tin báo chí.
Khái niệm về tin tức báo chí 5W,1H (ai, cái gì, ở đâu, bao giờ v.v…) trở nên lỗi thời. Vì vậy, báo chí muốn tiếp cận được bạn đọc phải cung cấp được những tin tức khác với trước đây. Thay vì phản ánh, báo chí phải sáng tạo. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng-đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư. Theo tôi, đó là sự khác biệt và cũng là khe cửa hẹp để báo chí “thoát hiểm” và “sống sót” trước sức ép của những nền tảng truyền thông mới đầy ưu thế được khai sinh từ sự phát triển của công nghệ”.
Trên phương diện này, tôi nghĩ rằng, có một giá trị nội dung cốt lõi khác của báo chí, đồng thời cũng là “phòng tuyến” kiên cố cuối cùng của báo chí trong cuộc chiến với “cối xay gió” mạng xã hội, đó chính là tính chuẩn xác và trung thực của tin tức. Cư dân mạng có thể đưa cảm xúc thái quá, đưa thiên kiến, đưa tranh luận cá nhân, đưa những tin đồn, thậm chí tin giả (fake news), mà họ nghe ngóng và nhìn nhận một cách tự nhiên chủ nghĩa lên mạng xã hội mà không phải chịu những ràng buộc, điều chỉnh theo pháp luật về báo chí, không bị ước thúc bởi những quy ước đạo đức về báo chí.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính ưu thế này của mạng xã hội đã tạo cơ hội cho báo chí, giúp báo chí thu hút được người dùng bởi sự tin cậy và tính chính thống, chuẩn xác của thông tin. Một câu hỏi khác được đặt ra, trong một không gian mà ranh giới cho sự thỏa hiệp giữa báo chí và phần còn lại của lĩnh vực truyền thông rất nhạt nhòa, đâu là vùng đất hứa của chúng ta?
Trong những suy nghiệm cá nhân về một mối liên hệ mà ở đó hình thức truyền tải thông tin có thể biến đổi cùng lịch sử, tôi cảm nhận toàn bộ khái niệm thông tin báo chí đang trở thành một cuộc đặt vấn đề về mặt nội dung, còn hình thức chỉ là cái vỏ của bi kịch. Điều đó có nghĩa là, mối quan tâm của chúng ta, những người làm báo, nên đặt ở chính bản thân tin tức, chứ không phải là nền tảng truyền thông, cho dù đó là giấy in, sóng radio, TV hay Internet.
Mối quan tâm ấy bao bọc toàn bộ sự phát triển trong tương lai của báo chí, gần như kiểu rừng rậm và biển sâu cùng với sự kết nối của 2 không gian này sẽ phác họa ra cho chúng ta hình hài một con đường hướng tới đích đến.Nếu không cố gắng định nghĩa lại thế nào là tin tức báo chí- một hành động tự ngắm mình, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến hồi cuối của khát vọng tái hiện lại giá trị nội dung báo chí vẫn bám theo từng bước sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và nội dung số.
Theo thiển ý của cá nhân tôi, ở phía đối cực với dáng vẻ hoang dã, “hoa cỏ ngọt chen giao cùng trái độc” của truyền thông mạng, báo chí phải tạo dựng được một không gian tin tức trong lành, mang lại hiệu ứng cả về thái độ tiếp nhận thông tin cũng như cảm xúc của bạn đọc, mà ở đó, nhà báo đóng vai trò cả người tham gia lẫn người quan sát những vấn đề của thời cuộc. Thay vì chuyển tải tin tức đơn thuần, nhà báo -ở giác độ chính thống và chuyên nghiệp-phải là người đưa quan điểm, góc nhìn mang tính chiều sâu hơn đến với bạn đọc. Nói cách khác, thay vì phản ánh đơn thuần, báo chí phải cố gắng hướng tới sáng tạo.
Làm thế nào để có được bản sắc riêng biệt đó? Rất may, chúng ta đã có một lựa chọn, một xu hướng, thậm chí là một điểm tựa để có thể hy vọng rằng: Chúng ta sẽ bẩy tung mọi lực cản để phát triển. Lựa chọn đó chính là một loại hình đặc thù không hề xa lạ với người trong nghề: loại hình Tạp chí.
Với sự hiểu biết hạn hẹp của cá nhân, tôi nghĩ rằng loại hình Tạp chí không đơn giản là một nội hàm mang 50% ý nghĩa của từ kép mà lâu nay chúng ta vẫn quen ghép chung: báo-chí. Tính chất của “báo” và của “chí” khác nhau như thế nào, cần phải nhận thức và phân định rõ trên cơ sở khái niệm chung của thuật ngữ báo chí, đó là việc báo-chí đều là phương tiện chuyển tải nội dung thông tin đến bạn đọc, chỉ có điều nội dung thông tin trên tạp chí phải mang tính chuyên sâu,có hàm lượng tri thức, chất xám nhiều hơn, có quan điểm, góc nhìn tường minh, rõ ràng hơn nội dung thông tin đơn thuần trên báo (vốn mang tính cập nhật, nhanh nhạy hơn).
Trên phương diện này, tôi cảm nhận rằng, trên phạm vi toàn cầu, báo chí hiện đại đang chuyển dần sang xu hướng tạp chí hóa, bằng chứng là nhiều cơ quan truyền thông lớn của các quốc gia có truyền thống hàng trăm năm về báo chí đang tiệm cận gần hơn đến phương thức khai thác thông tin của tạp chí: “bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức. Ở phương diện thuần túy mang tính chuyên môn, hãy nhìn BBC hay The NewYork Times, bây giờ đó không phải là những cơ quan truyền thông nhanh nhạy, sốt dẻo bậc nhất nữa, nhưng họ vẫn duy trì được thương hiệu vì tính bản sắc trong thông tin.
Bây giờ người ta nghe, đọc BBC, NewYork Times chủ yếu không phải để biết sự kiện, mà là biết quan điểm của người viết (đương nhiên cũng là của BBC, NewYork Times). Đó là một minh chứng cho việc báo chí đã bước đầu học được cách đứng trên vai mọi người khổng lồ: Google, Facebook, Youtube hay bất kể một King Kong, khủng long nào xuất hiện trong tương lai.
Do kết cấu cần thiết của việc liên kết các luận điểm, tôi xin được trình bày kiến giải dưới góc nhìn cá nhân về sự lựa chọn loại hình tạp chí ở những phần sau của tiểu luận này.Tuy nhiên, với sự nghiêm túc và chân thành nhất, cá nhân tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, hiện tại (và cả tương lai) chính là thời của tạp chí.
(còn tiếp)
Mời quý độc giả đón đọc (phần 4) Thời của tạp chí có tựa đề: Cận cảnh và soi chiếu
Nhà báo: Nguyễn Tiến Thanh/Thiết kế: Thế Hiệp/Người đưa tin