Trang chủ Đời sống Đau lòng cô bé từng là học sinh giỏi quốc gia trở...

Đau lòng cô bé từng là học sinh giỏi quốc gia trở thành bệnh nhân tâm thần cai nghiện YouTube

0
458
Trong phòng điều trị tại khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Thị Trang (18 tuổi, Nam Định) ngồi co ro một mình, khuôn mặt hốc hác vì nhịn ăn nhiều ngày. Cứ khoảng 10 phút, Trang bắt đầu thực hiện những hành động kỳ quặc, theo VTC News.
Ảnh chụp màn hình: VTC News.

Đã 5 tháng kể từ ngày Trang vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mỗi ngày cô bé đều lặp đi lặp lại với chu kỳ lẩm bẩm một mình, la hét, đập phá đồ đạc rồi được tiêm thuốc an thần và chìm vào giấc ngủ.

Ít ai biết rằng, cô bé “điên” này từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, là niềm tự hào của gia đình. Ở trường, cô bé nổi tiếng hát hay, múa đẹp, được thầy cô và bạn bè vô cùng quý mến. Nhưng giờ đây, ở tuổi 18, em đang giành giật từng chút “linh hồn” của mình sau thời gian dài trầm cảm do nghiện Facebook và YouTube.

Cuộc đời Trang sang ngã rẽ mới vào năm lớp 11. Để động viên con gái học giỏi, gia đình quyết định tặng cho em chiếc điện thoại thông minh, loại cao cấp nhất thời điểm đó. Ban đầu Trang chỉ dùng điện thoại để nhận cuộc gọi và nhắn tin cho gia đình. Dần dần Trang bị thu hút rồi chìm vào “thế giới ảo”, đến mức không thể rời mắt bởi video clip trên YouTube.

Buổi sáng, Trang đi học bình thường nhưng từ chiều cho đến tối, không lúc nào Trang không cầm điện thoại. Ngay cả khi đi vệ sinh, đi tắm, điện thoại là vật bất ly thân. Có những ngày, cô bé thâu đêm để lướt web, xem video clip.

Một năm trôi qua, một ngày anh Phong (bố của Trang) nhận điện thoại của giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên làm việc. Cô giáo cho biết sức học của Trang sa sút thảm hại. Em có xu hướng xa lánh bạn bè, giờ ra chơi chỉ nằm ngủ hoặc xem điện thoại.

Cực chẳng đã, gia đình bàn nhau tạm thời cắt Internet, không cho Trang sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh. Nào ngờ, Trang nổi điên với bố mẹ, la hét, đập phá đồ đạc, thậm chí cô bé còn doạ tự tử nếu bị thu điện thoại.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi sang năm học lớp 12, Trang nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với bố mẹ. Tại trường, Trang xa lánh bạn bè, thầy cô; lực học tụt dốc không phanh và bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi. Người bạn duy nhất của cô bé là chiếc điện thoại di động.

Ảnh chụp màn hình: VTC News.

Một ngày, chị Mây (mẹ Trang) tình cờ xem được đoạn nhật ký của con gái. Trong đó Trang kể rằng cô bạn đang tham gia một hội nhóm trẻ và có thử thách là tự làm đau mình hoặc tự tử. Nhóm bạn này gọi đây là nghi lễ để giải thoát khỏi sự đau khổ của cuộc sống.

Chị Mây ngã qụy, run rẩy không nói thành lời. 20 phút sau, anh Phong lái xe thẳng về nhà. Họ lên kế hoạch phải cứu lấy con gái trước khi quá muộn. Anh Phong quyết định nhờ người chích thuốc mê đưa con gái đến thẳng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để cai nghiện mạng xã hội, YouTube.

Ba năm trước, Trang từng xem một đoạn phim ngắn có tên Man in Phone. Bộ phim kể về một người đàn ông Nhật Bản bị mắc chứng nghiện xem điện thoại. Lâu dần anh ta xuất hiện những triệu chứng giống như bị nghiện ma túy và hành xử rất kỳ lạ. Người đàn ông bị mắc kẹt trong thế giới ảo và không làm cách nào để thoát ra được.

Những tưởng, câu chuyện trên chỉ có ở trong các bộ phim. Thế nhưng, giờ đây cô bé đang trải qua những tháng ngày ấy ngay chính ở cuộc đời thực. 18 tuổi, Trang còn quá trẻ để phân biệt những điều tốt – xấu, thị phi trên internet, cô bé cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của việc lạm dụng mạng xã hội mà thôi. Mong em và gia đình sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này để bắt đầu lại cuộc sống.

Đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, không được để trẻ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại thông minh và internet, nếu không sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc khôn lường. Kỳ thực, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, không chỉ trẻ con hay thanh thiếu niên mà ngay cả người trưởng thành, nếu tâm lý không vững vàng và tỉnh táo cũng sẽ dễ bị cuốn theo internet, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống.

(Tên của các nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi)

Trần Phong