Trang chủ Tin tức Ai dư đến cho, ai thiếu đến nhận: ‘Văn hoá 0 đồng’...

Ai dư đến cho, ai thiếu đến nhận: ‘Văn hoá 0 đồng’ ấm áp giữa Sài Gòn hoa lệ

0
978
Với mục đích kêu gọi sự sẻ chia và lan toả yêu thương, các cửa hàng dịch vụ 0 đồng (0đ) miễn phí như: ăn cơm chay, quần áo cũ, lớp học tình thương, đọc sách, uống trà, ăn bánh, bánh mì, hạt giống nông nghiệp, cắt tóc, trà đá, phòng trọ… xuất hiện đâu đó khắp ngõ ngách Sài Gòn. Và còn nhiều nhiều nữa những tấm lòng của người Sài Gòn mà nếu kể chắc “nghìn lẻ một đêm” mới hết…
Ảnh: VnExpress/VTC/Phật Giáo

 

Ấn tượng về Sài Gòn trong tôi khi ấy là nơi con người tứ xứ đến nương náu đau đáu thoát nghèo. Rồi sau này tôi đến Sài Gòn học, những tháng ngày sinh viên cho tôi cảm nhận khác: Sài Gòn – nơi mở ra những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Quần áo miễn phí

Tôi vẫn nhớ nụ cười hạnh phúc của ông Tư Ẩn – cụ ông Tư Sài Gòn tuổi 80 mỗi ngày đi hơn 50km bán quần áo giá 0 đồng. Ông Tư Ẩn giải thích rằng ông để bảng bán quần áo giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận và để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý. Chỉ cần họ trả bằng một nụ cười, cái gật đầu cảm ơn là được rồi…

Hay một góc Sài Gòn khác, vào một buổi sáng chủ nhật, mới 8 giờ sáng nhưng các suất điểm tâm đã gần hết veo và rất đông người đang chăm chú lựa quần áo phù hợp với mình.

Đây là cửa hàng của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp. Trong 4 tuần mở cửa, nơi đây đã phục vụ hàng nghìn suất ăn và quần áo cho người lao động nghèo trong khu vực.

Chị Lê Thị Nguyên (P.9, Q.Gò Vấp) vừa tranh thủ sửa quần áo cho mọi người vừa hồ hởi kể rằng khi có người tài trợ, ủng hộ, các sơ sẽ đứng ra nhận rồi lại chia sẻ cho những người cần. Đồ cho người ta, người ta mặc không vừa thì mình sửa giúp. Nhà có tiệm may nên cũng nhiều việc, nhưng nhiều người hoàn cảnh khó khăn lắm, mình giúp được gì thì giúp thôi…

Đó cũng chỉ là những ví dụ nhỏ nhoi của tình thương mà tôi xin trích dẫn của báo đài và sau khi được mục sở thị, tôi luôn thấy được nụ cười hạnh phúc của người nhận, cái nhìn ấm áp sẻ chia của người cho. Sự trân trọng người nghèo, sức mạnh của lòng cảm thông, cái thơm thảo của tình người ở nơi bạn bè tôi vẫn thường kháo nhau: Sài Gòn hoa lệ, hoa cho kẻ giàu và lệ cho người nghèo.

Hớt tóc từ thiện

Thi thoảng trên vỉa hè công viên, khu dân nghèo,… lại xuất hiện những bảng mica viết chữ nguệch ngoạc: “Hớt tóc từ thiện tại đây”. Có thể vào ngày 1, ngày 30 hay bất kỳ một ngày nào đó trong tuần; kèm với một chiếc ghế cắt tóc, một chiếc kính cùng vài chiếc ghế con con cho khách ngồi đợi. Những anh chàng cắt tóc thoăn thoắt điệu nghệ tậm tâm chăm chú từng nét cắt, thi thoảng khách lẫn thợ trêu chọc nhau, kể cho nhau cuộc đời hoặc tán gẫu những chuyện tiếu lâm… là những hình ảnh không quá hiếm thấy ở Sài Gòn. Nhiều người qua đường không hiểu thường đưa qua những ánh mắt ái ngại liệu rằng có phải những chàng trai này đang học nghề và luyện tay? Với tôi, tôi biết không hoàn toàn là vậy, những cậu, anh, chị cắt tóc đều có cửa tiệm hớt tóc đông khách của chính mình; chỉ vì mong ước san sẻ tình thương, mong muốn giúp đời, mong muốn bản thân và nghề nghiệp càng có ích hơn cho xã hội.

Trà đá miễn phí

Vào mùa nắng nóng, dưới cái nắng gần 40 độ C, những bình trà đá phục vụ miễn phí đặt khắp các vỉa hè ở Tp. HCM luôn thu hút người đi đường, bất kể dân văn phòng, công nhân, học sinh… Ngoài đa số các con đường có từ 1-2 địa điểm phục vụ trà đá miễn phí ra, cá biệt có một số đường phố lớn, với lưu lượng đông đúc người qua lại như: Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Hậu Giang, Bạch Đằng, Hồng Bàng… thì các bình, thùng trà đá miễn phí xuất hiện với số lượng dày đặc, nghĩa là có những chỗ khoảng cách từ điểm trà đá miễn phí này, tới điểm trà đá phục vụ miễn phí kia trên cùng một đường phố, chỉ là vài ba trăm mét.

“Có bình nước này đỡ lắm, nắng nóng khát nước liên tục, người nhặt ve chai như tôi tiền đâu mà mua nước. Nhờ bình nước này mà chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí”, chị Trần Thị Nga (Gò Vấp) ngày hai lượt vào uống nước tại bình trà đá của ông Út, chia sẻ với VnExpress.

Theo báo Giác Ngộ, dẫn lời Anh Lê Huy Ân, chủ cửa tiệm mắt kính Lan, tại số 147 đường Trương Định, phường 9, quận 3 cho biết, anh đặt thùng nước phục vụ miễn phí từ 4 năm nay. Mỗi ngày trung bình anh đặt 1 bình nước lọc tinh khiết, với giá mua sỉ 15.000 đồng, vị chi 1 tháng anh cũng “tiêu tốn” vào công việc làm từ thiện của mình chừng hơn 300.000 đồng. Một số tiền không lớn, nhưng theo anh Ân thì kể cả có tốn nhiều tiền hơn nữa, anh cũng cảm thấy vui vì được mang tấm chân tình của mình phục vụ, mang lại niềm vui nho nhỏ cho mọi người, nhất là những người lao động, người nghèo mưu sinh phải kiếm từng ngàn.

Điểm chung của “chủ bình nước từ thiện” là xuất phát từ tấm lòng, tình thương đối với những người nghèo khổ. “Chủ bình nước từ thiện” có thể là bất kỳ ai, hoặc đơn giản là những người đã từng uống qua bình nước từ thiện trước đó. Một suy nghĩ chung đó là khi đặt bình trà miễn phí chắc chắn mỗi ngày sẽ giúp đỡ được vài ba chục người, thậm chí là nhiều hơn nữa, không phải bỏ tiền ra mua nước uống. Họ uống nước miễn phí, tiết kiệm được tiền để chi tiêu vào việc khác thì ta cảm thấy vui lắm. Chẳng vậy mà có nhiều hôm phải châm nước, mua đá lạnh bỏ thêm vào nhiều lần, “chủ bình nước từ thiện” ấy cũng vẫn vui.

Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà hầu như ai đã có tấm lòng làm làm từ thiện cũng chỉ mong góp chút sẻ chia yêu thương đối với người nghèo, hoàn cảnh kém may mắn, để họ đỡ khổ…

Tôi nhớ mãi vài dòng thơ của ông bạn David Tèo khoe với tôi hồi năm ngoái:

Quê hương tôi dù còn nhiều gian khó
Nhưng tình người đây đó vẫn chứa chan
Khắp nơi nơi rất nhiều tấm lòng vàng
Xua cái nóng giữa trưa hè oi bức

Xin cảm ơn những con người nhân đức
Giúp bà con khổ cực được mát lòng
Quê hương tôi dù còn lắm long đong
Nhưng chữ tình vẫn tràn đầy khắp chốn.

Người Sài Gòn dễ thương là vậy đó, và còn nhiều nhiều nữa những tấm lòng của người Sài Gòn mà nếu kể chắc “nghìn lẻ một đêm” mới mong kể hết. Dù có nhiều đổi thay, Sài Gòn vẫn là thành phố phương Nam hào sảng đỡ nâng những bước chân tha hương, nơi chở che những mảnh đời bất hạnh. Từ Sài Gòn, những tấm lòng, tình thương con người theo những cơn gió lành lan tỏa đi đến mọi miền đất nước, và mầm thiện như bạn thấy đã nảy mầm và vươn xanh…

Tổng hợp