Trang chủ Tin tức Bộ Tài chính: Cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ phải...

Bộ Tài chính: Cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ phải thông báo chính quyền, phải công khai tiền cứu trợ

0
1779
Liên quan dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai… Lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho hay, cá nhân phải công khai hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính ảnh trái (chụp màn hình vnexpress).

Trên Vnexpress, ngày 7/1, giải thích dự thảo quy định “cá nhân phải có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu”, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính), cho hay đây không phải công khai với toàn xã hội mà với những người đã tham gia đóng góp.

“Khi được yêu cầu hoặc có vấn đề nào đó thì cá nhân phải có bằng chứng về việc đã sử dụng số tiền quyên góp một cách hiệu quả, đúng mục đích ban đầu khi đứng ra kêu gọi, vận động. Những người đóng góp có quyền biết số tiền của họ đã chi tiêu như thế nào”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, mục đích của dự thảo Nghị định mới về hoạt động hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích làm việc thiện nguyện. Nhưng quyền lợi của người đóng góp cần được bảo vệ. Như vậy hoạt động này mới được chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đồng tình với đề xuất cá nhân phải công khai tiền quyên góp cứu trợ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói, cá nhân huy động được nguồn lực để làm từ thiện thì “đó không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là niềm tin”. Vậy nên, điều quan trọng là cá nhân đó phải giữ được trong sạch để đảm bảo lòng tin của mọi người.

Vì vậy, GS Trí đề xuất có quy định cụ thể, ví dụ cá nhân vận động được số tiền lớn hơn 100 triệu đồng trở lên thì phải mở sổ thu, chi; với số tiền lớn hơn nữa, cần báo với cơ quan kiểm toán.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, lưu ý, việc công khai tài chính bằng cách thức nào thì “giữa cá nhân nhận quyên góp và người quyên góp tự thỏa thuận với nhau, bởi vì đây là quan hệ dân sự”. Theo ông nghị định nên quy định theo hướng cá nhân tiếp nhận tiền, hiện vật có thể thông báo trên mạng xã hội, bằng văn bản hoặc gửi sao kê tài khoản ngân hàng tùy theo thỏa thuận với người quyên góp.

Ngoài ra, luật sư Cường đề xuất khuyến khích cá nhân làm thiện nguyện báo cáo tài chính khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. “Khi có tranh chấp xảy ra thì cá nhân tiếp nhận cứu trợ phải chứng minh được việc nhận, phân phối, sử dụng số tiền đó đúng mục đích như cam kết với người đã tài trợ, ủng hộ”, luật sư Cường phân tích.

Bộ Tài chính: Cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền

Trên báo Tuổi trẻ, cũng theo ông Võ Thành Hưng – vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính giải thích mục tiêu của đề xuất trên là để đảm bảo quyền lợi của những cá nhân, tổ chức quyên góp tự nguyện.

Chẳng hạn, một số tỉnh ở miền Trung vừa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Để chung tay chia sẻ với người dân miền Trung khắc phục thiệt hại, ca sĩ Thủy Tiên hay một ai đó kêu gọi vận động mọi người ủng hộ giúp người dân nơi đây.

Người dân miền Trung bị cô lập được Thủy Tiên phát quà cứu trợ (ảnh Thủy Tiên).

Ca sĩ Thủy Tiên chỉ cần thông báo với chính quyền nơi cô cư trú về việc đứng ra huy động tiền và hiện vật ủng hộ cho các tỉnh ở miền Trung bị bão lũ. Thời gian huy động là 50 hoặc 60 ngày. Hình thức tiếp nhận tiền trực tiếp hay qua tài khoản…

Còn về phân phối, sử dụng nguồn tài trợ tự nguyện, ông Hưng cho biết Bộ Tài chính có kiến nghị đưa vào quy định “cá nhân phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội”.

Ông Hưng lý giải rằng mục đích tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện là đi hỗ trợ người dân khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nên khi đi phân phối tiền, hiện vật tài trợ, cá nhân cần thông báo với địa bàn nơi tiếp nhận.

Liên quan đến đề xuất cá nhân phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú khi tham gia hoạt động cứu trợ và chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ là không nên bắt buộc.

Một thành viên quốc hội cũng cho rằng, quy định này sẽ làm phát sinh “giấy phép con”, gây khó khăn, cản trở hoạt động thiện nguyện.

Tổng hợp