Chương trình ‘Tiếp sức cùng nông dân’ – Tự hào bản lĩnh của VFC

0
858

Cạnh tranh thị phần Nông dược thị trường Việt Nam hiện nay ngày càng khốc liệt hơn trước. Yếu tố giá cả nhiều khi lấn lướt cả chất lượng sản phẩm cũng như các chính sách có tính bền vững và lâu dài.

Đối mặt với nhiều thử thách, ít ai nghĩ rằng VFC vẫn tiếp tục chiến lược “Lấy con người làm nòng cốt” làm định hướng kinh doanh trong tương lai. Sự chuyển dịch bài bản của đội ngũ áo xanh trên từng ngả đường, cánh đồng đang thắp lên niềm hy vọng mới cho công ty.

Ông Trương Công Cứ – Tổng Giám Đốc Công ty Khử trùng Việt Nam – VFC.

Độc đáo mô hình “Tiếp sức cùng nông dân”

Chương trình “Tiếp sức cùng nông dân” được triển khai kể từ năm 2010. Đây là giai đoạn VFC vừa niêm yết lên sàn chứng khoán, vươn mình trở thành thương hiệu quốc gia. Nhận thức được đặc thù và tâm lý của nông dân Việt Nam, ban lãnh đạo VFC quyết định thực hiện ý tưởng này. Bằng việc đào tạo – luân chuyển đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cùng ăn ở, cùng bám ruộng vườn với nông dân, VFC muốn tạo một thị trường bền vững. Ở đó có đầu ra sản phẩm từ đại lý, kênh tiêu thụ đến tận tay nông dân và đặc biệt là chính sách kèm cặp, hỗ trợ giúp bà con nắm vững sản phẩm.

Giai đoạn đầu, chương trình gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, đội ngũ nhân sự lại mỏng. Hơn nữa mỗi người làm nhiều đầu việc khác nhau nên chất lượng từng việc chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên về mặt thương hiệu VFC đã thành công khi người nông dân đã quen với những bóng dáng áo xanh ghé thăm từng nhà.

Khi thì hỏi thăm đời sống vụ mùa, khi thì giới thiệu sản phẩm. Những nhân sự trẻ này cũng không ngại lăn xả vào bùn đất, ruộng vườn cùng làm nên được bà con rất quý. Từ gắn bó nhau trong đời thường, bà con tin tưởng chất lượng sản phẩm VFC rồi tiếp nhận.

Ông Nguyễn Văn Kha – Giám đốc Marketing ngành Nông dược – Giống cây trồng VFC.

Điểm đến của chương trình “Tiếp sức cùng nông dân” là những hộ nông dân, đặc biệt là các nhân tố “Trọng điểm” có mối quan hệ rộng rãi tại địa phương. Bằng việc hỏi thăm, chăm sóc kết hợp với vận động áp dụng công nghệ mới, bà con có cơ hội trực tiếp trải nghiệm chất lượng sản phẩm VFC. Qua vài mùa vụ, nhận thấy được năng suất tăng lên, sâu hại giảm đáng kể, nông dân lại càng có thêm niềm tin với công ty. Sau đó, những người này lại trở thành “Thương hiệu sống” quảng bá cho sản phẩm của công ty. Nhiều bà con khen ngợi: “Từ ngày có VFC về, chúng tôi đỡ cực hơn so với trước rất nhiều!”.

Anh Lê Thanh Mạnh – Trạm trưởng tại xã Mỹ Bắc A (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết:  Hiện tại đội ngũ ở đây đang triển khai nhiệm vụ mới từ 3 tuần nay. Cả đội cùng hỗ trợ người dân chống lại dịch bệnh nứt thân xì mủ xảy ra trên các loại cây ăn trái có giá trị cao như mít, sầu riêng, … Căn bệnh này tuy không mới và VFC đã có sản phẩm đặc trị nhưng đột ngột diễn biến mạnh làm ảnh hưởng đến vụ mùa và đời sống của bà con nơi đây. Trên toàn địa phương hầu như nhà nào có trồng cây ăn trái cũng đều bị. Nhiều nhà phải đốn bỏ hơn một nửa số cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên.

Những nỗi niềm trăn trở chung

Hiện nay, VFC phủ sóng trên địa bàn miền tây 3 chi nhánh: Sông Tiền, Bắc Sông Hậu & Nam Sông Hậu Xung quanh các chi nhánh là các trạm hoạt động vệ tinh nhỏ hơn. Từ đây, các kỹ sư nông nghiệp tỏa về từng xã ấp ở các địa phương để vừa bám sát nông dân, vừa chăm sóc các đại lý phân phối. Có thể nói, hoạt động của của đội ngũ này khá đa dạng, vừa tư vấn kỹ thuật, lại vừa thực hiện công tác kinh doanh – marketing cho hai phía nông dân cùng đại lý. Đối với những kỹ sư nông nghiệp thâm niên như anh Nguyễn Trọng Nhâm (phòng Marketing VFC), một ngày phải di chuyển giữa chi nhánh – trạm – đại lý, nhà nông dân hàng trăm cây số là điều thường xuyên.

Dù lực lượng mỏng nhưng anh em cũng cố gắng chia sẻ công việc với nhau, mỗi tuần đến thăm từng nhà ít nhất 2 lần. Trước là để bà con quen mặt, nhớ tên từng người, sau là hoàn thiện công tác kiểm tra – chăm sóc thật đạt chất lượng. Có khi trực tiếp làm mẫu hướng dẫn cách pha, cách phun thuốc, nhận diện sâu – bệnh hại cây, … cho bà con xem. Rồi sau mỗi vụ mùa, ruộng vườn nhà ai kết quả tốt đều có bảng hiệu nhận diện VFC cắm ở đó. Càng nhiều bảng cắm xuất hiện nhiều nơi là càng thấy được “Độ phủ sóng” cũng như uy tín thương hiệu mà VFC xây dựng được ở nơi này.

Nguyễn Duy Nhất Vương Phó phòng Marketing – Nông dược và Giống cây trồng.

Đối với đội ngũ Kỹ sư nông nghiệp nơi đây, được bà con nông dân tiếp đón là một thành công. Nhưng càng quý hơn là sau khi cùng thăm ruộng vườn được họ giữ lại, khi thì mời bữa cơm, khi thì điếu thuốc, chén trà. Cuộc sống nhà nông tuy khó khăn nhưng sản vật “Cây nhà lá vườn” thì không thiếu. Tính người miền tây chất phác, hào phóng nên nhìn vào đó có thể hiểu họ quý mình, xem mình như người nhà. Anh em thường dặn dò nhau rằng: “Người ta đối đãi với mình chân tình, mình cố gắng chịu cực công việc một chút cũng đâu có sao!”.

Thường trong những buổi ngồi với nhau như vậy, anh em mới “Vỡ ra” nhiều vấn đề bà con mình chưa từng chia sẻ. Nó không đơn giản như “Cây này bị bệnh gì?”, “Pha thuốc liều lượng ra sao, phun thế nào?” ,… mà còn là những tâm tư “Năm nay hi vọng được mùa, được giá”, “Không biết xoay sở thế nào cho vụ sắp tới”. Bởi nếu năm nay bà con thu hoạch như mong muốn thì năm sau khả năng gắn bó với sản phẩm VFC lại cao hơn. Mục tiêu kinh doanh, chính sách cho đại lý phân phối, … từng giai đoạn của VFC cũng từ những thông tin “Quý hơn vàng” này mà ra.

Kỳ vọng vào sự đổi mới 

Chương trình tiếp sức nông dân của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp hiện nay đang thực hiện rất tốt ở hai mảng chăm sóc và truyền thông. Hai hoạt động này phối hợp, đan xen nhau từng nhà, từng người thông qua kênh trò chuyện, giao tiếp thường ngày. Trong những dịp tập hợp đông đảo từ 50 – 100 người, anh em còn linh hoạt, sáng tạo những slide hình ảnh hoặc tập hợp những video minh họa cho bà con hiểu rõ hơn. Độ tiếp thu, ghi nhớ sản phẩm & thương hiệu VFC đối với nông dân ngày càng tăng cường hơn so với trước. Sự am hiểu và sử dụng sản phẩm VFC của bà con cũng được cải thiện đáng kể.

Một điều các đại lý ở địa phương đánh giá cao VFC đó là khả năng tiếp sức đại lý để ra được nguồn hàng đến tay người nông dân. Có được thành quả này phần lớn là ở sự cần mẫn, chăm chỉ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tại địa phương. Kết hợp nhuần nhuyễn chính sách phù hợp cho đại lý với công tác marketing trực tiếp đến nông dân có thể được nói là một nghệ thuật đặc sắc. Chính vì điều này cho dù bị cạnh tranh giá cả, ưu đãi bởi các đơn vị khác nhưng sản phẩm VFC vẫn có thị trường tiêu thụ ổn định trong suốt nhiều năm qua.

Duy chỉ có một điều khiến anh em tâm tư đó là làm sao để nâng cao chất lượng truyền thông đến người nông dân hiệu quả hơn. Trong thời đại công nghệ số, khi tốc độ và chất lượng nghe – nhìn ngày càng được nâng cao thì người nông dân cũng đòi hỏi tiếp cận những phương thức và nội dung tốt nhất. Anh Nhâm chia sẻ: “Bây giờ mọi thứ thay đổi rất nhanh, càng đi càng thấy nhiều vấn đề cấp thiết. Nếu vẫn làm theo cách cũ chắc chắn sẽ không hiệu quả!. Anh em trong đội giờ vẫn thường bàn với nhau tìm cách cải tiến, rút ngắn quãng đường di chuyển, tăng thêm kênh giao tiếp để tối ưu mối gắn bó giữa VFC với nông dân”.

Biến động diễn ra ngày càng nhanh, mức độ đào thải cùng cơ hội phát triển ngày càng lớn. Đằng sau một chính sách được duy trì nhất quán suốt 45 năm là những quyết tâm và những ý tưởng đổi mới sâu sắc. “Tiếp sức cùng nông dân” đã sáng tỏ về hiệu quả thực tiễn và đang cần thêm nhiều nguồn lực để nâng tầm giá trị của chương trình. Chắc chắn rằng, trong tương lai Ban lãnh đạo VFC sẽ có những đầu tư xứng đáng hơn nữa để đưa ngành Nông dược nói riêng và thương hiệu VFC nói chung gắn bó đậm sâu với bà con nông dân nước mình.

Đặc san: 45 năm một chặng đường

Thành Công