Mới đây, gần 100 thành viên đến từ 4 châu lục đã cùng tích cực tham dự Diễn đàn trực tuyến “Múa rối ứng dụng trong phát triển cộng đồng” (Forum on Applied Puppetry for Community Development.
Diễn đàn Múa rối ứng dụng trong phát triển cộng đồng thu hút gần 100 thành viên đến từ 4 châu lục.
Hiện nay, bên cạnh các câu lạc bộ, đội, nhóm múa rối ở các Cung/ Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi các địa phương thì nghệ thuật múa rối hiện được ứng dụng và phát triển trong cộng đồng ở nhiều lĩnh vực: giảng dạy, tư vấn tâm lí, truyền thông cộng đồng, giải trí… với nhiều tiềm năng phát triển bền vững.
Thay mặt Tổ hợp nghệ thuật Mắt Trần, bà Phạm Trang Mỹ Linh hào hứng chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng múa rối trong sáng tác với nghệ sỹ trẻ trên dải phổ tự kỷ.
Anh Phan Tuấn Quốc – Trưởng nhóm Mekongaholics (Nhóm nghiên cứu văn hóa cộng đồng Việt Nam – ASEAN) nhận định văn hóa xuất phát từ cộng đồng, do cộng đồng phát triển. Múa rối là một hình thức biểu đạt mang tính nghệ thuật thông qua con rối, múa rối ứng dụng là hoạt động múa rối không vì tính chất thuần túy nghệ thuật và múa rối cộng đồng là việc đem múa rối ứng dụng vào phát triển cộng đồng.
Anh Phan Tuấn Quốc – Trưởng nhóm Mekongaholics (Nhóm nghiên cứu văn hóa cộng đồng Việt Nam – ASEAN) san sẻ về những ứng dụng đa dạng của múa rối trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam hí kịch” do Tổ hợp nghệ thuật Một Tháng Năm trực thuộc Mekongaholics điều phối cùng sự tài trợ của Viện Goethe TP Hồ Chí Minh, nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm về ca kịch rối, sân khấu cải lương và Diễn đàn Múa rối ứng dụng trong phát triển cộng đồng đã được tổ chức, góp phần nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Được Ban điều phối Dự án “Việt Nam hí kịch”, Tỉnh Đoàn Bình Phước cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Tương Lai, Công ty TNHH Tư vấn và Dịch thuật Chân Thiện Mỹ phối hợp tổ chức, Diễn đàn đã “gặt hái” gần 1.000 lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Mpangi Otte – Giám đốc Viện Goethe, múa rối không hề lỗi thời. Tại quê hương ông – Cologne (thành phố cổ kính ở vùng đô thị phía Tây nước Đức), Hänneschen – một nhà hát múa rối rất nổi tiếng đã tồn tại hơn 200 năm và các vở múa rối ở đây hiện vẫn kể lại cho công chúng về nhiều câu chuyện đầy ý nghĩa.
Ông Mpangi Otte – Giám đốc Viện Goethe nhận định múa rối không hề lỗi thời, nhất là tại thành phố Cologne (nước Đức) – nơi ông sinh ra và lớn lên.
Tại Diễn đàn, 56 nhà thực hành múa rối cộng đồng và các thành viên đến từ các dự án hoạt động xã hội, quỹ phát triển, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tạo tác động xã hội, dự án CSR của doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ/ phi lợi nhuận… đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi ứng dụng múa rối trong hỗ trợ cộng đồng nghệ sĩ trẻ trên dải phổ tự kỉ, dạy tiếng Anh, giáo dục ngoại khóa (giáo dục phổ thông và hoạt động trải nghiệm)…
Qua đó, bà Trần Thị Ngọc Hân – cán bộ văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh cần đa dạng hóa những dự án ứng dụng múa rối trong phát triển cộng đồng để tạo nên sức lan tỏa mạnh hơn nữa và cần lưu ý đến công tác truyền thông về các dự án này.
Bà Trần Thị Ngọc Hân – cán bộ văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng cần triển khai các những dự án ứng dụng múa rối cộng đồng với nhiều hình thức phong phú.
Tham dự Diễn đàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy đã khích lệ các đoàn múa rối cộng đồng. Tỉnh Đoàn sẽ đồng hành với các đoàn múa rối trong việc bảo tồn nghệ thuật múa rối dân gian gắn với phát triển cộng đồng và phát huy thanh thiếu nhi Bình Phước.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy đề nghị các đoàn múa rối cộng đồng phối hợp cùng Tỉnh Đoàn bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa rối gắn với phát triển thanh thiếu nhi tỉnh này.
Ngoài ra, Chương trình lãnh đạo bản thân PLEMS – Viện giáo dục IRED, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc Châu (Bình Phước), Trường TH-THCS-THPT Tương Lai (Đồng Tháp), Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia, Đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh (Bến Tre), Tổ hợp nghệ thuật Mắt Trần, Tổ hợp nghệ thuật Cái Tổ Nhỏ cùng các chuyên gia múa rối quốc tế đến từ Thái Lan, Đức, Kenya và Mỹ đã gửi đến Diễn đàn nhiều ý kiến giá trị.
Bà Hồ Thị Hạnh Dung – Giáo viên Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc Châu (tỉnh Bình Phước) cho biết các giờ học tiếng Anh ở Trung tâm trở nên lý thú hơn với sự góp sức của múa rối.
Từ nước Mỹ, Học giả Fulbright – Giáo sư Claudia Orenstein, ĐH Hunter thuộc ĐH thành phố New York (CUNY), Ủy viên Ban Chấp hành UNIMA-USA (Hiệp hội múa rối thế giới tại Hoa Kỳ) trao đổi với Diễn đàn rằng bà nhận thấy nhiều tâm huyết và sự sáng tạo trong các dự án sử dụng múa rối để giáo dục học sinh và cộng đồng, qua đó phát triển tình yêu đối với nghệ thuật múa rối truyền thống và hiện đại. Cần có một lộ trình cụ thể để trẻ em tham gia các dự án ngay từ khi còn nhỏ.
Trong khi đó, ông Fedelis Kyalo, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Phi của UNIMA (Hiệp hội múa rối thế giới), Sáng lập viên và Giám đốc của Nhà hát múa rối Pha Lê (nước Kenya), Thành viên của Viện Nhà hát Múa rối Kenya đã bày tỏ rằng cần đẩy mạnh tương tác với khán giả khi kể chuyện bằng nghệ thuật múa rối.
Ông Fedelis Kyalo, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Phi của UNIMA (góc trên bên phải) và Học giả Fulbright – Giáo sư Claudia Orenstein, ĐH Hunter, nước Mỹ (góc dưới bên phải) đã chia sẻ nhiểu ý kiến thú vị tại Diễn đàn.
Dịp này, nhiều tổ chức múa rối cộng đồng trong Mạng lưới Giao lưu Nghệ thuật Hòa bình, 6 tổ chức múa rối cộng đồng và 29 học viên chính thức thuộc khóa học múa rối bóng với tên gọi “Việt Nam hí kịch” trong khuôn khổ dự án cùng tên do Mekongaholics tổ chức (dự án gồm 04 buổi học, 01 diễn đàn và 01 buổi báo cáo tổng kết dưới hình thức liên hoan múa rối bóng trực tuyến) đã cùng chia sẻ các ý tưởng về múa rối ứng dụng trong phát triển cộng đồng bền vững và tích cực tương tác qua các nhóm thảo luận trực tuyến.
Đồng thời, Diễn đàn đã giúp hoàn thiện ý tưởng của 6 tổ chức múa rối cộng đồng thuộc khóa học múa rối bóng sau đây:
- Làng Chài Bình Yên (phạm vi hoạt động: TP Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai, TP Hồ Chí Minh): hỗ trợ giảng dạy kĩ năng xã hội, trao quyền nâng cao nhận thức và cùng hành động vì môi trường cho thanh niên, học sinh. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên cốt truyện “Ăn khế trả vàng – phần đoạn kết”.
6 nhóm múa rối cộng đồng trình bày các ý tưởng sáng tạo trong lộ trình phát triển múa rối cộng đồng.
- Những Ngôi Sao Xa Xôi (phạm vi hoạt động: TP Hồ Chí Minh): minh họa truyện kể và tác phẩm văn học có giá trị văn hóa cộng đồng. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên tuồng tích sân khấu ca kịch cải lương chủ đề lịch sử, tôn vinh phụ nữ Việt Nam, giữ gìn nghệ thuật dân tộc.
- Nhà Mây (phạm vi hoạt động: TP Hồ Chí Minh): lan tỏa những câu chuyện tích cực, trao quyền biểu đạt cho trẻ em. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên cốt truyện “Dế mèn phiêu lưu kí – chương 1”.
- Sân Khấu Nhà Bé Yêu (phạm vi hoạt động: Gia Lai, TP Hồ Chí Minh): hỗ trợ giảng dạy kĩ năng xã hội và trao quyền quản lí cảm xúc cho trẻ em. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên các tác phẩm văn học có giá trị văn hóa cộng đồng.
- Rồng Rắn Lên Mây (phạm vi hoạt động: TP Hồ Chí Minh): trao quyền nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần, nói chung và phúc lợi động vật, nói riêng. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên câu chuyện có thật về vật nuôi gia đình có ý nghĩa nâng đỡ tinh thần quan trọng.
- Ô Cửa Sách (phạm vi hoạt động: Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp): hỗ trợ giáo dục kĩ năng ngôn ngữ, trao quyền phát triển văn hóa đọc, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em và phụ huynh; (truyền thông) giảm bất bình đẳng trong giáo dục và định kiến giới. Nội dung vở diễn đầu tiên dựa trên cốt truyện “Cóc Kiện Trời – phiên bản phòng chống COVID-19”.
Anh Phan Tuấn Quốc – Trưởng nhóm Mekongaholics cho biết chủ đề của nhóm Ô Cửa Sách dự kiến sẽ là chủ đề chính của Mạng lưới Giao lưu Nghệ thuật Hòa bình năm 2022.
Cuộc khảo sát nhanh tại Diễn đàn cho thấy chủ đề của nhóm Ô Cửa Sách đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành viên tham gia và dự kiến sẽ trở thành chủ đề chính của Mạng lưới Giao lưu Nghệ thuật Hòa bình năm 2022.
Thắng Trân – Tuấn Quốc