F0 lạc vào “ma trận” thuốc chữa Covid-19: Từ “bác sĩ mạng”, chợ thuốc Facebook đến lời hứa “bất tử”, “khỏi bệnh sau 3 ngày”

0
490

Thời điểm này, trên Internet hay mạng xã hội tràn lan các đơn thuốc dành cho F0 được kê từ những người trong hay thậm chí cả ngoài ngành y tế.

 

F0 lạc vào "ma trận" thuốc chữa Covid-19: Từ "bác sĩ mạng", chợ thuốc Facebook đến lời hứa "bất tử", "khỏi bệnh sau 3 ngày"

 

F0 lạc vào “ma trận” đơn thuốc

Tự test nhanh tại nhà dương tính với SARS-CoV-2, anh Phạm Linh, 28 tuổi, quận Cầu Giấy, tiếp tục đến bệnh viện xét nghiệm PCR. Chiều 17/2, anh nhận kết quả khẳng định dương tính, chỉ số CT 18. Sau khi liên hệ trạm y tế phường để khai báo y tế, anh được hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà.

Anh được các thầy thuốc trong Mạng lưới thầy thuốc đồng hành (1022) liên hệ hàng ngày để theo dõi sức khoẻ và triệu chứng bệnh. Đoàn thanh niên phường cũng phát một gói thuốc để anh xịt khuẩn nhà, không có thuốc điều trị.

Ho và sốt cao, anh Linh lo lắng, tự lên Internet tìm hiểu các loại thuốc điều trị Covid-19. Lướt qua các “chợ” thuốc trên Facebook, anh như lạc vào “ma trận” vì có quá nhiều loại thuốc khác nhau, có cả thuốc kháng virus, nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

“Nhiều tài khoản Facebook rao bán thuốc kháng virus, điều trị Covid-19 khỏi nhanh sau 3 ngày, hay tăng sức đề kháng. Nhưng khi tìm hiểu, tôi biết họ không phải bác sĩ hay người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế”, anh Linh nói.

Theo anh, nhiều hội nhóm còn không ngừng chia sẻ những thông tin về việc bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir bất chấp quy định của Bộ Y tế. Những “bác sĩ mạng” này khẳng định “đặt là có thể lấy về luôn” hay “có giá của đại lý phân phối, thấp hơn giá quy định”…

“Sau khi tìm hiểu thật kỹ các khuyến cáo của Bộ Y tế, tôi quyết định chữa bệnh theo triệu chứng, chỉ uống những loại thuốc như paracetamol, thuốc ho khan… để đảm bảo sức khoẻ”, anh nói.

Quá trình điều trị, anh kết hợp xịt mũi, xông họng, uống vitamin C, đặc biệt tăng cường dinh dưỡng, uống nước ấm theo chỉ dẫn.

5 ngày sau, anh tự test nhanh tại nhà âm tính. Tuy nhiên, 5 ngày tiếp theo, anh làm xét nghiệm PCR vẫn dương tính. Nam thanh niên quyết định tiếp tục tự cách ly, điều trị tại nhà thêm 7 ngày cho đến khi khỏi hẳn.

Gia đình chị Nga, 32 tuổi, quận Hà Đông, gồm hai vợ chồng và con gái 6 tuổi đều mắc Covid-19. Anh Đức, chồng chị, là người khởi phát bệnh hôm 15/2, test nhanh vẫn âm tính. Tối hôm đó, anh sốt rét, sáng 16/2 test nhanh lên “hai vạch”. Chị Nga và con gái cũng xuất hiện triệu chứng vào hôm sau, lần lượt đều dương tính.

Người phụ nữ bắt đầu lên các hội nhóm tìm đọc thông tin và thuốc điều trị, đến nỗi cảm tưởng như “ngộ độc thông tin”. “Có người khoe với tôi về loại thuốc giúp ‘bất tử’ không bị nhiễm Covid-19, mà nếu lỡ may mắc phải, cũng sẽ khỏi bệnh sau 3 ngày”, chị nhớ lại những lời mời chào hết sức hấp dẫn.

Nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, chị Nga không đếm nổi số bài viết đã lướt qua, từ bác sĩ này tới bác sĩ nọ. “Ai cũng là bác sĩ” – chị thốt lên, nhưng khi tìm hiểu kĩ thông tin, thì vị bác sĩ kia “không tồn tại”. Chị quyết định tắt điện thoại, dừng tìm kiếm thông tin và hướng dẫn cả nhà sử dụng thuốc theo triệu chứng dựa vào hướng dẫn của y tế phường.

“Chúng tôi uống thuốc hạ sốt, thuốc ho, xông nhà cửa, bổ sung dinh dưỡng… những loại thuốc rất đơn giản, thay vì tìm kiếm những hộp thuốc ‘xách tay’ giá trên trời ở mạng xã hội”, chị kể. Sau 10 ngày điều trị, cả gia đình lần lượt âm tính với SARS-CoV-2, ra trạm y tế phường nhận giấy chứng nhận khỏi bệnh.

F0 nên tỉnh táo, tránh “tiền mất, tật mang”, ảnh hưởng tính mạng!

TS.BS Quan Thế Dân, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương khuyến cáo, trên Internet hay mạng xã hội tràn lan các đơn thuốc dành cho F0 được kê từ những người trong hay thậm chí cả ngoài ngành y tế. Không chỉ nguy hiểm, những đơn thuốc không rõ nguồn gốc và chất lượng còn gây nhiễu loạn thông tin, khiến các F0 không biết chính xác nên sử dụng thuốc như thế nào.

Theo bác sĩ Dân, sự nhiễu loạn thông tin về đơn thuốc F0 gây ra hai vấn đề. Thứ nhất, người bệnh không được điều trị đúng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng.

Thứ hai, những thông tin nhiễu sẽ vô tình “dìm chết” những đơn thuốc, hay thông tin đúng của các bác sĩ thật. Cuối cùng, người thiệt vẫn là bệnh nhân, không biết những loại thuốc nên và không nên sử dụng.

“Những đơn thuốc tốt của các bác sĩ có tâm, sẽ bị chìm nghỉm trong những đơn thuốc không có chuyên môn, trôi nổi trên mạng xã hội”, bác sĩ Dân nhận định.

Theo ông Dân, người bệnh Covid-19 hiện giờ khó tiếp xúc với y tế chính thống, khi mà các bệnh viện hay trạm y tế phường đều quá tải. Các nhân viên tại phường đang “quay cuồng” trong công tác thủ tục hành chính, không đáp ứng kịp bệnh nhân về mặt chuyên môn.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội sáng 27/2, các quận huyện phản ánh tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã, phường. Quận Hà Đông cho biết, trạm y tế phường có 50% nhân sự là F0, nhiều F1. Quận đã chủ động liên hệ các bệnh viện, y bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực.

Quận Nam Từ Liêm cũng đề xuất thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương.

“Người dân không biết bấu víu vào đâu, buộc phải tự lên mạng tìm kiếm thông tin”, bác sĩ Dân nói.

Cách đây không lâu, các bác sĩ nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà từng khuyến cáo, đã có F0 chảy máu tiêu hóa do dùng Medrol, một loại thuốc kháng viêm được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 theo đơn của bác sĩ. Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, dù các bác sĩ liên tục cảnh báo, nhưng tình trạng lạm dụng thuốc kháng viêm vẫn diễn ra.

Theo bác sĩ Hoàng, đã có rất nhiều hướng dẫn, nhưng nhiều F0 vẫn không nắm được các loại thuốc để sử dụng.

“Bệnh nhân không bệnh nền, tiêm đủ vaccine (2 mũi, mũi 2 cách lúc nhiễm ít nhất 2 tuần) thì không cần dùng kháng viêm hay các thuốc “đặc trị” khác. Với trẻ em không có bất thường về sức khỏe thì thường chỉ sốt cao 2-3 ngày sau đó bình phục, quan trọng là hạ sốt, bù nước điện giải và đảm bảo ăn đủ no, ngủ đủ giấc”, bác sĩ Hoàng nói.

TS.BS Quan Thế Dân gợi ý Bộ Y tế nên có sự thay đổi về mặt truyền thông, liên tục và thường xuyên đưa ra những khuyến cáo dễ hiểu, dễ sử dụng. Bộ cũng có thể thành lập cổng thông tin trực tuyến, những trang tin chuyên giải đáp thắc mắc F0 điều trị tại nhà. Những thông tin cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, để bất cứ người dân nào cũng có thể hiểu và ghi nhớ.

Ngoài ra, báo đài và các cơ quan thông tấn nên hướng dẫn người bệnh tìm kiếm thông tin ở đâu, ví dụ như Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, các website bệnh viện…

Đặc biệt, theo bác sĩ Dân, người bệnh có thể tìm đến các trang Facebook cá nhân, hội nhóm, hay những website của các bác sĩ có uy tín trong nghề để được hướng dẫn và tư vấn.

“Trong khi y tế công quá tải, truyền thông nên vào cuộc, thay đổi nhận thức và hướng dẫn người dân tìm thuốc đúng cách. Lúc này, trên mạng tràn ngập quảng cáo bán xuyên tâm liên, liên hoa thanh ôn… mà không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn”, bác sĩ Dân kể một vài người bệnh ngây thơ cho ông xem những đơn thuốc rất nguy hiểm chứa đầy thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng virus, dù chưa đến mức sử dụng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khuyến cáo, đến nay chưa có loại thuốc nào phòng ngừa được Covid-19. Người dân không nên lo lắng tích trữ các loại thuốc, tránh “tiền mất, tật mang”.

“Biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện tốt 5K”, bác sĩ Khanh nói.

Tổng hợp