TS Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam: Phát triển kinh tế số: Có tư duy và dữ liệu mới “Gột nên hồ”

0
225

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ số, mạng xã hội phát triển ngày càng nhanh chóng. Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc thay đổi tư duy, nâng hàm lượng đổi mới sáng tạo, định hướng phù hợp về phát triển kinh tế số tại các địa phương, doanh nghiệp (DN).

Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS TRẦN QUÝ, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam.

Xây dựng nền tảng về thể chế, hạ tầng số

* Thưa ông, kinh tế số được hiểu là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Vậy đâu là những yếu tố nền tảng để các DN, địa phương từng bước thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng?

– CĐS là xu thế tất yếu và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong xu thế đó, để phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ở cấp độ địa phương cần xây dựng thể chế số, cụ thể là việc hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất và được lồng ghép trong tất các các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số. Song song đó việc xây dựng hạ tầng số, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số.

Đối với các DN cần thay đổi tư duy về CĐS, chú trọng phát triển nền tảng số. Bởi đây là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.



TS TRẦN QUÝ chia sẻ, trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam mong muốn sẽ kết nối với Đồng Nai để triển khai tư vấn, hỗ trợ phát triển DN số, đào tạo kỹ năng về CĐS, phát triển các nền tảng về kinh tế số…



* Người xưa có câu “có bột mới gột nên hồ”, vậy đâu sẽ “bột” để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong bối cảnh KH-CN phát triển mạnh mẽ như hiện nay?

– Yếu tố đầu tiên cần nhắc tới trong tiến trình phát triển kinh tế số hiện nay đó là việc thay đổi tư duy. Để chuyển đổi hiệu quả, bản thân các chủ DN không còn cách nào khác là cần thay đổi tư duy, chuyển mình và hành động. Đối với các địa phương, người đứng đầu thay đổi nhận thức, tư duy là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền tảng vững chắc cho tiến trình CĐS, thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo, phát triển dữ liệu số. Bởi, dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị, góp phần phát triển bền, sâu rộng tiến trình CĐS.

* Theo ông, để phát huy giá trị của nguồn “nguyên liệu số” đó cần chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực ra sao?

– Việc phát triển nhân lực số cần theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng. Song song đó, các địa phương cần chú trọng phát triển kỹ năng số, công dân số và văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào quê hương và niềm tin của người dân trên không gian số.

Trước những tác động của xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần lưu ý đến khái niệm xã hội 5.0 – xã hội lấy con người là trung tâm, là xã hội cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực.

Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo

* Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu đổi mới sáng tạo không chỉ là nội dung cốt lõi mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển của nền kinh tế số, xã hội số hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

– Tôi đồng tình với quan điểm này, đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt thúc đẩy tiến trình CĐS nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng. Để hình thành và phát triển kinh tế số gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo, các DN, địa phương cần xác định các bước: chuyển đổi nền tảng cách thức tạo ra giá trị từ hình thái tổ chức mới. Tiếp theo là thông qua tư duy số để kiến tạo nên phương thức vận hành kinh tế mới gắn với đổi mới sáng tạo. Sau đó cần định hình nên một nền tảng sản xuất mới. Từ nền tảng đó cần tạo ra những giá trị gia tăng mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh đến từ năng lực vốn hóa dữ liệu. Qua đó, kiến tạo nên một tầng kinh tế mới – kinh tế số.

TS Trần Quý trình bày tại phiên hội thảo về đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số tại Đồng Nai vào tháng 10-2023. Ảnh: H.Hà
TS Trần Quý trình bày tại phiên hội thảo về đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số tại Đồng Nai vào tháng 10-2023. Ảnh: H.Hà

Các địa phương cần lưu ý đến phát triển DN số gồm: DN công nghệ số và chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số; đồng thời đa dạng hệ sinh thái số, góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, trong xu hướng đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, địa phương, DN cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số…

* Theo ông, Đồng Nai có những lợi thế nào để phát triển kinh tế số gắn với đổi mới sáng tạo?

– Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có ví trị giáp ranh với TP.HCM – một trung tâm về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước. Hơn thế nữa, Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước, phát triển nhiều khu công nghiệp.

Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội để Đồng Nai thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực của kinh tế số như kinh tế số về công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) gồm các ngành về sản xuất phần cứng, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin – viễn thông, sản xuất nội dung số… Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế số nền tảng, kinh tế ngành như: công nghiệp hỗ trợ, logistics, du lịch thông minh, nông nghiệp số, tài chính số, thương mại điện tử…

 Để tận dụng, phát huy những tiềm năng, ưu thế đó, theo ông, Đồng Nai cần lưu ý vấn đề gì?

– Như đã nói ở trên, Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, năng lực phát triển công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, từ đó phát triển đa dạng các hoạt động kinh tế số. Vấn đề địa phương cần quan tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý, kết nối hạ tầng số, thu hút các chuyên gia, nguồn nhân lực về công nghệ số. Qua đó, từng bước phát triển phù hợp, hiệu quả các nền tảng (platform) về CĐS, tăng cường liên kết vùng trong việc kết nối hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo…

* Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Đồng Nai/Hải Hà (thực hiện)