Bảo tồn và làm kinh tế từ di sản

0
474

Tại Hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM diễn ra mới đây. PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển, cho rằng hiện nay Nhà nước có rất nhiều quy định để bảo tồn di sản văn hóa nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều công trình bị phá hủy.

Bảo tồn và làm kinh tế từ di sản

Vào năm 2016, Công ty CP Minerva chi 35 triệu USD (khoảng 750 tỷ đồng) mua căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, hay còn được gọi là “Biệt thự Phương Nam”. Đây là ngôi biệt thự có kiến trúc đặc biệt, xây dựng vào những năm 1920 – 1930, diện tích gần 3.000m2 nằm ở vị trí đất vàng với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu. Đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho chủ nhân biệt thự được phép cải tạo bảo tồn nguyên bản, thời gian hoàn thành sớm nhất là năm 2021. Đây có thể xem là trường hợp điển hình thành công trong công tác bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc cổ tại TP.HCM.

Tại Hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 14/6/2019, PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển, cho rằng hiện nay Nhà nước có rất nhiều quy định để bảo tồn di sản văn hóa nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều công trình bị phá hủy. “TP.HCM có 172 công trình được xếp hạng di tích nhưng các công trình đã đi vào lòng người như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND Thành phố thì chưa được xếp hạng” – bà Trân lo lắng. TS. Quỳnh Trân đề nghị khi muốn phá bỏ một công trình cổ nào đó để xây dựng công trình mới, bắt buộc phải có báo cáo tác động văn hóa như báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay. Báo cáo này được đưa ra hỏi ý kiến của người dân và chính quyền. Đây là cách ngăn chặn phần nào việc xâm phạm di tích.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, danh sách di tích đã được xếp hạng của TP.HCM còn thiếu rất nhiều công trình quan trọng và cần gấp rút bổ sung chứ không phải chỉ 172. Luật Di sản hiện nay còn nhiều hạn chế, nếu chờ sửa luật thì chậm, di sản sẽ bị phá hết. TP.HCM có thể vận dụng cơ chế đặc thù cho phép cải tạo, chỉnh trang để bảo tồn các công trình cổ có giá trị.

Nhà nghiên cứ Trần Hữu Phúc Tiến gửi gắm đến các đại biểu HĐND TP.HCM với tư cách là một cử tri, rằng thật là đau lòng khi những di sản của TP.HCM bị biến dạng, biến mất ngày càng nhiều. Theo ông Tiến, Thành phố nên chọn một ngày trong năm mở cửa các di sản để người dân biết và xin các đại biểu dành một buổi nghe người dân trình bày nguyện vọng của họ về di sản trước khi đưa ra các quyết định liên quan. “Hãy xem di sản là nguồn làm ra tiền và hãy đối xử với nó như một ngành kinh tế” – ông Tiến nói.

Đồng ý với ông Tiến, nhiều chuyên gia cho rằng làm kinh tế từ di sản không còn là chuyện mới và thực tế trên thế giới đã chứng minh điều đó.

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo càng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị. TP.HCM phải làm ngay công tác khảo sát, đánh giá, lập danh mục các công trình có giá trị di sản và di tích, sớm ban hành danh mục này, các sở ngành liên quan phải bố trí nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích.

Gia Thắng