
Gia đình điển hình những năm 1950
Xã hội Mỹ trong những năm 1950 đều hướng về truyền thống gia đình. Tại thời điểm đó, hôn nhân và con cái là một phần cốt lõi trong chính sách của đất nước. Vào những năm 1950, hầu hết những phụ nữ trẻ đều có xu hướng coi trọng việc kết hôn, điều này đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, lối sống trong xã hội. Ở Mỹ, tỷ lệ kết hôn vào độ tuổi trung bình của các cặp vợ chồng trẻ là cao nhất, hầu hết thanh niên kết hôn ngay khi còn học trung học, hoặc đại học. Thời bấy giờ, sống độc thân được coi là điều không ai mong muốn, chưa nói đến việc mang thai ngoài giá thú là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được ở người phụ nữ da trắng. Những cô gái mang bầu ngoài hôn nhân, bị buộc phải nghỉ học và rời xa quê hương để tránh sự điều tiếng cho cha mẹ. Thậm chí họ bị xã hội xa lánh và phải trả một cái giá rất đắt cho việc quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Những năm 1950, người ta luôn nhìn nhận rằng: Người chồng là trụ cột về tài chính, còn người vợ là nội trợ trong gia đình. Hình ảnh một người nội trợ tận tụy đã được lý tưởng hóa trên các phương tiện truyền thông và phụ nữ được khuyến khích ở nhà nếu gia đình có đủ khả năng về tài chính. Một gia đình được coi là điển hình thì người chồng phải đi làm và kiếm tiền, còn người vợ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa… Các nhà nghiên cứu gọi đây là “gia đình kiểu mẫu” và được xem là mẫu gia đình hữu hiệu nhất. Mỗi thành viên trong gia đình đều có một cuộc sống riêng tư, một công việc ở ngoài xã hội và phần lớn trẻ em được trưởng thành trong những gia đình điển hình như vậy.

(Truyền hình ABC / Wikimedia Commons )
Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi sang một chiều hướng khác, kể từ khi “cuộc cách mạng tình dục” bùng nổ và sự phát triển của thuốc tránh thai vào năm 1960. Việc sản xuất hàng loạt và sẵn có thuốc tránh thai đã thổi phồng cuộc cách mạng tình dục, để nó bùng nổ và hệ luỵ cho đến tận ngày hôm nay. Nó là một liều thuốc đắng, làm biến dạng hình thái “gia đình kiểu mẫu” của xã hội Mỹ. Người ta gọi nó là: Tác dụng phụ của thuốc tránh thai, đối với xã hội loài người.
Cuộc cách mạng tình dục thực sự đã mang lại điều gì cho nước Mỹ?
Điều đáng quan tâm ở đây, ngay khi cuộc cách mạng tình dục phát sinh, thì điều trông thấy rõ rệt nhất là: Sự suy giảm hôn nhân, sự gia tăng đáng kể của việc ly hôn. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 2010, các cặp vợ chồng đã kết hôn giảm từ 2/3 số gia đình xuống còn 45%. (tỷ lệ thanh niên kết hôn, chưa đến một nửa dân số). Kéo theo đó là sự gia tăng về quan hệ tình dục giữa trẻ vị thành niên. Số lượng người Mỹ chưa kết hôn ở độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi tăng lên gấp đôi (từ 4,3 triệu năm 1960 lên đến 9,7 triệu năm 1976). Đàn ông và phụ nữ tìm kiếm bạn đời bằng cách tạo ra nhiều hình thức đa dạng và mới mẻ, bao gồm hôn nhân cởi mở, hoán đổi bạn tình, khiêu dâm và mại dâm…
Câu chuyện lớn nhất chính là các cuộc hôn nhân truyền thống có tính chất lâu dài và ổn định bị lãng quên. Cấu trúc gia đình thống trị sụp đổ bởi sự bào mòn của việc gia tăng của rất nhiều các loại hình gia đình kiểu tạm bợ, sống thử, tình một đêm… Tế bào của xã hội (gia đình), bắt đầu có những vết loang, lở loét như một căn bệnh ngoài da. Trong một báo cáo của Hội đồng về gia đình hiện đại của Philip Cohen, một Nhà xã hội học tại Đại học Maryland, cho biết: Vào những năm 1950, có khoảng 65% tổng số trẻ em dưới 15 tuổi sống trong các gia đình người trụ cột là nam giới có vợ. Thật đáng buồn khi ngày nay con số đó chỉ còn lại 22%. Và những đứa trẻ còn lại thì sao? Có 34% trẻ em sống với bố mẹ đã kết hôn có thu nhập thấp, 23% trẻ đang được nuôi dưỡng bởi mẹ đơn thân (chỉ một nửa trong số họ đã từng kết hôn). Còn lại 7% trẻ sống với bố, hoặc mẹ sống chung với bạn đời chưa kết hôn và 6% trẻ sống với bố đơn thân, hoặc ông bà, hoặc không có cha mẹ nuôi dưỡng.

Hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên giữa trào lưu xã hội hiện nay về một vấn đề đáng lo ngại nhất chính là tỷ lệ người làm cha mẹ đơn thân tăng nhanh. Nó có liên quan trực tiếp đến mức độ nghèo đói ngày càng cao. Vì thế, tỷ lệ nghèo ở các bà mẹ chưa sinh con cao hơn nhiều so với các cặp đã kết hôn, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sự tan vỡ gia đình chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người phải lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”, “mẹ đơn thân”, kéo theo là sự nghèo đói, bóc lột sức lao động trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, tội phạm vị thành niên, thác loạn, thất học… Tất cả đều là hệ luỵ của việc huỷ hoại “tế bào” của xã hội, do việc phá vỡ kết cấu bền vững của truyền thống gia đình. Một khi nền tảng của xã hội bị lung lay thì không ai dám chắc điều gì sẽ xảy đến tiếp theo…
Đã đến lúc, chúng ta phải đánh giá lại quan niệm về gia đình
Chúng ta hãy bắt đầu từ một cái nhìn đúng đắn về tôn giáo: Hầu hết các tôn giáo đều bảo vệ truyền thống gia đình. Bên cạnh đó, còn có một mối ràng buộc bất khả kháng giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Cuộc hôn nhân được dựa trên sự tôn trọng giữa hai người khác giới. Họ kính Thần và tin tưởng rằng họ được bảo hộ bởi Thần linh. Thần sẽ coi sóc cho họ khi họ có tín tâm và có một nền tảng đạo đức sống tốt đẹp. Bởi vì đạo đức thiết lập một nền tảng cốt lõi, làm nên sự vững chắc cho một gia đình, tạo nên một môi trường tốt nhất để con người thăng hoa.
Có thể nói, gia đình là nơi bảo vệ tốt nhất nhân phẩm của người phụ nữ, là nơi trẻ em được nuôi nấng, yêu thương để trở thành những công dân tương lai ưu tú. Những công dân khoẻ mạnh, toàn diện và sống có đạo đức. Hôn nhân của các cặp đôi luôn thể hiện mong muốn của con người về một sự đoàn viên, bền chặt yêu thương. Mọi thời đại và mọi nền văn hóa hay gần như mọi nền văn hóa, đều coi trọng lý tưởng này.
Theo The BL/Ngọc Châu biên dịch