Trang chủ văn hóa ‘Của biếu là của lo’, làm sao nhận quà cho đúng lễ...

‘Của biếu là của lo’, làm sao nhận quà cho đúng lễ nghĩa?

0
437
Nhận quà tặng thế nào cho đúng?
Ảnh ghép minh họa.

Do chưa hiểu về nguyên tắc lễ nghĩa trong việc nhận quà, Vạn Chương đã hỏi Mạnh Tử như sau: ‘Xin hỏi thầy, khi giao tiếp người ta hay tặng lễ vật cho nhau, vậy nên lưu ý điều gì?’…

Để cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống, tăng cường sự gần gũi hoặc để cảm ơn về sự giúp đỡ của ai đó, v.v.. người ta thường chọn cách tặng lễ vật cho nhau. Đây là một nét đẹp thể hiện văn hóa giao tiếp. Tuy nhiên, người nhận nếu từ chối quà tặng không hợp lẽ, thì điều này có thể khiến cho quan hệ hai bên từ tốt đẹp trở thành bất ổn, thậm chí còn gây nên những hiểu lầm không đáng có. Vậy nhận quà tặng thế nào cho đúng và không nên nhận trong trường hợp nào? Dưới đây xin kể một câu chuyện nói về nguyên tắc nhận lễ vật giữa Mạnh Tử và Vạn Chương để chúng ta cùng tham khảo.

Nhận quà như thế nào cho phải đạo?

Mạnh Tử là học trò của Khổng Tử, ông được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á thánh Mạnh Tử”. Do chưa hiểu về nguyên tắc lễ nghĩa trong việc nhận quà, Vạn Chương đã hỏi Mạnh Tử như sau: “Xin hỏi thầy, khi giao tiếp người ta hay tặng lễ vật cho nhau, vậy nên lưu ý điều gì?”

Mạnh Tử nói: “Phải cung kính, có lòng kính trọng”.

Vạn Chương: “Lần này đến lần khác mình đều từ chối lễ vật của người ta, thế là bị chê là không kính trọng họ. Như vậy làm thế nào?”

Mạnh Tử: “Nếu người có địa vị tôn quý tặng lễ vật cho mình, mình liền suy nghĩ: “Họ có được lễ vật này từ đâu ra, có hợp nghĩa hay không hợp nghĩa?”, biết hợp nghĩa rồi mình mới nhận, như vậy là không kính trọng họ. Vì vậy, đối với lòng thành kính của người, mình không nên từ chối”.

Vạn Chương: “Mình không từ chối bằng lời nói, nhưng trong bụng muốn từ chối. Giả dụ mình nghĩ rằng: ‘Đồ này là lấy của dân một cách bất nghĩa đấy mà’, rồi nhân đó mình tìm một lý do khác để từ chối, như vậy có được không?”

Mạnh Tử: “Nếu lễ vật người ta biếu mình phải đạo, tiếp mình đúng lễ thì đến bậc thánh như Khổng Tử cũng phải nhận, huống chi là mình?”

Vạn Chương: “Ví thử hiện nay có kẻ chặn người ta ở ngoài cửa thành mà cướp của. Sau đó kẻ ấy đem của cướp được biếu có đúng đạo, tiếp mình đúng lễ. Vậy mình có nên nhận lễ vật bẩn thỉu này không?”

Mạnh Tử: “Không nên! Thiên Khang Cáo có chép lời vua Vũ Vương nhà Chu nói với em mình rằng: ‘Kẻ giết người khác để cướp hàng hóa, tài sản của họ, là loại người ngu muội chẳng sợ chết. Dân chúng chẳng có ai mà không oán hận’. Loại người này bắt được, không phải giáo dục gì cả, có thể giết ngay. Luật hình này, nhà Ân kế thừa nhà Hạ, nhà Chu kế thừa nhà Ân, cả ba đời đều xử tội kẻ cướp như nhau, chẳng phải bàn cãi dài dòng, cho tận đến nay vẫn còn nghiêm khắc đối với tội ấy. Như vậy, mình sao lại có thể nhận lễ vật của kẻ cướp được?”.


Hình vẽ minh họa Mạnh Tử trong album “Half Portrait of the Great Sage and Virtuous Men of Old”, đặt ở Bảo tàng Cố cung Quốc gia (Nguồn: Wikipedia).

Đôi chút luận bàn

Câu chuyện giữa Mạnh Tử và Vạn Chương cho thấy đạo lý, việc tặng quà cho nhau là một nét đẹp có từ thời xưa và tiếp tục lưu truyền cho đến nay, về nguyên tắc khi nhận quà tặng:

Thứ nhất, khi mình tiếp nhận quà tặng từ người khác thì phải có thái độ kính trọng, làm được điều này cũng khiến người cho cảm thấy “mát lòng, mát dạ”;

Thứ hai, không nên nghi ngờ hoặc hỏi xem về nguồn gốc quà tặng có phải hình thành từ con đường bất nghĩa hay không rồi mới nhận, vì như thế vô tình làm tổn thương người tặng;

Thứ ba, lễ vật biếu phải hợp với đạo. Người xưa có câu “không có công thì không nhận lộc”, một người không vô duyên vô cớ mà đi tặng quà cho người khác, do đó người nhận phải dựa vào đạo lý “có làm mới có hưởng” nếu không có lý do thì nên từ chối. Khi tặng quà phải hợp với “lễ” vì cổ nhân có câu “của cho không bằng cách cho”, do đó nếu lễ vật biếu phải đạo và hợp với lễ thì đến Thánh nhân như Khổng Tử cũng vẫn nhận, người bình thường mà nhận thì hợp với đạo;

Thứ tư, mặc dù người tặng quà hợp với đạo, phù hợp với lễ nhưng nguồn gốc của cải không được hình thành từ con đường chính đáng thì cũng không được nhận.

Câu chuyện nói về việc tặng quà cho nhau chỉ là những biểu hiện bề mặt cho người đọc hiểu về nguyên tắc nhận quà, nhưng nội hàm truyền tải bên trong đó còn là sự lựa chọn khi kết giao bạn bè, đối tác làm ăn. Trong xã hội, người tốt và người xấu luôn cùng tồn tại nhưng kết giao với ai là sự lựa chọn của mỗi người. Khi đã có quan hệ giao lưu thì không tránh khỏi việc cho và tặng quà vì nó là một phần không thể thiếu trong các lễ nghi cuộc sống. Muốn nhận quà tặng cho đúng đạo thì phải kết giao với những người tốt vì những người này là người làm ăn chân chính, nên nguồn gốc tài sản mà họ có được là do công sức bỏ ra.

Về nguyên tắc kết giao bạn bè, sách “Đệ tử quy” (Phép tắc người con), có ghi như sau:

“Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín,
Yêu rộng khắp, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn”.

Khi lựa chọn gần người “Nhân” thì sẽ học được những điều hay lẽ phải, người nhân theo quan điểm của Nho gia là người “Thiện”, khi đó việc cho và nhận quà sẽ trở về đúng với đạo lý mà Mạnh Tử từng dạy học trò Vạn Chương vậy.

Tổng hợp