Trang chủ văn hóa Những câu chuyện cảm động về con dâu hiếu thảo đời xưa

Những câu chuyện cảm động về con dâu hiếu thảo đời xưa

0
309

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu từ xưa đến nay vẫn là một đề tài tốn nhiều giấy mực. Dẫu có không ít cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, nhưng lịch sử vẫn lưu lại những tấm gương con dâu hiếu thảo, khiến người sau đọc được ấm áp trong lòng.

Đường Thị mớm sữa cho mẹ chồng

Thời nhà Đường có vị Sơn Nam Tây Đạo Tiết Độ Sứ tên là Thôi Quản. Bà cố của ông là Trưởng Tôn phu nhân tuổi tác đã cao, răng trong miệng đều rụng hết cả. Bà nội của ông là Đường phu nhân mỗi ngày trước tiên chải đầu, rửa tay sạch sẽ đến phòng vấn an mẹ chồng, rồi lấy sữa của mình cho mẹ chồng dùng. Vì vậy, tuy Trưởng Tôn phu nhân răng không còn không thể ăn cơm nhưng nhờ đó mà mấy năm qua bà vẫn khỏe mạnh.

Có một hôm bà bị bệnh, tất cả con cháu lớn nhỏ trong nhà đều đến phòng của bà. Bà nói với mọi người rằng: “Ta không có thứ gì để báo đáp tấm lòng của con dâu, chỉ mong sao những nàng dâu của con cháu nhiều đời sau đều hiếu kính giống như con dâu của ta. Vậy là được rồi!”. Về sau, con cháu nhà họ Thôi có đến mười mấy người làm đến chức Thượng Thư, Trưởng Quan của Châu quận. Nhắc đến những gia đình làm quan trong thiên hạ thì mọi người đều suy tôn nhà họ Thôi lên đầu tiên.

Lữ Khôn bàn rằng: Nàng dâu phụng sự mẹ chồng cho dù gian khổ đến đâu chỉ cần cơm nước đầy đủ là đã không mất đạo hiếu rồi, đã được xem là người hiếu thuận. Mỗi ngày tận tâm tận lực cung cấp thức ăn ngon cho cha mẹ, nhưng mẹ chồng lại không ăn uống được gì, dù thức ăn ngon cũng không ăn được. Lấy sữa nuôi con của mình để phụng dưỡng mẹ chồng, sao lại có thể nghĩ đến biện pháp này được vậy? Đã có tấm lòng chân thành hiếu kính cha mẹ thì lo gì không có phương pháp phụng dưỡng song thân.

Vương Thị tự ăn cám

Thời nhà Minh, vợ của Hạ Thành Minh là Vương Thị là con gái của một người nông dân ở Vô Tích. Gia đình rất nghèo, gặp năm mất mùa nên người chồng phải thường xuyên ra ngoài làm ăn. Vương Thị ngày đêm gắng công may vá, dệt vải, dụng tâm làm những món ăn ngon dâng lên cha mẹ chồng, còn mình thì ăn cám gạo và rau dại lót dạ. Có một lần, mẹ chồng của nàng bước vào bếp nhìn thấy con dâu đang ăn cám gạo và rau dại mà bất giác rơi lệ. Về sau, Vương Thị hưởng thọ đến hơn tám mươi tuổi, lúc lìa đời cũng không sinh bệnh. Những người trong nhà trong giấc mộng nhìn thấy phảng phất có người cầm cờ và tấu nhạc đến rước người con dâu hiếu ấy ra đi. Trong vùng, có người đỗ Cống Sinh mỗi lần đi ngang qua cửa nhà Vương Thị đều nhất định đứng ở ngoài cửa vái ba vái biểu thị sự cung kính.


(Ảnh dẫn qua: n.sinaimgn.cn)

Lời bàn: Cần lao may vá kiếm tiền, dâng cơm nước cúng dường cha mẹ chồng còn bản thân chỉ ăn cám gạo và rau dại. Dùng một tấm thân để làm trọn bổn phận của cả hai người, nàng quả xứng đáng được trường thọ và thành Tiên. Còn người đỗ Cống Sinh kia mỗi lần đi qua nhà Vương Thị xá ba xá nhằm để người đời thấy rằng: người mà tận hiếu sẽ được mọi người tôn trọng. Vậy thì kẻ bất hiếu hãy nên hổ thẹn mà sửa đổi!

Phùng Thị tự trách mình

Thời nhà Minh, vợ của Ngô Tử Quế là Phùng Thị. Gia đình rất nghèo, nàng hết sức cần kiệm để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Mẹ kế của chồng là Trương Thị thường xuyên mắng nhiếc nàng, nhưng Phùng Thị lúc nào cũng giữ hòa khí mà tiếp nhận lời chửi mắng, không hề có chút oán giận. Những phụ nữ láng giềng muốn đến nhà khuyên giải mẹ chồng nàng, Phùng Thị đều ngăn họ lại mà nói rằng: “Mẹ chồng sở dĩ mắng em là do em không thể chiều theo ý của bà. Nếu các chị đến khuyên bà thì chẳng khác nào nêu lỗi của mẹ chồng, vậy đã phạm đại tội bất hiếu rồi”.

Ngô Tử Quế có hai người em trai đều đã lập gia đình. Mẹ chồng cũng ngược đãi hai người con dâu đó. Cả hai nàng dâu luôn có ý nghĩ muốn treo cổ tự tử. Phùng Thị phải khéo léo uyển chuyển khuyên giải mới khiến họ từ bỏ ý định quyên sinh. Nhờ sự cảm hóa của Phùng Thị mà hai nàng ấy càng cẩn thận giữ đạo làm vợ hơn trước. Mẹ chồng cũng nhân đó mà dần hối hận hiểu ra vấn đề. Hai người em dâu cám ơn ân đức tái sinh của Phùng Thị, xem nàng như mẹ vậy.

Lời bàn: Tự trách bản thân, nhận phần lỗi về mình là việc mà bậc nam tử còn khó làm được, huống chi là nữ nhân. Phùng Thị lấy thân làm gương cảm hóa hai người em dâu, đồng thời còn cảm hóa mẹ kế của chồng mình. Không ngờ hạnh hiếu của Vua Thuấn ba ngàn năm sau đã có người như Phùng Thị làm được. Nếu như mở Kinh điển ra, nghe lời dạy của Thánh Hiền mà muốn được bằng như Thánh Hiền thì nào khó khăn gì chứ!

Tổng hợp