Trang chủ văn hóa Lì xì ngày Tết: Còn đâu một nét đẹp văn hóa?

Lì xì ngày Tết: Còn đâu một nét đẹp văn hóa?

0
207
Tết là ngày của đoàn viên và sum họp. Không biết từ khi nào mà văn hóa lì xì cho con cháu ngày Tết lại được du nhập từ nam chí bắc. Từng chiếc phong bao màu đỏ được trao đi, kèm theo đó là những lời cầu chúc may mắn, bình an.

Nhưng ngày nay, phong tục lì xì đã mất đi ý nghĩa ban đầu, người ta cũng không còn coi trọng ý nghĩa tinh thần của món quà đầu năm ấy nữa.

Thay vào đó, chiếc phong bao lì xì đã biến thành công cụ để cầu danh cầu lợi, hoặc trở thành cơ hội “kiếm chác” làm giàu của ai đó.

Trẻ nhỏ ngày xưa chỉ cần được tặng phong bao màu đỏ là vui như trẩy hội; còn trẻ nhỏ ngày nay thì lại so bì nhiều ít, để rồi khi nhận ít hơn mong đợi thì lại giận dỗi không muốn lấy, rồi thì Tết này “kiếm” được bao nhiêu tiền…

Sự tích chiếc phong bao màu đỏ

Phong tục lì xì có từ rất xa xưa. Tương truyền, xưa có một con yêu quái chuyên hãm hại trẻ nhỏ. Vì vậy, rất nhiều bậc cha mẹ không dám tắt đèn và phải thức qua đêm giao thừa để xua đuổi yêu quái ra khỏi nhà.

Có một gia đình nọ, hai vợ chồng rất hiếm muộn, mãi đến ngoài 50 mới sinh hạ được một cậu con trai nên rất cưng chiều. Giao thừa năm ấy, có 8 vị Thần giáng hạ bảo vệ cậu bé này.

Họ liền biến thành 8 đồng tiền ở bên cạnh cậu bé. Cha mẹ cậu thấy lạ, bèn lấy giấy đỏ gói lại rồi đặt dưới gối con trai mình. Quả nhiên đến đêm con quái vật đến quấy nhiễu, nhưng khi nó vừa bước lại gần thì 8 đồng tiền loé sáng khiến nó khiếp sợ bỏ chạy.

Từ đó về sau, người ta thường đặt các đồng tiền trong những phong bao màu đỏ để tặng cho trẻ nhỏ ngày Tết, với hy vọng đây sẽ là những đồng tiền may mắn xua đuổi tà ma, mang lại cát tường và bình an cho năm mới.

Chữ lì xì là phiên âm kiểu la-tinh của chữ “lợi thị” (利市) trong tiếng Hán, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Như vậy, tiền lì xì là để đem lại cái hên, điều lành, điều tốt cho trẻ nhỏ dịp đầu xuân.

Chữ lì xì là cách dùng phổ biến của người miền Nam, còn người miền Bắc chỉ gọi đơn giản là mừng tuổi cho trẻ em và người già nhân dịp Tết. Vì vậy đó cũng là phong tục của người Việt, và đã bắt nguồn từ lâu đời.

  • Phong bao nhỏ, ý nghĩa lớn

Tiền trong phong bao lì xì được gọi là đồng tiền may mắn, là phúc lộc đầu năm. Những người được nhận lì xì luôn tin rằng mình sẽ có một năm thật nhiều may mắn với khởi đầu tài lộc, sẽ “thuận buồm xuôi gió” cả năm.

Chưa bao giờ mà ngày Tết lại được mong chờ đến vậy, giây phút giao thừa bước sang năm mới là lúc ông bà, bố mẹ tặng cho con cháu những phong bao đỏ rực, đôi khi trong đó cũng chẳng có tiền mà thay vào đó là những thiệp chúc mừng đầu năm.

Lũ trẻ cũng chẳng lấy đó làm buồn lòng vì cảm giác nhận phong bao vào thời khắc giao thừa thật đặc biệt, đó là niềm hân hoan của năm mới, là sự linh thiêng của thời khắc giao thừa.

Người xưa cho rằng ý nghĩa của lì xì là ở chiếc phong bao màu đỏ chứ không phải ở số tiền nhiều hay ít. Ông bà xưa có câu, mồng một mà gặp điều gì thì cả năm sẽ gặp điều ấy, vì thế Tết mà được nhận hồng bao thì cả năm chắc chắn sẽ “rủng rỉnh” rồi.

Hơn nữa, đó còn là những lời chúc tụng giữa giây phút giao thời, còn gì hơn khi cả năm ai cũng chúc mình may mắn, không chỉ lũ trẻ vui mừng mà người lớn cũng hân hoan như vậy.

Con cháu chúc ông bà bách niên giai lão và biếu tặng ông bà những “hồng bao” thể hiện lời chúc trường thọ, cũng là mong muốn của con cháu đối với bậc sinh thành.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã khẳng định rằng: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có hiếu đễ với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm với cấp trên là rất hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm phản loạn là không có. Người quân tử là người chuyên tâm nắm vững cái gốc của tu thân thì đạo lập thân xử thế tự nhiên phát sinh ra trong lòng mình. “Hiếu đễ là cái gốc của đạo nhân”.

Nếu như năm xưa đức Khổng Tử đã đặt hiếu đức làm đầu, coi việc thờ kính cha mẹ là việc đầu tiên khi làm người, thì ngẫm thấy tục mừng tuổi ông bà cha mẹ cũng chính là hướng về văn hóa lâu đời và coi nó như một truyền thống tốt đẹp.

Con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ để thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành, ông bà cha mẹ lì xì cho con cháu là để thể hiện sự quan tâm đến thế hệ tương lai. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa đã truyền thừa qua ngàn đời.

Còn đâu một nét đẹp văn hóa?

Ngẫm lại thì ngày xưa coi lễ tiết là điều đáng có đối với bề trên, người ra đường cũng cúi chào kính cẩn coi đó như là điều cần có trong đạo làm người.

Tư duy hiện đại đã làm mất đi những hành vi tốt đẹp, ở thời mà người ra đường chỉ lướt qua nhau, bạn bè chỉ tồn tại trong thế giới ảo thì còn chăng cái ý nghĩa của những lễ tiết xưa cũ?

Đối với cá nhân tôi mà nói, Tết là một dịp để gia đình sum vầy, âu đó cũng là điều cần có của con cái trong những dịp đoàn viên. Năm nay được đi chúc Tết, tất nhiên không thể thiếu những phong bao lì xì.

Khi tôi còn bé, lũ trẻ chúng tôi thường tự làm phong bao, đôi khi chỉ là tự tô vẽ trên giấy màu hồng, bên trong đặt một vài đồng tiền lẻ, tặng cho ông, bố, cậu, chú thì là bảy ngàn đồng, tặng cho bà, mẹ, cô, dì thì là chín ngàn đồng…

Chẳng biết từ bao giờ mà số 7 với số 9 lại trở thành những con số để phân biệt món quà dành cho người nam và người nữ như thế.

Ngẫm lại, mấy năm nay chẳng còn cái việc tô vẽ hồng bao, chỉ cần ra tiệm là đã mua ngay được một xấp phong bao với đủ loại hoa văn, kiểu cách, từ hiện đại đến cổ kính.

Đến khi có phong bao rồi thì lại nghĩ nên lì xì bao nhiêu tiền, chắc chẳng còn cái ý nghĩ để bảy ngàn với chín ngàn nữa, vì bây giờ người ta để cả trăm ngàn trong phong bao, nếu lì xì ít quá thì chỉ cần ra khỏi cửa đã có tiếng dè bỉu vọng lại, tiền nhiều tiền ít…

Không biết từ bao giờ mà giá trị đồng tiền lại trở thành nỗi ám ảnh đến như vậy. Cùng với số tiền lì xì đua nhau tăng lên, thì ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại an bình của chiếc phong bao cũng không còn nữa. Mà giờ đây, có vẻ như nó còn khuyến khích lòng tham, cổ vũ người ta chạy theo vật chất, kim tiền…

Đối với những người bình dân như tôi, thì đến Tết tiền đã ít lại còn ít hơn, lì xì to lì xì nhỏ, rồi từ bao giờ cái việc lì xì lại thành bắt buộc, không có thì bị chê là keo kiệt bủn xỉn… Thôi thì Tết không nghĩ được nhiều đến vậy, âu đó cũng là văn hóa Việt rồi.

Điều làm tôi thấy hụt hẫng là bây giờ vật chất đã trở thành điều mà con người theo đuổi đầu tiên. Gần đây tôi ngồi trò chuyện với đứa cháu trai mới lên cấp hai, bố mẹ cháu đều là người làm trong nhà nước nên bạn bè cơ quan cũng nhiều.

Mỗi lần thấy có khách là cu cậu nhao ra rót nước niềm nở, sau một vài câu chào hỏi là cu cậu biết “mưa lì xì” sắp đến, sau những cơn mưa lì xì như thế là cu cậu mở ngay ra, rút vội tiền trong bao rồi đếm đếm, rồi năm nay lãi lỗ như thế nào…

Ngồi lướt điện thoại với lũ bạn thấy ai cũng bảo năm nay đi mừng tuổi cho sếp thế này thế kia, rồi khoe lì xì với những tờ tiền xanh đỏ như những chiến lợi phẩm sau màn thăm hỏi, rồi những lời bình luận chúc mừng thắng lớn…

Chuyện con trẻ đã đành nhưng cha mẹ cũng coi đó là thú vui khi con cháu “bội thu”. Dạo qua các trang mạng lại còn giật mình với những câu chuyện bi hài hơn nữa. Nào là con gái kiện cha mẹ vì “biển thủ” tiền mừng tuổi, nào là sếp rải mưa tiền mừng tuổi nhân viên ngày đầu xuân, nào là tranh cãi chuyện tiền lì xì thuộc về cha mẹ hay con trẻ…

Những bản tin cười ra nước mắt ấy khiến không ít người trong chúng ta phải thốt lên rằng: Nét đẹp văn hóa mà ông cha xưa đã gìn giữ và lưu truyền, lẽ nào lại biến tướng thành như vậy?

Nếu như người xưa mừng tuổi cốt ở cái tâm, thì ngày nay lại trọng ở vật chất. Người xưa chúc tụng không cần hoa mỹ khoa trương, mà xuất tự nội tâm, đều là điều chân thành mộc mạc trong lòng mình.

Người được chúc tụng dẫu thứ nhận được chỉ là một câu nói, thì cũng đón nhận bằng cả tấm lòng biết ơn. Chỉ mong sao khi những chiếc hồng bao được trao đi, người ta sẽ nhớ đến ý nghĩa linh thiêng của nó hơn là giá trị vật chất hay tiền tài. Đúng như một bài hát rằng:

“Nhớ những ngày xưa trẻ con
Cùng cười đùa khoe bao lì xì rộn ràng trong áo mới

Nếu có mơ ước thần tiên
Mãi mãi được bên mẹ cha mừng xuân
Vì quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng Tết đoàn viên
Vì quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”…

Tổng hợp