Trang chủ văn hóa ‘Thắng làm vua, thua làm giặc’: Phải chăng những vị vua mất...

‘Thắng làm vua, thua làm giặc’: Phải chăng những vị vua mất nước đều không có tôn nghiêm?

0
198
Vua Trụ nhà Thương tự thiêu sau khi vong quốc (Ảnh minh hoạ).

Xã hội đang phát triển, khoa học kĩ thuật ngày càng tiến bộ. Nhân loại chúng ta ngày càng có nhiều mơ ước trinh thám vũ trụ và nuôi dưỡng những khát vọng thành công trong cuộc sống. Nhưng cũng vì thế mà họ dẫm đạp lên nhau trên con đường tìm kiếm thành công; tranh tranh đoạt lẫn nhau, ‘con gà tức nhau tiếng gáy’ mà sẵn sàng tìm mọi cách để hạ gục đối phương.

Cái tâm tranh đấu của con người ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Cũng bởi thế, lâu dần đã hình thành những quan niệm sống lệch lạc kiểu như: “Kẻ thắng phải được làm vua, kẻ thua phải làm giặc”. Nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, đây có lẽ cũng chỉ là một loại quan niệm theo kiểu ‘luật rừng’, ‘cá lớn nuốt cá bé’, ‘đấu tranh sinh tồn’ phi nhân đạo.

Có câu: “Trèo càng cao ngã càng đau”. Vả chăng, nơi cao nhất trong cõi trần là ngôi vị đế vương, thì có lẽ thảm hại nhất cũng chính là ngồi trên vương vị cao cao tại thượng mà ngã xuống.

Vào thời Trung Quốc cổ đại – thời đại khi con người vẫn còn chung sống hòa ái, người ta làm việc gì cũng nguyện ý để lại cho người khác một con đường lui. Sử sách có ghi: ‘Những quân vương sa cơ lỡ vận vẫn nhận được sự kính trọng mươi phần từ mọi người’.

Thắng làm vua thua làm giặc’ – đánh người chuyên đánh mặt?

Nhớ lại khi còn nhỏ, chúng ta thường hay nghe người lớn nói rằng: “Đánh người không đánh mặt”. Thế nhưng, đợi cho đến hôm nay khi chúng ta đều đã trưởng thành, những người xung quanh chúng ta lại nói: “Cho hắn một cái tát thật đau vào đầu…” dường như cách suy nghĩ của con người hiện tại đã thay đổi. “Đánh người không đánh mặt” có vẻ đã trở thành “đánh người chuyên đánh mặt”.

“Thắng làm vua, thua làm giặc”, vì thắng lợi mà không từ thủ đoạn. Trong bối cảnh hiện đại, những thứ như: chiến tranh sinh học, chiến tranh vi khuẩn, chiến tranh hạt nhân, v.v… đều đang dần trở thành những từ ngữ thường thấy, thường dùng.

Có lẽ, những người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh sẽ cảm thấy rất thỏa mãn, vui vẻ. Tuy nhiên, liệu rằng họ có từng suy xét đến cảm thụ của những người bại trận hay không?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chiến thắng của Vũ vương trong cuộc đại chiến cuối cùng thuộc phong trào “Vũ vương phạt trụ” nhằm lật đổ sự thống trị tàn bạo của Trụ vương. Đây là một trận chiến tiêu biểu cho lễ nghĩa và cách hành xử trong mối quan hệ giữa người với người thời cổ đại. Những sự việc trong đó có thể khiến cho cách chúng ta nhìn nhận về thế giới từ trước đến nay hoàn toàn thay đổi.

Cuộc chiến “Vũ vương phạt Trụ” – Giữ đúng ước định 

Vào thời cổ đại, mọi cuộc chiến tranh xảy ra đều phải có lý do, có tên gọi. Vô duyên vô cớ phát động chiến tranh thì chính là tự mình đi tìm đường chết.

Một người hoặc nhóm người nào đó, nếu muốn phát động chiến tranh thì trước hết cần phải có lý do chính đáng, hơn nữa còn phải “tiền lễ hậu binh” (trước hết coi trọng việc lễ nghĩa sau mới đến chuyện quân binh).

Những điều như: quân vương phản lại trời cao, làm việc trái với đạo đức, phá hoại cương thường, sủng hạnh nịnh thần, v.v… chính là chỉ: quân vương ngu ngốc khiến cho thiên hạ hỗn loạn, dân chúng lầm than. Những điều này đều là lý do để lật đổ sự thống trị của một vị quân vương, cũng chính là “Hưng nghĩa sư, phạt vô đạo” (đội quân phục hưng chính nghĩa, thảo phạt kẻ vô đạo).

Trong “Tư Mã binh pháp” có một đoạn viết: “Những vị vua xem nhẹ Thiên mệnh, vi phạm pháp luật, bại hoại đạo đức, làm việc trái với trời đất và hãm hại công thần sẽ bị các nước chư hầu cùng nhau công bố tội trạng cho toàn thiên hạ, bẩm báo với trời đất thần linh và tổ tiên. Sau đó, người đứng đầu khởi nghĩa sẽ tập trung quân đội chinh phạt và tuyên bố với các nước chư hầu rằng: “Quốc gia nào đó bởi vì vô đạo nên cần phải xuất quân đi chinh phạt. Quân đội của các nước chư hầu vào ngày nào tháng nào năm nào tiến quân tới quốc gia nào, cùng với thiên tử trừng trị kẻ phạm tội.”

Cuốn sách binh pháp “Lục thao” của Khương Tử Nha cũng đề cập đến các quy định về việc phát động một cuộc chiến tranh. Khi xảy ra chiến tranh, hai bên cần ước định thời gian, địa điểm chiến đấu. Hơn nữa, hai bên cần phải tham chiến đúng thời gian đã định.

Một ví dụ tiêu biểu cho quy định này là cuộc chiến giữa quân Vũ vương và quân Trụ vương trong trận Mục Dã (1046 TCN). Cuốn “Lã Thị Xuân Thu” ghi lại rằng: Khi quân đội của Vũ vương đến Vị Thủy, triều Thương đã phái Giao Cách tới chờ để nghênh đón. Gặp được Vũ vương, Giao Cách hỏi: “Tây bá đang định đi tới nơi nào? Xin đừng lừa gạt chúng tôi.” Vũ vương đáp: “Không gạt ngươi, chúng ta đang tới đất Yên.” Giao Cách lại hỏi: “Ngày nào thì tới nơi?” Vũ vương đáp: “Ngày Giáp Tử sẽ tới vùng ngoại ô thành Yên. Ngươi cứ về bẩm báo như vậy đi.”

Thế nhưng, trên đường hành quân, binh lính của Chu Vũ vương lại liên tục vài ngày liền đều gặp phải trời mưa khiến cho họ tốn rất nhiều công sức đi đường.

Lúc đó, chẳng những Chu Vũ vương không ra lệnh cho binh sĩ dừng lại nghỉ để bảo dưỡng tinh thần và chuẩn bị vũ khí chiến đấu mà ngược lại, ông hạ lệnh cho binh sĩ gia tăng tốc độ hành quân.

Các binh sĩ thấy vậy liền thưa với Vũ vương rằng đã có binh lính vì vướng phải mưa rừng mà mắc bệnh, xin Vũ vương cho họ được nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, Vũ vương lại nói: Ta đã để Giao Cách về báo cáo lại là ngày Giáp Tử sẽ tới vùng ngoại ô thành Yên. Nếu như Ngày Giáp Tử không thể tới nơi thì sẽ khiến cho Giao Cách bị mất đi sự tín nhiệm. Giao Cách mất đi lòng tin của triều đình thì quân chủ của ông ta nhất định sẽ giết chết ông ta. Ta gấp gáp hành quân như vậy là để cứu cho Giao Cách khỏi bị chết.”

Vì thế, Chu Vũ vương đã dẫn theo đạo quân tinh nhuệ của mình đội mưa hành quân không quản ngày đêm, cuối cùng cũng tới được vùng ngoại ô thành Yên vào đúng thời gian đã ước định. Nơi đây cũng là địa điểm diễn ra trận chiến Mục Dã. Khi quân của Vũ vương tới nơi, binh lính của Trụ vương cũng đã có mặt và bày bố xong trận hình.

Có thể thấy, mặc dù Thương Trụ vương là một hôn quân ngu ngốc bạo ngược, nhưng khi đối mặt với binh sĩ từ phương xa tới của Chu Vũ vương, cũng không hề cậy vào ưu thế ở gần mà nhởn nhơ coi nhẹ.

Sự chênh lệch to lớn giữa hai đội quân

Do mưa lớn gặp phải trên đường, cộng thêm yêu cầu gấp rút hành quân của Chu Vũ vương, nên mặc dù đã đến thành Yên đúng hẹn nhưng việc di chuyển đội hình của những binh sĩ mắc bệnh do mưa rừng vẫn có đôi chút chậm chạp. Đội quân mà Chu Vũ vương dẫn theo là một đội chiến xa tinh nhuệ được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Trong “Bác vật chí” ghi chép: Vũ vương thảo phạt vua Trụ, trên đường gặp phải mưa lớn. Thế là ông liền dẫn theo 300 cỗ chiến xa, 3000 quân tinh nhuệ, một ngày đi 300 dặm. Cuối cùng quân của ông cũng đến được địa điểm đã hẹn.

8 đạo quân chư hầu trợ giúp Chu Vũ vương cũng đã tập trung đúng thời gian và địa điểm như ước định.

Hơn nữa, dựa theo phát hiện khảo cổ của những học giả hiện đại: Để chuẩn bị cho trận chiến Mục Dã, Trụ vương đã huy động gần 17 vạn binh mã.

Sau này, văn hiến của triều Chu viết: thời điểm đó quân đội của Trụ vương nghênh chiến, người đông tới mức đếm không xuể.

Trong “Đại Nhã – Đại Minh” dưới triều Chu cũng tả lại rằng: “Ân Thương chi lữ, kỳ hội như lâm”, nghĩa là: Quân đội của nhà Ân Thương tập trung đông như cây trong rừng.

Lễ tiết trước khi bắt đầu chiến đấu 

Mặc dù quân Vũ vương phải gấp rút lên đường để tới địa điểm giao chiến, quân Trụ vương cũng đã sớm chờ đợi từ lâu, nhưng cả hai bên đều không hề gấp gáp lao vào chiến đấu bởi vẫn còn một việc lớn nữa cần làm trước khi bắt đầu. Đó chính là lễ thệ sư.

Đối với việc này, Trụ vương vẫn rất kiên nhẫn chờ đợi bởi đây là pháp lễ do tổ tông của Trụ vương lưu lại. Năm xưa Thành Thang – tổ tiên của nhà Thương khi dẫn quân đi thảo phạt Hạ Kiệt cũng đã cử hành lễ thệ sư như vậy, lưu lại pháp lệnh “Thang thệ” cho đời sau.

Vũ vương tay trái cầm chiếc rìu lớn màu vàng đại diện cho quyền thảo phạt, tay phải trước tiên vươn về phía 8 đạo quân chư hầu đến trợ giúp chiến đấu để biểu thị lòng cảm ơn. Sau đó, Vũ vương hô gọi toàn bộ binh sĩ nâng vũ khí trong tay lên, bắt đầu chính thức tuyên thệ, liệt kê ra vô số sai phạm, các hành vi bất nhân bất nghĩa của Trụ vương để biểu thị rằng bản thân đang thay Trời trừng phạt kẻ có tội.

Vậy tiếp theo phải chăng chính là quân đội hai bên bất chấp tất cả, hò hét xông lên chiến đấu?

Không phải như vậy, tiếp theo chính là các quy củ trên chiến trường mà Chu Vũ vương yêu cầu đối với binh sĩ của mình.

Quy tắc tác chiến là: Mỗi lần tiến về phía trước 6 – 7 bước thì phải dừng lại để chỉnh lý đội ngũ; cứ công kích về phía trước không quá 4 – 7 lần thì phải dừng lại để chỉnh lý đội ngũ. Mỗi binh sĩ đều cần dũng mãnh như thần thú hắc hùng nhưng không được công kích những người đã xin hàng…

Nếu như chiểu theo cách tư duy của chúng ta hiện nay để giải thích, việc cứ đi vài bước lại phải chỉnh lý lại đội ngũ, mới vừa đánh được vài lượt lại cần chỉnh lý đội ngũ này quả thực khiến cho người ta không cách nào hình dung được trận đấu này phải đánh như thế nào.

Thế nhưng, vào thời đó, cách đánh trận chính là như vậy. Thậm chí còn có một cảnh tượng thú vị hơn, chính là: quân đội hùng hậu mười mấy vạn binh lính của Thương Trụ đứng im tại chỗ để nghe Chu Vũ vương liệt kê các loại hành vi sai trái của Trụ vương.

Có lẽ, bên trong đoàn quân của Trụ vương cũng có rất nhiều người bị thuyết phục và mang lòng ngưỡng mộ trước những lời nói khảng khái mang ý chí sục sôi của Chu Vũ vương và trước uy nghiêm của bậc vương giả.

Sự tôn trọng mà một vị vua mất nước nhận được 

Vậy nên sau khi một loạt những trình tự lễ nghĩa này được cử hành, lúc hai bên giao chiến, mặc dù có ưu thế rất lớn về binh lực nhưng đội quân của Trụ vương dường như không hề có khả năng chống trả. Cuối cùng, quân Trụ bại trận trong nháy mắt, rất nhiều người xin hàng theo Chu Vũ vương.

Trụ vương thua trận, trốn chạy trở về Triều Ca sau đó ăn mặc chỉnh tề, bước lên Lộc Đài tự thiêu mà chết.

Trong “Phong Thần diễn nghĩa” có một đoạn miêu tả sự việc Trụ vương tự thiêu như sau: khi Chu Vũ vương đuổi tới dưới thành Triều Ca, ông nhìn thấy lầu Trích Tinh cao sừng sững đang bốc cháy, trung tâm của ngọn lửa có một người đang đứng.

Ông vội vàng hỏi các bị tướng quân và quan lại xem đó là chuyện gì. Các tướng sĩ trả lời rằng: đó là Trụ vương tự thiêu trên lầu Trích Tinh. Sau khi nghe xong, không những Chu Vũ vương không hề cảm thấy vui vẻ hả hê mà ngược lại, ông quay người lặng lẽ rơi lệ. Sau đó, ông căn dặn thuộc hạ nhất định phải mang thi thể của Thương Trụ vương trang liệm cẩn thận không được phép khinh nhờn, và hạ táng theo lễ nghĩa dành cho đế vương.

Có thể trong trận chiến thảo phạt, Chu Vũ vương coi Thương Trụ vương là một hôn quân tàn bạo khiến cho lê dân bách tính lầm than. Chỉ có đánh bại ông ta mới có thể khiến cho thiên hạ an định.

Thế nhưng, khi đối diện với sinh tử, Thương Trụ vương cho dù có ngu xuẩn vô đạo đến mấy cũng là quân vương triều Thương được trời an bài, còn Chu Vũ vương chính là vị quân vương mới được Trời chỉ định. Vì vậy, ông nên dành cho vị vua cũ là Trụ vương một sự tôn trọng thỏa đáng.

Hơn nữa, Chu Vũ vương dù sao cũng từng là bề tôi của Thương Trụ vương. Vậy nên, ông cũng cần tôn trọng việc sống chết của quân chủ.

Thân là một vị vua mất nước, sau khi chết còn có thể nhận được sự tôn trọng như vậy, chiểu theo cách tư duy của người hiện đại chúng ta ngày nay thì đó quả là một việc may mắn.

Tuy nhiên vào thời đại bấy giờ, đây là một chuyện rất bình thường, không có gì đặc biệt. Giữa người với người nên tôn trọng lẫn nhau, cho dù hai người là kẻ địch cũng không thể biểu hiện quá đáng.

Trận chiến Yên Lăng – không thể sỉ nhục quân vương bại trận

Giữa thời Xuân Thu, hai nước Tấn – Sở tranh bá, nước Trịnh phải phụ thuộc vào nước Sở. Vì vậy, nước Trịnh trở thành mục tiêu tranh đoạt của cuộc chiến giữa hai nước Tấn – Sở.

Nước Trịnh thất bại trong quá trình kháng chiến với nước Tấn. Quân chủ nước Trịnh là Trịnh Thành công phải ngồi xe ngựa trốn chạy.

Hàn Quyết của nước Tấn đuổi theo Trịnh Thành công. Người đánh xe cho Trịnh Thành công, do sợ hãi truy binh phía sau của nước Tấn, nên vừa đánh xe vừa ngoái lại nhìn, không thể tập trung điều khiển xe ngựa.

Người đánh xe của Hàn Quyết thấy vậy bèn hỏi: “Nên chăng nhanh chóng đuổi lên phía trước? Tên đánh xe của chúng liên tục quay đầu nhìn về phía sau, không chú ý đến việc điều khiển ngựa, chúng ta có thể đuổi kịp.”

Hàn Quyết nói: “Không thể lại tiếp tục hạ thấp một vị quân vương.” Nói xong liền dừng lại không tiếp tục đuổi theo nữa.

Tướng quân nước Tấn là Khích Chí cũng đuổi theo Trịnh Thành công. Thuộc hạ của ông kiến nghị ông phái xe chờ sẵn ở những đường nhỏ, nhằm đuổi bắt Trịnh Thành công làm tù binh.”

Khích Chí đáp: “Làm tổn hại đến quân vương sẽ phải nhận hình phạt”. Và sau đó ông cũng dừng lại không tiếp tục truy đuổi nữa.

Ở trên chiến trường, tướng quân Khích Chí của nước Tấn ba lần gặp chiến xa của Sở Cung vương. Cả ba lần ông đều xuống xe, tháo mũ đang đội trên đầu xuống để biểu thị sự tôn kính.

Từ cuộc chiến Thương – Chu đến giai đoạn Xuân Thu, cho dù là kẻ địch trong chiến tranh, nhưng các tướng sĩ đối với mỗi vị vua đều vô cùng tôn kính.

Nhân sinh thế sự khó dò, ai có thể bảo đảm rằng mình sẽ không phải là “kẻ bại”, không phải là “kẻ yếu”?

Nếu như bản thân bất hạnh mà trở thành một vị vua mất nước hay phải làm một kẻ yếu thế, có lẽ tất cả chúng ta thực sự đều hy vọng rằng bản thân mình được sống trong những niên đại mà tiêu chuẩn đạo đức vẫn còn tương đối cao đó.

Tổng hợp