Trang chủ văn hóa Vẻ đẹp của sự đoan trang

Vẻ đẹp của sự đoan trang

0
137
Trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống, luôn luôn bảo trì dáng vẻ trang nghiêm, trầm ổn, điều này không chỉ mang tới cho người khác thiện cảm bình hòa và an định, mà còn thể hiện bản tính đoan chính, thanh nhã của bản thân, còn có thể tránh được những sai sót và sơ suất do những cử chỉ, động tác tùy ý, phóng túng tạo thành.
Vẻ đẹp của sự đoan trang

Nếu như trong sinh hoạt mà quá tùy tiện cẩu thả, hờ hững qua loa hoặc có những cử chỉ không suy xét sao cho đúng, sao cho chừng mực, thì sẽ có lúc gây ra những động tác cử chỉ mất kiểm soát hoặc không nghiêm túc, thậm chí có thể gây tổn hại cho người khác ở mức độ nào đó và khiến họ hiểu lầm.

Có vẻ như trong sinh hoạt, việc nuôi dưỡng phong thái tốt đẹp quả thực là điều cần được chú ý mọi lúc, mọi nơi. Người ta thường nói “thân chính tâm chính”, khi thân không chính thì tâm cũng thường không chính. Nghe nói rằng thời xưa, khi đọc sách thì người ta phải chú trọng tư thế ngồi, khi viết thì đều phải tĩnh tâm điều tức.

Trong “Đệ tử quy” có nói: “Đi thong thả, đứng ngay thẳng; chào cúi sâu, lạy cung kính”. Thật vậy, một tư thế nghiêm cẩn, đoan chính phản ánh tâm thái bình hòa, nghiêm túc của một người khi xử thế, bên trong thành tâm thì bên ngoài hành động cũng thể hiện ra như thế, có thể khiến người ta xử lý chu toàn những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống một cách thỏa đáng và chu đáo, lại mang đến cho mọi người dư vị ấm áp và tinh tế.

Người xưa nói: “Cổ chi quân tử tất bội ngọc, quân tử vô cố, ngọc bất ly thân” (Tạm dịch: Bậc quân tử khi xưa ai cũng đeo ngọc, và đó là vật bất ly thân của họ). Người xưa mang ngọc thạch bên mình, đó không chỉ là một loại trang sức đẹp, càng không phải là để khoe khoang của cải, quân tử mang ngọc là có ý so sánh đức hạnh của người quân tử cũng giống như ngọc đẹp. Mà ngọc bất ly thân, có lẽ là khiến người quân tử “tu nội mà an ngoại”, sự tu dưỡng từ nội tâm tới bề ngoài, càng thêm phần cung cẩn đúng mực, trầm ổn khoan thai.

“Tống Thượng Cung – Nữ Luận Ngữ” viết: “Khi làm không quay đầu, khi nói không nhếch môi. Khi ngồi không di chuyển đầu gối, khi đứng không rung quần. Khi vui không cười lớn, khi tức không lớn tiếng”. Đoạn văn này là để khuyên răn, nhắc nhở mọi người, thân là con gái, khi làm việc gì, khi đi đứng nói năng, khi ngồi, khi nằm thì ngôn hành cử chỉ, cần có một loại khí chất trầm tĩnh, làm được đến độ “không lễ không nhìn, không lễ không nghe, không lễ không nói, không lễ không làm”.

Khi trong tâm quá vui hoặc quá tức giận, không đủ trầm ổn, thì hành vi và động tác ở bề ngoài cũng sẽ không có cảm giác trầm tĩnh. Ai có thể thời thời khắc khắc tự mình tu dưỡng, khắc chế những xung động tình cảm của bản thân, dần dần khiến những cử chỉ, lời nói thường ngày của mình đạt đến cảnh giới “hoãn, mạn, viên”, mới có thể khiến nội tâm trở nên bình hòa, yên tĩnh.

Từ đó có thể thấy, vẻ đẹp đoan trang của người phụ nữ, nằm ở sự điềm tĩnh không gợn sóng, tao nhã trong từng cử chỉ và nét mặt, nụ cười; vẻ đẹp nằm ở sự trưởng thành, vững vàng và tự chủ ở khả năng tập trung trong cuộc sống, công việc hay khi giao tiếp với người khác.

Nguyện cho các bạn nữ có thể làm chủ nhịp sống cho phù hợp với hoàn cảnh của mình trong thế sự phức tạp, đồng thời trau dồi nét quyến rũ nhẹ nhàng và thanh lịch, không chỉ bắt kịp nhịp độ thời đại mà còn giúp cuộc sống của họ trở nên gọn gàng ngăn nắp và thành thục, trong dòng sông dài lịch sử lưu lại một phần hương thơm đoan trang và tao nhã.

Ảnh: Rosy
Nội dung: Chanhkien