Nhà thơ Phan Hoàng: Nghĩa tình của người Sài Gòn

0
628

Người Sài Gòn, người Hà Nội hay người Huế, người Quảng đều là người Việt Nam. Đó là điều đương nhiên. Cái khác biệt là do hoàn cảnh ở mỗi vùng đất hay địa phương con người có những cá tính, hành động mang giá trị khác nhau. Ở khía cạnh hoạt động xã hội từ thiện, có lẽ không ở đâu có nhiều chương trình, phong trào được khởi xướng và nhiều cá nhân lăn xả vì cộng đồng như ở Sài Gòn – TP.HCM, cho dù họ sinh trưởng nơi đây hay từ nơi khác đến lập nghiệp,…

Nhà thơ Phan Hoàng.

1.Thượng tướng Trần Văn Trà

Vừa qua chúng tôi vượt hơn 120 cây số từ TPHCM theo Quốc lộ 13 lên thăm huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước sát biên giới Camphuchia. Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ: Căn cứ Tà Thiết, Sân bay Lộc Ninh, Kho xăng Lộc Quang – Lộc Hồ, Nhà giao tế Lộc Ninh. Vùng chiến khu xưa đã nhiều thay đổi nhưng dấu tích cũ vẫn còn đó.

Ngắm cảnh nhìn vật nhớ người. Tôi như thấy thấp thoáng đâu đây bước chân những chiến binh trong cái nắng nung người hay mưa trắng xoá núi rừng. Có người ngã xuống. Có người may mắn sống sót đến ngày hoà bình. Đặc biệt ấn tượng trong tôi là hình ảnh danh tướng Trần Văn Trà – 45 năm trước ông là vị tư lệnh lừng lẫy của Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật Nguyễn Chấn sinh trưởng ở Quảng Ngãi nhưng cuộc đời binh nghiệp chủ yếu gắn bó với Sài Gòn và Nam Bộ. Từ thành phố này ông bắt đầu cầm súng và nhanh chóng trở thành một vị chỉ huy tài năng, bản lĩnh chiến trường lẫn trên bàn đàm phán ngoại giao, ông được tin tưởng giao trọng trách Trưởng đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam từ căn cứ Lộc Ninh bay vào Sài Gòn tham gia Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên thực thi Hiệp định Paris đầu năm 1973. Hơn hai năm sau, ông lại đảm nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định ngay khi vừa giải phóng với bao công việc cấp bách của một đô thị thời chiến chuyển sang thời bình.

Thượng tướng Trần Văn Trà cùng đồng đội về thăm lại chiến khu Lộc Ninh sau ngày đất nước thống nhất.

Đất nước thống nhất, sứ mệnh cầm súng hoàn thành, vài năm sau Thượng tướng Trần Văn Trà lui hẳn về cầm bút viết báo viết văn, nghiên cứu lịch sử và dành thời gian đi viếng thăm, hỗ trợ những vùng chiến khu xưa còn nghèo khó. Lộc Ninh là một trong những nơi ông hay trở về. Tôi may mắn từng tháp tùng ông cùng một số chiến tướng lên đây cũng như thăm những vùng sâu vùng xa khác. Vị tư lệnh năm xưa như người thân trở về trong vòng tay bà con và đồng đội. Ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ đau các cựu chiến binh cũng như gia đình các thương binh liệt sĩ. Nhiều người thương tích đầy mình. Có người còn mang trong máu thịt những mảnh bom đạn hay chất độc màu da cam. Đó là điều vị chiến tướng luôn trăn trở. Bằng uy tín của mình, ông không ngừng đi vận động, thuyết phục các mạnh thường quân tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, xây nhà tình nghĩa, tạo công ăn việc làm cho những người còn khó khăn. Có thể nói ông là một trong những người Sài Gòn đầu tiên khởi xướng hoạt động xã hội từ thiện sau chiến tranh.

Thượng tướng Trần Văn Trà thăm bà con từng cưu mang mình ở chiến khu Đồng Tháp.

Thượng tướng Trần Văn Trà còn sang tận Singapore tìm đối tác xây dựng một bệnh viện cho các cựu chiến binh và những người có công với nước. Vì tuổi cao sức yếu, di chuyển xa, công việc nhiều, ông bất ngờ ngã xuống trong chuyến đi đầy ý nghĩa ấy. Trước lúc “thiên mã thăng” như lời thơ mình viết, ông di nguyện gia đình không cúng giỗ linh đình dành dụm tiền để giúp đỡ các cựu chiến binh và những người bất hạnh. Và gần 15 năm qua, gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ của chồng và cha, vận động xây dựng hơn 300 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học, giúp đỡ các cựu chiến binh vượt khó. Chẳng những để lại bao chiến tích oai hùng mà danh tướng Trần Văn Trà còn để lại một tấm lòng nhân nghĩa có sức truyền cảm mạnh mẽ cho hậu thế!

2.Thượng tướng Trần Nam Trung

Cùng thời với Thượng tướng Trần Văn Trà còn có một lão tướng quê Quảng Ngãi khác tôi có nhiều dịp gần gũi trò chuyện, đó là Thượng tướng Trần Nam Trung – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, sau này Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Chính phủ. Ông tên thật Trần Khuy, còn có bí danh Trần Lương, từng là một trong những thủ lĩnh du kích khởi nghĩa Ba Tơ cùng với nhà lãnh đạo Trương Quang Giao và các tướng lĩnh sau này như Nguyễn Chánh, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt…

Khi tuổi cao, bệnh tật triền miên nhưng trong lòng Thượng tướng Trần Nam Trung lúc nào canh cánh nỗi niềm với đất nước, với đồng đội, nhất là những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Ông luôn quan tâm về đời sống nhân dân những vùng chiến khu xưa từ duyên hải Nam Trung Bộ tới Đông Nam Bộ suốt đời mình gắn bó. Nhắc tới một ai có hoàn cảnh bất hạnh, nước mắt ông chảy xuống. Ông dạy bảo con cháu sống làm việc có ích, khuyến khích siêng năng hoạt động xã hội từ thiện. Tấm lòng của lão tướng đầy ắp nghĩa tình!

Chẳng hiểu sao tôi lại có duyên gặp người Sài Gòn gốc Quảng Ngãi cũng họ Trần. Không biết tấm gương những người đi trước như các danh tướng Trần Văn Trà, Trần Nam Trung có ảnh hưởng gì không nhưng các bạn trẻ sau này đều chăm chỉ học hành, sáng tạo, làm ăn và trái tim luôn đập nhịp đập vì quê hương, cộng đồng.

3.Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

Tôi muốn nói tới nhà văn Trần Nhã Thuỵ, một tên tuổi quen thuộc với làng báo làng văn và gần đây là cả làng sách. Anh trầm tính, ít nói, nhưng nói điều gì chắc như bắp. Và anh luôn đảm nhận một khối lượng công việc đáng nể. Viết truyện, in sách cho mình và cho mọi người. Viết báo, biên tập báo và nhà xuất bản. Đó là chưa kể công việc quản lý đứng đầu Chi nhánh miền Nam Nhà xuất bản Hội Nhà văn và thỉnh thoảng “vác tù và hàng tổng” ở Hội Nhà văn Việt Nam lẫn TP.HCM. Vậy mà nhà văn Trần Nhã Thuỵ còn tranh thủ tham gia hoạt động xã hội từ thiện. Ngoài những chuyến vòng quanh TP.HCM anh hay về miền Trung và Tây Nguyên tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt.

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

4.Doanh nhân Trần Thanh Phong 

Người Trần Nhã Thuỵ hay phối hợp là Trần Thanh Phong doanh nhân đồng hương, đồng môn gốc Quảng Ngãi. Trần Thanh Phong là người sáng lập công ty phân phối thực phẩm Thiên Bút, một trong những doanh nghiệp có doanh thu và đóng thuế hàng đầu của quận Tân Phú. Năng động, quyết đoán và cởi mởi, nghĩa hiệp, bên cạnh công việc kinh doanh anh luôn có những chương trình hoạt động xã hội từ thiện thiết thực cho cộng đồng. Gần đây anh đang theo đuổi một dự án đầy ý nghĩa, đó là cải tạo và xây dựng một hồ nước sạch rộng lớn, phối hợp tạo cảnh quan cho một vùng quê Quảng Ngãi. Thi thoảng ngồi cà phê với Trần Thanh Phong tôi nghe những câu chuyện mới thật có ích. Anh làm việc nghĩa một cách lặng lẽ. Anh không dùng công việc từ thiện cho mục đích quảng bá thương hiệu kinh doanh. Cái khác biệt của anh so với nhiều doanh nhân khác là ở chỗ đó.

Doanh nhân Trần Thanh Phong cùng đoàn bác sĩ Trường Đại học Y dược ra vùng cao Quảng Ngãi khám bệnh, phát thuốc từ thiện cho đồng bào.

5.Anh Lê Văn Thái – thợ sửa xe đạp

Có tiền làm từ thiện rất đáng quý. Không có tiền vẫn làm từ thiện lại càng đáng quý hơn. Một trong những trường hợp như vậy là anh Lê Văn Thái, cũng quê Quảng Ngãi mới vào Sài Gòn vài năm nay thuê căn nhà nhỏ trên con đường nhỏ Hồng Lạc sửa xe đạp nuôi sống vợ con. Một người rặt nhà quê mộc mạc chân thành. Gặp và nghe anh tâm sự trong một chương trình đài phát thanh làm tôi hết sức bất ngờ và xúc động. Anh nghèo, nhiều người còn nghèo hơn, không có chiếc xe đạp đi. Thấy vậy, những lúc rảnh rỗi anh lang thang đi mua rẻ những chiếc xe đạp cũ kỹ, phế thải về tranh thủ sửa chữa, sơn phết trở lại mới toanh, mang tặng cho các em học sinh nghèo. Rồi thông qua Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, anh Lê Văn Thái thu mua, sơn sửa, hỗ trợ xe đạp ngày càng nhiều hơn cho trẻ em khó khăn.

Tất nhiên, những người Sài Gòn gốc Quảng Ngãi nghĩa tình tôi quen biết chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều tấm lòng nhân ái biết sống cống hiến cho xã hội, cộng đồng. Họ có thể là người sinh trưởng tại Sài Gòn hay nơi khác đến học tập, làm việc, tạo dựng sự nghiệp và ở cái thành phố giống như “Liên hiệp quốc” này của nước ta cũng thật khó phân biệt đâu là người Sài Gòn chính gốc, đâu là di cư. Cho dù Sài Gòn có lịch sử hình thành hơn 320 năm nhưng hàng ngày quanh ta đâu dễ tìm những người có vài ba đời sinh trưởng nơi đây. Dù sinh ra ở đâu hay từ đâu đến, hoạt động từ thiện với mục đích gì mọi nghĩa cử của họ đều đáng trân trọng. Nó như một sự trả ơn đối với thành phố cưu mang mình, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nói về mục đích làm từ thiện, tôi lại nhớ đến câu chuyện ông Thủ Huồng lưu truyền trong dân gian và nhà văn Sơn Nam có ghi lại trong tác phẩm Danh thắng miền Nam. Ông tên thật là Võ Hữu Hoằng làm chức thủ ngự, giống như trạm trưởng kiểm soát, thu thuế trên sông Sài Gòn. Thời bấy giờ đường sông là huyết mạch giao thông chính. Nhờ nhũng nhiễu, tham ô khách ghe thuyền buôn bán trên sông và cho vay nặng lãi ông giàu lên rất nhanh.

Một ngày nọ chợt nhận ra tội lỗi, ông tìm tới một pháp sư để hoá giải. Trong cơn nhập đồng, hồn ông lìa khỏi xác ngao du xuống âm ty, thấy giữa hàng ngàn cái gông có cái gông to nhất ghi tên Võ Hữu Hoằng, lại nghe quỷ sứ bảo trên trần gian ông độc ác, tội lỗi ngày thêm nặng. Thất kinh bát đảo, ông quỳ lạy lia lịa, được một vị phán quan mách rằng muốn giảm tội về trần gian phải làm việc thiện, nhất là bố thí cho người nghèo khó.

Võ Hữu Hoằng nghĩ cách cất một ngôi nhà bè rộng mát sát mé sông. Thuyền ghe khách đi qua đều dừng lại lấy gạo, củi, nước, thuốc men miễn phí. Những người ốm đau có thể ở lại dài ngày được chăm sóc chu đáo. Việc bố thí của ông nhận nhiều lời khen ngợi của dân tứ chiếng. Thấy nhẹ lòng, ông nhiều lần tìm đến pháp sư nhập đồng xuống âm phủ và mừng rỡ thấy cái gông đề tên mình ngày càng nhỏ lại. Ông lại tiếp tục công việc từ thiện, về già còn xây cất một ngôi chùa ở cù lao Phố trên Biên Hoà. Sự hối hận kịp thời và nghĩa cử của ông Võ Hữu Hoằng được nhân dân ghi nhận và quý trọng nên gọi trại tên Hoằng thành Huồng – Thủ Huồng vì ông làm chức thủ ngự.

Rõ ràng hoạt động xã hội từ thiện của người Sài Gòn cũng có “dăm ba bảy đường”. Đền ơn đáp nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà là một cách. Sự nhiệt tình, hào hiệp của nhà văn Trần Nhã Thuỵ và doanh nhân Trần Thanh Phong là một cách. Tấm lòng của anh thợ sửa xe đạp Lê Văn Thái là một cách. Và việc trả nợ rửa tội của Thủ Huồng cũng là một cách. Đạo lý làm người và tinh thần tương thân tương ái từ câu chuyện Thủ Huồng trên sông Sài Gòn ngày xưa vẫn còn giá trị cho đời sống chúng ta trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay. Một thời đại càng phát triển thì con người càng nên sống chậm và phải thường xuyên nhìn lại chính mình!.

Tác giả Phan Hoàng