
Bộ Y tế công bố tổng cộng 152 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 18/5
VnExpress – Bộ Y tế tối 18/5 ghi nhận 48 ca dương tính COVID-19 đều ở khu phong tỏa, gồm tại Bắc Giang 33, Bắc Ninh 13, Điện Biên và Thái Bình mỗi nơi một.
Như vậy hôm nay Bộ Y tế công bố tổng cộng 152 ca nhiễm trong nước, 19 người khỏi. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 1.473, ghi nhận ở 28 tỉnh thành.
48 ca mới được ghi nhận từ số 4465-4512.
TP.HCM: 82 người tiếp xúc với ca dương tính chưa rõ nguồn lây
Tuoitre – Trưa 18/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã tiếp nhận thông tin ca nghi nhiễm COVID-19 (dương tính lần 1). Ca mắc tên N.Q.N. (nam, 35 tuổi), là nhân viên của Công ty Deloitte ở quận 3.
Ngày 17/5, người này đến Bệnh viện Vinmec khám và được cách ly do có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, giảm vị giác và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Sáng 18/5, kết quả xét nghiệm nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Mẫu xét nghiệm đang được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xét nghiệm khẳng định.
Ngoài 4 người sống chung nhà với trường hợp này đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan y tế điều tra truy vết được 61 người tiếp xúc tại nơi làm việc, 17 người tiếp xúc với người vợ tại nơi làm việc. Các trường hợp tiếp xúc đều được chuyển cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, ngày 8/5, người này được lấy mẫu ngẫu nhiên giám sát tại cộng đồng và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Được biết, anh N. sống chung với bốn người, gồm mẹ, vợ và hai con tại chung cư SunView Town, đường Gò Dưa, TP. Thủ Đức. Vợ làm việc trong một công ty tại Khu công nghệ cao (quận 9 cũ). Trong quá trình làm việc, người này tiếp xúc nhiều khách hàng.
Tìm được nguồn lây của nhiều BN COVID-19 tại ổ dịch mới trong nhiều công ty
Nld – Sáng 18/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, đến ngày 17/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch với tổng số trường hợp F0 là 411 (tăng 79 trường hợp); F1 là 6.581 trường hợp; F2 là 30.654 trường hợp.
Tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội): ổ dịch này có 6 ca F0 và đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.
Tại Công ty Shin Young, Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2), ổ dịch này có 208 F0 (Tăng 34 trường hợp, đa số là các trường hợp đã được cách ly ngay sau khi có ca F0, chuyển từ âm tính sang dương tính trong các khu cách ly); F1 là 4.599 (tăng 133 trường hợp); F2 là 22.077 (Tăng 3.460 trường hợp).
Tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu): Ổ dịch này có 190 F0 (tăng 38 trường hợp, ngoài đa số các trường hợp đã được cách ly ngay sau khi có ca F0). Tổng số F1 là 1.736 (tăng 438 trường hợp); F2:4.813 (Tăng 462 trường hợp).
Đáng chú ý, hiện đã xuất hiện rải rác 5 F0 tại một số công ty tại Khu công nghiệp Đình Trám (Công ty cổ phần Vietnam Sunergy-Vsun; Công ty Fuhong; Công ty Moatech). Bước đầu xác định liên quan đến F0 của Công ty TNHH Hosiden, Khu công nghiệp Quang Châu.
Thêm một khu công nghiệp ở Bắc Giang có ca nhiễm COVID-19
Nhandan – Theo báo cáo của UB tỉnh Bắc Giang, ngoài ba ổ dịch trên địa bàn: xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Công ty Shin Young – KCN Vân Trung, Công ty TNHH Hosiden – KCN Quang Châu thì KCN Đình Trám đã xuất hiện thêm năm ca nhiễm COVID-19.
Năm ca nhiễm mới xuất hiện ở ba công ty nằm trong KCN Đình Trám là Công ty cổ phần Vietnam Sunergy có ba trường hợp; Công ty Fuhong và Công ty MOA Tech mỗi công ty một trường hợp. Tổng số công nhân của các công ty là hơn 10.800 người.
Sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm mới ở KCN Đình Trám, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã phối hợp ngành y tế khoanh vùng những khu vực trong doanh nghiệp có ca nhiễm; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân, rà soát, sàng lọc trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Bước đầu, tỉnh Bắc Giang xác định các ca nhiễm ở ba công ty này liên quan đến F0 của Công ty TNHH Hosiden (KCN Quang Châu).
Đến ngày 18/5, Bắc Giang đã có 411 ca bệnh được xác định mắc COVID-19. Đã xác định được 6.581 trường hợp F1 và 30.654 trường hợp F2.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định vài ngày tới, số lượng ca dương tính tại ổ dịch này tiếp tục tăng do các công nhân là trường hợp F1 đã tiếp xúc đến giai đoạn bệnh khởi phát; đồng thời, số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tiếp tục có kết quả. Các công nhân này đã được đưa đi cách ly tập trung và trong tầm kiểm soát.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức các khu cách ly tập trung quy mô lớn, xây dựng phương án cách ly tập trung cho 20 nghìn người. Trong ngày 18-5, đoàn công tác của Học viện Quân y do Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đã đưa hệ thống phòng xét nghiệm dã chiến COVID-19 đặt tại Trung đoàn 831 vào hoạt động, hỗ trợ Bắc Giang triển khai xét nghiệm nhanh trên diện rộng các đối tượng liên quan đến ổ dịch.
Hiện Bắc Giang vẫn nguy kịch khu công nghiệp lan rộng ra cộng đồng
Laodong – Sau hơn 1 tuần, Bắc Giang đã phát hiện hơn 400 ca F0 COVID-19, kéo theo đó số F1 tăng rất nhanh gây áp lực lớn về cách ly và điều trị.
Lây nhiễm mạnh do môi trường kín, sử dụng điều hòa
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế sáng nay, 18/5, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nhà máy, xí nghiệp đông công nhân làm việc trong môi trường kín, sử dụng điều hòa, tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động của khu công nghiệp, thực hiện phong tỏa toàn huyện Việt Yên và 3 xã lân cận của huyện Yên Dũng nơi có công nhân ở trọ, nhằm hạn chế tình trạng công nhân ở khu công nghiệp trở về các tỉnh, thành khác.
Tuy nhiên, trước đó đã có những công nhân hàng ngày đi về Hà Nội, Bắc Ninh và một số tỉnh khác nên những địa phương này ghi nhận 1 số ca mắc liên quan. Hiện huyện Việt Yên có khoảng 100.000 công nhân của 57 tỉnh thành đến làm việc, chiếm 1/3 dân số toàn huyện. Các huyện khác là Lạng Giang, Lục Nam và các xã, thị trấn còn lại của Yên Dũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết dịch tại Bắc Giang đang rất “nóng”, tâm dịch hiện nay là Công ty Hosiden Việt Nam nhưng không còn khu trú trong khu này; môi trường kín, công nhân đông, mật độ dày, chủng virus lây lan nhanh, mức độ lây nhiễm ở công ty này sẽ rất lớn, tỉnh đã chuyển hơn 4.000 công nhân của công ty là F1 đưa đi cách ly tập trung.
“Nhưng dịch không tập trung tại chỗ mà có dấu hiệu xâm nhiễm sang các công ty khác ở khu công nghiệp khác, vừa có thêm 18 ca dương tính rải rác ở công ty khác và lây sang Khu công nghiệp Đình Trám. Kinh nghiệm của chúng tôi là khi dịch lây trong khu công nghiệp sẽ liên quan tới cộng đồng dân cư” – ông Dương nói.
Từ sáng nay 18/5, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng với huyện Việt Yên, tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị cách ly xã hội theo chỉ thị 16 thêm huyện Yên Dũng, “chủ động đánh chặn chứ không đuổi theo dịch”.
Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 toàn dân
Tuoitre – Ngày 18/5, nhiều quận huyện ở Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai thực hiện xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình, là người chưa được xét nghiệm tại các khu dân cư, có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong hộ, trên 18 tuổi.
Tại quận Sơn Trà, từ sáng sớm, lực lượng y tế đã triển khai lấy mẫu đồng loạt tại 3 phường. Ở các điểm lấy mẫu, việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng dịch được thực hiện tốt.
Kế hoạch xét nghiệm đại diện hộ gia đình được triển khai trên toàn thành phố nhằm phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ và đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử.
Thành phố dự kiến lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 65.000 hộ trong thời gian từ ngày 18 đến 21/5. Hình thức xét nghiệm gộp sẽ được thành phố triển khai để vừa đảm bảo tiến độ vừa hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
TP.HCM thần tốc xét nghiệm 6.000 cư dân nơi có ca dương tính
Vietnamnet – Đầu giờ chiều 18/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại TP. Thủ Đức đã có kết quả dương tính với COVID-19.
HCDC cho biết phân tích các yếu tố lâm sàng, kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều khả năng trường hợp này mới nhiễm bệnh. Thành phố đang tích cực điều tra, truy vết để xác định nguồn nhiễm. Hiện thành phố mở rộng diện lấy mẫu giám sát ở cả 3 block chung cư nơi bệnh nhân cư trú, với số lượng gần 6.000 người.
Chung cư Sunview Town, cách quốc lộ 1A chừng 500m, có 3 lô, mỗi lô có 18 tầng, mỗi tầng có hơn 30 căn hộ. Ca nghi nhiễm 35 tuổi, sống ở tầng 18, block A1, là nam nhân viên công ty kiểm toán trên đường Pasteur, quận 3.
Hai cháu nhỏ tử vong, 20 người bị ngộ độc sau ăn cỗ cưới ở Cao Bằng
Vietnamnet – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng Tô Đức Nguyện hôm nay (18/5) cho biết, mới đây trung tâm đã cấp cứu cho hơn 20 người bị ngộ độc thực phẩm.
Trong vụ ngộ độc có 2 cháu nhỏ (5 tuổi và 3 tuổi) không may đã tử vong. Các cháu được xác định tử vong ngoại viện.
Sức khoẻ 20 người còn lại điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc đã ổn định, không có trường hợp nào phải chuyển tuyến.
Trước đó, vào ngày 13/5, một gia đình ở huyện Bảo Lạc tổ chức đám cưới cho con. Đồ ăn trong đám cưới đều do người dân tự nấu, gồm các món như: Đậu phụ, thịt lợn xào, mì tôm xào trứng.
Sau khi ăn cỗ, ông P. mang thức ăn tại đám cưới (món mỳ tôm xào trứng) về cho 2 cháu ăn và bị ngộ độc. Người nhà vội đưa đi cấp cứu nhưng 2 cháu đã tử vong.
Ngoài 2 cháu nhỏ, còn khoảng 20 người dân khác bị các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.
Hàng loạt mối nguy khi CMND bị lộ
VnExpress – Người dân bị lộ CMND có thể bị tội phạm lấy thông tin để mạo danh vay tiền, lừa đảo, vu khống tình ái… hay thực hiện nhiều động cơ mờ ám khác.
“Đừng nghĩ hình chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân (CMND/CCCD) bị lộ không đáng ngại bằng việc bị mất chúng. Bởi thực tế, tội phạm chỉ cần hình chụp đó là sử dụng được cho mục đích phạm pháp”, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đánh giá về vụ 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp CMND/CCCD của hàng nghìn người đang bị rao bán trên mạng.
Theo ông Hiếu, có ít nhất 5 mối nguy người dân có thể gặp phải khi hình ảnh CMND lọt vào tay kẻ xấu. Đầu tiên, tội phạm sẽ sao chép thông tin CMND thật để làm phiên bản giả với dãy số và tên nạn nhân giữ nguyên, nhưng thay ảnh của chính mình vào. Sau đó, chúng dùng CMND giả này đến ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân (đã nghiên cứu trước).
Chiêu thức này được Lê Văn Nam, 29 tuổi, áp dụng lấy tiền thành công tại chi nhánh ngân hàng ở huyện Bình Chánh, TP HCM, hồi tháng 3. Anh ta dùng CMND giả tên Lê Quốc Tín (hình Nam) đến mở tài khoản mới, sau đó đề nghị ngân hàng chuyển 45 triệu đồng trong tài khoản cũ của Lê Quốc Tín sang tài khoản này. Khi anh Tín khiếu nại, ngân hàng mới biết bị lừa nên báo công an. Sáng 26/3, khi Nam tiếp tục mang CMND tên Võ Hoàng Long nhưng gắn hình mình đến ngân hàng lặp lại chiêu cũ thì bị bắt.
Hiện, một số app vay tiền trực tuyến áp dụng công nghệ eKYC (Know Your Customer – định danh không gặp trực tiếp) cho phép người dùng xác thực tài khoản vay vốn bằng cách cần tải hình CMND/CCCD hoặc hình chân dung đang cầm giấy tờ trên tay. Kẻ gian sẽ lấy hình CMND người khác, hoặc in thành phiên bản giả thay hình chân dung mình vào để vượt qua bước này.
Như đầu tháng 3, anh Nguyễn Ngọc Minh bất ngờ được một công ty tài chính thông báo có khoản nợ 35 triệu đồng. Hợp đồng vay đứng tên và CMND của anh nhưng hình người vay lại là nữ. Tài khoản được giải ngân cũng trùng với họ tên anh nhưng lại được mở tại một ngân hàng khác và không phải tài khoản thật hay dùng.
Bằng cách nghiên cứu thông tin trên CMND/CCCD như hình ảnh, tên tuổi, quê quán, nơi ở, giới tính… tội phạm công nghệ cao có thể biết được số điện thoại liên hệ, tài khoản ngân hàng của khổ chủ. Sau đó chúng giả công an, kiểm sát viên, thanh tra, tòa án gọi điện đến hù dọa người này đang bị điều tra vì “liên quan đến vụ án”.
Nghe chúng đọc vanh vách những thông tin về mình, thậm chí cả tài khoản ở các ngân hàng, người dân rất dễ tin đây là người của cơ quan pháp luật nên thực hiện theo các yêu cầu. Khi đó, họ bị cảnh sát giả hăm dọa “nếu không muốn bị bắt tạm giam” phải chứng minh bản thân trong sạch, tiền đang có không liên quan đến băng nhóm tội phải. Để làm được việc này, người dân phải chuyển tiền đến tài khoản của “cơ quan điều tra” (do chúng cung cấp), khi làm rõ công an sẽ lập tức chuyển trả.
Hồi tháng 9/2020, người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mất 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc gọi như trên. Bà cho biết, khi nghe “cán bộ công an” đưa ra nhiều thông tin cá nhân trùng khớp, kèm lời doạ bắt đi tù khiến bà hoảng sợ, vội ra ngân hàng lập tài khoản và chuyển 13 tỷ đồng theo yêu cầu. Khi được đề nghị cung cấp mã OTP phục vụ phong toả tài khoản, nạn nhân làm theo và bị chiếm đoạt hết tiền.
Theo thống kê của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh này chiếm hơn 65% số vụ lừa đảo trên không gian mạng năm 2020.
Rắc rối khác mà nhiều người đã trở thành nạn nhân là bị kẻ xấu đăng ảnh CMND/CCCD lên mạng xã hội kèm thông tin gây sốc như: đang gặp tai nạn, vay tiền không trả, bán hàng dối trá, hoặc vu khống tình ái… “Đây có thể là thủ đoạn câu like của những tài khoản ảo, nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng hay lừa đảo sau này”, trung tá Hiếu nhận định.
Bị yêu cầu kê khai tài sản… vì bị phạt nguội do vi phạm giao thông
Nld – Ngày 18/5, CSGT Đường bộ Công an tỉnh An Giang cho biết đã tiếp nhận nhiều tin báo của người dân, về việc bị những số điện thoại lạ gọi đến, tự xưng là số tổng đài viên của đơn vị này, yêu cầu nộp tiền phạt nguội do vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo trình báo của ông Nguyễn Văn N. (53 tuổi; ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên), mới đây, ông N. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ (0839.95380…). Người gọi đến tự xưng là số tổng đài viên của CSGT, cho biết ông N. đã có biên lai phạt nguội do vi phạm giao thông.
Người này yêu cầu ông N. phải kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, để chuyển vào tài khoản định sẵn. Ngoài ra, người này còn yêu cầu ông N. phải giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.
Thấy vụ việc không bình thường, nên ông N. đến cơ quan công an trình báo.
Trung tá Lê Thắng Lợi, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh An Giang cho biết, tất cả các trường hợp bị xử lý phạt nguội đều có thông báo bằng văn bản vi phạm của đơn vị đến chủ phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan. Người được thông báo mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến nơi thông báo để giải quyết vụ việc vi phạm.
Trung tá Lợi khuyến cáo: “Người dân cần cảnh giác đối với loại tội phạm này. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho kẻ lạ. Phải ghi nhận thông tin số điện thoại gọi đến và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn xử lý kịp thời”.
Vụ 2,7 triệu lít xăng giả: Bắt thêm một chủ doanh nghiệp liên quan
Tuoitre – Ngày 18/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã đọc lệnh bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Như Mỹ, 53 tuổi, chủ Công ty TNHH Việt Khánh Anh (khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), để điều tra về hành vi buôn lậu, đồng thời khám xét nhà riêng của bà Mỹ.
Sáng cùng ngày, các đơn vị nghiệp vụ Công an Đồng Nai phối hợp Công an TP Biên Hòa tiến hành phong tỏa, khám xét trạm xăng dầu Trảng Dài (đường Bùi Trọng Nghĩa, khu phố 3, phường Trảng Dài), thuộc Công ty Việt Khánh Anh. Ngoài khám xét, lực lượng công an đã lấy mẫu xăng để kiểm nghiệm chất lượng.
Cùng thời điểm, một tổ công tác của Công an Đồng Nai đã đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Như Mỹ, người đại diện pháp luật Công ty Việt Khánh Anh.
Đến 9h30 cùng ngày, các lực lượng Công an Đồng Nai vẫn tiếp tục phong tỏa, khám xét nhà của bà Mỹ.
Theo xác minh, việc khám xét, bắt giữ chủ doanh nghiệp có liên quan đến chuyên án 920G của Công an Đồng Nai, về đường dây sản xuất buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu.
Đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố hơn 40 bị can, thu giữ 10 tàu thủy, 6 xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỉ đồng tiền mặt, cùng nhiều tài sản có giá trị khác.
Bóc gỡ đường dây mua bán thông tin, dữ liệu của hàng tỉ cá nhân, tổ chức
Tienphong – Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) vừa phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) triệt phá nhiều đường dây mua bán, sử dụng, trái phép dữ liệu cá nhân lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành.
Trước đó, Cục A05 và C01 Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hà Nội; TP Hồ Chí Minh; Thanh Hóa; Long An; Đồng Nai tổ chức khám xét khẩn cấp 7 địa điểm, áp dụng biện pháp tố tụng đối với 15 đối tượng liên quan, vô hiệu hoá 6 đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn.
Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Dư Anh Quý (SN 1988) và vợ là Lại Thị Phương (SN 1992), Giám đốc Công ty VNIT TECH). Kết quả điều tra bước đầu xác định, các đối tượng đã thu thập, chiếm đoạt, mua dụng trái phép gần 1.300GB dữ liệu, chứa hàng tỉ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Dữ liệu gồm những khách hàng làm trong ngành điện lực; phụ huynh, học sinh trên cả nước; khách hàng của nhiều ngân hàng; thông tin đăng ký kinh doanh, nhân sự cơ quan nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu; dữ liệu viễn thông…
Nhiều đối tượng còn cam kết tính chính xác và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua; điều này cho thấy, những dữ liệu “gốc” được thu thập, trích xuất trực tiếp từ các hệ thống quản lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Những dữ liệu này bị rao bán công khai thông qua nhiều trang web, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội và các trang diễn đàn tin tặc.
Cảnh báo thủ đoạn giả mạo công an thu thập thông tin cá nhân
Nguoiduatin – Liên quan đến vấn đề thu thập thông tin cá nhân, thời gian gần đây, nhiều người dân ở Đà Nẵng nhận được điện thoại của người lạ xưng là cán bộ cơ quan chức năng thông báo vi phạm giao thông. Theo phản ánh, đối tượng lạ xưng là cán bộ công an, cán bộ viện kiểm sát nhân dân hoặc cán bộ sở GTVT, thông báo người dân đã vi phạm giao thông, gây tai nạn rồi bỏ trốn, hoặc các tội danh khác như trốn thuế, cho người khác mượn thẻ ngân hàng để rửa tiền…. Sau khi gọi điện thoại, các đối tượng tiếp tục yêu cầu người dân kết bạn qua Zalo rồi gửi các hình ảnh như quyết định khởi tố bị can, bắt giam ghi tên người dân.
Qua cuộc gọi video, người dân thấy vị cán bộ mang sắc phục công an, VKS hoặc thanh tra giao thông yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân. Ở nhiều trường hợp, người lạ tự xưng còn dùng các giọng điệu đe dọa người dân. Sự việc gây hoang mang cho một bộ phận người dân, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Có trường hợp người dân đã cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ lạ mặt.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ mục đích thu thập thông tin cá nhân của các đối tượng này để lừa đảo, giả mạo theo hình thức nào.
Để tránh các vụ việc lừa đảo ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn thành phố, ngành GTVT Đà Nẵng cũng có công văn đề nghị Công an TP. Đà Nẵng tiến hành điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lừa đảo, giả mạo theo hình thức nêu trên.
Tổng hợp