Chuyện chưa kể về hành trình tình yêu, vẽ và sống của đôi vợ chồng họa sỹ

0
644

Đôi vợ chồng này đam mê hội họa, thích sơn dầu và sống nhẹ nhàng đơn giản, cho dù cuộc mưu sinh bên ngoài cánh cửa kia tất bật, mệt mỏi đến đâu.

Bên trong con đường nhỏ cạnh chợ An Phú (TP Tuy Hòa) có một ngôi nhà hoàn toàn khác biệt với chung quanh. Thoạt nhìn, nhiều người biết ngay đây là nhà của nghệ sĩ.

Kìa, một bức tranh còn trên giá, trong khoảng sân xôn xao nước chảy, xôn xao tiếng đập cánh của những chú chim bồ câu. Kìa, một cái chòi mọc lên phía trước nhà, bên cạnh tiểu cảnh, “mộc” không thể nào tả được. Và kìa, vô số tranh treo trên tường, bày ở cái nơi mà người khác gọi là phòng khách. Nhiều bức tranh đã hoàn thành, có bức còn dở dang. Đó là tranh của họa sĩ Lê Thị Thu Hồng và họa sĩ Trương Quốc Mỹ.

Yêu

Lúc trước Hồng ở phố, trong ngôi nhà của cha mẹ tại phường 2 (TP Tuy Hòa). Cha Hồng lái xe, còn mẹ làm việc ở Bệnh viện Y học cổ truyền trước khi chuyên tâm làm người nội trợ. Trong nhà chẳng có ai “bà con” với mỹ thuật, nhưng Hồng lại thích vẽ (sau này em gái Hồng cũng yêu thích mỹ thuật và trở thành họa sĩ). Tốt nghiệp THPT, năm 2001, Hồng học vẽ đôi chút tại Phú Yên rồi khăn gói ra Huế tìm thầy “luyện” thêm trong vòng một tháng. Cô thi đậu vào Trường đại học Nghệ thuật Huế, Khoa Hội họa.

Chuyen chua ke ve hanh trinh tinh yeu, ve va song cua doi vo chong hoa sy

Gia đình họa sỹ.

Năm sau, Mỹ cũng vào khoa này. Và chàng trai đến từ Đông Hà (Quảng Trị) bị thu hút bởi những đức tính của cô bạn học cùng tuổi. “Người ta thiếu cái gì thì cần cái đó bù vào”, Mỹ nói một cách giản dị. Thứ mà Mỹ thiếu khi đó chính là nghị lực. Điều này thì Hồng có, có nhiều. Nếu không, làm sao một cô gái với cánh tay nhỏ xíu, buông thõng và đôi vai lệch hẳn đi sau một trận sốt bại liệt lại có thể đặt chân vào trường đại học nghệ thuật?

Mỹ đã nhìn thấy trong tâm hồn Hồng những điều đặc biệt mà nhiều cô gái lành lặn, xinh đẹp đang học cùng trường không có được. Tình yêu đến một cách tự nhiên. Cũng dễ hiểu khi gia đình Mỹ phản đối mối tình này. Thuyết phục thế nào vẫn không có kết quả, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai Quảng Trị theo Hồng về Phú Yên. Bây giờ, họ đã có một cô con gái đang học lớp 5, tên Trương Nguyệt Minh, ở nhà ba mẹ vẫn gọi là Mướp. Chính “ánh sáng của vầng trăng” này đã gắn kết mẹ cô bé với gia đình bên nội. Rồi ông bà cũng nhận ra, vợ chồng là duyên số. Và cô gái đã trở thành vợ của con trai mình, tuy có khiếm khuyết, tuy gầy yếu về thể chất nhưng đã được bù đắp bằng sức mạnh tinh thần và những điều tốt đẹp trong tâm hồn.

Vẽ

Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên), “phác thảo” rằng Hồng – Mỹ rất cá tính, nhà họ toàn tranh với tranh. Sẽ không ngoa khi nói đôi vợ chồng này là những cây cọ sung sức ở Phú Yên, đến thời điểm này. Họa sĩ Nguyễn Hưng Dũng, người từng dạy Hồng vẽ trong một thời gian rất ngắn trước kia, nhận xét rằng Hồng vẽ tốt, rất chịu khó và có cá tính. Đôi vợ chồng họa sĩ vẽ hàng ngày, dù cả hai đều biết rằng ở đất này, không một “cây cọ” nào sống được bằng tranh!

Hồng kể từ khi ra trường đến nay, cô chỉ có vỏn vẹn 3 tháng đi làm thiết kế tại một xưởng gỗ, rồi thôi. Lý do rất khách quan: Thời điểm đó kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tinh giản nhân lực. Và trong 7 năm đầu sau khi ra trường, phần thì lo chăm con nhỏ, phần vì những bí bách trong cuộc sống, Hồng không vẽ được. Đến khi chắt chiu mua được căn nhà nhỏ ở xã An Phú, hai vợ chồng mới có thể chuyên tâm sáng tạo. “Tôi nghĩ đơn giản rằng khoảng thời gian này mình làm việc được thì chớp lấy mà làm, vẽ được thì cứ vẽ, đến lúc cạn cảm xúc và “khát tiền” thì đi kiếm tiền”, Hồng nói và mỉm cười.

Lúc trước, Hồng thường đưa sự cô đơn của người nghệ sĩ vào trong tranh. Và rồi chính cô cũng không “thoát” ra được. Nhận thấy mình chưa đủ lực để đối phó với điều đó, cô chọn hướng đi khác. “Rồi một lúc nào đó, tôi sẽ trở lại con đường mà mình đi dở dang”, Hồng nói vậy.

Phong cảnh, con người, và sóng đi vào tranh của hai vợ chồng. Sóng ở trên tường, sóng xô nơi góc nhà, trong những cung bậc cảm xúc của họa sĩ. Hồng nói cô học được nhiều điều từ biển, từ những con sóng bất tận.

Trong “phòng trưng bày” bề bộn và ngẫu hứng đó có bức tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ với hoa sen còn dở dang của Mỹ, có bức Tổ ấm (chất liệu tổng hợp) của Hồng với hình ảnh chú chim bồ câu bình yên và thư thái nằm trong tổ, có bức tranh sơn dầu Vượt sóng của Mỹ… Còn đây, bức tranh Cha và con Hồng vẽ Mỹ và bé Mướp. Tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 21, được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng thưởng và giới thiệu tham dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Không thấy bức tranh sơn dầu Tháng sáu vừa đoạt giải nhì cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Phú Yên thứ I năm 2016. Đây là bức tranh khởi đầu cho “chuyến đi mới” của Hồng, trên hành trình sáng tạo.

Theo các họa sĩ đàn anh, Tháng sáu và Cha và con là hai tác phẩm cho thấy Hồng đã định hình phong cách sáng tác theo trường phái hiện thực sau một thời gian tìm lối đi, và cũng cho thấy năng lực của Hồng. Mỹ vẽ có khi còn nhiều hơn vợ, theo trường phái ấn tượng. Cuối năm rồi, anh vẽ một loạt hơn 20 tác phẩm trong vòng chưa đầy một tháng, và đã tính tới việc triển lãm tranh.

Và sống

Hồng nói rằng cô đã xác định được những khó khăn, nhọc nhằn ngay từ khi học mỹ thuật nên chẳng có gì phải sốc khi chạm vào thực tế, dù thực tế còn khắc nghiệt hơn. “Nếu hoạt động nghệ thuật, chị phải đánh đổi nhiều thứ. Tại hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước, những người làm nghệ thuật có môi trường, có cơ hội tốt hơn nhưng cũng phải đánh đổi nhiều hơn. Ở đây ít có sự dao động nên dễ sống, chỉ số hạnh phúc cao hơn, dù làm nghề rất khó”, Hồng nói và khẽ cười.

Nữ họa sĩ này chỉ quen “thổ lộ” cảm xúc trên những bức tranh. Hai vợ chồng giống nhau ở điểm không có nhiều nhu cầu về vật chất. “Nhiều khi thức dậy mà không có đồng nào trong túi cũng chả thấy có vấn đề gì. Chỉ cần điều kiện để làm việc, để vẽ”, Hồng nói.

Chuyen chua ke ve hanh trinh tinh yeu, ve va song cua doi vo chong hoa sy

Họa sỹ Hồng bên bức tranh “Cha và Con”

Tác giả Tháng sáu thích biển và vui khi sống gần biển. Trước kia, do thể trạng yếu ớt, chạm vào biển, dù nước chỉ ngập đến gang tay Hồng vẫn té ngã khi bị sóng xô. Cô 3 lần suýt chết đuối. Giờ thì Hồng biết bơi rồi. Lúc trước, bước lên chiếc thuyền chòng chành và đi trên biển là điều không tưởng, giờ Hồng cũng đã làm được.

Trò chuyện với Hồng, tôi nhận ra nữ họa sĩ sinh năm 1982 này không chỉ mạnh mẽ mà còn rất lạc quan. Hồng bảo cô nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đơn giản khi tôi đề cập đến chuyện cơm áo gạo tiền. “Thay vì dùng tiền kiếm được để sắm đồ đẹp, mua xe đẹp, đi du lịch… thì hai vợ chồng dùng để mua màu vẽ, vậy thôi, dù biết rằng người ta mua xe tay ga chứ không mua tranh”, Hồng nói vui mà thật.

Mỹ nuôi gia đình bằng nghề trang trí sân vườn. Làm việc tự do có cái thú của nó, nhưng thu nhập không ổn định. Mỹ chia sẻ: “Tôi trang trí sân vườn cho người này, họ thấy thích thì giới thiệu cho bạn bè, chứ tôi không quen đi “tiếp thị”, mà nếu có thì cũng ít khi mang lại kết quả, một phần vì giọng nói của tôi hơi khó nghe”. (Đó là chưa nói đến mái tóc dài được buộc sau gáy và bộ râu có phần lập dị của một người trẻ như Mỹ).

Rõ ràng thu nhập của gia đình họa sĩ này khá bấp bênh, nhưng các loại vật chất ngoài thân không khiến họ bận tâm nhiều, ngoài việc lo cho con gái, mua màu, toan để vẽ và các thứ để bảo vệ tranh của họ. “Màu của Trung Quốc thì rẻ nhưng rất nhanh xuống. Một khi đã “sờ” được màu của Nhật rồi thì không muốn nhìn đến màu của Trung Quốc nữa. Và dùng màu của Nhật thì lại muốn “với” tới màu của Anh, Hà Lan… Đây là “căn bệnh” trầm kha”, Hồng nói rồi cười. Mà, một ống màu của Nhật giá tầm 140.000 đồng, màu của Anh, Hà Lan… giá lên đến 500.000-600.000 đồng/ống.

Màu vẽ không hề rẻ, lại phải gửi mua tận TP Hồ Chí Minh. Có tác phẩm rồi thì phải lo bảo vệ chúng khỏi không khí ẩm của miền Trung. Chi phí mua hóa chất và các thứ bảo vệ tranh càng không rẻ. Với Hồng và Mỹ, tranh là “của để dành” mà hai vợ chồng dành cho bé Mướp. Sau này, khi lớn lên, cô bé sẽ có một bộ sưu tập, sẽ hiểu những giọt mồ hôi nhọc nhằn và hạnh phúc của cha mẹ ẩn trong từng nét cọ đầy ắp đam mê.

Đàn bồ câu vẫn đập cánh trong sân. Tôi nghe tiếng gù của bầy chim, tiếng nước róc rách nơi tiểu cảnh, tiếng cá quẫy đuôi dưới hồ và “tiếng động” từ những sắc màu trong các tác phẩm hội họa. Chợt có cảm giác an nhiên, nhẹ nhõm lạ kỳ.

Theo PHƯƠNG TRÀ/PYO