Cách ly xã hội (social distancing) là gì?

0
747

Những ngày này, khái niệm “social distancing” – cách ly xã hội – được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông, và được chính phủ các nước khuyến cáo người dân của mình trong nỗ lực giảm sự lây lan của virus Corona.

Giải đáp những thắc mắc về cách ly xã hội

Ở Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm khá mới, và dù bạn biết rằng mình cần ở nhà trong những ngày tới để đồng hành cùng chính phủ trong cuộc chiến chống dịch, nhưng nếu bạn chưa biết rõ mình cần phải làm những gì để cách ly xã hội một cách hiệu quả và an toàn, thì bài viết này từ MXH Lotus sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.

Bắt đầu từ những bệnh viện nước ngoài, các bác sĩ tại bệnh viện nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh đã cầm những tờ giấy với thông điệp “Chúng tôi phải đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”. Thông điệp đó cũng là những điều đang được cộng đồng Facebook Việt Nam chia sẻ trong những ngày gần đây: “Hãy đứng yên khi tổ quốc cần”. Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc di chuyển từ vùng này sang vùng khác sẽ kéo theo nguy cơ lây lan nhanh hơn của virus.

“Chống dịch như chống giặc” – cuộc chiến chống dịch covid-19 đã không còn là chiến trường đơn độc của các bộ ban ngành khi cần có sự tham gia của cả cộng đồng. “Social distancing” đã trở thành thuật ngữ được áp dụng với tất cả các quốc gia và trở thành cụm từ được nhắc nhiều trên mạng xã hội. “Những khoảng cách xã hội” cần được thiết lập trong thời điểm mọi sự gắn kết, trao đổi trong khoảng cách gần đều làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Về cơ bản, khái niệm “Social distancing” hàm ý về việc giữ một khoảng cách cụ thể giữa bạn và mọi người xung quanh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh đi tới những nơi đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, làm việc tại nhà… Phương pháp này được sử dụng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của virus và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Ví dụ, nếu bạn đã nhiễm virus – thì chỉ bằng việc cách ly xã hội, bạn đã giảm đi rất nhiều nguy cơ lây cho người khác, vì bạn chỉ… quanh quẩn ở nhà và tiếp xúc với rất ít người. Social distancing đã được áp dụng hiệu quả trong đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm 2009.

Câu hỏi được đặt ra trong cộng đồng: Vậy cụ thể chúng ta cần làm gì? Trên thực tế, có những giới hạn “được” và “không được” cụ thể trong từng trường hợp để mọi người có thể đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của mình. Những câu hỏi dưới đây sẽ là chỉ dẫn giúp bạn hiểu rõ hơn cách để cộng đồng có thể chung sức “chiến thắng” bệnh dịch.

Tôi trẻ và không có nguy cơ lây nhiễm. Tôi có thể tiếp tục tới chỗ đông người gặp bạn bè không, miễn là không … quá đông?

Hiện tại, rất nhiều ca nhiễm bệnh tại Việt Nam là các bạn trẻ du học sinh chỉ trong độ tuổi 20. Bạn có chắc là mình có đủ sức khỏe và hệ miễn dịch tốt để chống lại virus xâm nhập?

Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, kể cả từ những người có các triệu chứng nhẹ hoặc gần như không có biểu hiện gì. Không phải ngẫu nhiên thành phố Hà Nội ra chỉ đạo người dân nên hạn chế ra ngoài cho tới hết ngày 31/3. Vì vậy, bạn không nên ra ngoài tụ tập vào lúc này để tránh gây nguy hiểm cho bản thân cũng như tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Việc hạn chế các giao tiếp xã hội dường như là một trở ngại với người trẻ nhưng đây được coi là biện pháp an toàn trong thời điểm này.

Tôi có thể ra khỏi nhà không?

Tất nhiên, bạn có thể ra khỏi nhà. Bạn có thể đi dạo, hít thở không khí trong lành, chạy bộ một chút. Điều mấu chốt không phải là ở yên trong nhà mà quan trọng là tránh tiếp xúc gần với mọi người. 

Bạn không thể tránh khỏi việc ra khỏi nhà dù dịch bệnh xảy ra, việc đi chợ, đi mua khẩu trang, có những người vẫn đi làm là các công việc hàng ngày. Hãy luôn nhớ những nguyên tắc về giữ khoảng cách và an toàn trong thời điểm này. Khi bạn ra khỏi nhà, nhớ lau chùi những bề mặt mà bạn tiếp xúc, rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn và không chạm tay lên mặt. Nhớ rửa tay thật sạch trước khi vào nhà, trước khi ăn uống và khi tiếp xúc với người già hoặc trẻ em.

Tôi có thể đi siêu thị hay trung tâm thương mại không?

Hiện tại các siêu thị ở những thành phố lớn vẫn hoạt động. Bạn nên chọn thời điểm siêu thị vắng để đi nhằm hạn chế tiếp xúc với đông người. Nên có danh sách các món đồ cần mua trong cả tuần để hạn chế số lần đi siêu thị và đặc biệt không nên tích trữ quá nhiều đồ không cần thiết.

Đi siêu thị thì không thể tránh khỏi việc chạm vào các bề mặt có khả năng nhiễm khuẩn. Hãy lau tay nắm của xe đẩy đồ trước khi bạn cầm vào. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên đeo găng tay lúc đi siêu thị, nhưng có đeo găng tay thì nhớ đừng chạm tay lên mặt lúc đó nhé.

Không nên tham gia vào các cuộc chen lấn xô đẩy tích trữ hàng hóa vì đây chính là nguồn lây virus nguy hiểm. Bạn có thể mang vài thùng mì tôm về, tặng kèm theo vài con virus mà không hề biết. Luôn nhớ nguyên tắc hạn chế tập trung đông người dù làm bất cứ điều gì.

Tôi có nên ăn tối ở ngoài?

Nhiều nhà hàng, quán bar, hàng ăn đã đóng cửa từ tuần trước tới giờ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những nhà hàng mở cửa phục vụ khách du lịch hay một lượng người còn đi làm, những người không nấu ăn. Trên thực tế, bạn vẫn có thể ra nhà hàng ăn. Điều bạn cần đảm bảo là không gian nhà hàng rộng vừa đủ để giữa khoảng cách với mọi người, thực hiện các biện pháp sát khuẩn và vệ sinh tay sạch sẽ. Hạn chế chạm lên bề mặt bàn ghế, tay nắm vệ sinh.

Dù vậy, để cho chắc chắn, việc “có thể” không đồng nghĩa với việc “nên”. Các chuyên gia khuyên bạn không nên ra ngoài nhà hàng trong thời điểm này. Bạn có thể gọi giao đồ ăn tại nhà, vừa đảm bảo việc không phải nấu ăn, vừa hạn chế tiếp xúc với đông người.

Bố mẹ tôi ở quê có thể lên thăm không?

Đây là câu hỏi của nhiều bạn sinh viên ở các thành phố lớn trong lúc này. Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của bạn và gia đình mình. Nếu gia đình bạn có người lớn tuổi, bạn nên hạn chế. Nếu việc xuống thành phố thăm bạn đòi hỏi ba mẹ, người thân phải tới các bến xe, bến tàu, khu vực đông người thì đây không phải ý kiến hay trong thời điểm này.

Nếu gia đình bạn khỏe mạnh, việc thăm nom có thể cân nhắc. Giữa thời buổi công nghệ phát triển, tiện lợi nhất là gọi điện hỏi thăm hay video call với gia đình. Như vậy sẽ đảm bảo việc không ai phải di chuyển khỏi địa phương để tránh mắc/ lây lan bệnh dịch.

Tôi có thể đưa con ra ngoài chơi một chút được không?

Điều này còn tùy thuộc vào sức khỏe của con bạn. Nếu trẻ đang có vấn đề sức khỏe, kể cả không liên quan tới virus, bạn cũng nên để con ở nhà.

Tuy nguy cơ lây nhiễm của trẻ em là rất nhỏ, không loại trừ khả năng đứa trẻ có thể nhiễm bệnh và lây cho người già trong nhà. Nếu quyết định ra ngoài chơi, hãy tới công viên, vườn trẻ vắng người. Việc cho trẻ ở trong nhà lâu cũng không phải một lựa chọn tốt nên hãy cân nhắc khi đưa con ra ngoài. Trẻ con cũng cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với các thành viên gia đình.

Ở một mình thật sự rất khó khăn và nặng nề. Tôi nên làm gì để việc cách ly ở nhà này trở nên dễ dàng hơn?

Đây là thời điểm căng thẳng và khó khăn với mọi người. Khi cảm thấy cô đơn, hãy trò chuyện với người thân trong gia đình, gọi điện cho bạn bè. Việc không được ra ngoài giao tiếp có thể ảnh hưởng tới tinh thần của người trẻ nhưng để đảm bảo sức khỏe trong thời điểm này, bạn nên chọn các hoạt động trong nhà. Mạng xã hội dường như là một lựa chọn tốt để kết nối với mọi người.

Hãy thử làm mấy trò như hẹn bạn bè ăn tối rồi cùng nhau Facetime, chơi điện tử buổi đêm, cùng nhau xem tivi, học online. Đôi khi, vài dòng chat không có tác dụng bằng việc nghe giọng nhau để biết mọi người vẫn tồn tại. Giờ cũng là lúc để lên lịch đi du lịch với đứa bạn thân chí cốt, hứa với nhau khi hết dịch bệnh là sẽ đi chơi cho thỏa thời gian chờ đợi.

Tôi sẽ còn phải cố thủ ở nhà như vậy bao lâu nữa?

Câu trả lời này còn tùy thuộc vào tình hình bệnh dịch ở mỗi thành phố và mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho ít nhất một tháng như vậy, hoặc có khi còn lâu hơn. Hy vọng khi việc phong tỏa, cách ly tại Việt Nam được thực hiện triệt để và không phát hiện ca nhiễm mới, việc ra ngoài có thể thoải mái hơn.

Theo Tổ Quốc