Trong thế giới động vật, chúng ta thường thấy một con đực cường tráng, mạnh mẽ cai quản cả đàn, đồng thời nó cũng độc chiếm những con cái trong đàn để phối ngẫu.
Con người tiến hóa từ động vật, những hình ảnh xa xưa vẫn còn lưu giữ lâu dài trong ký ức. Vì vậy, trong xã hội cổ đại, khả năng tính dục là tượng trưng cho sức mạnh và địa vị của nam giới. Chư hầu phải có “1 vợ, 9 hầu nữ”, thiên tử phải có “ 3 cung, 9 phi, 27 thế phụ, 81 ngự thê” (theo Lễ ký – Hôn nghi), ngoài ra còn tùy ý mua, cho, tặng.
Những “cụ tổ” của thế hệ thuốc hỗ trợ tình dục hiện đại như Viagra, Levitra… đã tồn tại ở Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm dưới cái tên khá mỹ miều “xuân dược”, chủ yếu lưu hành trong cung đình, giới quý tộc
Đó là những phương thuốc được bào chế từ động – thực vật hoặc khoáng vật có khả năng tăng cường khoái cảm, thúc đẩy nhu cầu tình dục ở nam lẫn nữ. Xuân dược trở thành một trong những nội dung chính yếu của “phòng trung bí thuật”, tức thuật phòng the của Trung Quốc cổ đại.
Viagra thời cổ đại đã tồn tại ở Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm dưới cái tên khá mỹ miều “xuân dược”. (Ảnh minh họa).
“Kỹ năng nam tính” và xuân dược
Điều mâu thuẫn lớn nhất là nam giới luôn biểu hiện năng lực tính dục, lấy đó làm vinh dự nhưng đồng thời vẫn luôn ôm một nỗi lo sợ thâm sâu khi đối diện với khả năng tính dục của nữ giới. Nỗi lo sợ này mang tính phổ quát trên toàn thế giới.
Trong rất nhiều truyền thuyết và tác phẩm cổ xưa, nữ giới bị miêu tả là dâm đãng, không bao giờ thỏa mãn dục tính. Những người theo chủ nghĩa cấm dục căn cứ vào đó tiến thêm một bước nhấn mạnh “tính tất yếu của cấm dục” vì nam giới vĩnh viễn không thể nào thỏa mãn nữ giới vốn có “tính dục tà ác không giới hạn”.
Đại biểu cho phe này là những người theo chủ nghĩa cấm dục của giáo hội trung cổ châu Âu. Nhưng những người theo phe chủ trương thỏa mãn tình dục thì lại căn cứ vào đó mà nhấn mạnh “tính tất yếu của việc phát triển kỹ năng nam tính” thông qua dược liệu hoặc những phương pháp đặc dị, đại biểu cho phe này là những người theo thuật phòng trung, xuân dược Trung Hoa cổ đại.
Sự lo sợ của nam giới đối với nữ giới là có cơ sở. Xét từ góc độ sinh lý học, trên đà tiến hóa của nữ tính đã vượt qua “tính phát dục định kỳ” của động vật, trở nên mọi lúc đều có thể động tình ân ái, đồng thời nữ giới cũng không có thời điểm “không đáp ứng tình dục” như nam giới, do đó có thể liên tục nhiều lần đạt đến cao trào.
Mặt khác, về phương diện khả năng tính dục, nam và nữ còn không đồng bộ về thời gian. Theo sinh lý thông thường, đỉnh cao tính dục của nam giới ở khoảng 20 tuổi nhưng lúc này thường thì anh ta chưa “công thành danh tựu”, khó hấp dẫn phái nữ. Trong khi đó, đỉnh cao tính dục của nữ giới là từ 30 tuổi trở đi. Khi nam giới lớn tuổi thì sự “không đồng bộ” xảy ra, xuất hiện hiện tượng “âm thịnh dương suy”.
Lời dạy của đế sư
Nhưng ở nam giới thì khuynh hướng “đa phối ngẫu” cao hơn, luôn muốn độc chiếm nhiều bạn tình, do đó mới đẻ ra cái thuật “thái âm bổ dương” trong tính giao. Như thế, một kẻ yếu chống với nhiều người mạnh mà muốn không lo sợ sao? Chẳng trách các nhà phòng trung thuật xưa xem tính giao như trận chiến đấu thật sự, phải luyện phép “ngự nữ” (chế ngự nữ giới) và hình dung “như dây cương mục mà điều khiển ngựa dữ, như sắp rơi xuống vực sâu mà phía dưới cắm đầy dao” (theo Y tâm phương, quyển 28), còn nỗi sợ nào lớn hơn nữa?
Như đã nói, nam giới vẫn luôn mang mối lo tiềm ẩn về tính dục trước nữ giới, luôn sợ bị xem là “kẻ yếu”. Vấn đề này từ xưa đã có và nay càng khốc liệt. Rất nhiều bậc “tu mi nam tử” đã phải khóc thầm vì không thể thỏa mãn nhu cầu tình dục của thê thiếp hoặc tình nhân. Đã sợ thì phải mưu tìm kế sách an toàn.
Có 2 con đường: Một là “làm suy yếu đối phương trước khi giao chiến”, trong thuật phòng trung có chỉ dẫn vô vàn kỹ xảo nhằm làm cho người nữ tiến gần đến mức cao trào trước, sau đó mới thực hiện tính giao, như vậy bên nam mới có hy vọng chiến thắng. Hai là làm cho lực lượng mình thật mạnh mẽ rồi sau mới giao chiến, phương pháp này lại chia làm 2 cách: Sử dụng các “chiêu thức” bế tinh, di chuyển sức chú ý… hoặc là sử dụng “xuân dược” mà chúng ta đang nói, mục đích dùng xuân dược cũng là làm cho bên nam “đánh lâu không bại”.
Các hoàng đế Trung Hoa xưa đều có nhiều phi tần, cũng như mọi đàn ông khác, vua có nghĩa vụ “ban ân mưa móc” để tạo dòng “thánh chủng”. Vì vậy, các đế vương thời cổ đại đều lo lắng không biết làm cách nào để lấy cái yếu của một nam chọi với cái mạnh của nhiều nữ. Trong Ngọc phòng bí quyết dẫn lời Bành Tổ nói về tầm quan trọng của “thuật ngự nữ”: “Hoàng đế “ngự” 1.200 cung nữ mà đạt đạo thành tiên, tục nhân chỉ lo một vợ mà yểu mệnh, biết và không biết xa nhau biết chừng nào!”.
Vấn đề này có chứng cứ rất rõ ràng, trong các thư tịch về thuật phòng trung giai đoạn đầu đều thường áp dụng hình thức kể về việc hoàng đế đến thỉnh giáo một bậc thầy về thuật ngự nữ, xuân dược hay thuốc tráng dương. Thầy có thể là nam (như Đại Thành Tử) hoặc nữ (Tố Nữ), đều gọi là “đế sư”, tức thầy của hoàng đế. Chẳng hạn trong sách Thập vấn (hỏi 10 điều) chép trên thẻ tre được khai quật ở khu mộ nhà Hán, gò Mã Vương, có điều thứ hai là Hoàng đế hỏi Đại Thành về các thuật làm thế nào để kéo dài quá trình giao hoan, làm sao để người nữ đạt đến cao trào…
Những bài xuân dược cổ xưa
Đại Thành Tử là nhân vật truyền thuyết, có thuyết nói ông là đế sư của vua Thần Nông, có thuyết nói là người thời Đại Vũ… Đại Thành Tử đã giới thiệu cho Hoàng Đế những loại tráng dương, đại khái là khuyên nên ăn bá tử nhân (nhân của hạt tùng), uống sữa bò để chống suy lão, đẹp dung nhan; muốn giao hoan nhiều thì phải thường ăn loài phi cầm như chim sẻ, chim, gà trống…
“Dưỡng sinh phương” được các nhà khảo cổ phát hiện khai quật những ngôi mộ đời Hán ở gò Mã Vương, trong đó có khắc 3 bài thuốc xuân dược có tác dụng tráng dương xưa nhất Trung Hoa – và có lẽ xưa nhất thế giới, dược liệu được dùng chủ yếu là chim, gà. Đây là một bài tiêu biểu: “Vào mùa xuân dùng chim, đánh tan ra, tráng chung với bột gạo, viên thành hoàn nhỏ, ăn nhiều rất tốt”. Đây chính là xuân dược thời kỳ đầu, thành phần gồm có cả động vật và thực vật.