Tự uống 15 viên thuốc trị sốt rét để phòng COVID-19, một bệnh nhân phải nhập viện

0
475

Bỏ qua khuyến cáo của Bộ Y tế khi tự ý dùng thuốc thuốc sốt rét để điều trị bệnh Covid-19, khá nhiều người đã tích trữ phòng xa. Mới đây, một bệnh nhân đã bị ngộ độc do tự ý dùng thuốc sốt rét để phòng bệnh Covid-19.

Sáng 22/3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai xác nhận có tiếp nhận 1 bệnh nhân ngộ độc do uống quá nhiều thuốc điều trị sốt rét để phòng Covid-19. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam. Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Bệnh nhân là nam giới, 44 tuổi vào khoa Cấp cứu bệnh viện tuyến huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp… Qua tìm hiểu,  bệnh nhân đã uống 15 viên chloroquin 250mg để phòng Covid-19. Trong nhà nam bệnh nhân này dự trữ khoảng 100 viên với mục đích dùng cho bản thân và những người trong gia đình.

Tự uống 15 viên thuốc trị sốt rét để phòng COVID-19,  một bệnh nhân phải nhập viện - Ảnh 1.

Bộ Y tế khuyến cáo không tự ý sử dụng thuốc trị sốt rét để điều trị Covid-19 (ảnh MH)

Tại bệnh viện tuyến đầu, bệnh nhân được súc rửa dạ dày, thở máy không xâm nhập kịp thời. Sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

Hydroxychloroquine và chloroquine được sử dụng với mục đích ban đầu là điều trị bệnh sốt rét và một số  bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng…

Tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa xác nhận là thuốc trị sốt rét có tác dụng để phòng bệnh Covid-19.

Thuốc sốt rét có thể gây biến chứng lắng đọng thuốc ở giác mạc, rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gian, suy thận. Ngoài ra người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích  gây tan máu (thiếu G6PD), hạ bạch cầu.

Minh Nghĩa/Dân sinh