Lê Năng Hùng: Môi trường và nền kinh tế tuần hoàn

0
918

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng vượt bậc với những thành tựu to lớn nhưng cũng đã đánh đổi bằng sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn đã được cổ súy phát triển nhằm khắc phục hệ lụy này, và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến nó nhằm giải quyết bài toán nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Lê Năng Hùng: Cơn ác mộng ô nhiễm không khí

Tác giả bài viết: Ông Lê Năng Hùng

 

Nhận diện nền kinh tế tuần hoàn

Khái niệm đơn giản

Câu chữ “kinh tế tuần hoàn” này hiện nay đang là đề tài thời sự và thịnh hành trên mọi diễn đàn kinh tế, xã hội, môi trường và được hiểu với nhiều cách khác nhau, nhưng đại loại nó được hiểu nôm na là 1 nền kinh tế mà không có cái gì được bỏ đi cả nếu còn được dùng cho 1 việc khác. Còn nếu hiểu hình tượng hơn thì kinh tế tuần hoàn là 1 vòng xoáy ốc ngày càng mở rộng của nền kinh tế xã hội theo là kiểu khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất có thể được sử dụng lâu nhất, không giống như kinh tế tuyến tính lâu nay như con đường 1 chiều chỉ có một đi không trở lại mà vật chất hàng hóa chỉ ra đời rồi biến mất…


Thực ra, Kinh tế tuần hoàn không phải là một khái niệm mới mà đã là cũ rích từ khi có xã hội loài người và nền sản xuất khi con người xài đi xài lại thứ đã hư cũ hay vô dụng, và đến thế kỷ 18 người ta mới có khái niệm đầu tiên -chỉ khác là không được định danh bằng tên gọi mang tính học thuật như bây giờ, và các nhà dịch vụ ve chai đồng nát, thu gom phế liệu công – nông nghiệp hoặc hốt thức ăn thừa về chăn nuôi… đã là những thành viên tiên phong tích cực của nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) này từ lâu về mặt hình thức. Thậm chí nó còn ghê gớm đến mức mà có nhà kinh tế học đã ví nó như 1 hệ thống bắt buộc để duy trì sự tồn tại bền vững của con người trên Trái đất. Nói chung Kinh tế tuần hoàn không phải là 1 hệ thống kinh tế với các cấu thành đầy đủ mà là 1 mô thức vận hành để bảo đảm sự phát triển bền vững, hợp lý, có mối tương tác hoàn hảo hơn giữa các thành phần kinh tế và giữa sản xuất với tiêu dùng.

Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc UNIDO cũng cho 1 khái niệm về nền Kinh tế tuần hoàn là phương thức hoạt động để tạo ra giá trị bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển phế phẩm và chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu – qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần. Nền kinh tế tuyến tính đã và đang gây ra những áp lực về suy giảm tài nguyên và gia tăng lượng thải gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại lớn các lĩnh vực kinh tế – xã hội và cuộc sống, tiến đến suy giảm trầm trọng sự đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu đưa hành tinh đến diệt vong nhanh hơn.

Hành trình tốn kém của nền kinh tế tuyến tính

Hoạt động kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên Thế giới trước nay chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống của kinh tế tuyến tính, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Phát triển bền vững trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp nhưng sự chuyển đổi này cần tận dụng những cơ hội và đương đầu những thách thức còn đang đan xen đầy rẫy trước mắt, và đối với Việt Nam ta, điều này thực sự là không dễ dàng.

Nền kinh tế tuyến tính với yếu tố chủ lực “phần hồn” là văn hóa tiêu dùng luôn được nâng cấp, cập nhật bởi thói quen dư dật, xa xỉ hay bị lôi kéo bởi những chương trình khuyến mãi – kích cầu không nghỉ, đôi khi -theo nhà cung cấp nói- là “khoa học” hơn là để bảo đảm hiệu suất tối ưu sản phẩm, tính đồng bộ hệ thống nên cần thay thế bằng thứ khác mới, tốt, đẹp hơn làm người tiêu dùng cứ nhắm mắt mua sắm nhiều lúc vượt qua cả nhu cầu thực tế. Nền kinh tế này là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường với đủ mọi thứ chất thải rắn, khí, lỏng chưa hề được xử lý (thậm chí không thiết, không cần phải xử lý tốn kém thêm) bị tống ra môi trường với liều lượng, tốc độ ngày càng lớn, làm suy thoái nghiêm trọng mọi hệ sinh thái và hình thành thói quen khó bỏ trong ý thức và hành vi tiêu dùng là “xài xong là vất đi cho tiện” như đã từng kích thích máu tiêu xài thỏa thích trên những sản phẩm tiêu dùng in nhãn “disposable” (có thể vất bỏ) tiện dụng thịnh hành 1 thời.

Nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy xuôi 1 chiều duy nhất, dùng đủ nguồn năng lượng, thiết bị máy móc và nhân lực để biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm rồi qua chuỗi cung ứng bán ra thị trường thông qua một loạt những bước chiêu thức tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều, giá càng cao càng tốt, càng có lợi… dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường thường đã bão hòa. Ở nền kinh tế này, tạo thị hiếu tiêu dùng “đẳng cấp”, thoải mái, đua đòi, vô trách nhiệm để nâng cao mãi lực chỉ cốt tạo ra xu hướng tiêu thụ cứ mãi nâng cấp, thay đổi xoành xoạch, chyển đổi độ đồng bộ liên tục để tiêu thụ hàng hóa ồ ạt hơn, càng thải bỏ nhiều càng tốt, càng có cơ hội nhận hàng mới giá khuyến mãi và cứ nghĩ thế mới là làm đẹp làm tốt mình và cuộc sống.

Có thể nói mục tiêu của nền kinh tế tuyến tính là vô tình hay chủ ý tạo ra chất thải hàng tiêu dùng lớn dần theo nhịp điệu kinh tế tăng trưởng không bền vững, vô trách nhiệm, tàn phá đến kiệt quệ tài nguyên & năng lượng đồng thời gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cho môi trường. Vì sự tồn vong của nhân loại, sớm muộn gì 1 kiểu vận hành tai ương như thế cũng sẽ bị hạn chế, thay thế, và ngày đó đã dường như sắp tới với những cảnh báo dần rõ nét của những vấn nạn về tài nguyên & môi trường đòi hỏi cần phải có 1 bước phát triển bền vững, không thể chậm trễ hơn.

Nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu

Hiểu biết căn cơ về nền kinh tế tuần hoàn

Bản chất Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động với 3 nội hàm cơ bản, bao gồm : (1) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, bảo tồn và phát triển nguồn lực tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo; (2) Kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm và vật liệu, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu; (3) Tái tạo các hệ thống tự nhiên, nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết  kế ngăn chặn – xử lý các tác động tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Trên tinh thần khôi phục, tái tạo tăng vòng đời cho sản phẩm đó, một nền kinh tuần hoàn đang phải giải quyết mối liên quan đến sự khác biệt quan trọng giữa chu kỳ công nghệ và sinh học, trong đó (1) Chu kỳ Công nghệ liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên hữu hạn. Các nguồn lực được khai thác và sử dụng trong nhiều chu kỳ kinh tế. Điều này đạt được thông qua việc tái sử dụng, sửa chữa và tái sản xuất vật liệu, tài nguyên; (2) Chu kỳ Sinh học liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên tái tạo. Các vật liệu dựa trên độ bền, tuổi thọ sinh học được thiết kế để phục hồi vào hệ thống tự nhiên và sau đó được tái sinh. Trong nền kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng và tái chế phế phẩm chỉ diễn ra theo chu kỳ sinh học.

Về mặt lý thuyết, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế, 1 nền kinh tế tuần hoàn cần được vận hành theo 5 nguyên tắc quan trọng : (1) Thiết kế để tái sử dụng: Chất thải sẽ không tồn và được thiết kế để phân tách, tổng hợp hay pha trộn tái sử dụng trong một chu trình mới; (2) Vận hành linh động, đa dạng: luôn có sức chống chịu cao trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh, thể hiện ở các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau; (3) Sử dụng chu chuyển năng lượng: với 2 nguồn năng lượng chính luôn sẵn có với khả năng gần như vô hạn, là năng lượng tái tạo và sức lao động; (4) Tư duy có hệ thống: tập trung vào các tiến trình phi tuyến tính và các vòng luân chuyển. trong kết hợp với các yếu tố môi trường. Liên tục tối ưu hóa các hệ thống trong tương quan giữa Nguyên liệu – Sản phẩm – Tiêu thụ – Thải bỏ với định hướng lâu dài tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau; (5) Căn cứ nền tảng sinh học, do ngày càng nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng” với nhiều mục đích sử dụng khác nhau trước khi kết thúc hay quay vòng.

Một nền Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, tập trung ở 3 mức quy mô là  (1) Mức thấp (vi mô), KTTH tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, có khuyến khích, yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch và mô hình hữu cơ, thân thiện môi trường; (2) Mức trung bình (trung mô), KTTH bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái để tạo cơ hội tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp; (3) Mức cao (vĩ mô), toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế để mọi chất thải tiết giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, không thải vào môi trường.

Sự hiện diện rõ dần của nền Kinh tế tuần hoàn

Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, vừa đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mang lại nhiều lợi ích trong bối cảnh tài nguyên bắt đầu suy kiệt, khan hiếm vừa giúp ứng phó với biến đổi khí hậu vì hạn chế được phát thải. Có thể nói cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính truyền thống mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh đa dạng, cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội. Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Từ hạ tuần tháng 8/2020. Thủ Tướng Chính phủ đã chính thức kích hoạt nền KTTH bằng văn bản quyết định sách lược và lộ trình hiện thực hóa đến 2030. Theo đó, Chính phủ đã có 1 loạt các biện pháp triển khai đồng hành với chỉ đạo vĩ mô về nền Kinh tế tuần hoàn liên quan đến các lộ trình nghiên cứu, hoàn thiện văn bản & giải pháp, việc tổ chức & thực hiện, trong đó tái khởi động chương trình “nhãn xanh môi trường” từng đã triển khai từ lâu. Đây thực sự là một cơ hội lớn cũng là động lực kịp thời để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính truyền thống mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội, đồng thời cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.(1) Không nghèo; (2) Không thiếu đói; (3) Sức khỏe và an sinh; (4) Chất lượng giáo dục; (5) Bình đẳng giới tính; (6) Nước sạch và vệ sinh; (7) Năng lượng sạch & tái tạo; (8) Công việc tử tế và kinh tế phát triển; (9) Thực thi tốt Công nghiệp, Sáng tạo và cơ sở hạ tầng; (10)Thu hẹp sự bất bình đẳng xã hội; (11) Đô thị & cộng đồng bền vững; (12) Sản xuất & Tiêu dùng có trách nhiệm; (13) Hành động vì khí hậu; (14) Môi trường Nước; (15) Môi trường Đất; (16) Bảo đảm các thiết chế, hòa bình và công lý; (17) Cùng hợp tác tốt để thực hiện các mục tiêu trên

Trong mỗi nền kinh tế, các nguồn lực được huy động, như vốn đầu tư, lao động, thiết bị, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng… được xác định là những yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, trong khi đó ở đầu ra, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng, dân sinh sẽ tạo ra chất thải vào môi trường. Ở ngay tại điểm ngưỡng chết này của vật chất, sản phẩm, KTTH là cánh cửa chốt chặn, mở lối đi khác hòa nhập vào nền sản xuất xã hội. Đó cũng là con đường tất yếu của hiện tại và tương lai vô cùng bức thiết hướng đến nền kinh tế bền vững, phát thải các-bon thấp nhờ giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp, triệt giảm nguyên nhân chính cho nguy cơ biến đổi khí hậu.

Kinh tế tuần hoàn đang đi nhanh vào đời sống

Nền kinh tế tuần hoàn mô tả một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất  / phân phối / tiêu dùng ở các cấp độ vi mô (sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp độ trung gian (các khu công nghiệp sinh thái), cấp độ vĩ mô (thành phố, vùng, quốc gia và rộng hơn nữa), với mục tiêu đạt được phát triển bền vững, bảo đảm chất lượng môi trường tốt, sự thịnh vượng về kinh tế và công bằng xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai.

Kinh tế tuần hoàn quay vòng, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó. Mục tiêu nó đạt được là việc vận hành cả chuỗi kinh tế theo hình thức sử dụng đến hết mức và tái sản xuất tích cực các sản phẩm và vật liệu đã được sử dụng trong nền kinh tế để vừa giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, giảm thiệt hại từ các hoạt động kinh tế vì tác động môi trường, vừa tối ưu hóa hoạt động khai thác nguồn tài nguyên – năng lượng cho phát triển bền vững. Trên đà thăng tiến dễ hòa nhập này, nền KTTH đang đi nhanh vào mọi ngóc ngách của cuộc sống với những lợi ích kiểm chứng được.

CHU TRÌNH TUẦN HOÀN CỦA SẢN PHẨM / NGUYÊN LIỆU

Đồng thời với diễn biến “đồng sản xuất” nói trên của kinh tế tuần hoàn, còn có nền kinh tế chia sẻ, trong đó Kinh tế chia sẻ là ngách thoát ở mọi điểm trên chuỗi vận hành của sản phẩm hàng hóa lẫn dịch vụ của nền kinh tế mở và vận dụng được giải pháp đồng hành tiêu dùng để san sẻ bớt gánh nặng chi phí và tăng giá trị sử dụng của sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ. Nó có thể bao gồm những hành vi mua lại hàng hóa secod-hand, tận dụng đồ cũ, chia sẻ phí tổn khi dùng chung, giảm bớt đầu tư những các dịch vụ cung ứng giao nhận, thương mại điện tử ship hàng, co-working, cùng chia nhau sử dụng phương tiện hay không gian văn phòng..v.v. Kinh tế chia sẻ giải quyết được các thiếu hụt sản phẩm kinh doanh – dịch vụ từ nguồn Cung và mau chóng bão hòa được nguồn Cầu ở mức độ tiết kiệm nhất, kinh tế nhất, tiện dụng mọi lúc mọi nơi…Trong diễn biến hiện đại của kinh tế tuần hoàn, còn có nền kinh tế cùng sản xuất (co-processing), hài hòa vào 1 tổng thể mà mọi lĩnh vực, mọi loại hình sản xuất đều đồng hành quay vòng nguyên liệu, tương trợ công nghệ, san sẻ nguồn lực vật chất, tiết kiệm & tái tạo năng lượng… nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên lẫn bảo vệ môi trường. Trên tinh thần này thì không chỉ nối tiếp đầu ra sau tiêu dùng sản phẩm thành đầu vào của vòng đời sản phẩm mới mà tương tác cùng nhịp ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi có phát sinh thứ- phế liệu. Cuộc đồng hành này là song phương hoặc đa phương nhưng cùng tận dụng được các thế mạnh của nhau để cùng tối ưu hóa nguồn nguyên liệu và năng lượng cùng lúc với tiết giảm chi phí giá thành sản xuất trong điều kiện không cần thay đổi quá nhiều về quy trình công nghệ hay dây chuyền vận hành. Kinh tế đồng sản xuất là mối cộng sinh lực lượng sản xuất để giải quyết được các bất cập, thiếu hụt và đắt đỏ ở đầu vào ở nguồn Cung chuỗi cung ứng và mau chóng lấp đầy sâu rộng nguồn Cầu ở mức độ linh hoạt nhất, kinh tế nhất…

Tóm lại là mô thức Kinh tế đồng sản xuất là giải pháp KTTH bổ sung ở nguồn Cung còn mô thức Kinh tế Chia sẻ là giải pháp KTTH bổ sung ở nguồn Cầu. Có thể nói Kinh tế tuần hoàn lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải từ phế phẩm, là biện pháp kép giải quyết mối tương quan giữa nguồn tài nguyên – năng lượng ở điểm đầu tiên của đầu vào và sản phẩm thải ở điểm cuối cùng của đầu ra, thu hồi xử lý tái chế để tái phục hồi vòng đời sản phẩm đồng thời vận hành kinh tế xã hội và cuộc sống sản xuất – tiêu thụ được phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải kịp thời tận dụng được những cơ hội và chấp nhận đối đầu những thách thức cần phải vượt qua trên lộ trình đi đến 1 xã hội gần như không có khái niệm về chất thải bỏ đi.

Ưu điểm của nền kinh tế tuần hoàn

Có thể nói KTTH là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức để đi đến phát triển bền vững. Theo tinh thần đó, không có  tiêu chí, quy chuẩn để xác định, đánh giá 1 thực thể xã hội, 1 nền kinh tế đã là nền KTTH hay không mà chỉ là những tiêu chí đánh giá nơi đó đã được vận hành theo kiểu KTTH hay chưa thôi… KTTH là sự nghiệp của toàn xã hội cho mọi người chứ không phải là của riêng Chính phủ, doanh nghiệp, hệ thống dịch vụ, ngành nghề nào… Các chỉ tiêu, chỉ số về KTTH hiện nay là các chỉ tiêu để theo dõi quá trình thực hiện KTTH ở mức độ phổ cập nào, chứ không phải để đánh giá, xếp hạng.

Trong nhãn quan so sánh, dĩ nhiên nền kinh tế tuần hoàn ưu việt hơn, nhân quả hơn vì kinh tế tuyến tính lâu đời có thể nói ngắn gọn chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, trong khi kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phát triển mới, hướng tới việc kết nối điểm cuối của quá trình sản phẩm trở lại với điểm đầu, mặt khác khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. KTTH tạo ra 1 cơ chế kinh tế xanh, bền vững, đồng nghĩa với tăng trưởng mới và cơ hội việc làm. Thiết kế đổi mới sinh thái, ngăn ngừa chất thải và tái sử dụng nguyên liệu thô có thể mang lại khoản tiết kiệm ròng cho các doanh nghiệp, mà theo tính toán lý thuyết, các biện pháp này nhằm tăng 30% năng suất tài nguyên vào năm 2030, thúc đẩy GDP tăng gần 1%, đồng thời tạo thêm 2 triệu việc làm ở mỗi nền kinh tế tương tự như Việt Nam. Nó cũng có lợi cho môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, loại trừ bớt những rủi ro biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái.

Trọng tâm của nền Kinh tế tiêu dùng tư bản là kích cầu, tăng cường loại bỏ hàng thừa, phế phẩm để bán được sản phẩm mới, đẩy mạnh tần suất lỗi thời  sản phẩm để mau chóng cho ra sản fẩm mới nâng cấp. Tinh thần này mâu thuẫn với nền KTTH. Tính tất yếu là sự chuyển dịch, từ kinh tế tuyến tính (dựa trên khai thác và tiêu dùng) sang kinh tế tuần hoàn (dựa trên khôi phục và tái tạo) đang trở thành ưu tiên của nhiều nước trên thế giới. Đó là bởi áp lực từ các vấn đề tiêu cực do các mô hình kinh tế tuyến tính gây ra và bởi những lợi ích đang ngày càng được thấy rõ của kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn sẽ vận hành ra sao

Kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và không quan tâm nhiều đến việc thải bỏ ra môi trường, nên đã khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến việc khan hiếm tài nguyên, năng lượng và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, trong khi đó kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, tránh tạo ra chất thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức, từ thiết kế lại, giảm thiểu, sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Khi nói về việc giảm thiểu chất thải, chúng ta có thể nghĩ rằng tái chế chính là câu trả lời. Tuy nhiên chỉ riêng tái chế thôi sẽ không đủ giúp chúng ta thoát khỏi đống đồ thừa, và đó không hề là đáp số cho bài toán vận hành nền KTTH. Ta đã từng khẳng định nhiệm vụ của KTTH không phải là để phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải nhằm tái sản xuất mà là thiết kế để kiểm soát, quản lý, tác động chất thải từ mọi khâu trong chuỗi sản xuất – cung cấp – sử dụng của nền kinh tế. Nền kinh tế tuần hoàn là một ý tưởng lớn hơn mà toàn bộ hệ thống phải quan tâm, mang ý nghĩa là phải suy nghĩ lại về cách hình thành sản phẩm ngay từ đầu khi khởi sự sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không cần thiết, thiết kế các mặt hàng để sử dụng lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại nền kinh tế sau này.

Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế. Nhưng đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển (như chúng ta và nhiều nước khác), do sự hạn chế về nguồn lực, về hạ tầng kinh tế – xã hội, về mặt bằng dân trí – quan trí, về khả năng tương tác quản lý và cả về thói quen xoay xở chật vật để thích nghi mọi hoàn cảnh, đa số chính phủ lẫn doanh nghiệp ở đây sẽ không muốn, chưa sẵn sàng hoặc không thể đầu tư với tốc độ và quy mô cần thiết cỡ đó, vì đó không phải là vấn đề của 1 đồng mà là của 150 – 200 đồng vốn chi phí, nên điều này cần phải sớm hình thành cả 1 ngành công nghiệp quan trắc, quản lý, thúc đẩy và thực sự đóng góp vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng đó để vận hành mô thức KTTH cho toàn bộ các hệ thống này.

Để chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần có 1 lộ trình và ngắn/ dài, nông/sâu, rộng/hẹp tùy vào điều kiện phát triển và hình thái kinh tế từng nước. Riêng Việt Nam, chỉ có vài cách vận hành đồng dạng KTTH thôi chứ chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn căn cơ, sẽ gặp rất nhiều trở ngại với hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ để rốt ráo xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, tăng cường hàm lượng khoa học, công nghệ vào các ngành, đặc biệt là thu gom – xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu với sự tham gia của toàn xã hội, vì việc chuyển đổi từ một nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò thực thi và đồng hành của các bên liên quan gồm nhà nước, doanh nghiệp, người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đường đến mô hình KTTH  cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển, trong đó Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quản lý, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện, với cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và quy mô kinh tế, theo ngành chuyên môn và các không gian địa lý. Lộ trình cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình đồng dạng với kinh tế tuần hoàn đã có. Để mở rộng KTTH, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu, yếu tố then chốt. như thay thế kiểu sản xuất càng nhanh, càng nhiều, càng rẻ bằng những sản phẩm có độ tin cậy, tốt bền từ quy trình sản xuất bền vững. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần khó khăn nhất sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.

Vai trò của môi trường trong nền kinh tế tuần hoàn

Về mặt môi trường, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với quy mô nền kinh tế nhỏ, tuy xếp thứ 68 về diện tích, thứ 15 trên Thế giới về dân số nhưng lại đứng thứ 4 Thế giới về thải rác nhựa ra đại dương đến # 700 ngàn tấn /năm trong tổng lượng rác thải nhựa 1,8 – 2 triệu tấn /năm thải trong môi trường khắp nơi của mình. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 nước dễ tổn thương nhất do Biến đổi Khí hậu, và cũng nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí, điều sẽ làm Việt Nam mất đi khoảng 3,5% GDP vào năm 2035 theo dự báo.

Trong các thứ ô nhiễm, vấn nạn rác thải nhựa đại dương là nguy cơ lớn nhất vì sự suy thoái của hệ sinh thái biển chiếm 4/5 diện tích Trái đất và tác hại lên chuỗi thức ăn, lên ô nhiễm nguồn nước và không khí khi chúng bị phơi ra trước bức xạ mặt trời và sóng gió phân tán khắp nơi. KTTH nếu bỏ qua giải pháp ngăn chặn việc này vẫn là chưa đầy đủ và tạo 1 cửa mở bất ngờ cho ô nhiễm sinh thái xâm nhập phá hoại những thành tựu KTTH ở các nền kinh tế trên 5 lục địa. Loại ô nhiễm này đang phát triển mạnh -khoảng 140 triệu tấn tích tụ nhức mắt đầy trên biển rồi tập trung vào 5 đảo xoáy rác khổng lồ trên các đại dương của quả địa cầu với liều lượng gần 13 triệu tấn thải ra biển hàng năm và nếu không hành động ngay bây giờ sẽ khiến trữ lượng nhựa đại dương tăng nhiều lần, bắt đầu từ con số gấp 2 lần lượng nhựa sản xuất & sử dụng, gấp 3 lần lượng nhựa trong số đó thải ra biển, cuối cùng sẽ là tăng gấp 4 lần trữ lượng nhựa tích lũy trên đại dương với hơn 600 triệu tấn nhiều hơn cả cá trong đại dương từ năm 2040 đến năm 2050.

Những hoạt động môi trường đồng dạng với KTTH

Như đã nói, khái niệm và thực tiễn Kinh tế tuần hoàn đã từng hiện diện rất xa xưa trong xã hội loài người khi con người không bao giờ bỏ đi những vật dụng, phương tiện mình đã sử dụng và kéo dài vòng đời của chúng cho đến khi tàn lụi hoặc vất bỏ khi không còn già trị đổi chác hay sử dụng. Diễn tiến tiêu dùng đó là hành động vô thức trong ý niệm về KTTH và tồn tại dai dẳng cho đến nay trên mọi điều kiện không gian, thời gian trong điều kiện quỹ hàng hóa eo hẹp và mưu sinh khó khăn, cho đến khi bị can thiệp xua đẩy bởi hành vi tiêu thụ “đẳng cấp hàng mới, hàng hiệu”, “không xài đồ quá đát, lỗi thời”, “độ an toàn có tính thời gian của sản phẩm”, “phong cách thời thượng”, “giữ vệ sinh và hiệu lực hàng hóa”, “sản phẩm lão hóa tự nhiên tiềm tàng nhiều ẩn họa”… của nền kinh tế tiêu dùng tuyến tính, làm hàng hóa ngày càng bị lấn át, loại thải thẳng tay với tỷ lệ cao dần chứ không còn “tái dụng” hay “chuyển công năng” như trước.

Xã hội ta lâu nay vẫn diễn ra trước mắt mọi người các điển hình của nền kinh tế tuần hoàn -chỉ vì chưa được khái niệm cụ thể theo từ ngữ ngày nay : Thu mua ve chai, lông vịt, đồng nát, vật liệu – máy móc hư cũ; Đổ xà bần xây dựng; Gom nhặt tái sinh các thứ nhựa; Hốt thức ăn thừa, nông phẩm hư bỏ để chăn nuôi; Tận dụng nông sản dư thừa héo úa sau thu hoạch để sấy khô, trồng nấm, làm mứt, xi rô, trà, bột dinh dưỡng; Làm chất hút ẩm, phụ gia, bánh hay thực phẩm loại 2 từ thứ phẩm, phế phẩm của thức ăn, hàng thực phẩm; Thu phế phẩm xương – thịt – cá về chế biến nước chấm, thức ăn gia súc, thực phẩm chức năng; Xử lý vỏ tôm cua – giáp xác thành collagen, chitin, dược phẩm; Phơi hoai phân động vật – phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ; Tuyển rác điện tử để thu hồi nguyên liệu tổng hợp cao cấp; Gom lục bình, lá cây, gỗ nhựa, cao su làm hàng thủ công mỹ nghệ ..v.v. đại khái là rất nhiều hình thức nhưng do là “phế thải” nằm cuối chuỗi tiêu thụ của nền kinh tế tuyến tính, khi thành “nguyên liệu đầu vào” của cơ chế tái sản xuất đó thường là của bỏ đi, đồ “chùa”, rẻ tiền, nên phần lớn những “nhà kinh tế tuần hoàn” đó bị xem thường như nguồn nhân lực thứ cấp của xã hội, sống ăn theo bên lề cuộc sống sản xuất – tiêu dùng, và những hoạt động trên không được xem là động thái chính quy của guồng máy kinh tế.

Thực trạng vận hành KTTH trong lĩnh vực Môi trường

Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn ở quy mô rộng khắp. Các hoạt động mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho những cơ sở sản xuất và tiêu dùng, nhỏ hơn nữa là những vựa ve chai đồ cũ, chưa mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn hơn cho xã hội nên chính hoạt động của các mô hình cục bộ và tùy nghi đó đôi khi lại rất nhếch nhác, dơ bẩn, không ích lợi gì mà đã gây ra ô nhiễm và suy thoái thêm cho môi trường. Gần đây ở Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được thực nghiệm, đem lại những hiệu quả ban đầu nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản giáp xác tạo ra Chitosan, Collagen, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang, thử nghiệm con đường bằng nhựa tái chế ở khu công nghiệp Hải Phòng, chương trình giải cứu rác chết của vài nhóm liên kết với các công ty FDI, dự án thu hồi phế phẩm bao bì sản phẩm phế thải của Liên Minh Tái chế từ các tập đoàn ngành giải khát lớn… Các công trình KTTH vi mô, trung mô này thật đầy triển vọng nhưng đại đa số đều có nhân tố nước ngoài chứ chưa mang dấu ấn Việt Nam. Trong đời sống thường ngày, ta vẫn bắt gặp rất nhiều những dự án KTTH ở quy mô nhỏ từ các tổ chức hội đoàn quần chúng & chuyên môn, từ các đơn vị kinh doanh khởi nghiệp, hay từ sáng kiến sản xuất – cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh & dịch vụ, từ những túi đựng, ly chén, đồ dùng bằng vật liệu thiên nhiên thay thế nhựa, những vật dụng bao bì dùng nhiều lần, những sản phẩm nhựa sinh học tự phân hủy, những phế phẩm nông sản thành kẹo mứt, phụ phẩm hữu cơ, những siêu thị, nhà hàng tái phân phối hàng thừa, quá đát, những khu du lịch sinh thái, những sáng kiến chuyển rác nhựa thành vật liệu xây dựng, những công nghệ thu hồi tro xỉ nén đúc làm đường, những biện pháp thu hồi nước thải để tái sử dụng, những đồ phế liệu thành hàng thủ công mỹ nghệ, những chai nhựa, cao su, vỏ xe thành giày dép ..v.v.

Tương tự như vậy, hiện nay ở khắp nơi đất nước đã xuất hiện nhiều công trình hoạt động quy mô hơn trong mọi lĩnh vực mang dáng dấp và xu thế KTTH, như tận dụng nước thải để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dùng điện mặt trời áp mái để có điện năng tiêu dùng, xây dựng trang trại điện gió, điện mặt trời để hòa lưới cấp điện quốc gia, sử dụng phế- phụ phẩm nông sản để chế biến thứ khác, trồng rau quả hữu cơ hay chuyên canh, luân canh có khoa học để tận dụng phân xanh cải tạo đất, chia sẻ văn phòng, cơ xưởng để cùng sản xuất và tận dụng nguyên liệu, công việc, giảm chi phí, sản xuất và sử dụng những sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, tận thu khí lò hơi để sấy sản phẩm hay gia nhiệt hệ thống dây chuyền sản xuất, mô hình Vườn – Ao – Chuồng trong nông nghiệp đồng bằng, hình thức “đổi rác lấy quà hay tem phiếu” trong cộng đồng dân cư..v.v. đều là những thể hiện tốt đẹp, khả quan của nền KTTH đang được định hình.

Tuy nhiên, không phải cứ tận thu phụ – phế phẩm, rác thải mà sàng lọc tái chế, tái sử dụng đều là biểu hiện của nền kinh tế tuần hoàn. Có những cơ sở thu gom chỉ quan tâm đến những thứ kiếm ra tiền chứ hoàn toàn không ý thức gì về bảo vệ môi trường hay chí ít cũng chia sẻ nguyên liệu tái sinh cho ngành nghề khác nhằm kiếm tiền. Hoạt động này chả khác 1 ngách rẽ thu gom nhặt nhạnh những thứ có thể hữu dụng bán được rồi tọng những thứ vô dụng còn lại vào dòng chảy tàn lụi của nền kinh tế tuyến tính –không gì khác … Thậm chí có những đơn vị thu gom xử lý kiểu đồng nát rác thải điện tử đã tách thủ công những thứ có thể bán được cho ngành điện tử, điện cơ kinh doanh, dịch vụ và thải bừa bãi ra môi trường những mớ rác vừa nhựa, vừa cao su, vừa kim loại nặng, vừa hóa chất độc hại; Có nơi đơn vị khởi nghiệp đã chế tạo sản phẩm chén ăn, ly nước từ tinh bột, rơm rạ, bã tre “thân thiện môi trường” nhưng lại tráng màng Melamine hoặc Polimer cho bóng đẹp, chống thấm. ẩn họa nguy cơ độc hại khôn lường khi sử dụng bị trầy xước hoặc nhiệt hóa, xem ra còn độc hại hơn nhựa….

KTTH  không phải là xử lý chất  thải, mà ngược lại, thiết kế chất thải, tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất, thậm chí, không tồn tại khái niệm chất thải trong nền KTTH. KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho  cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình KTTH –như vật liệu trong sản xuất sản phẩm, trong chuỗi cung ứng, trong tiêu dùng, trong hành vi xử sự với hàng hóa tiêu dùng và phế thải của từng người…. Đã có những sự kết hợp kiểu KTTH như vậy giữa vài đơn vị sản xuất để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, năng lượng hay giảm thiểu chất thải nhưng ở mức độ tự phát quy mô nhỏ như vậy không thể hình thành 1 nền KTTH mà phải là sự vận hành mang tính hệ thống của cả nền kinh tế mới phát huy hết hiệu quả.

Những bất cập về giải pháp môi trường liên quan đến KTTH

Tuy vậy, những thực tiễn hoạt động kiểu KTTH nói trên đều là rời rạc, tự phát, manh động tùy hứng và chưa chuẩn bị nhiều mặt về bao tiêu sản phẩm đầu ra, độ ổn định đồng bộ của nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình công nghệ và bộ máy chế tạo và cuối cùng là chỉ có mối tương tác với số ít đơn vị đối tác quanh họ, chưa tạo mối tường tác rộng lớn, sâu sắc hơn ra ngoài biên tập hợp đó hoặc không giao thoa với các lĩnh vực hoạt động khác. Những hoạt động vi mô này chỉ là hình thức sơ khai của nền kinh tế tuần hoàn, cần được tập hợp vào guồng máy vận hành kinh tế tuần hòan của toàn xã hội hoặc chí ít cũng đưa vào quỹ đạo KTTH theo hướng chuyên môn hóa ở lĩnh vực của các đơn vị này –mà đa số là ngẫu hứng trong kinh doanh hay cá nhân, tập thể khởi nghiệp.

Ở góc nhìn khác trong thực tế đã xuất hiện nhiều giải pháp để thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng “những vật liệu thân thiện môi trường”, “bao bì dùng nhiều lần”, “nhựa phân hủy sinh học”, “chất liệu thay thế”..v.v. nhưng những thứ thay thế lại bất tiện, cồng kềnh, cũ kỹ mất vệ sinh khi dùng nhiều lần, khó tiện dụng, thậm chí có những bao bì thân thiện môi trường, phân hủy sinh học được khuyến khích và trưng bán đầy ở khắp nơi thực chất vẫn tồn tại trong cấu trúc đến 45-55% chất liệu polimer của PP, PVC, PE tuyến tính và thành phần “phân hủy được” thực chất là tinh bột hay vật chất hữu cơ chỉ ở mức độ bằng hay dưới 50%. Kiểu bao bì xanh chỉ phân rã (degradable) chứ không hề phân hủy (compostable) này còn nguy hiểm hơn bao bì nhựa 1 lần vì nó mau chóng rã lẫn vào môi trường đất, nước, không khí ở kích cỡ vi hạt nhựa khó lòng kiểm soát, xử lý như nhựa thường chỉ ô nhiễm vì dơ dáy và làm nghẽn cống rãnh, làm hư đất đai, nguồn nước… Những thứ nhựa phân hủy nửa vời như vậy càng không nên cho lưu hành sử dụng. Chúng ta đang tránh 1 điều tệ hại trước mắt bằng cách tạo ra 1 điều tệ hại nghiêm trọng và lâu dài hơn.

Điều bất ổn đáng lo ngại nhất trong định hướng giải pháp môi trường của 1 số địa phương là chủ trương và động thái tăng tốc xây dựng các lò đốt rác phát điện với rác thải không cần phân loại phức tạp làm nhiên liệu đốt phát điện. Điều này khi chưa có những đánh giá tác động môi trường đầy đủ của khí thải dù có hay không công nghệ tiên tiến hiệu quả để thu hồi, xử lý, thì việc đốt rác phát điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí khi rác thải nhựa được đốt bỏ (mà người ta lại nói là càng tạo nhiệt lượng cao), các độc tính bản chất của polimer đặc biệt bền vững cộng thêm các phụ gia đã được nhồi nhét thêm vào trong quá trình sản xuất để cải thiện những đặc tính lý hóa sẽ bay hơi phát tán các kim loại nặng, các POPs ô nhiễm hữu cơ bền vững, dioxin, furan. ..v.v. ra đầy môi trường không khí. Cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của loại hình này trước khi đưa các module nhà máy đốt rác vào họat động, có khi không chừng vừa sinh thêm rắc rối, vừa phá hủy những nỗ lực xây dựng KTTH vì chủ trương không cần thu hồi phân loại tại nguồn khi chỉ cần gom chung lại đốt.

Kiểu “giải pháp tình thế” này làm tăng rủi ro ô nhiễm không khí và phát thải carbon vào tầng khí nhà kính Trái đất mà không tận dụng thu gom tái chế được nguyên liệu tái sinh cho nhiều mặt sản xuất khác của nền kinh tế tuần hoàn (như làm phân vi sinh, tái chế vật dụng, tái sinh nguyên liệu thứ cấp cho ngành nhựa, sản xuất vật liệu xây dựng…v.v.).  Đốt rác –kể cả đốt rác phát điện là cửa ra cuối cùng của nền Kinh tế tuyến tính, không hề có liên quan hay đóng góp gì cho nền KTTH. Điều cũng nên lưu ý rằng ngay cả đốt cũng còn tro bay, tồn dư xỉ những vật chất không đốt được hết. Những thứ này có tỷ lệ khối lượng không hề nhỏ (20-33% khối lượng đầu vào -như nhiệt điện Vĩnh Tân là 34% với hơn 4000 tấn tro xỉ trên 12.000 tấn than nhiên liệu được đốt phát điện 24.000 MW mỗi ngày), nên nếu đốt gần 10.000 tấn rác thải chỉ riêng TPHCM thì hơn 3000 tấn tro xỉ sẽ đổ đi đâu nếu không có bãi chôn lấp đặc thù hay giải pháp quay vòng loại tro này theo kiểu KTTH ?!

Môi trường vừa là thành tố chủ chốt nằm trong mô hình KTTH vừa là đối tác nằm ngoài nền KTTH như thành phần nhị phân B của thành phần Kinh tế tuần hoàn A mà nếu thiếu nó thì tập hợp A/B không thể hoạt hóa được. Môi trường vừa yếu tố cấu thành, vừa là tiền đề và động lực của mô hình KTTH, có thể ví như trục xương sống mang thần kinh trung ương của cơ chế KTTH và xuyên suốt hiện diện tác động trên toàn bộ mô hình, nòng cốt hệ trọng đến nỗi nếu tách rời khỏi các giải pháp môi trường, hoạt động KTTH sẽ trở thành vô nghĩa, bất khả thi. Môi trường là điều kiện tiên quyết định đoạt tất cả sức công hiệu của các giải pháp KTTH. Nói đến Kinh tế tuần hoàn là nói đến Môi trường.Một số doanh nghiệp lớn có lượng phế phẩm nhựa tuồn ra sau tiêu thụ sản phẩm của mình đã sớm khôn ngoan liên kết đình đám để lập những Hiệp hội liên kết liên minh với những dự án thu gom tái chế. Những tổ chức này có chương trình hành động, có event ra mắt và truyền thông rộng rãi nhưng đến nay chưa thống kê được hoạt động thực tế của họ đã giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải từ sản phẩm chính họ được như thế nào và kết quả cụ thể ra sao, tỷ lệ thu hồi tái sinh được là bao nhiêu %  so với kế hoạch. Mong sao là sẽ có những hiệu quả thực sự chứ không được như thế người ta sẽ rất dễ nghĩ là họ tạo dư luận và hình ảnh của mình trong kinh doanh có lương tâm, trách nhiệm xã hội và đánh bóng tên tuổi trong dư luận người tiêu dùng mà thôi chứ thực sự chả giải quyết được gì…. Nói sao đi nữa, trong nền KTTH, những động tác thu hồi, xử lý dù quy mô thế nào cũng không phải là điều cơ bản, vấn đề phải là sản phẩm được thiết kế xanh ra sao, khả năng tái chế hoàn nguyên thế nào, tác động môi trường lớn hay nhỏ, các kênh thu gom bảo đảm được tỷ lệ nào trên lượng sản phẩm bán ra thị trường, và điều quan trọng nhất là hoạt động đó có được xúc tiến thiết thực và lâu dài hay chỉ là “giải pháp tình thế” khi xã hội đang quy trách nhiệm ô nhiễm môi trường cho những chất liệu bao bì sản phẩm của những thành viên tổ chức tái chế này…

Mặt khác, những sản phẩm thay thế Nhựa như Giấy, Gỗ, Kim loại, chất liệu tổng hợp không polimer… không đơn giản là thu thập chế tác để dùng làm ra sản phẩm mà còn phải khai thác, sơ chế nguyên liệu, vận hành dây chuyền sản xuất, và đó chính là lúc tác hại kiểu khác lên môi trường… Thật dễ dàng muốn loại bỏ nhựa, nhưng việc thay thế nó bằng các vật liệu khác có thể gây bất lợi lớn từ tác động môi trường hay phát thải carbon và tai hại so ra có khi còn lớn hơn, đắt hơn tai hại từ ô nhiễm do Nhựa. Thay vì chống đối và nghiêm ngặt chế tài Nhựa, có tốt hơn không khi dùng ý thức môi sinh cho người sử dụng nó của nền KTTH để kiểm soát thu hồi, tái sinh nguyên liệu cho chính ngành Nhựa mà vẫn tận dụng được những đặc tính ưu việt, rẻ tiền của Nhựa ? (Thực tế trong mùa đại dịch Covid 19 vừa qua đã minh chứng sự hữu ích của nhựa trong đủ thứ vật dụng thiết yếu, nhất là trang bị phòng hộ và tác nghiệp của những người trên tuyến đầu –kể cả thứ dùng 1 lần- mà những chất liệu khác khó lòng thay thế được).

Do đó, nhằm bảo đảm một cách chính xác, đúng đắn cho những sản phẩm xanh của cuộc sống, việc có được 1 CHÍNH SÁCH MẠNH MẼ NHẰM VÀO PHÁT THẢI CARBON LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TIẾN BỘ TRONG CUỘC ĐỒNG HÀNH VỚI KINH TẾ TUẦN HOÀN để việc bảo vệ môi trường bằng cách làm những sản phẩm mang chất liệu thân thiện môi trường đó không trở nên vô nghĩa.

Môi trường không thể tách rời nền Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn ngay từ cơ bản đã có mối gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với Môi trường và thực tế đã cho thấy những quốc gia tiên phong trong đề xuất nền KTTH là những nước có mức phát triển cao về khoa học công nghệ dịch vụ môi trường đồng thời thu nhập quốc dân cao cùng thuận theo chỉ số phát triển con người như Thụy Điển, EU cũng như những nước lớn gặp những vấn nạn to lớn về môi trường do mất cân đối phát triển hoặc ô nhiễm đầy ẩn họa của nền kinh tế tiêu dùng một chiều gây phát thải quá nhiều như Trung Quốc dù chưa có đủ điều kiện cơ sở để triển khai đồng bộ, đã vẫn phải đề xuất thực thi sớm từ hơn 10 năm trước vận hành nền kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết bài toán về phát thải ô nhiễm và kiệt quệ tài nguyên do hệ lụy của tăng trưởng nóng.

Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế đối với môi trường tự nhiên, trong hệ thống kinh tế phải khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thô và giảm đến mức tối thiểu chất thải ra môi trường do chính nền kinh tế đó tạo ra thông qua tái sử dụng, tái chế chất thải. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên nguyên lý động lực học, định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, tính thực tiễn của hoạt động kinh tế, cho phép chuyển hóa chất thải quay vòng trở lại đầu vào của hệ thống kinh tế. Điểm xuất phát mở đầu chuỗi tái chế này luôn phải là CHẤT THẢI PHẢI ĐƯỢC PHÂN LOẠI THU GOM TẠI NGUỒN như 1 điều kiện ắt có và đủ. Nếu chất thải không qua khâu này hoặc đã phân loại thu gom xong mà phương tiện vận chuyển hay bãi trung chuyển tập kết cũng gom chung lại thì toàn guồng máy KTTH đã bị hỏng hóc từ khâu nguyên liệu đầu vào.

Về mặt chủ trương, quản lý, giám sát thực hiện ở các đơn vị nhà nước chuyên trách, những doanh nghiệp, thì việc xây dựng vận hành KTTH phải là quyết sách nhất quán, lâu dài, nghiêm túc chứ không phải triển khai tổ chức thực hiện theo tư duy nhiệm kỳ của các nhân vật chủ chốt cầm trịch luật chơi từ cộng đồng đến doanh nghiêp cho đến chính quyền. Và nói cho cùng, đây không phải 1 game quản lý kinh tế xã hội mà là vấn đề sống còn với kinh tế đất nước và quốc tế trong tương quan nghịch lý giữa Tăng trưởng và Môi trường trước 1 viễn cảnh ảm đạm về ô nhiễm sinh thái, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên của mọi nơi trên ngôi nhà chung Trái đất này.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, các nền kinh tế lớn với khoa học kỹ thuật tiên tiến, các doanh nghiệp đa quốc gia, cũng cho thấy việc chọn lọc thu gom chất thải nên tổ chức từ nguồn, việc xử lý nên là xử lý tập trung ở đầu vào, việc tái hòa nhập theo vòng tuần hoàn theo chuỗi tái cung ứng chuyên môn hóa theo chủng loại và tính chất các chất thải được tái chế hay nguyên liệu thứ sinh chia sẻ. Ở Việt Nam, để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội – môi trường đất nước, nên chuyên môn hóa theo từng công năng sản xuất ngành : Ngành nào với sản phẩm nào phải tổ chức được kênh thu hồi các phế phẩm đó ngược theo lộ trình chuỗi cung ứng của mình hoặc thu hồi xử lý tập trung ở điểm cuối kênh phân phối. Nền KTTH đòi hỏi phải tận thu bằng hết chất thải trong đời sống (zero waste) để vận hành suôn sẻ cơ chế, trật tự kinh tế – xã hội – môi trường của mình.

Kết luận và đề xuất phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Trong nền Kinh tế tuần hoàn, con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể : Con người tạo ra mọi thứ và con người cũng tiêu thụ những thứ đó. Con người đối xử với Môi trường ra sao thì nhận lại hệ quả tác động như vậy. Bản thân con người và sức lao động của mình là điển hình rõ nhất của năng lượng tái tạo, khả năng tái sản xuất trong nền KTTH. Nền KTTH là 1 mô thức vận hành từ ý chí con người, do hành động con người và vì quyền lợi con người. Vì vậy trong cơ chế KTTH, Con người là giá trị cốt lõi; Môi trường và tài nguyên, năng lượng sạch, tái tạo là nhóm giải pháp phần cứng; Giáo dục, thay đổi hành vi, kiểm soát, quản lý, ứng dụng, tương tác, thiết kế, vận hành, thu hồi, xử lý, tái tạo… là nhóm giải pháp phần mềm. Bảo đảm được sự phối hợp hoạt động trơn tru của mọi thứ đó là bảo đảm được hiệu quả vận hành của nền Kinh tế tuần hoàn.

Nhằm bảo đảm cho sự hiện diện căn cơ và duy trì – phát triển hiệu quả 1 nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần thực hiện được những bước đi cần thiết như sau :

(1) Cần phải có một hành lang pháp lý từ chủ trương thực thi đến chế tài pháp luật rõ ràng cùng với 1 lộ trình những bước đi cụ thể và đi kèm là hệ thống quản lý, giám sát hiệu lực, đồng thời cần sớm  có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, để chúng trở thành nguồn tài nguyên.

(2) Cần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn; Chọn lọc, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao 4.0 để đi nhanh, đi tắt, đón đầu; Tiến hành triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH theo cách tiếp cận chung toàn cầu nhằm chuyển đổi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của ta.

(3) Cần xác lập tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn để định vị mức độ vận hành; Tận dụng điều kiện phát triển dựa trên các chuyên ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình gần như kinh tế tuần hoàn để bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn ứng dụng phù hợp từ thí điểm đến nhân rộng phổ cập.

(4) Cần tạo tiền đề về cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư và xác định vai trò doanh nghiệp trong nền KTTH, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện, huy động nguồn vốn xã hội.

(5) Phải thực hiện phát triển KTTH theo đúng lộ trình và phân cấp các ưu tiên dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi ni-lon phải cần tiết giảm triệt để, đồng thời quyết liệt thực hiện việc phân loại rác tại nguồn như 1 yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân,  nhằm thu gom, sàng lọc, vận chuyển, xử lý chất thải đưa vào tái sử dụng, tái chế.

Tóm lại, để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần phải hiểu rõ bản chất và cách thức phát triển này. Để phát triển kinh tế tuần hoàn cần tổng kết, đánh giá những kết quả thực hiện, từ đó nhận dạng những cách thức phát triển hiệu quả hơn theo những tiêu chí của kinh tế tuần hoàn. Cần vận dụng được các cơ hội, đối mặt những thách thức để có biện pháp đúng đắn. Điều tiên quyết cần được khẳng định là ta sẽ đưa ngay cáng sớm càng tốt nền Kinh tế tuần hoàn này vào hệ thống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa này của đất nước để có bước đi cân đối vững chắc trong tổng thể hài hòa giữa cung – cầu, giữa sản xuất – tiêu dùng, giữa khai thác – tái tạo nguồn tài nguyên, năng lượng, và cuối cùng là giữa tăng trưởng kinh tế không đối lập với sự ổn định và phát triển bền vững của các hệ sinh thái quanh ta.