Mỗi ngày, người dân Mỹ ném đi khoảng 500 triệu ống hút nhựa, đủ để xếp bao quanh bán kính Trái đất 2 lần, hoặc lấp đầy 125 chiếc xe buýt.
Điều đó có nghĩa một người Mỹ trung bình sử dụng 35.000 ống hút trong cuộc đời của họ, theo chiến dịch vì môi trường biển Strawless Ocean.
Tính trên phạm vi toàn thế giới, ống hút nhựa là loại rác phổ biến thứ 6, theo Litterati, một ứng dụng chuyên nhận diện và lập bản đồ các loại rác thải, và nằm trong số 10 lại rác thải thường thấy trên các đại dương, theo tổ chức hoạt động vì môi trường Ocean Conservacy.
Được chế tạo từ các loại nhiên liệu hóa thạch, ống hút nhựa hiếm khi được tái chế bởi chúng quá nhỏ và có thể được tạo ra từ nhiều loại nhựa khác nhau. Trong khi có tác dụng tiện ích nhỏ, ống hút nhựa lại gây ra một vấn đề ô nhiễm lớn cho thế giới: Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ ra các đại dương.
Sử dụng ống hút hay là không?
Ống hút nhựa giờ đã trở thành mục tiêu của một phong trào đang lên kêu gọi người dân trên toàn thế giới ngừng sử dụng chúng. Là một trong số những chiến dịch đầu tiên, Be Straw Free được khởi động vào năm 2011 bởi cậu bé 9 tuổi Milo Cress.
“Tôi để ý thấy rằng bất cứ khi nào gọi một món đồ uống ở nhà hàng, nó sẽ đi kèm một ống hút, trong khi tôi thường không sử dụng chúng” – Cress nói – “Đây là một sự lãng phí. Ống hút nhựa được làm từ dầu, một nguồn tài nguyên quý và có hạn. Liệu sản xuất ra một thứ mà chúng ta chỉ dùng trong vài phát rồi vứt đi có thực sự xứng đáng?”.
Ống hút nhựa góp phần không nhỏ gây nên tình trạng ô nhiễm các đại dương. (Nguồn: Pinterest).
Cress đã ra sức đề nghị các nhà hàng ở Burlington, Vermont (Mỹ), nơi cậu sinh sống vào thời điểm đó, ngừng cung cấp ống hút cho khách hàng, thay vào đó để khách hàng tự lựa chọn. Nhiều nhà hàng đã chấp nhận đề nghị này và sau đó mô hình này đã lan rộng khắp cả nước. Kết quả là số lượng ống hút mà các nhà hàng trên đã sử dụng giảm từ 50-80%.
Vào năm 2015, một đoạn video trên YouTube có cảnh một con rùa biển bị chiếc ống hút nhựa cắm sâu vào lỗ mũi đã gây sốt trên cộng đồng mạng và giúp thúc đẩy thêm chiến dịch kêu gọi ngừng sử dụng ống hút.
Ống hút nhựa dường như là một vấn đề nhỏ, nhưng việc ngừng sử dụng chúng lại giúp ích để giải quyết một vấn đề lớn, theo Adrian Grenier, người khởi xướng chiến dịch Strawless Ocean.
“Một cái ống hút nhựa có thể là việc nhỏ, nhưng ngừng sử dụng nó có thể giúp giải quyết vấn đề lớn hơn, đó là ô nhiễm nhựa“ – bà Grenier cho hay.
Bà Grenier mới đây đã khởi động thêm một chiến dịch mới trên Internet có tên StopSucking (Ngừng sử dụng ống hút), trong đó kêu gọi người dân ở nhiều thành phố không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng ống hút khi gọi đồ uống.
Chiến dịch này mới đây đã giúp cho thành phố Seattle tiết kiệm được 2,3 triệu ống hút trong khoảng thời gian 3 tháng bằng cách thuyết phục các doanh nghiệp và nhà hàng chuyển sang sử dụng ống hút làm bằng giấy có khả năng tái chế. Được biết, vào cuối năm 2018, thành phố này sẽ chính thức ban hành một lệnh cấm sử dụng ống hút và dụng cụ nhựa trong gia đình.
Nhiều sự thay thế
Làn sóng phản đối sử dụng ống hút nhựa thậm chí đã lan sang nhiều quốc gia khác, trong đó bao gồm Liên hiệp vương quốc Anh (UK), nơi mà chính phủ đã lên hẳn một kế hoạch cấm tất cả các loại rác thải nhựa vào năm 2042.
Trong năm 2017, phần lớn các chuỗi nhà hàng ở Wetherspoons đã tuyên bố sẽ thay thế ống hút nhựa vằng ông hút giấy. Sau tuyên bố này, nhiều chuỗi nhà hàng nhỏ và quán bar ở Anh cũng làm theo.
Việc đưa ra lựa chọn hoặc vật dụng thay thế cho ống hút nhựa thay vì cấm nó ngay lập tức là một xu hướng dễ được chấp nhận ở nhiều nơi.
“Có rất nhiều thứ có thể thay thế cho ống hút nhựa, trong khi lại bớt gây hại cho môi trường, sự sống hoang dã và nhân loại” – bà Jackie Nunez, người sáng lập chiến dịch The Last Plastic Straw, nói.
Hiện nay, có nhiều người lựa chọn sử dụng ống hút để uống nước nhằm tránh cho các chất đường hoặc axit gây tổn hại răng.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, có rất nhiều người hiện đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại ống hút có thể sử dụng nhiều lần như ống thủy tinh, ống làm bằng thép không gỉ, tre cùng nhiều loại ống tái sử dụng khác.