Gà thịt ở miền Tây dùng kháng sinh nhiều gấp 7 lần châu Âu

0
793

Khảo sát 208 trang trại gà ở đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu kết luận trung bình một con gà thịt dùng 470 mg kháng sinh.

Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nghiên cứu tình trạng chăm sóc gà bằng kháng sinh ở 208 trang trại ở đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ Carrique-Mas, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết, kết quả khảo sát cho thấy trung bình đến 470 mg chất kháng sinh được sử dụng để nuôi một con gà thịt ở khu vực này, cao gấp 5-7 lần so với châu Âu.

“85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh, phần lớn được cho gia cầm dùng qua đường uống”, tiến sĩ Carrique-Mas cho biết. Đó là chưa kể đến lượng kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Tổ chức này dự đoán kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tăng 157% từ năm 2010 đến 2030. 

Tại Việt Nam phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy kháng sinh trong thức ăn có thể chiếm đến 25% tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm. Tỷ lệ đa kháng kháng sinh trên các loài gặm nhấm bắt tại trại chăn nuôi cao hơn 8 lần so với các loài bắt trong môi trường tự nhiên. Điều này cho thấy các trại chăn nuôi hiện là điểm nóng trong vấn đề đề kháng kháng sinh.

Ảnh: vchri

Ảnh: vchri

Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, cũng như gen kháng thuốc, có thể truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và môi trường. Nhờn thuốc kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, hằng năm khiến 700.000 người chết. Nếu không có những hành động thiết thực thì từ năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết do kháng kháng sinh.

Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại, một số thậm chí kháng với tất cả kháng sinh.

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết… Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người, lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tổ chức cuộc thi ảnh “Cai nhậu kháng sinh cho gia cầm” tại trường THPT Châu Thành 1 và THPT Thanh Bình 1, tỉnh Đồng Tháp. Tên cuộc thi xuất phát từ thực tế người chăn nuôi lạm dụng thuốc, khiến gia cầm như “nghiện nhậu” kháng sinh và vì vậy cần được “cai nhậu”, tức giảm sử dụng kháng sinh.

Từ ngày 13/11 đến 18/12 học sinh tham gia bằng cách gửi ảnh chụp, tranh vẽ và miêu tả ngắn về các thực hành chăn nuôi tốt để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn trên gia cầm, từ đó giảm thiểu nhu cầu dùng thuốc kháng sinh. Cuộc thi hướng đến giới trẻ vì đa phần người đứng đầu các trang trại hay hộ chăn nuôi là đàn ông lớn tuổi nhưng phụ nữ, trẻ em, thanh niên mới chính là người làm những công việc thực tế chăm sóc gia cầm thường xuyên.

Lê Phương