Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh thường bị giảm và mất khả năng vận động tự chủ, nhiều trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, chúng ta không nên chủ quan mà cần phải có kiến thức nhận biết tình trạng ngộ độc rượu và sơ cứu kịp thời.
Biểu hiện khi bị ngộ độc rượu
Các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng thường có biểu hiện như sau: Kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều; Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường; Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ…
Các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng, tiểu, đại tiện ra quần, tiểu ít, hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tụt huyết áp, hôn mê, truỵ tim mạch… có thể dẫn tới tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Cách sơ cứu
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối cho bệnh nhân nằm, đầu và vai cao hơn. Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh cho nằm nghiêng sang một bên. Sau đó, tìm cách gây nôn hết, xát mạnh hai bên má.
Nếu thời tiết lạnh cần ủ ấm cho bệnh nhân. Cần chú ý chăm sóc và theo dõi người bệnh (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết), tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng… để tránh hạ đường huyết.
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi… có thể giúp giải độc rượu dạng nhẹ.
Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.
Luôn quan sát kỹ người bệnh, nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật… Hoặc nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
BS. Nguyễn Văn An