Trang chủ Du lịch - Ẩm thực Ẩm Thực 7 món ăn đậm chất đồng quê sống mãi với tuổi thơ...

7 món ăn đậm chất đồng quê sống mãi với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt

0
1357
Văn hoá ẩm thực là niềm tự hào của người Việt. Những món ăn dân dã mang đậm dấu ấn đồng quê như bánh đúc, bánh đa kê, bánh đậu xanh hay bánh trung thu từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt.
 

Bánh đúc

Bánh đúc là một loại bánh truyền thống của Việt Nam, thường được làm bằng bột gạo (tại miền Bắc và miền Trung) hoặc bột năng (miền Nam) với một số gia vị. Bánh được làm thành tấm to, khi ăn thì cắt nhỏ thành miếng tùy thích.

Là món ăn dân dã thịnh hành khắp ba miền, bánh đúc ăn giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm và giá thành cũng rất rẻ.

                                                                        Ảnh: from_mai_home

Không chỉ được ăn như một thức quà quê, bữa ăn sáng mà điển hình là bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích.

Từ loại bánh đúc thuần túy chỉ được bằng bột gạo pha với nước vôi trong ngai ngái mùi vôi, bánh đúc cũng đã có nhiều biến tấu như bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô v.v.

Bánh tro

Bánh tro (bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng) là một loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi.

                                                                                       Ảnh: Zing

Phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam tới mức có bài báo cho rằng bánh độc đáo và “thuần Việt”, nhưng cũng thường thấy những sản phẩm ít nhiều tương đồng tại các vùng miền châu Á khác như Đài Loan, Trung Quốc.

Loại bánh này trước kia thường xuất hiện trong lễ cúng gia tiên của người Việt vào ngày Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 Âm lịch bên cạnh các loại trái cây khác và thịt, xôi, chè. Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước.

                                                              Ảnh: dohangnga

Tên gọi bánh tro (hay gio), bánh nẳng xuất phát từ phụ liệu cốt yếu nhất làm nên đặc trưng của bánh là nước tro (còn gọi là nước nẳng) pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu.

Bánh ú tro là tên gọi còn gợi tả cả hình dạng của bánh, do bánh thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại.

Bánh đa kê

Từ khi nào bánh đa kê đã trở thành món quà vặt dân dã mà hết thảy trẻ con lẫn người lớn đều ưa thích, chẳng ai rõ nữa. Chỉ biết, món bánh đa kê dân dã vô cùng, chiếc bánh đa đã nướng giòn, nồi kê đánh nhuyễn, ít đỗ xanh đồ, chút đường.

                                                               Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Có thế thôi nhưng đố ai không xuýt xoa khi thưởng thức miếng bánh đa giòn tan có vị man mát, bùi bùi của kê, của đậu xanh, ngòn ngọt của đường. Một miếng bánh kê chỉ vài ngàn, nhưng những chiều thu, mua được miếng bánh ngồi thưởng thức, thấy cả trời tuổi thơ quay về.

                                                                            Ảnh: Cooky.vn

Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh là một loại thức ăn ngọt làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ lợn. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Bánh thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh, khi đó sẽ tạo cảm giác thư thái.

                                                                                Ảnh: Cooky.vn

Bánh đậu xanh được coi là đặc sản của tỉnh Hải Dương. Từ lâu bánh đậu xanh đã trở thành món quà thơm thảo của người Hải Dương dành tặng bạn bè bốn phương.

Bánh đậu xanh thì ngọt lắm, nhưng trẻ con thì có đứa nào không mê ngọt, cảm giác đưa miếng bánh vào miệng, đè lưỡi cho bột bánh tan ra, thơm lừng, ngọt lịm, béo mềm mới đã làm sao.

                                                                              Ảnh: Heominhon

Còn người lớn, thường nhâm nhi bánh đậu xanh với trà. Miếng bánh đậu xanh mềm mịn thơm phức nhấm nháp cùng ly trà mạn nóng hổi cho buổi chuyện trò thêm phần thi vị.

Bánh cốm

Hiếm có ai đến Hà Nội mà không một lần thưởng thức món bánh cốm trứ danh đặc sản nơi đây – và thậm chí còn mang về làm quà cho người thân. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà món bánh này được yêu thích đến vậy.

 
                                                                                    Ảnh: Xoicom

Cái thứ mùi thơm ngây ngất, mát dịu quyện trong lớp vỏ bánh dẻo mềm xanh mướt cùng lớp nhân đậu xanh bùi ngọt tạo nên một ấn tượng khó quên đối với bất kì ai đã từng thử qua. Đây cũng là một món đặc sản Hà Nội được nhiều người lựa chọn làm quà biếu khách phương xa.

                                                                            Ảnh: Cherami.trinh

Bánh rán đường

Chẳng có gì xa xỉ, vô cùng giản dị và dân dã, nhưng món bánh rán đã trở thành món quà vặt tuổi thơ của biết bao lớp người ở khắp mọi miền. Bánh rán giòn thơm, nóng hổi, cái thì được ngào đường ngọt lịm, cái thì rắc vừng thơm bùi, bên trong có nhân đậu xanh trộn dừa mềm mịn, ngon tuyệt.

Ngoài bánh rán ngọt, bánh rán mặn với lớp vỏ giòn, nhân thịt thơm, chấm cùng nước mắm chua ngọt cũng là thức quà ưa chuộng của nhiều người. 

                                                                               Ảnh: Vietnamnet

Không khó để bắt gặp một gánh hàng rong bán bánh rán đường. Thường chỉ từ 2 đến 4 ngàn là bạn đã có ngay chiếc bánh ngon lành mà tuổi thơ ai cũng mê.

                                                                                  Ảnh: changlim98

Bánh Trung thu

Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến món bánh Trung thu, thứ quà đặc trưng của mùa thu. Ngày xưa bánh Trung thu chẳng nhiều lựa chọn như bây giờ, chỉ có bánh thập cẩm, nhưng cái cảm giác háo hức khi cắt miềng bánh nướng thơm phức hay miếng bánh dẻo mềm mịn với nhân mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang… nó mới thú làm sao.

                                                                                       Ảnh: liinhchiii

Ngày nay, bánh Trung thu đa dạng hơn nhiều, đủ loại nhân đậu xanh, sen xát cho đến trà xanh, và nhiều loại nhân sáng tạo khác. Nhưng nhớ đến Trung thu, người ta vẫn nghĩ đến những chiếc bánh truyền thống bên mâm ngũ quả dịp phá cỗ trông trăng.

                                                                             Ảnh: anvat.mamamade

Ẩm thực là một nét văn hóa của dân tộc. Chúng ta tiếp cận nó không phải chỉ bằng vị giác mà còn bằng tâm hồn. Những món ăn của Việt Nam tuy đơn giản nhưng lại là niềm tự hào của dân tộc, thể hiện tinh thần dung dị, bản chất mộc mạc và văn minh vùng lúa nước trù phú đáng được trân trọng và giữ gìn theo năm tháng.

Hoàng Minh