Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Danh ca Khánh Ly: Một huyền thoại

0
1065

Đúng ngày 1-4 của mười sáu năm về trước (ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới) cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi mãi mãi, nhưng đến nay ông luôn trong lòng những người hâm mộ yêu nhạc Trịnh.

  “Hãy cứ vui chơi cuộc đời
Ðừng cuồng điên mơ trăm năm sau
còn đây em ngọt ngào
Ðứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao”

Ngày 25/3 vừa qua giấc mơ gần nửa thế kỷ được gặp Cô Khánh Ly ngoài đời đã trở thành hiện thực.

Biết thông tin từ người bạn, sáng nay Cô Khánh Ly đến viếng mộ cố nhạc sĩ Trịnh. Tôi háo hức chạy xe đến rất sớm để được ngắm nhìn thần tượng của mình. Tôi đã đứng sẵn trong đường dẫn vào nghĩa trang khi cô trong chiếc áo dài đen bước vào, tuy lần đầu tiên tôi được thấy cô ngoài đời thực không phải trong video, được rất gần bên cô nhưng thời gian và tuổi tác của cô không làm cho tôi phai nhạt hình dáng người nữ ca sĩ gắn liền với chiếc áo dài như là một biểu tượng :“Người con gái Việt Nam da vàng ,yêu quê hương như yêu đồng lúa chín..”.

 Danh ca Khánh Ly vào nghĩa trang

 Khánh Ly gắn liền với âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cô được xem là người hát thành công nhất các sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh, nhiều người thậm chí còn không thể nghe bất cứ ai khác ngoài Khánh Ly hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Cô có một Giọng hát liêu trai, ma mị, được so sánh như một chất gây nghiện, khiến ai đã nghe rồi thì không thể thoát ra.

Danh ca Khánh Ly hát bên mộ cố Nhạc sĩ

 Tôi ! như triệu triệu người hâm mộ cô, không để cho cô lạc mất khỏi cuộc đời mình , không bao giờ ngưng nghe cô hát,  như lời nhạc của Trịnh Công Sơn “Những người khuất không vì quên, Khi ngàn lá vẫn còn xanh” .

Khi ngàn lá vẫn còn xanh thì dù cho dòng chảy của lịch sử, có lúc chúng tôi không được biết cô đang ở phương trời nào và ra sao? Nhưng cô “Những người khuất không vì quên”, những bài cô hát từ những cuốn băng cassette vẫn nuôi lớn tâm hồn chúng tôi theo năm tháng, chúng tôi gìn giữ được lối sống trong sáng, chúng tôi biết trân quý cuộc sống hơn, chúng tôi biết cách sống sao cho tử tế.

Hình ảnh Danh ca Khánh Ly, Ca sĩ Quang Thành, Jimmy Nguyễn,

Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn cùng người hâm mộ.

Rồi dòng đời cứ trôi, sự phát triển của kỹ nghệ thu thanh thu hình đã giúp chúng tôi  những  người hâm mộ, tiếp tục “Vẫn có em bên đời “, chúng tôi lại chuyền nhau những cuốn băng cassette, video cassette, CD, VCD, DVD Khánh Ly mới nhất… “em ra đi nới này vẫn thế, vẫn có em trong tim của mẹ “,  “Có mặt đường vàng hoa như gấm ,Có không gian màu áo bay lên” .

Đôi lúc, xen lẫn trong câu chuyện , cô hát …cô nhắc lại bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà người ta cho là bài đầu tiên của ông “Ưót mi “ rồi “Lời buồn thánh”…. Nhưng khi cô cất giọng hát Những người  đến không vì mong , Những người khuất không vì quên “ thì tôi rưng rưng nhất , tôi nhìn thấy trong dáng vẻ khoan thai tự tại kia của  cô có nỗi cô đơn riêng mình ( ?).

Danh ca Khánh Ly cùng ca sĩ Quang Thành thắp hương mộ cố nhạc sĩ 

Cô ân cần tâm sự: “sống dễ thì .. dễ sống …” người nào khó khăn thì bản thân sẽ chuốc khổ trước .. cô nói chuyện thì thào nhẹ nhàng như cô hát, cử chỉ mộc mạc thân thiện như hình ảnh cô và chiếc áo dài cô đang mặc  …

Sau cô là ánh mắt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn dõi theo cô như một “ định mệnh và trên cả tình yêu ” trong tôi lại văng vẳng “Chiều đã vàng phai trên đầu non, Đàn chim về thăm những cánh hồng, Hỏi tiếng ngàn năm bên cỏ xanh….

Phải rồi dù trăm năm hay ngàn năm bên cỏ xanh người ta vẫn nhớ hoài huyền thoại trăm năm hay ngàn năm chắc gì có lại “Khánh Ly -Trịnh Công Sơn- Hát cho quê hương Việt Nam”.

 Khuôn viên nghĩa trang về trưa nhiều nắng ít gió, người người lao xao nói chuyện có khi thật ồn ào nhưng suốt buổi tôi nhìn chăm chú “thần tượng“của mình, không thấy lần nào cô có cử chỉ không hài lòng, cô từ tốn kể lể về những bài hát những dấu ấn với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn … đôi khi đang nói cô dừng lại hát những câu hát thật ý nghĩa đầm ấm của cố Nhạc sĩ Trịnh, tiếng guitar dìu theo từng câu hát ngân lên của cô, bên mộ cố nhạc sĩ Trịnh.

Chúng tôi là chúng tôi của ngày hôm nay vì chúng tôi mang trong chúng tôi giọng hát Khánh Ly, vì chúng tôi luôn được giọng hát cô thủ thỉ : “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Với cuộc phỏng vấn khá dài, sau những tấm hình lưu niệm với đoàn làm phim, cô vẫn ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá phía trước mộ cố nhạc sĩ Trịnh, tay ôm rất nhiều hoa của người hâm mộ tặng, tôi đến gần và xin phép được chụp hình cùng, cô Khánh Ly cười rất tươi “gật đầu và ra hiệu cho tôi ngồi xuống”, nên tôi có hơi rón rén e dè … cô lên tiếng bằng giọng khàn rất riêng của cô như vừa “ra lệnh” vừa gần gũi : “ngồi xích vào “, tôi cười với máy hình mà lòng như bay bỗng tự hỏi mình “hay chỉ là giấc mơ thôi ?”.

Tác giả chụp hình lưu niệm cùng thần tượng danh ca Khánh Ly.

Trong tôi, cô Khánh Ly là một huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam, Khánh Ly còn được mệnh danh là “người hát rong xuyên thế kỉ”. Trước đó, người ta còn gọi nữ danh ca là “nữ hoàng chân đất”. Khánh Ly mộc mạc, giản dị như một người hát rong, đi chân đất, không đài các, không kiêu sa của một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc. Trước mặt công chúng Khánh Ly kể những câu chuyện như thể cô và người hâm mộ có chung một kỷ niệm, người hâm mộ vẫn chào đón Khánh Ly như chào đón một người bạn, một người thân trong gia đình.

Đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng đó là giấc mơ, một giấc mơ có thật, được gặp danh ca Sài gòn một thuở, không khi nào tôi nghĩ rằng tôi có được cơ duyên có mặt tại chốn này, giây phút này, bây giờ và ở đây.

ngày 25/03/2017 do một “ kỳ duyên “ , lần đầu tiên được gặp gỡ cô Khánh Ly , dù đã là “ người hâm mộ “ không chân dung “ của cô từ những năm đầu 1970 , khi còn là chú bé học trò đệ nhất cấp ( cấp 2 )

 

Đào Mỹ Trí Đức