Chuyện lạ về ngôi làng trồng bí đao quả to bằng người

0
926

 (PLO) – Ở thôn Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có một giống bí đao được xếp vào hàng “độc nhất vô nhị”. Người dân nơi đây thường gọi là bí đao khổng lồ. Trung bình mỗi trái nặng từ 50 đến 70 kg, có trái lên đến cả tạ, cao từ 60 đến 90 cm, chu vi 1,5 m, nhiều em nhỏ không ôm hết vòng tay.

 

Nông dân thu hoạch bí đao ở bàu Chánh Trạch.

Đây là giống bí đao thơm ngon mà người dân lưu giữ bao đời nay. Tuy nhiên, điều trăn trở của những người trồng bí là thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn còn eo hẹp. Họ hy vọng một ngày, giống bí này sẽ vươn ra thị trường quốc tế.

Giống bí đao nặng cả tạ

Theo nhiều người cao tuổi ở thôn Chánh Trạch, từ lúc còn nhỏ, họ đã nghe kể về giống bí đao “có một không hai” này. Thậm chí, có mùa cả bàu Chánh Trạch, không có trái bí nào dưới một tạ, nhưng nay thỉnh thoảng mới có trái bí trên một tạ. Trải qua nhiều lần di tản do chiến tranh, nhưng người dân nơi đây không bao giờ quên mang theo hạt giống bí đao khổng lồ.

Điều lạ là những hạt giống này chỉ trồng trên đất của bàu Chánh Trạch thì mới cho quả to và ngon. Ông Võ Tánh (50 tuổi) cho biết: “Tôi biết đến bí đao từ lúc còn nhỏ, tôi nghe cha tôi kể lại, trước đây ông nội tôi đã trồng rồi, mà tính đến nay ông nội tôi đã 120 tuổi. Nếu như vậy thì giống bí đao này ít nhất cũng trên một trăm tuổi”.

Bàu Chánh Trạch nằm giữa xã Mỹ Thọ, tạo thành lòng chảo, được bao quanh bởi núi và biển. Nguồn phù sa của bàu Chánh Trạch là từ núi Ô Phi.

Tương truyền, núi Ô Phi có dáng vẻ của con quạ đen vẫy cánh bay lên án ngự ở phía Tây, phía Đông là con rồng nằm canh giấc. Có một người khổng lồ gánh hai hòn núi xuống lấp biển, ngăn dòng thủy quái thì bị té, hai hòn núi rớt xuống thành Mũi Rồng và Bãi Sau án ngữ thành hình rồng nằm, có ngọn hải đăng được ví như mắt rồng chiếu sáng.

Mùa nước lớn, nguồn nước từ núi Ô Phi tuôn xuống hất tung đất đá, nhưng khi gặp bàu thì lại dịu dàng, phù sa lắng đọng. Phù sa từ trên núi chảy xuống, mang theo thổ nhưỡng đặc biệt bồi đắp hàng năm . Cho đến bây giờ chưa có ai lý giải được vì sao chỉ có nơi này mới trồng được những giàn bí đao khổng lồ như vậy.

Theo nhiều nông dân ở đây, cùng loại giống bí đao Chánh Trạch nhưng mang đi trồng ở nơi khác thì quả lại rất nhỏ. Ông Nguyễn Ngà (69 tuổi) cho biết: “Nhiều người dân vùng khác đến xin giống, chúng tôi mang đúng loại giống của làng đang trồng ra cho. Nhưng họ về trồng thấy quả èo uột lại nghi oan là làng cho giống xấu”.

Cũng theo ông Nga, mấy đời ở Chánh Trạch, ông để ý biết được rằng nguồn nước ngầm nơi này rất dồi dào, chỉ cần đào sâu xuống đất một mét là nước đã phun lên. Có lẽ nhờ đó mà bí đao hấp thụ được nhiều nước để phát triển, tạo nhiều quả to, chứ lúc trồng ít khi bà con tưới tắm gì cả, cũng không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào.

Ở thôn Chánh Trạch, hầu như nhà nào cũng có một giàn bí đao với những trái khổng lồ. Tuy nhiên những năm gần đây, giá bí đao thấp, đầu ra khó nên diện tích thu hẹp dần. Trồng bí đao khổng lồ rất công phu, từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước, nhất là làm giàn. Bí nặng, mỗi giàn có khoảng 50 đến 100 trái, ước tính cả giàn bí nặng từ 4 đến 6 tấn nên cần có một giàn chắc chắn. Làm giàn chủ yếu làm bằng tre, dây rơm cột chặt các trụ để nâng đỡ trái bí.

 Ông Thành khoe bí đao khổng lồ do mình trồng.

Khi thu hoạch cũng phải có nhiều người để tránh cho bí khỏi bị rơi. Bởi nếu rơi thì ruột bí sẽ bị động, không bảo quản được lâu. Ông Đỗ Thành (47 tuổi, một nông dân có thâm niên trồng bí khổng lồ) cho biết: “Làm giàn thì cứ cự li 1,4 đến 1,5 m một dây, mỗi dây một trái, mỗi trái gần trăm ký, dây nào sung thì hai trái. Nhưng ra hai trái thì mỗi trái khoảng 60 kg đổ lại”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào đầu vụ thu hoạch, nông dân có thể bán trái bí với giá khoảng 8.000 đồng/kg. Đọt bí với giá 4.000 đồng/10 đọt. Đến cuối vụ, khi bí lớn hơn, giá bí có thể từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Ngoài thu hoạch trái và tược lá non, giàn bí còn cho một lượng nước rất lớn. Mỗi dây bí có thể lấy vài lít nước, mỗi lít giá 30 ngàn đồng. Nước bí đao này rất mát, giải nhiệt tốt nên rất được ưa chuộng.

Đưa bí đi thị trường quốc tế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lần khách thập phương nghe tiếng bí đao khổng lồ ở Chánh Trạch tìm đến tận nơi để xem, vào từng vườn, chọn ra quả già nhất mua giá cao rồi mang đi. Mục đích chính là dùng để làm giống, nhưng rồi không đâu có được những quả bí to hơn thân người như ở đây.

Tuy nhiên, giá của loại bí đao này lại quá rẻ. Ông Thành cho biết: “Loại bí khổng lồ này không ở đâu có được, nhưng giá thì quá rẻ. Nếu có được thương hiệu, được bao tiêu giá cao thì cả làng cùng trồng, giữ được gen quý, giữ được nghề của cha ông. Chứ giá cả thấp lè tè thì bà con cũng bỏ dần mà trồng thứ khác”.

Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết: “Tuy là loại đặc sản “có một không hai” như vậy nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra liên kết mua bán với nông dân; cũng chưa có đơn vị nào nghiên cứu lưu giữ nguồn gen. Người dân hoàn toàn tự trồng, tự bán. Giá thấp cũng bán vì nếu không để mãi cũng chẳng làm được gì”.

Tuy nhiên, người trồng bí ở Chánh Trạch đang có chút phấn khởi khi từ năm ngoái, nhiều người thu mua từ Phú Yên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An… đã tìm về Chánh Trạch. Bí đao khổng lồ sau khi thu hoạch có thể để được cả năm không hư hỏng. Chưa hết, một đặc sản từ dây bí đao rất được ưa chuộng là nước bí. Nước được lấy từ dây bí sau khi thu hoạch, có dây thu được vài ba lít nước. Nước bí dùng để thanh nhiệt, giải độc; trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và cũng có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.

Mặc dù có được giống bí kỳ lạ như vậy nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất đối với người trồng bí Chánh Trạch là thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn rất hẹp và chưa có tính chất đại trà. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây chính quyền huyện, xã đã liên tục tuyên truyền giới thiệu hình ảnh bí đao khổng lồ tại lễ hội văn hóa miền biển, festival Tây Sơn, trong các lễ hội rau – củ – quả miền Nam… nên cũng có một số nơi biết đến bí đao vỏ xanh Chánh Trạch và gửi yêu cầu đặt mua số lượng lớn.

Ông Hoàng cho biết: “Ban đầu đầu chúng tôi còn dè dặt nhưng từ khi hình ảnh quả bí này được nhiều người biết đến và chất lượng loại bí có nhiều điểm đặc biệt nên chính quyền cấp trên cũng hỗ trợ để chúng tôi liên tục quảng bá thương hiệu, đưa giống bí này thành loại giống truyền thống độc đáo của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tuyên truyền giới thiệu sản phẩm tìm hướng đầu ra và vị thế vững chắc cho sản phẩm”.

 Bí đao khổng lồ ở bàu Chánh Trạch.

Không những thế, ông Hoàng còn bật mí thêm một dự định táo bạo rằng, khi chứng minh được rõ ràng những nét độc đáo, các chất dinh dưỡng có trong loại bí độc đáo này thì sẽ nghiên cứu cách đưa bí ra các thị trường quốc tế. Những hộ dân trồng bí ở Chánh Trạch hy vọng loại bí khổng lồ này sẽ là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.

Tuy nằm sát biển nhưng phần lớn dân Chánh Trạch làm nghề nông. Từ bao năm qua họ đã tạo ra một sản vật bí đao đặc trưng. Ngoài trồng lúa, ớt, đậu… hầu hết vườn nhà nào cũng có trồng vài giàn bí với những quả to lủng lẳng. Mỗi khi vào vụ chín, ở Chánh Trạch lại rộn ràng tiếng cười nói thu hoạch bí đao. Làm sao để giữ được hương đặc sản bí đao và một thắng cảnh đẹp là sự trăn trở bao đời của người dân ở đây.

Nhuận Oanh – Đại Chơn