Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Định: Cháy mãi ngọn lửa đam mê

0
986

Tôi tin rằng trong cuộc sống này, ước mơ và niềm đam mê chính là động lực, nguồn dưỡng để tạo nên những thành công, phát triển và đơm hoa kết trái. Có dịp về Rạch Giá, khi hỏi bất cứ tay chơi ảnh nào đều biết rất rõ về nhiếp ảnh gia Định Nguyễn – một người luôn máu lửa, đam mê với nghề, anh là người đồng hành và đóng góp trong suốt quá trình phát triển Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Kiên Giang trong thời gian qua.

Nhiếp ảnh gia Định Nguyễn tên thật là Nguyễn Hữu Định, sinh năm 1977, đang công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Hiện nay anh giữ chức vụ Phó chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật – Phân hội trưởng phân hội Nhiếp ảnh tỉnh Kiên giang, như nhiều bộ môn nghệ thuật khác muốn sống và tồn tại trong địa hạt này, đam mê thôi chưa đủ, còn là sự may mắn được trời phú cho ít nhiều năng khiếu đòi hỏi người chơi thật sự tinh tế, năng động và nhất là niềm đam mê với nghề. Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh chỉ đơn giản là một cú bấm máy, chỉ cần vài giây là “chép” lại được đời thực, nhẹ tênh. Nhưng không, để có được vài giây ấy là cả một quá trình trải nghiệm, dấn thân,… một bức ảnh đẹp đòi hỏi nhiều công phu, một nhiếp ảnh gia nào yêu nghề cũng phải trải qua.

Nhiều năm chơi môn nhiếp ảnh, với hàng loạt tác phẩm đoạt giải thưởng từ Hội nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đến giải thưởng cấp Quốc gia của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam,  anh có những giây phút trải lòng về công việc, nghề nghiệp, cuộc sống của anh với Thế Giới Khởi Nghiệp. Xoay quanh niềm đam mê nhiếp ảnh của anh.

Cũng như bao người đam mê chụp ảnh khác, anh bắt đầu tập tành chụp ảnh nghệ thuật từ những ngày còn dùng một chiếc máy ảnh rẻ tiền, sáng tác loanh quanh tại nơi đang sống là Thành phố Rạch Giá. Sau này chụp nhiều hơn, đi nhiều hơn và kỹ thuật chụp ảnh, xử lý cũng dần nâng cao, anh đã “đầu tư’’ cho mình những chiếc máy ảnh được nâng cấp theo thời gian, từ đó những tấm ảnh chất lượng lần lượt ra đời.

Anh chia sẻ:“Tôi sinh sống và làm việc ở Miền Nam, một trong những sáng tác mà tôi ưng ý nhất cũng đồng với tính mạo hiểm sẵn có chắc là dịp cùng đoàn du lịch ra Miền Bắc và theo lịch trình chúng tôi sẽ lên Tây Bắc, đi bằng xe ô tô mất hơn 20 ngày. Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi Tây Bắc quả không sai, khi chúng tôi đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, ngắm cảnh quan hùng vĩ, bao la rất thích và rất đẹp, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế rất to nhưng khi lên đỉnh nhìn xuống thì nó nhỏ như 1 cây tăm bé xíu, phía xa đầu nguồn hút vào sương mù vô tận rồi lẫn trong biển sương mênh mông, quá nhiều ấn tượng với chúng tôi, là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư tôi rất thích chụp những hình ảnh hoang sơ hùng vĩ này có lẽ do nghề nghiệp khi đi đâu làm gì bất chợt cứ thấy cái gì đẹp tôi chụp ngay”.

“Chơi ảnh như một cái nghiệp, biết khó khăn vất vả nhưng đã lỡ ‘’dính’’ rồi thì không buông bỏ được, càng ngày càng thấy gắn bó và trách nhiệm với cả những bức ảnh mình tạo ra. Đôi khi bỏ hàng giờ, hàng ngày thậm chí mấy ngày trời đi rong ruổi, rình rập những khoảnh khắc quý giá trong đời thường để có được những bức ảnh, đó chỉ mới là dữ liệu thô, về lọc giữa hàng trăm tấm ảnh mới chọn được một vài tấm, thêm phần xử lý hậu kỳ, ánh sáng, chỉnh khung, độ nét… cũng mất hàng tiếng đồng hồ. Nhưng có khi đưa bạn bè xem, họ lại bảo ‘’Đâu có gì đặc biệt!’’ làm mình chưng hửng vì công sức” – anh hài hước kể thêm.

Ngoài những Hình ảnh đẹp miền núi phía bắc Việt Nam, anh còn rất nhiều những bức ảnh có giá trị khác. Thành quả quá trình đi ‘’săn’’ ảnh vất vả khắp nơi đã cho anh những bức ảnh hết sức ấn tượng. Trong số nhiều đề tài tác nghiệp, nhiếp ảnh gia Định Nguyễn bộc bạch thế mạnh của anh là những bức ảnh về chủ đề thiên nhiên và thể thao. Có lợi thế về bờ biển đẹp nên biển Rạch Giá thường là nơi diễn ra các môn thể thao dưới nước như lướt sóng, cano, đua thuyền, bơi lội…

Gần đây có nhiều người tìm đến môn nghệ thuật này, đa phần là các bạn trẻ – một dấu hiệu tốt để gìn giữ những nét đẹp của nơi mình đang sống, của quê hương đất nước, đóng góp cho cuộc sống những bức ảnh đẹp, có giá trị. Đồng thời tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy được khả năng sáng tạo, năng động, thắp ngọn lửa đam mê cho giới trẻ, cho những người yêu thích chụp ảnh.

Là một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh và công việc hiện tại là Quản lý về văn hóa nghệ thuật, anh cũng thường xuyên hỗ trợ những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này, đặc biệt là các bạn trẻ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi tổ chức các cuộc thi về nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh, các chuyến đi thực tế sáng tác xuyên Việt. Anh cho rằng có rất nhiều tài năng nghệ thuật, nếu không có những cuộc thi, sân chơi thì không bao giờ phát hiện ra những mầm ươm tài năng này.

Nhiếp ảnh gia Định Nguyễn cho biết: “Anh không thích can thiệp, xử lý nhiều trong ảnh, dù là ảnh nghệ thuật. Với anh, tiêu chí đầu tiên của một bức ảnh đẹp chính là độ chân thực của nó, điều đó phản ánh lên tính chất rất riêng của bức ảnh về hoàn cảnh ra đời, thời gian không gian, khoảnh khắc người chụp bấm máy, bố cục ảnh, độ nét, độ trong, độ mờ của từng phần khác nhau trong một bức ảnh.

Việt Nam ta vốn có nhiều danh thắng, đa chủng loại về hệ động thực vật, vì thế môn nhiếp ảnh cũng ngày càng phát triển, đồng thời yếu tố nghệ thuật cũng từ đó được khẳng định khắt khe hơn, đề tài rộng hơn, chất lượng cao hơn, và nhiếp ảnh gia cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi và khó khăn theo năm tháng. Trong đó khó khăn nhất vẫn phải kể đến việc di chuyển nhiều, đầu tư trang thiết bị cho công việc cộng với tư duy nghệ thuật ngày càng mới lạ, độc đáo, sáng tạo hơn”.

Thông qua nhiếp ảnh, ta sẽ được tiếp xúc với thế giới bao la, muôn màu; được đi nhiều nơi, ghi nhận những mảng màu sáng tối của cuộc đời, biết cảm thông với những số phận cơ cực, thiếu may mắn. Điều đó càng thôi thúc nhiếp ảnh gia Định Nguyễn hướng tới cái đẹp Chân – Thiện – Mỹ giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống xung quanh.

Đã là một nhiếp ảnh gia lão làng của Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam nhưng anh thừa nhận mình vẫn cần phấn đấu nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm cảm xúc lẫn việc dấn thân vào đường nghệ thuật để có thể thỏa mãn với niềm đam mê và được anh ví von là “con đường đau khổ’’. Người làm nghệ thuật có chăng may mắn hơn nhiều người ở lẽ đó, biết chọn lấy niềm vui để cân bằng cho chính cuộc sống của mình và làm lan tỏa niềm vui ấy
đến cả những người xung quanh, ngay cả khi cuộc sống đang vần vũ bão dông.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ ý nghĩa này và chúc anh ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Hồng Đào