Trang chủ Giải trí Đánh giá cao người khác là một loại mỹ đức

Đánh giá cao người khác là một loại mỹ đức

0
478
Thật dễ dàng để nhìn ra khuyết điểm và chỉ trích người khác, tuy nhiên không phải ai cũng có thể đánh giá cao và khen ngợi ưu điểm của người đối diện.
khen ngợi người khác
Ảnh minh họa: Shutter stock.

Sự khen ngợi có thể thay đổi cuộc đời một người

Cách đây nhiều năm, trong một lớp học tại Detroit, Hoa Kỳ có cậu bé khiếm thị tên Stevie Morris. Một lần, cô giáo nhờ em tìm giúp cô con chuột trong lớp học và em đã nhanh chóng bắt được nó. Cô giáo đã khen ngợi tài năng của Stevie và nói Thượng Đế đã ban cho em một đôi tai thính để bù lại sự khiếm thị.

Cô không ngờ đây thực sự là lần đầu tiên Stevie được người khác trân trọng, đánh giá cao. Đến tận bây giờ, Stevie thừa nhận rằng sự trân trọng ngày ấy đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời ông.

Từ khi được đề cao và phát hiện ra năng khiếu nghe của mình, ông đã nỗ lực phát huy khả năng cho đến khi trở thành một trong những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong thập niên 70, dưới cái tên huyền thoại Stevie Wonder.

đánh giá cao
                      Nghệ sĩ khiếm thị Stevie Wonder (ảnh: Wikipedia).

Đầu óc con người giống như một cái túi, đem đựng vàng thì anh ta là một túi vàng, đựng vào đất thì người này chính là một túi tư tưởng toàn đất, chứa đựng những suy nghĩ tích cực sẽ giúp người ta có tâm thái lạc quan để đối đãi với những sự việc trong đời. Những lời khen ngợi của cô giáo đã mang lại năng lượng tích cực, truyền cảm hứng giúp Stevie thay đổi cuộc đời.

Mọi người đều thích được đánh giá cao

Chúng ta thường thấy những đứa trẻ khoe rằng hôm nay chúng ăn được mấy bát cơm, làm được những việc gì giúp mẹ. Cũng thường thấy những nhân viên bất bình tâm sự với bạn bè, mình đã cố gắng như thế nào trong công việc mà không được sếp trân trọng. Hay một bà mẹ khoe rằng con của mình thông minh, học giỏi như thế nào… Mọi người đều thích nhận những lời khen, muốn trở thành người quan trọng và được đánh giá cao.

Những lời khen ngợi, đánh giá cao này không mất một xu, mà có thể mang tới những cảm xúc tích cực cho tới sự động viên tinh thần cho mọi người, bởi vậy, hãy “hào phóng” hơn khi khen tặng người khác.

Ngoài ra bạn cũng không nên nhầm lẫn việc đánh giá cao người khác với những lời khen ngợi để lấy lòng. Xuất phát điểm và mục đích của hai hành động này là khác nhau. Đánh giá cao người khác cần xuất phát từ sự chân thành, thực sự quan tâm đến người khác, mong muốn thành tựu họ; còn những lời nịnh bợ, tâng bốc chỉ thực hiện hời hợt bề mặt, mục đích vẫn là “vị tư” (vì mình), lấy lòng người khác vì điều gì đó có lợi cho mình.

Kết quả không phải là thước đo duy nhất để đánh giá một người

Kết quả không phải là thước đo duy nhất để đánh giá một người, có rất nhiều điều “vô hình” như nỗ lực làm việc, ý chí, sự bền bỉ khắc phục khó khăn thử thách… Điều đó quan trọng hơn nhiều so với thành công nhất thời.

Một nhân viên đã chăm chỉ nỗ lực hoàn thành công việc đúng hạn, tuy nhiên đến lúc cuối vì lý do sức khỏe, anh ta không hoàn thành tốt bài thuyết trình của mình. Người nhân viên ấy xứng đáng nhận lời khen.

Một học sinh không đạt được điểm cao trong kỳ thi nhưng luôn cố gắng học tập, sửa sai. Dù chỉ có một chút tiến bộ, em học sinh đó xứng đáng được đánh giá cao.

Một bà mẹ không có thu nhập nhưng cô ấy đã nuôi dưỡng những đứa trẻ trong nhà trở nên lễ phép, ngoan ngoãn. Bà mẹ ấy xứng đáng được khen ngợi.

nỗ lực chăm chỉ
                                  Ảnh minh họa: Shutter stock.

Mỗi người trong xã hội muôn hình muôn vẻ này đều khác nhau, công tác khác nhau, mức độ chịu đựng áp lực khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, những mối quan hệ khác nhau… Nếu như chúng ta cứ nhất nhất đem một tiêu chuẩn nào đó để áp dụng cho tất cả mọi người thì chúng ta đã quá sai lầm và cố chấp. Với quan niệm như vậy, bạn cũng sẽ không cách nào nhìn thấy ưu điểm của người khác, cách nhìn trở nên tuyệt đối, mọi người tốt hay dở chỉ dựa trên “tiêu chí” đạt hay không.

Ví dụ bạn lấy “điểm số” là thước đo cho học giỏi, thì không thể thấy được nỗ lực đằng sau đứa trẻ khi chưa đạt được điểm cao. Hay lấy “thu nhập” làm thước đo thì cho rằng những người thu nhập cao là “giỏi giang”, “có bản sự” mà không thấy được những khía cạnh khác. Cần có một cái nhìn rộng mở về nhiều khía cạnh của người khác, mới có thể thấy được điểm mạnh – yếu của họ.

Nhìn người khác với một trái tim bao dung

Có một câu chuyện về một bài kiểm tra đặc biệt. Người giáo viên phát cho các học sinh của mình một tờ giấy trắng trên đó có một chấm đen. Vị giáo viên hỏi: “Thầy muốn các em viết về những gì mình nhìn thấy trong tờ giấy này”.

Kết quả là tất cả đều cố gắng giải thích vị trí của chấm đen ở giữa trang giấy… Sau khi đọc xong các câu trả lời, thầy giáo giải thích “Trong tất cả bài làm, không ai viết về phần trắng của trang giấy, dù nó là chủ đạo? Mọi người chỉ tập trung vào chấm đen, dù nó chẳng đáng kể gì so với cả trang giấy”.

Điều đó cũng phản ánh thái độ sống của nhiều người. Họ chỉ chú trọng vào “những chấm đen” như tiền bạc, sức khỏe, mối quan hệ… và bỏ qua rất nhiều tốt đẹp đáng để vui mừng. Chúng ta phải học cách làm quen với những việc không hài lòng và nhìn vào những mặt tích cực của cuộc sống.

Đối với người khác cũng như vậy, không nên chỉ vì những khuyết điểm của họ mà bỏ qua những điểm tốt đẹp. Cần biết bao dung cho người khác, có một cái nhìn thoáng đãng, khi đó bạn sẽ phát hiện người đối diện mà bạn từng cho là “chẳng có điểm gì tốt” ấy sẽ hiển lộ ra những ưu điểm mà bạn chưa từng thấy! Đó không phải là người ấy đã thay đổi, đã tốt hơn mà là bạn đã xoay chuyển góc nhìn của mình!

Chúc bạn luôn tìm thấy những khoảng trắng của người khác, thay vì những vết đen nhỏ bé trên tờ giấy!

Ngọc Mai