Trang chủ Giải trí Vì sao nói: Quân tử kết giao nhạt như nước?

Vì sao nói: Quân tử kết giao nhạt như nước?

0
534
Thoạt nghe “quân tử kết giao nhạt như nước”, nhiều người sẽ cảm thấy mình hồ đồ. Người ta thường nói về cái mối quan hệ “nhạt như nước lã” với một dụng ý không tích cực lắm. Nhưng trong quan niệm truyền thống, đó thực sự là một mối quan hệ bền chặt nhất. Vì sao lại như vậy?
                                     Ảnh: shutterstock

Chúng ta chưa nên vội đàm luận, trước tiên mời quý độc giả lắng nghe một câu chuyện. Nghe xong chuyện, có lẽ thắc mắc của mọi người sẽ tự được giải khai. Tiết Nhân Quý (613 – 683) là danh tướng thời Đường, người Long Môn, Giáng Châu (nay là Hà Tân, Sơn Tây). Ông phục vụ nhà Đường qua hai đời Hoàng đế Đường Thái Tông và Đường Cao Tông. Nói đến Tiết Nhân Quý, nhiều người sẽ bị ấn tượng bởi những vở kinh kịch, tiểu thuyết hay những bộ phim truyện thời hiện đại về ông như: Tiết Nhân Quý áo gấm về quê, Tiết Nhân Quý chinh đông… Hình tượng Tiết Nhân Quý mình mặc bạch giáp, tay cầm thiên hỏa kích, cưỡi ngựa trắng đã đi vào sử sách như là một biểu tượng của thời đại viễn chinh, an bang trị quốc và thịnh thế thái bình của triều Đường.

Nhân Quý từ nhỏ đã có tài văn võ song toàn, thông hiểu đạo lý lại giỏi nghề cung ngựa. Tuy thế, nhà ông rất nghèo, thường phải chịu cảnh túng cơm thiếu áo. May có người bạn tên là Vương Mậu Sinh thường tiếp tế cho, Tiết Nhân Quý mới có thể trang trải sinh hoạt, lại trui rèn được sở học. Tiết Nhân Quý và Vương Mậu Sinh đi lại với nhau rất thân thiết, còn kết bái làm huynh đệ, tình như thủ túc.

Sau này, khi nhà Đường chiêu mộ tân binh để viễn chinh Cao Câu Ly, Tiết Nhân Quý ra ứng mộ, tòng quân, chiến đấu dũng mãnh, lập được nhiều công lao. Ông được Đường Thái Tông thăng làm Du Kích Tướng quân, ban cho ngựa hai con, lụa 40 cuộn. Trong những năm tháng về sau này, Tiết Nhân Quý theo quân đội viễn chinh của Đường Thái Tông đánh đông dẹp bắc khắp nơi, đạt được nhiều chiến công hiển hách: phá Cao Câu Ly, đánh bại Khiết Đan, chinh phạt Hồi Hột… Tiết Nhân Quý được phong làm Bình Liêu Vương. Lúc bái tổ vinh quy, Tiết Nhân Quý được rất nhiều quan lại địa phương và bách tính đến chúc mừng. Vốn là người cương trực, thẳng thắn, Tiết Nhân Quý lịch sự từ chối hết lễ vật. Đến khi Vương Mậu Sinh mang hai vò “rượu ngon” đến tặng, Tiết Nhân Quý mới vui vẻ thu nạp.

Khi mở tiệc rượu, gia nhân cho khui hai vò rượu của Vương Mậu Sinh ra thì toá hoả phát hiện đó đều là… nước lã. Gia nhân báo với Tiết Nhân Quý: “Vương Mậu Sinh quả thực muốn chọc tức đại vương, gửi đến hai vò nước lã. Xin đại vương trị tội hắn”. Tiết Nhân Quý nghe xong, cười lớn rồi sai người mang đến một cái bát lớn, uống một hơi hết 3 bát nước rót từ “vò rượu” mà Vương Mậu Sinh tặng. Ai nấy trong nhà nhìn nhau tỏ ý khó hiểu. Bấy giờ Tiết Nhân Quý mới ôn tồn nói: “Ta thuở hàn vi cơm không đủ no, áo không đủ mặc, may nhờ có Vương huynh thường chu cấp cho. Ngày nay ta có thể bái tổ vinh quy chính là nhờ đại ân của Vương huynh vậy. Ta từ chối không nhận hết các thứ lễ vật hậu hĩnh mà chỉ nhận hai vò nước lã của Vương huynh vì ta biết huynh ấy vẫn còn nghèo, lấy đâu ra rượu ngon mà mang đến? Bao năm rồi, Vương huynh vẫn luôn đối tốt với ta như vậy, ta há còn trách cứ chi? Đây gọi là quân tử kết giao đạm bạc như nước”.

Người nhà nghe xong thảy đều gật đầu tấm tắc mãi. Từ đó về sau, mối quan hệ giữa Tiết Nhân Quý và Vương Mậu Sinh càng thêm gắn bó. Giai thoại “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” (quân tử kết giao đạm bạc như nước) cũng bắt đầu lưu truyền từ đây.

Người xưa quả thực cho rằng “kết giao đạm bạc như nước” mới chính là cảnh giới cao nhất trong tình bạn của những người quân tử. Nước, trong quan niệm văn hoá truyền thống, không phải là thứ rẻ rúng mà ngược lại chính là đại thiện, đại đức. Lão Tử nói “Thượng thiện nhược thuỷ” (cái thiện cao nhất thì như là nước vậy). Nước giúp vạn vật sinh sôi, nảy nở, lại tẩy rửa đi hết thứ ô trọc hồng trần. Nước ở chỗ thấp như người quân tử nhún mình, khiêm cung. Nước chứa trong mình được hết thảy mọi thứ như đức của người quân tử khoan dung, rộng rãi. Với cổ nhân, nước chính là có phẩm cách của người quân tử, mà người quân tử lại cũng thanh bạch, đạm bạc mà vĩ đại tựa như nước vậy.

Vậy nên “kết giao đạm bạc như nước” chính là sự kết giao dựa trên nền tảng đạo đức trong sáng và cao thượng. Người quân tử làm bạn với nhau không vì tiền tài, chức tước cũng không phải vì muốn được nghe những lời a dua, xu nịnh. Đó là một thứ tình cảm trong sáng, vị tha, bao dung và khiêm nhường, mãi trường tồn cùng với thời gian.

Người bạn có phẩm chất như nước thì không nhiệt liệt, không sôi động, không phô trương, làm việc thiện mà không muốn người khác biết, cứ lặng lẽ âm thầm. Người bạn như nước khiến người ta có cảm giác không phụ thuộc nhưng lại không thể rời xa. Đó là tình bạn giống như mối quan hệ giữa Quan Vũ và Lưu Bị. Kết nghĩa vườn đào, thề cùng sinh tử, Quan Vũ là em, là trợ thủ đồng thời cũng là tri kỷ của Lưu Bị. Ở dưới trướng Tào Tháo, dù hưởng vinh hoa phú quý, bạc vàng mỹ nữ, được ấn phong hầu nhưng Quan Vũ trước sau vẫn một lòng hướng về Lưu Bị khi ấy cũng đang phiêu dạt bốn bể, tay trắng dựng nghiệp. Sau, nghe tin Lưu Bị đang ở chỗ Viên Thiệu, Quan Vũ cưỡi Xích Thố không quản ngày đêm vượt nghìn dặm tìm về.

Sự kết giao của người quân tử thoạt nhìn thì nhạt như nước lã. Sự kết giao của kẻ tiểu nhân mới đầu tưởng ngọt nồng như rượu ngon mới cất. Nhưng cái nhạt của người quân tử sẽ dẫn đến thân tình, còn cái ngọt nồng vồ vập của kẻ tiểu nhân lại dẫn đến sự tuyệt giao. Đời người ta hội tụ vô cớ, dễ dãi thì cũng ly tan vô cớ.

Nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống là Tân Khí Tật đã viết mấy câu này, cũng gần như là lời đúc kết về mối quan hệ “đạm bạc như nước” giữa những người quân tử:

Vị cam chung dịch phôi
Tuế vãn hoàn tri
Quân tử chi giao đạm như thuỷ

Tạm dịch: Vị ngọt thường dễ hỏng. Tuổi già rồi mới biết. Quân tử kết giao nhạt như nước.

Theo Epochtimes/Tịnh Văn biên dịch