Vũ Hồng Nhung: Cảm nhận khi tham gia kiến tập tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định

0
487

Như bao giấc ngủ trưa thường ngày, tôi vội với tay tắt tiếng chuông báo thức được phát ra từ chiếc điện thoại đã được cài sẵn … Woa đã 13h rồi, … sao nhanh thế nhỉ … Bật dậy trong khi vẫn còn ngái ngủ, tôi chào đón buổi chiều năng động với tâm thế hân hoan nhất.

* Vườn ươm giấc mơ Việt Nam: Nơi hội tụ những nét truyền thống Việt

 

Cùng việc định thức rằng hôm nay mình sẽ có buổi hẹn quan trọng lắm, không những như thế đây còn là buổi gặp gỡ mà cô sinh viên khoa điều dưỡng năm nhất như tôi đã mong chờ rất lâu. Cảm giác thích thú giống như tâm trạng của ngày đầu tiên khi được cấp sách đến trường, … làm xong những việc cần làm, tôi chuẩn bị thu xếp đến điểm hẹn cho đúng giờ, … nếu đến trễ thì ngại và quê lắm!.

Giữa cái nắng nóng của buổi chiều sài thanh thật khiến người ta mệt mỏi. Nhưng Nắng nóng cũng chẳng sao, ngày nào người ta cũng có đủ những lời ca thán về chuyện “nắng mưa là của ông trời”, nhưng hôm nay chẳng thể dập tắt đi sự lạc quan pha lẫn chút tò mò, thích thú của tôi. Địa điểm dừng chân tại BV Nhân Dân Gia Định (số 1, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), uống vội 1 ngụm nước mát khiến bản thân mình thoải mái hơn rất nhiều, đợi cô bạn thân xinh xắn tầm 10 phút, chúng tôi di chuyển vào hội trường BV, tiếp tục buổi tập kiến của khoa điều dưỡng.

Bên trong hội trường rất đông người, đa phần là các bạn sinh viên năm nhất, trên gương mặt ai nấy đều vui vẻ, hào hứng. Thông qua buổi trò chuyện cùng chị điều dưỡng phụ trách, tôi mới biết được rằng bệnh viện Nhân Dân Gia Định ra đời vào thập niên đầu của thế kỷ XX, sơ khai do người Pháp xây dựng với bảng hiệu là Hôpital de Gia Định. Năm 1945, Hôpital de Gia Định được đổi tên thành bệnh viện Nguyễn Văn Học. Đến năm 1968 bệnh viện được phá đi và xây dựng mới với mô hình 4 tầng để tiếp nhận điều trị khoảng 450 đến 500 bệnh nhân nội trú và đổi tên thành Trung tâm thực tập y khoa Gia Định.

Hiện tại, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những Bệnh viện Đa khoa loại I trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Với đội ngũ Y, Bác sĩ chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, Bệnh viện có đủ các chuyên khoa lớn, nhiều phân khoa sâu, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Cùng giám đốc hiện hành là TTND. TS. BS Nguyễn Anh Dũng. Bệnh viện khám và điều trị cho các khoa như: Khoa khối nội bao gồm Khoa Tim Mạch Can Thiệp – DSA, Khoa Nội Tiêu Hóa, khoa Hồi Sức Tích Cực, Chống Độc, khoa Lão Học, Khoa Nội Hô Hấp – Cơ Xương Khớp, Khoa Nội Tiết – Thận Niệu, Khoa Nội Thần Kinh – Huyết Học, khoa Nội Tim Mạch; Chuyên khoa khối ngoại, khoa Phẫu Thuật Tim, khoa Phẫu Thuật – Gây Mê – Hồi Sức, ngoại Chấn Thương Chỉnh Hình, khoa Tổng Hợp, khoa Ngoại Tiêu Hóa, khoa Ngoại Thận – Tiết Niệu, khoa Ngoại Lồng Ngực – Mạch Máu, Khoa Ngoại Thần Kinh; Chuyên khoa khối sản: Khoa Sản Bệnh, phụ Khoa, Khoa Sản Thường, Khoa Sanh, tổ khám sản; Chuyên khoa khối nhi: Khoa Bệnh Lý Sơ Sinh, Khoa Nhi; Các chuyên khoa khác: Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Mắt; Các khoa tiếp nhận của bệnh viện Nhân Dân Gia Định: Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh.

Tầm 14h30, chúng tôi chia nhóm, dưới sự dẫn dắt của chị điều dưỡng tên Mai Vi nhóm của tôi bắt đầu di chuyển tham quan bệnh viện. Chúng tôi đến từng phòng, từng khoa, tham gia quan sát và học tập. Bệnh viện rất đông bệnh nhân nên chúng tôi phải hết sức lưu ý việc di chuyển cẩn thận tránh việc va chạm vảo bệnh nhân, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Đến từng khoa, chị Mai Vi sẽ giải thích, giới thiệu nhanh chóng, xúc tích nhưng đầy đủ thông tin các khoa, chức năng khoa, nhiệm vụ khoa, công việc tường ngày, cùng các triệu chứng bệnh lý nặng, nhẹ của bệnh nhân điển hình tại từng khoa. Ánh mắt chúng tôi hào hứng dõi theo những lời chị nói, chị cũng rất nhiệt tình khi trả lời tỉ mỉ từng câu hỏi của đám nhóc choi choi.

Có đi thực tế và thấy tận mắt mới biết các bác sĩ, điều dưỡng ai cũng bận rộn với công việc của mình: nào là khám bệnh, phát thuốc, nhập liệu và hướng dẫn bệnh nhân v..v,… Cũng từ đó cho chúng tôi hiểu được sự chuyên nghiệp, y đức, tránh nhiệm không một phút lơ là của người làm y đối với công việc cứu người. Trong buổi kiên tập lần này, tôi đã biết thêm được nhiều thông tin của 4 khoa mình đã được tham quan: Khoa nội tiêu hóa có chức năng cấp cứu, điều trị các bệnh về tiêu hoá, bao gồm: Các bệnh lý về dạ dày-tá tràng- thực quản (viêm, loét, polyp, ung thư…), các bệnh lý đại tràng (viêm, loét, polyp, hội chứng ruột kích thích…), các bệnh lý về gan (viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan…), các bệnh lý về mật (viêm đường mật, sỏi-giun trong đường mật, ung thư đường mật…), bệnh lý tuỵ (viêm tuỵ cấp, viêm tuỵ mạn, u tuỵ…) và lao màng bụng …Khoa ngoại tiêu hóa Thuộc lĩnh vực ngoại tồng quát chuyên sâu về cơ quan tiêu hoá – gan mật, đảm nhận khám và điều trị các bệnh lý về ống tiêu hóa, gan mật, tụy lách, hậu môn – trực tràng.

Hiện nay, khoa chủ yếu áp dụng phương pháp hiện đại trong trị liệu như phẫu thuật nội soi với sự hỗ trợ của dao siêu âm, dao cắt đốt đơn cực và đa cực, dao cắt lạnh, … Các bệnh lý phổ biến của khoa Ngoại tiêu hoá – gan mật như: tắc ruột, viêm ruột thừa, tắc mật, …  Khoa ngoại thần kinh điều trị tất cả các loại chấn thương, bệnh lý sọ não, cột sống – tủy sống.

Cuối cùng là khoa sản bệnh ( Khoa sản B) Là chuyên khoa về sức khoẻ phụ nữ và các vấn đề liên quan tới bộ phận sinh sản nữ từ khi dậy thì cho đến hết cuộc đời, chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu. Khoa có hai lĩnh vực chủ yếu là: Khả năng sinh sản & sản khoa và Các bệnh phụ khoa. Từ đó cho tôi hiểu được rằng nghề Điều dưỡng thực sự là một nghề cao cả, bản thân người làm nghề luôn cảm thấy tự hào, nghề Điều dưỡng luôn là một nghề được cả xã hội đón nhận và tôn vinh.

Những người theo nghề này thực sự mang sự quyết tâm và can đảm rất lớn. Họ hy sinh bản thân vì lợi ích của người bệnh. Cùng thống khổ với từng nỗi đau, những sự dằn vặt, mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh. Mà người bệnh thì không ai giống ai, từ bệnh tình cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, không phải là chuyện dễ.

Nên người ta luôn ví nghề Điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng Điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Làm nghề Điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu người bệnh. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này, …Chăm một người nhà đã khổ, Người Điều dưỡng phải chăm sóc người bệnh trong suốt thời gian làm nghề, mà người bệnh lại mỗi người một tính, gặp một người bệnh khó chịu bất hợp tác thì công việc lại khó thêm gấp bội.

Thực sự người Điều dưỡng viên phải có một tấm lòng cảm thông rất lớn, sự nhân hậu, đức hy sinh cao cả mới có thể bám trụ được với nghề. Kết thúc buổi kiến tập, tôi hay là bạn, chắc hẳn trong mỗi người đều sẽ nhớ tâm trạng ngày hôm đó. Đặc biệt hơn hết, in đậm và rõ nét một cách kì lạ chẳng phai tâm trạng của ngày kiến tập đầu tiên, mở đầu cho chuỗi ngày học tập và phát triển phía sau.

Với tôi cái tâm trạng gọi là bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng và hào hứng đan xen lẫn lộn trong lòng lúc đó làm sao quên được. Ngày đầu tiên tôi được ở trong môi trường làm việc thật sự, ngày đầu tiên tôi phải tiếp xúc với nhiều người trong ngành. Nhờ đó, tôi càng hiểu hơn, nhận ra nhiều bài học mới mẻ, hay ho, càng thêm yêu quý, tôn trọng ngành nghề mà bản thân mình học tập, theo đuổi. Tự dặn mình phải học tập tốt để có thể cống hiến cho nghề, đặc biệt là công việc cứu người. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến trường Nguyễn Tất Thành, bệnh viện Nhân dân Gia Định, cùng ban điều dưỡng bên BV đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội học tập, tham quan môi trường thực tế chuyên nghiệp, giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình, giúp chúng tôi hoàn thành buổi kiến tập một cách thuận lợi, cung cấp kiến thức một cách thực tế, thú vị, hào hứng.

Bài viết: Vũ Hồng Nhung