Trang chủ Giải trí Vị hoàng hậu nào không con vẫn được hoàng đế và thái...

Vị hoàng hậu nào không con vẫn được hoàng đế và thái hậu cả đời sủng ái?

0
591
Bức tranh “Quản thúc nhà ngoại” trong “tập tranh câu chuyện của các đời hoàng hậu hiền đức” của họa sĩ nhà Thanh Tiêu Bỉnh Trinh (Phạm vi công cộng).

Bà không tranh giành với đời, nghĩ cho người khác trước xuất phát từ sự chân thành, có được sự sủng ái và kính trọng của hoàng đế, cả đời không sinh con, nhưng lại có thể “mẹ quý nhờ con”, phò tá hoàng đế trong giai đoạn Minh Chương chi trị. Bà là ai?

Tân Tức hầu Mã Viện tướng quân của Đông Hán chết trong quân ngũ, lại bị những đại thần khác trong triều đình thừa cơ hãm hại, vu khống hủy hoại danh dự, lúc này cảnh ngộ của Mã gia đã hoàn toàn đổi khác, sau đó còn nhiều lần bị các quyền quý ức hiếp, lại càng thất thế hơn. Người vợ thứ hai của Mã Viện tướng quân là Lận phu nhân phải chịu nỗi đau mất chồng, sau đó người con trai cả cũng đoản mệnh mà rời khỏi cõi đời, liên tiếp chịu nhiều đả kích như vậy, khiến Lận phu nhân bi thương quá mức mà tinh thần hoảng loạn, trong tình huống rối ren như vậy, người sắp xếp và làm chủ mọi việc trên dưới trong nhà lại là đứa con gái nhỏ mới 10 tuổi của Mã gia. Cô bé này không chút hoảng loạn, mọi chuyện lớn nhỏ đến tay cô bé đều được sắp xếp rất thỏa đáng, trong nhà có chuyện gì đều tìm cô bé để bàn bạc, người hầu trong nhà cũng đều do cô bé phân công và quản lý.

Trời sinh quý tướng dị bẩm

Cô con gái nhỏ của Mã gia (con cháu sau này cũng không biết tên của người này) từ nhỏ đã ngoan ngoãn lễ phép, hiếu thuận với trưởng bối, tính cách điềm tĩnh, không ham thích vui chơi, bẩm sinh thông minh lanh lợi, rất hứng thú với lịch sử, đạo nhân sinh và đạo đất trời huyền bí, có thể đọc tụng “Dịch Kinh”, ham đọc “Thi Kinh”, “Luận Ngữ”, “Xuân Thu”, đặc biệt rất quan tâm đến “Chu Quan” (còn gọi là Chu Lễ), “Đổng Trọng Thư thư”. Cô có một mái tóc dày và mượt che khuất làn da trắng mịn của mình, chân mày không cần tô vẽ, không cần đeo trang sức trên người, cô có khí chất xinh đẹp tự nhiên, sắc đẹp luôn nổi bật hơn người. Trong “Trần Tư Vương họa tán tự”, Tào Trực có khen rằng: “Minh Đức Mã hậu, xinh đẹp bởi nhan sắc, đôn hậu bởi đức hạnh”. Nhưng vào năm 10 tuổi, cô đột nhiên bệnh nặng, mãi không khỏe lại. Lận phu nhân vội vàng đi tìm thầy bói gieo quẻ. Thầy bói giải quẻ, nói rằng: “Cô gái này tuy là đổ một trận bệnh, nhưng sau này phú quý vô cùng”.

Khi đó Mã gia đã rơi vào tình cảnh khốn khó, một số hoàng thân quý tộc đều không qua lại với Mã gia nữa, con gái của Mã gia làm sao có thể đại phú đại quý được? Lận phu nhân lại đi tìm thầy tướng số đến nhà xem tướng cho 3 cô con gái của mình, thầy tướng số xem đến cô con gái nhỏ nhất thì vô cùng kinh ngạc, nói rằng: “Tôi cần phải xưng thần dưới chân của cô gái này. Tuy nhiên cô gái này đại quý nhưng ít con, nếu như có thể nuôi dạy con của người khác thì sẽ rất đắc lực, còn vượt xa con ruột của mình”.

Tiên nhân hậu kỷ xuất phát từ sự chân thành, trên dưới hậu cung đều yên lòng

Lời tiên tri của thầy bói và thầy tướng số đều ứng nghiệm thành sự thật!

Anh họ của cô là Mã Nghiêm nhìn thấy gia đình cô bị người khác ức hiếp, vô cùng lo lắng và tức giận, nên đã viết sớ trình lên triều đình, nói rằng muốn tiến cử ba chị em Mã gia vào danh sách thái tử chọn phi, lại nhắc đến người cô trong gia tộc của họ có mối nhân duyên với hoàng thất, “hy vọng nhờ duyên người cô đã chiếu cố, được cho vào hậu cung” (cô của Mã Nghiêm là phi tần của Hán Thành Đế). Kết quả cô con gái út của Mã gia được chọn vào hậu cung của thái tử Lưu Trang vào năm 13 tuổi, sau này trở thành Minh Đức hoàng hậu của Đông Hán Minh Đế vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.

Khi mới vào cung thái tử, cô phụng sự cho Âm Lệ Hoa hoàng hậu, làm việc nhanh nhẹn chu đáo, hợp với lễ nghi, đồng thời còn giúp đỡ những phi tần khác trong hậu cung, tiên nhân hậu kỷ (nghĩ cho người khác trước rồi mới nghĩ đến bản thân), xuất phát từ sự chân thành; từ khi có cô, trên dưới hậu cung đều cảm thấy rất yên tâm. Vì vậy, cô được sủng ái đặc biệt, thường xuyên được ở lại hậu cung để phụng sự. Khi thái tử Lưu Trang lên ngôi làm Hán Minh Đế, ông đã sắc phong cho cô làm quý nhân.

Khi đó hoàng đế vẫn chưa có con nối dõi, Mã quý nhân nhiều lần tiến cử các phi tần bên cạnh cho hoàng đế, lo lắng làm lỡ mất thời cơ sinh hoàng tử. Ngoài ra, Mã quý nhân còn thường xuyên quan tâm và thân thiết với những phi tần may mắn được hoàng đế gọi đến gặp mặt, và lại càng ưu ái đối với những phi tần được hoàng đế sủng hạnh nhiều lần. Mùa xuân, năm Vĩnh Bình thứ 3 (năm 60), văn võ bá quan trong triều kiến nghị hoàng đế lập hoàng hậu, Hán Minh Đế không có ý kiến, khi đó Âm Lệ Hoa hoàng thái hậu nói: “Mã quý nhân có đức hạnh cao nhất hậu cung, là người thích hợp nhất”. Cứ như vậy mà Mã quý nhân được sắc phong làm Minh Đức hoàng hậu.

Minh Đức hoàng hậu không có con, Hán Minh Đế đã đưa ra một sắp xếp rất thỏa đáng cho Minh Đức hoàng hậu, vì vậy lại càng mở rộng thời kỳ thịnh vượng của Đông Hán. Có lẽ Hán Minh Đế cho rằng hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ sẽ là một người mẹ rất tốt, vì vậy đã giao con trai Lưu Đát của Giả quý nhân cho hoàng hậu nuôi dạy, nói rằng: “Con người không nhất thiết phải tự mình sinh con, nhưng cũng không đến mức sợ yêu thương nuôi dạy”. (Giả quý nhân là con gái của chị gái người vợ quá cố của Mã Viện, còn Minh Đức hoàng hậu là con gái của Lận phu nhân, người vợ thứ hai của Mã Viện. Giả quý nhân và Minh Đức hoàng hậu được chọn vào cung cùng một thời điểm)

Thế là Minh Đức hoàng hậu hết lòng hết dạ yêu thương và chăm sóc Lưu Đát, còn bỏ ra nhiều tâm tư tình cảm và sức lực hơn cả mẹ ruột. Lưu Đát cả đời đều biết ơn và kính trọng bà, “mẹ con từ ái, từ đầu đến cuối đều không có một chút mâu thuẫn nào”. Lưu Đát chính là Hán Chương Đế sau này, ông và cha mình là Hán Minh Đế cùng nhau thành tựu Minh Chương chi trị.

Bức tranh Minh Đức hoàng hậu “giáo huấn chư vương” trong “tập tranh câu chuyện của các đời hoàng hậu hiền đức” của họa sĩ nhà Thanh Tiêu Bỉnh Trinh (Phạm vi công cộng).

Khiêm tốn và khắc chế bản thân, kiên quyết từ chối phong hầu tước cho nhà ngoại

Sau khi Mã hoàng hậu được ngồi lên vị trí hoàng hậu lại càng khiêm tốn và khắc chế bản thân hơn nữa, bà quyết chí làm một người vợ hiền thục phò tá cho Hán thất. Mỗi lần hoàng đế hỏi thử Minh Đức hoàng hậu về một số chuyện triều chính mà bản thân chưa thể đưa ra quyết định, bà đều chân thành đối đáp, phân tích giải nghĩa, chuyện nào cũng hợp tình hợp lý, giúp đỡ rất nhiều trong việc thực thi chính trị của nhà Hán. Lựa khi chải tóc cho hoàng đế, đối với những chính sách mà bà cảm thấy không thỏa đáng, bà sẽ trình bày nguyên nhân một cách rõ ràng, hơn nữa chưa từng lấy việc riêng để can dự vào việc công, vì vậy mà sự sủng ái và tôn trọng mà bà có được mỗi ngày một nhiều hơn, và chưa từng bị suy giảm trong suốt cuộc đời làm hoàng hậu.

Vào những năm Vĩnh Bình, vì Sở Vương Anh mưu phản, sau khi chuyện bại lộ đã tự sát, tình trạng tù oan cũng theo đó mà gia tăng, những người có liên quan thông qua lời khai của người khác đều bị đưa vào kết án, cộng thêm những kẻ phạm tội vu khống hãm hại lẫn nhau, số người bị nhốt vào trong tù rất nhiều, có hơn một ngàn người bị kết án tử hình trong nhiều năm. Mã hoàng hậu cảm thấy vô cùng lo lắng, bà tìm cơ hội kiến nghị với Hán Minh Đế, bày tỏ rằng mình lo sợ tình trạng tù oan trở nên nghiêm trọng sẽ làm liên lụy đến người vô tội, hình thành tác phong xấu làm lung lay căn cơ quốc gia. Hán Minh Đế vô cùng cảm động, trong đêm đó không thể nào ngủ được, thức dậy đi qua đi lại, suy nghĩ kỹ lưỡng, sau đó quyết định nghe theo lời khuyên của hoàng hậu. Hoàng đế đích thân đi đến nhà ngục Lạc Dương kiểm duyệt danh sách tù nhân, liệt kê ra hơn một ngàn người không đáng tội chết, từ đó việc quản lý của nhà tù được giản lược, công lý được thực thi trở lại.

Mã hoàng hậu thích đọc sử sách, mỗi lần bà đọc đến đoạn “nước khác hiến ngựa quý, một ngày đi ngàn dặm, lại tiến cống bảo kiếm, cộng thêm trăm cân vàng, ra lệnh dùng ngựa kéo xe trống, lấy kiếm ban tặng kỵ sĩ” trong bổn ký của khai nguyên Quang Vũ hoàng đế, bà đều vô cùng bội phục sự vô vị kỷ và ít tham vọng của Quang Vũ Đế, trong lòng bà tự nhiên khởi lên sự kỳ vọng vào bản thân rất lớn, mong muốn bản thân học hỏi người xưa. Bà lại dùng vải bông muộn màu để tự may thành trang phục cho mình, trang phục của người đánh xe ngựa cho bà cũng không có nhiều hoa văn kiểu dáng, mọi cái đều đơn giản. Vào mồng một và ngày 15 hàng tháng, các phi tần trong cung sẽ đến để thỉnh an hoàng hậu, họ từ xa trông thấy áo bào của hoàng hậu đẹp đẽ và mới mẻ. Khi đến gần nhìn kỹ lại mới phát hiện áo bào của hoàng hậu vốn dĩ không phải là được làm từ tơ lụa thượng hạng tinh tế. Mã hoàng hậu đáp rằng: “Loại vải này nhuộm màu rất đẹp, vì vậy ta luôn dùng để may y phục”, các phi tần nghe xong, không người nào là không thở dài.

Bức tranh Minh Đức hoàng hậu “huấn luyện trang phục” trong “tập tranh câu chuyện của các đời hoàng hậu hiền đức” của họa sĩ nhà Thanh Tiêu Bỉnh Trinh (Phạm vi công cộng).

 

 

Tất cả các đời của nhà Hán đều thừa kế cách làm phong hầu phong tước cho họ hàng bên ngoại, nhưng Mã hoàng hậu không đồng ý phong hầu tước cho họ hàng bên ngoại của mình, không cho họ hàng bên ngoại của mình ngồi ở vị trí quan trọng trong cơ quan trung ương can dự triều chính, bà luôn rút ra bài học cho bản thân từ những câu chuyện về họ hàng bên ngoại của các vị hoàng hậu tiền triều làm hại đất nước, như họ hàng bên ngoại của Lữ hậu, Đậu thái hậu, Vương hoàng hậu v.v… Trong triều đại của Hán Minh Đế, ba người anh em của bà đảm nhận chức vụ Hổ bôn trung lang và Hoàng Môn thị lang, họ luôn giữ nguyên ở một vị trí và đều không được thăng chức.

Khách của nhà ngoại đến từ tứ phương, xe như nước chảy ngựa như rồng bay

Lưu Đát được Mã hoàng hậu hết lòng dạy bảo đã lên kế vị cha mình sau khi Hán Minh Đế qua đời, trở thành Hán Chương Đế. Hán Chương Đế muốn phong hầu tước cho ba người cậu của mình. Nhưng bản thân Minh Đức hoàng hậu lại cho rằng ba người anh bên ngoại của mình không có công lao to lớn đối với đất nước, không có công lao thì không nên tiếp nhận bổng lộc.

Minh Đức hoàng thái hậu dùng chiếu thư trịnh trọng bày tỏ tâm ý của mình:

“Ta tự yêu cầu bản thân, cẩn trọng tu dưỡng chính mình, thân là thái hậu của một nước, trên người mặc váy lụa thô, ăn không cần ngon ngọt, người hầu bên cạnh ăn mặc giản dị, không dùng hương đốt và vật bài trí, chuyện gì cũng dùng thân mình để dạy bảo các quan viên và thường dân, vốn tưởng rằng sau khi gặp họ hàng bên ngoại, họ đương nhiên sẽ tự kiểm điểm và tự khắc chế bản thân, nhưng mà, sau khi họ nhìn thấy ta, ngược lại tất cả đều nói thái hậu trước giờ luôn thích giản dị cần kiệm.

Trước đây khi đi ngang qua nhà bên ngoại của ta ở vườn Trạc Long trong thành Lạc Dương, nhìn thấy những người khách ra ra vào vào nhà bên ngoại của ta chào hỏi, bốn phương tề tụ đến đây, xe như nước chảy, ngựa như rồng bay (diễn tả cảnh tượng vô cùng náo nhiệt, đông đúc). Người hầu kẻ hạ đều ăn mặc nghiêm trang chỉnh tề, cổ áo và tay áo đều trắng như tuyết. Nhìn lại người đánh xe của ta, không thể nào sánh được với họ. Ta vẫn còn chưa nổi giận trách móc, chỉ ngừng chu cấp chi phí phụ giúp sinh hoạt cho họ, hy vọng họ có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng họ vẫn lười biếng như vậy, không biết lo nghĩ cho đất nước, không ai có thể hiểu rõ thần tử bằng quân vương, huống hồ gì là dòng họ của mình? Ta làm sao có thể phụ tông chỉ lập quốc của tiên đế, và làm tổn hại đến đức hạnh của người xưa, lập lại mối họa diệt vong của Tây Hán chứ!”

Hán Chương Đế buồn rầu than thở trước chiếu thư này của hoàng hậu, rồi lại thỉnh cầu phong hầu lần nữa, nhưng Minh Đức hoàng thái hậu cho rằng anh em bên ngoại của mình không lập được quân công gì cho quốc gia xã tắc, “vô quân công, không phải Lưu thị không được phong hầu”, phù hợp với quy định do nhà Hán lập ra; hơn nữa “gia tộc phú quý, nếu có nhiều người làm quan, giống như cây một năm ra quả hai lần, chắc chắn tổn hại đến gốc rễ”, quá nhiều phúc lộc phú quý không những không tốt, mà ngược lại còn làm hại đến nền tảng căn bản của người đó, vì vậy mà Minh Đức hoàng thái hậu kiên quyết từ chối phong hầu phong tước cho bên ngoại của mình. Đồng thời bà cũng nghĩ đến ý muốn của Hán Chương Đế, vì vậy nói rằng đợi đến khi thiên hạ biên cương được thái bình rồi, sau đó mới làm theo ý của Hán Chương Đế (Bốn năm sau, thiên hạ giàu có, biên cương bình yên vô sự, Hán Chương Đế lần lượt phong ba người cậu của mình làm Liệt hầu).

Minh Đức hoàng thái hậu luôn yêu cầu bản thân nói lời phải giữ lời, kiểm điểm hành vi của mình từng giây từng phút, chỉ nguyện rằng cả đời không hổ thẹn với người dân trong nước. Bà tận mắt nhìn thấy cảnh tượng phồn hoa náo nhiệt trước cửa nhà mình, khách đến thăm liên tục không ngừng, mà để lại câu nói “xe như nước chảy, ngựa như rồng bay”, tương phản với quan niệm của bà về họ hàng bên ngoại không có công không được nhận bổng lộc. Thành ngữ “xe nước ngựa rồng” cũng từ đây mà ra.

Tổng hợp