Trang chủ Tin tức Tin COVID-19 sáng 13/7: Thêm 466 ca; Phó thủ tướng: ‘Chuẩn bị...

Tin COVID-19 sáng 13/7: Thêm 466 ca; Phó thủ tướng: ‘Chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh’

0
410
Ảnh tổng hợp.

Thêm 466 ca COVID-199, TP.HCM vượt 15.000 ca

VnExpress – Bộ Y tế sáng 13/7 ghi nhận 466 ca dương tính COVID-19, gồm 465 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.

466 ca mới từ số 32200-32665. Trong đó, 465 ca ghi nhận tại: TP.HCM (365), Long An (52), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Phú Yên (7), Tây Ninh (5), Hà Nội (1). Trong số này, 416 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 15.141, Hà Nội 534, Phú Yên 473, Long An 445, Đồng Nai 253, Vĩnh Long 175, Tây Ninh 28.

Phó thủ tướng: ‘Chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh’

Zing – Chiều 12/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, họp trực tuyến với 12 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo 12 tỉnh, thành cho biết, các ca mắc trong khu vực ĐBSCL tăng nhanh, tất cả địa phương trong khu vực đã có bệnh nhân COVID-19. Trong đó, một số địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đang là “điểm nóng” với hàng trăm ca mắc đã được ghi nhận, buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 với nhiều huyện, thị, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam việc xuất hiện nhiều ca nhiễm, chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng do người đi về từ vùng dịch, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng địa phương phải rà soát, nắm lại tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm.

Hiện mới có 2 tỉnh ở ĐBSCL thiết lập hệ thống thông tin, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương còn lại phải làm ngay, chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh.

Về cách ly F1 tại nhà, Phó thủ tướng nhấn mạnh “đã làm phải an toàn”, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT làm các sản phẩm giám sát mang tính công nghệ nhưng công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, căn bản vẫn là phát huy vai trò giám sát của các tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương.

Về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh. Thời gian tới, các tỉnh trong khu vực tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới, nhưng cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá công tác chuẩn bị các điều kiện chống dịch theo tinh thần “4 tại chỗ” của các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL chưa đồng bộ, “đang chạy theo dịch”, tức là dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực.

Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) có 275 ca dương tính

Tuoitre – Chiều 12/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua test nhanh, đã phát hiện 275 ca mắc COVID-19 tại  Khu chế xuất Tân Thuận. Với độ chính xác của test nhanh so với xét nghiệm PCR hiện nay thì 275 ca này có thể coi là F0. Hiện khu chế xuất này có khoảng 40.000 công nhân.

Trước đó, UBND quận 7 đã thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 với Khu chế xuất Tân Thuận từ ngày 13/7.

Một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận cho biết theo thông báo thì từ 0h ngày 13/7, khu chế xuất sẽ hạn chế ra vào, chỉ những doanh nghiệp có đủ điều kiện cách ly sẽ được tiếp tục duy trì hoạt động theo phương thức “vừa cách ly, vừa sản xuất”.

Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo thì phải thuê địa điểm, khách sạn xung quanh và đưa đón bằng xe khép kín, không cho xe cá nhân ra vào cổng khu chế xuất.

33.000 công nhân nhà máy Pouyuen tạm nghỉ việc

VnExpress – Chiều 12/7, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân cho biết, sáng cùng ngày gần 10.000 công nhân sống ở Long An đã không đến được nhà máy theo quyết định hạn chế đi lại để phòng chống dịch của chính quyền tỉnh này. Hơn 3.500 công nhân ở Tiền Giang, Bến Tre phải tạm nghỉ với lý do tượng tự. Tất cả công nhân nói trên mỗi ngày đến nhà máy bằng xe đưa đón của công ty.

Ngoài ra, thời gian qua gần 20.000 công nhân của nhà máy phải tạm nghỉ việc do liên quan các ca nhiễm, phải cách ly tập trung và tại nhà, sống ở vùng phong tỏa hoặc chủ động xin nghỉ phép. Trong tháng 6, công nhân tạm nghỉ vẫn được nhận đủ lương. Tuy nhiên trong tháng 7, nhiều trường hợp nghỉ quá 14 ngày nên phương án chi trả lương phải thỏa thuận lại.

Tình hình sản xuất của nhà máy đang gặp khó khăn do quá nhiều lao động nghỉ việc. Một số công nhân đến nhà máy nhưng không chịu làm việc, tâm lý lo lắng. Phía công đoàn đã kiến nghị với lãnh đạo nhà máy đánh giá lại toàn bộ tình hình để có hướng giải quyết cho những ngày tới.

Ngoài ra, công ty đang có nhiều đơn hàng gấp nhưng thiếu nhân công khiến tiến độ sản xuất bị chậm lại rất nhiều. Một số đơn hàng thời gian hoàn thành dài gấp 2-3 lần so với trước. Nếu không thoả thuận được với khách hàng, công ty sẽ phải bồi thường do chậm trễ.

Hiện, công ty vẫn phối hợp ngành y tế nếu phát hiện ca nhiễm sẽ chủ động xét nghiệm, truy vết, cách ly các trường hợp liên quan, dừng sản xuất khu vực đó. Sáng 12/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hơn 5.000 công nhân.

Công ty Pouyuen Việt Nam chuyên sản xuất da giày cho các nhãn hàng lớn, có khoảng 56.000 lao động, là nhà máy đông công nhân nhất Sài Gòn. Theo Sở Y tế, tính đến ngày 11/7, Pouyuen phát hiện 43 ca nhiễm.

Hôm qua 12/7, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, TP. Biên Hoà (Đồng Nai), đã cho 17.000 công nhân nghỉ 14 ngày khi công ty nằm trong khu vực bị phong toả.

TP.HCM hiện có 1,6 triệu công nhân đang làm việc trong các nhà máy. Ở đợt dịch thứ 4, nhiều nhà máy phát hiện hàng chục ca nhiễm nên bị phong tỏa, ngừng sản xuất. Thông tin từ Liên đoàn lao động TP.HCM cho hay tính đến ngày 7/7 đã có hơn 1.800 công nhân, lao động bị nhiễm Covid-19.

Thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong, đều ở Đồng Tháp

Bộ Y tế vừa thông báo ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, cả 2 bệnh nhân đều ở Đồng Tháp. Hiện tỉnh này chưa có nhân lực sử dụng được thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO) để cấp cứu.

Ca tử vong 124: BN20023, 78 tuổi, nữ, địa chỉ tại TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Ca tử vong 125: BN20025, 63 tuổi, nữ, địa chỉ ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp.

Tổng hợp