Trang chủ Giải trí Tảo mộ tiết Thanh Minh: Đi tìm cội nguồn của thuần phong...

Tảo mộ tiết Thanh Minh: Đi tìm cội nguồn của thuần phong mỹ tục

0
251
Theo lịch pháp truyền thống, một năm có 24 tiết khí, mỗi tiết khí là 15 ngày, khởi đầu là Lập Xuân, tiếp theo là Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân, và Thanh Minh là tiết khí thứ năm, bắt đầu từ mùng 4 hoặc 5 tháng 4 đến ngày 19 hoặc 20 (dương lịch).

 Vào tiết Thanh Minh, thời tiết dần dần chuyển sang ấm áp, cỏ cây xanh tốt, phong cảnh thanh khiết tươi sáng của mùa xuân đã thay thế cho cảnh tượng cỏ cây khô héo, xác xơ, tiêu điều của mùa đông. Bầu không khí khi này trở nên trong trẻo và quang đãng, vạn vật bừng bừng vươn lên.

Vẻ đẹp mỹ diệu của trời, đất và người trong tiết Thanh Minh, có lẽ đến nay ở Việt Nam chỉ Nguyễn Du mới đủ khả năng truyền tải. Nguyễn Du tả trong Truyện Kiều như sau:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”.


Chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng lúc đi chơi xuân.
 (Tranh lụa họa sĩ Ngọc Mai)

Tiết Thanh Minh qua thi pháp Nguyễn Du đưa con người lọt vào một cảnh giới như trút bỏ được mọi ưu phiền. Khi con người ở cảnh giới thanh tao thì sẽ nghĩ về những điều tốt đẹp: vào dịp Thanh Minh ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc… diễn ra một hoạt động mang ý nghĩa giáo dục về lòng biết ơn vô cùng sâu sắc, gọi là phong tục tảo mộ tổ tiên.

Phong tục này có từ thời Xuân Thu (Xuân Thu là một giai đoạn lịch sử Trung Quốc từ khoảng 771 đến 476 TCN), kể về  một hiền thần là Giới Tử Thôi có công phò giúp công tử Trùng Nhĩ nước Tấn trải qua 19 năm gian nan vất vả, sau đó trở về nước làm Vua gọi là Vua Tấn Văn Công.

Sau khi lên ngôi, Tấn Văn Công tiến hành luận công ban thưởng cho những người đã cùng “vào sinh, ra tử” nhưng quên mất hiền thần Giới Tử Thôi. Sau đó Tấn Văn Công trong phút nông nổi đã làm một việc sai lầm khiến Giới Tử Thôi phải chết cháy thương tâm dưới gốc cây liễu, câu chuyện được kể như sau:

Nguồn gốc tiết Thanh Minh và phong tục tảo mộ

Vào Thời Xuân Thu Chiến Quốc, đại công tử của nước Tấn là Trùng Nhĩ bị gian thần hãm hại, may nhờ có sự bảo hộ của đại thần Giới Tử Thôi mà thoát được, phải lưu vong sang nước khác.

Có một ngày khi đến một ngọn núi lớn thì họ bị lạc đường, mấy ngày đêm liên tiếp không có gì để ăn, công tử Trùng Nhĩ bị đói đến mức hoa mắt chóng mặt không còn sức để đi. Giới Tử Thôi đã cắt lấy một miếng thịt đùi của mình nướng lên đưa cho công tử Trùng Nhĩ ăn. Ăn xong công tử hỏi thịt lấy từ đâu, Giới Tử Thôi nói rằng đó là miếng thịt ở trên đùi mình.

Công tử Trùng Nhĩ cảm động nói: “Ông đối đãi với ta tốt như thế, ngày sau ta báo đáp ông thế nào đây?” Giới Tử Thôi nói: “Tôi không cần báo đáp, nhưng xin ngài đừng quên nỗi đau cắt thịt của tôi, xin hãy nghĩ đến phép trị quốc nhiều hơn, hy vọng sau này ngài sẽ trở thành một vị quân vương anh minh”.

Cuối cùng sau 19 năm lưu vong, công tử Trùng Nhĩ về nước làm Tấn vương, trở thành Tấn Văn Công nổi danh thời Xuân Thu Ngũ Bá. Ông phong thưởng cho các thần tử đã đi theo ông, cùng ông đồng cam cộng khổ, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.

Có người đến trước mặt Tấn Văn Công kêu oan cho Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công bỗng nhớ ra chuyện cũ, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, lập tức cho người đi mời Giới Tử Thôi lên triều để phong thưởng. Nhưng đến mời mấy lần mà Giới Tử Thôi không đi, Tấn Văn Công chỉ còn cách đích thân đến mời. Tuy nhiên khi đến nhà Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công chỉ thấy cửa lớn đóng chặt, Giới Tử Thôi không muốn gặp nhà vua nên đã cõng mẹ già trốn vào núi Miên Sơn (nay thuộc đông nam huyện Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây).

Tấn Văn Công sai ngự lâm quân lên núi Miên Sơn tìm kiếm, nhưng cũng không tìm thấy. Lúc này có người đề ra một cách phóng hỏa đốt núi, đốt ba mặt còn chừa ra một mặt thì Giới Tử Thôi sẽ tự đi ra. Tấn Văn Công nghe theo liền ra lệnh phóng hỏa đốt núi, nào ngờ lửa to cháy ba ngày ba đêm, sau khi lửa tắt mà vẫn không thấy Giới Tử Thôi đi ra. Tấn Văn Công lên núi tìm thì thấy hai mẹ con Giới Tử Thôi ôm nhau chết cháy ở dưới gốc cây liễu. Tấn Văn Công nhìn thi thể của Giới Tử Thôi khóc mà bái lạy một hồi, rồi cho người an táng ông.

Đến năm sau, Tấn Văn Công dẫn theo quần thần, mặc quần áo trắng đi bộ lên núi cúng tế Giới Tử Thôi để biểu thị lòng thương tiếc. Khi đến trước mộ phần, mọi người thấy cây liễu cháy đen kia nay đã sống lại, cành lá xanh tươi lung lay trong gió. Tấn Văn Công thấy cây liễu già sống lại như nhìn thấy Giới Tử Thôi vậy. Sau khi cúng tế xong, Tấn Văn Công ban cho cây liễu già danh xưng là “Thanh Minh Liễu”, và đặt tên cho ngày đó là tiết Thanh Minh.

Nên làm gì vào dịp tảo mộ tiết Thanh Minh?

Câu chuyện Tấn Văn Công cùng quần thần tới mộ Giới Tử Thôi tế bái và đặt tên cho tiết Thanh Minh khởi nguồn cho một phong tục mang ý nghĩa giáo dục về lòng biết ơn truyền tụng đến nay đã hơn 2.500 năm. Hàng năm vào dịp Thanh Minh nhiều gia đình, dòng họ ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… con cháu dù xa hay ở gần đều hướng về cội nguồn làm lễ tảo mộ, tưởng nhớ ân đức tổ tiên, sửa sang phần mộ và cầu Thần, khấn Phật độ cho vong linh người đã khuất được thác sinh ở những cảnh giới tốt hơn, che chở cho con cháu được bình an, sống lương thiện không bị sa ngã vào những tệ nạn xã hội.

Đối với con người, vẻ đẹp cao thượng nhất là các giá trị đạo đức, trong đó có lòng biết ơn. Lễ tảo mộ là một hoạt động thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Từ Thiên tử cho đến bá tánh trăm họ đều từ cha mẹ sinh ra, nuôi nấng, dưỡng dục, cộng với sự giúp đỡ, bảo hộ của ông bà và người thân, những ân tình đó vượt trên cả tình nghĩa giữa công tử Trùng Nhĩ và Giới Tử Thôi, dù có làm cách nào cũng không thể báo đáp cho đủ. Trong cuộc sống bôn ba vất vả hàng ngày nhiều người có thể quên đi những ân đức của tiền nhân, vô tình trở thành một người như Tấn Văn Công nhưng không tự biết. Thanh Minh chính là khoảng thời gian để ôn lại câu chuyện, từ đó phát hiện và sửa lại những gì còn thiếu sót đối với những người thân xung quanh mình.

Trong cuộc sống, khó ai có thể tránh được những sai sót trong cư xử, dù lớn hay nhỏ. Nguyên nhân là do trong mỗi người cái tôi luôn đặt lên trước, xử lý và nhìn nhận sự việc theo ý kiến chủ quan, không nghĩ cho người khác, vô tình làm tổn thương họ. Trong gia đình dòng tộc cũng vậy, khó tránh khỏi những sơ suất, thậm chí có nơi còn tranh chấp dẫn đến bất hòa.

Cuộc sống muốn trở nên vui vẻ, ý nghĩa hơn thì phải tìm cách hoá giải những khúc mắc này, có một cách vừa nhẹ nhàng, vừa nhân văn khiến cho hai bên dễ dàng chấp nhận. Đó là… “thanh minh” – ý tứ là giải thích cho người ta hiểu vì sao mình lúc đó lại xử sự như vậy, để người ta hiểu, thông cảm và bỏ qua cho một hành động vô tình làm tổn thương, khiến cho mối quan hệ hai bên không còn được nồng ấm. Sau khi thanh minh, hai bên hiểu nhau và mối quan hệ lại trở về trạng thái tốt đẹp như lúc ban đầu.

Đối với cha mẹ, ông bà nội ngoại hai bên, trên nữa là các bậc tổ tiên, khi nuôi dưỡng con cháu họ không cầu báo đáp, chỉ mong con cháu trở thành người con hiếu thảo, anh em hoà thuận, làm người có đạo đức. Nên thiết nghĩ, điều họ cần không phải là mâm cao cỗ đầy, cúng bái linh đình, đắp mộ thật to, tốn kém tiền của. Điều tổ tiên mong muốn ở con cháu là tu tâm dưỡng tính, trở thành người tốt để gia đình hòa thuận, xã hội thái bình. Có lẽ đây là giá trị, ý nghĩa lớn nhất cần đạt được của mỗi người khi hướng về cội nguồn, tảo mộ tổ tiên vào dịp Thanh Minh.

Tổng hợp