Trang chủ Tin tức Tin trưa 18/4: Giá heo tăng trở lại; Vì sao trẻ em...

Tin trưa 18/4: Giá heo tăng trở lại; Vì sao trẻ em phải học đến 3 – 4 giờ sáng, thưa Bộ trưởng?

0
240
Ảnh tổng hợp.

Giá heo tăng trở lại

Tuoitre – Nhiều công ty, hộ chăn nuôi heo phía Nam cho biết, giá heo hơi bán ra vào chiều 17-4 ở mức 55.000 – 58.000 đồng/kg tùy loại, tăng 2.000 – 4.000 đồng so với mức thấp của hơn một tuần trước đó.

Tương tự, giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) hiện ở mức 68.000 – 77.000 đồng/kg tùy loại, tăng 3.000 – 4.000 đồng so với vài ngày trước.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục thời gian qua, cộng thêm vài công ty chăn nuôi lớn đang tăng giá heo hơi bán ra, là lý do chính kéo giá heo hơi trên thị trường tăng theo. Khả năng giá heo còn tăng, khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao, nhưng mức tăng sẽ không nhiều.

Tương tự, giá nhiều loại trái cây đầu mùa đang được nhiều cửa hàng bán ở mức cao như chôm chôm 35.000 – 55.000 đồng/kg tùy loại, măng cụt 60.000 – 80.000 đồng/kg, sầu riêng 100.000 – 130.000 đồng/kg…

Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một số loại trái cây giá cao chủ yếu do đầu mùa sản lượng thấp, còn lại phần lớn giá vẫn đang ở mức thấp so với mọi năm do khó xuất đi Trung Quốc.

Vì sao trẻ em phải học đến 3 – 4 giờ sáng, thưa Bộ trưởng?

Laodong – Mới đây, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu:

“Thời gian gần đây cũng có những chuyện rất đau lòng. Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc yêu cầu các cháu phải học đến 3 – 4 giờ sáng, cũng như việc mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, rồi phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn để cha mẹ cảm thấy hãnh diện… dẫn đến áp lực quá khả năng chịu đựng và đáp ứng, vượt quá năng lực của trẻ em”.

Nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng các bậc làm cha làm mẹ cần có sự chia sẻ với con, không nên ép con “học gạo”, học quá sức, chạy theo điểm số và sự kỳ vọng của cha mẹ dẫn tới áp lực, tổn thương và hệ lụy đau lòng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh cũng bức xúc về sức ép bài vở dồn lên vai con em họ quá nặng nề, xuất phát từ chương trình và nội dung, phương pháp giáo dục không hợp lý.

“Thực tế chương trình giáo dục hiện nay quá nặng, trẻ em từ lớp 1 đến lớp 12 phải học quá nhiều môn, môn nào cũng có rất nhiều bài tập khó. Học sinh làm ở lớp không xong, phải về nhà làm đến khuya. Ngoài ra các em còn phải học thêm liên tục để giải các bài tập nâng cao, các dạng đề, hầu như không có lúc nào nghỉ ngơi” – ông Trần Văn Tình, phụ huynh ở Hà Tĩnh nhận xét.

Nhiều phụ huynh cho biết, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã phải vật lộn với rất nhiều bài tập khó. Mặc dù về nguyên tắc học sinh tiểu học đã học 2 buổi, không giao bài tập về nhà, nhưng thực tế về nhà các em phải làm bài tập rất nhiều, thậm chí cả ngày nghỉ.

Đối với các lớp cuối cấp như lớp 9, lớp 12, áp lực học hành rất lớn làm học sinh mất ăn mất ngủ. Bố mẹ lo lắng nên tạo mọi điều kiện cho con tập trung học, không phải làm việc nhà.

“Năm nay, phương thức thi cử, tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi nên nhiều em và gia đình lo lắng, áp lực lên học sinh lớp 12 rất lớn. Ai cũng muốn con có kết quả học tập tốt nhất để có công việc làm ổn định, không quá vất vả trong tương lai” – một giáo viên tại Nghệ An cho biết.

Đối với các học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi, việc học càng nặng nề, căng thẳng, hầu như mọi thời gian và công sức tập trung cho môn thi, với kỳ vọng sẽ đạt giải cao.

Do đó, không thể chỉ nhìn nhận vấn đề ép buộc học tập đối với trẻ em chỉ từ góc độ gia đình. Sức ép này đến từ nhà trường, xã hội và sâu xa hơn đến từ cơ quan quản lý giáo dục quốc gia. Chương trình giáo dục hiện nay vẫn bị ta thán là nặng và khó, thiên về lý thuyết, ít chú trọng thực hành và khả năng sáng tạo của người học, bệnh thành tích vẫn còn nặng nề.

Lùi tăng lương tối thiểu vùng: Lại tranh cãi, bên nào cũng có lý của mình

Tuoitre – 8 hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị các bộ lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng sang năm 2023 thay vì 1/7/2022 theo quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020 – 2021, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Cùng với đó, nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.

Các hiệp hội cũng cho rằng, tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng – phó Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, công nhận việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, với cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện cung – cầu lao động hiện nay, doanh nghiệp muốn duy trì chính sách tiền lương thấp thì doanh nghiệp đó “khó tồn tại” và đứng trước nguy cơ “tự đào thải”.

“Tăng lương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động, động viên lao động gắn bó tốt hơn với người sử dụng lao động”. “Đáng lẽ việc tăng lương tối thiểu vùng đã phải thực hiện từ 1-1-2021, nhưng do dịch COVID-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Quảng nhấn mạnh.

TS Vũ Minh Tiến – viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia – đánh giá nếu kéo dài thời điểm tăng lương sang 1-1-2023 sẽ kéo theo “trễ hẹn” tăng lương cho người lao động tới 24 tháng.

Dẫn khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra 84% doanh nghiệp sẵn sàng khắc phục khó khăn khi tăng lương cho người lao động từ 1-7-2022, ông Tiến cảnh báo nếu kéo dài thời gian tăng lương nữa sẽ có nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động như ngừng việc tập thể.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Úc tăng mạnh

VTV – Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc trong quý 1 đã tăng trưởng gần 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 1,38 tỷ USD.

Trong đó, nông sản, rau quả tiếp tục là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp thế mạnh khác của Việt Nam như sắt thép các loại tăng hơn 500%, cao su, dây cáp điện, máy vi tính và linh kiện cũng đều tăng.

Ở chiều ngược lại, thị trường lớn nhất châu Đại dương đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho nền sản xuất của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với tư cách là thị trường cung cấp các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu, như than đá, quặng sắt, kim loại, bông, lúa mỳ, thức ăn gia súc…

Đáng chú ý nhất là kim ngạch nhập khẩu than từ Úc vào Việt Nam sau ba tháng đầu năm 2022 đã tăng 176% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu bông tăng 333% về kim ngạch…

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Úc ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020.

Tổng hợp