Chưa có kênh thông tin kết nối du học sinh với nhà tuyển dụng Việt Nam

0
1003

Hiện nay chưa có kênh thông tin hay diễn đàn trao đổi (cả trực tuyến và trực tiếp) để du học sinh Việt có thể hiểu rõ hơn về cơ hội và những gì họ có thể đóng góp cho đất nước.

Có cơ chế tài trợ, thu hút du học sinh về nước thực tập

Nhân chuyện Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất các biện pháp thu hút du học sinh Việt Nam tốt nghiệp về nước làm việc, là một du học sinh tại Đại học Temple (Mỹ), Phạm Ngọc nhận thấy cơ hội kết nối du học sinh với nhà tuyển dụng Việt Nam chưa nhiều.

Từ góc nhìn của một du học sinh, Ngọc chỉ nghĩ đơn giản, du học sinh sẽ chọn môi trường làm việc nào có cơ hội cho bản thân phát triển, học hỏi và đóng góp cho cộng đồng sau khi tốt nghiệp.

Nam du học sinh này chia sẻ: “Cá nhân em mới đi nước ngoài hơn một năm nên cũng chưa có nhiều kiến thức và trải nghiệm để đề xuất được điều gì to tát. Nhưng em nghĩ nếu có nhiều những hội thảo, buổi nói chuyện với du học sinh và đại diện từ các nhà tuyển dụng để du học sinh hiểu rõ hơn tình hình hiện tại của đất nước cũng như nhu cầu của thị trường việc làm tại Việt Nam thì có lẽ bọn em sẽ cảm thấy gắn bó hơn với đất nước và có trách nhiệm trở về hơn.

Ở Mĩ, như tại trường em thì hàng tuần đều có các đại diện các nhà tuyển dụng đến nói chuyện và tạo cơ hội cho bọn em trao đổi và đặt câu hỏi.

Nhờ mô hình như vậy mà bọn em được cập nhật thường xuyên về nhu cầu tuyển dụng thực tế để định hướng con đường học tập của mình. Nếu ở Việt Nam có được nhiều những cơ hội như vậy thì em nghĩ số du học sinh trở về sẽ nhiều hơn”.


Nam du học sinh Phạm Ngọc đề xuất Nhà nước tạo cầu nối thông tin giữa du học sinh và nhà tuyển dụng Việt Nam.

Nam du học sinh Phạm Ngọc đề xuất Nhà nước tạo cầu nối thông tin giữa du học sinh và nhà tuyển dụng Việt Nam.

Vì thế theo Phạm Ngọc, việc tạo cơ hội cho du học sinh kết nối với các nhà tuyển dụng tại Việt Nam là một hướng đi thiết thực để thu hút du học sinh về nước làm việc sau khi tốt nghiệp. Đó có thể là một kênh thông tin chính thống, một trang web tìm kiếm việc làm do Nhà nước bảo trợ hay các hội thảo/ hội chợ nghề nghiệp cho du học sinh…

“Hơn thế nữa, một cơ chế tài trợ và thúc đẩy các chương trình thực tập cho học sinh (cả trong và ngoài nước) cũng có thể góp phần giúp sinh viên trong và ngoài nước có cơ hội định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

Việc có những chương trình thực tập cho học sinh đang gia tăng về số lượng, nhưng nếu được làm thành một cuộc phát động do Nhà nước bảo trợ và truyền bá thì sức hút sẽ lớn hơn nhiều. Những cuộc phát động về nhận thức như “Người Việt dùng hàng Việt” đã chứng minh hiệu quả của hướng đi này”, Ngọc đề xuất.

Giải quyết các “vấn nạn” kinh tế – xã hội – chính trị

Chị Lê Thúy (tốt nghiệp trường Copenhagen University, Đan Mạch), hiện là chuyên gia tư vấn y tế công tại Mỹ bày tỏ: “Từ sâu bên trong, như là một người Việt, tự nhiên người ta muốn trở về quê hương để được gần gũi với người thân và gốc rễ… Nhưng có nhiều điều khiến họ xem xét lại như các “vấn nạn” ô nhiễm môi trường, quan liêu… hiện nay đã khiến người trí thức cân nhắc việc trở lại.

Chừng nào còn cơ chế xin – cho, tham nhũng, lương không thoả đáng, chất xám không được trọng dụng đúng mức… thì chừng đó chưa thu hút được nhân tài.

Rất buồn thấy những câu chuyện về sự thực một số nông dân chế tạo được máy móc áp dụng cho nông nghiệp nhưng họ lại không được khuyến khích phát triển, thử nghiệm và sáng tạo, mà thậm chí còn bị gây khó dễ (trong khi nhiều “tiến sĩ giấy” cả đời không phát minh được sản phẩm công nghệ nào phục vụ đời sống), bất cập và bất công cả từ những chỗ đó”.


GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah - Mỹ) nhấn mạnh đến cải cách cơ chế tuyển chọn người tài và môi trường hành chính, đãi ngộ để thu hút người tài trong và ngoài nước.

GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah – Mỹ) nhấn mạnh đến cải cách cơ chế tuyển chọn người tài và môi trường hành chính, đãi ngộ để thu hút người tài trong và ngoài nước.

Cởi bỏ cơ chế quản lý nặng nề ở các cơ quan Nhà nước

Nói về nguyên nhân tình trạng “một đi không trở lại” của nhiều du học sinh, trí thức Việt, GS Trương Nguyện Thành, hiện đang công tác tại trường ĐH Utah (Mỹ), đồng thời là Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM cho rằng, chỉ có một lý do và nó xuất phát từ quyền tự do căn bản của con người, đó là quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân.

Khi con người có sự lựa chọn nơi làm việc thì họ sẽ chọn nơi đem lại cho họ những hạnh phúc cá nhân nhiều nhất, trong đó có cơ hội phát triển cho mình. Về Việt Nam chỉ là một trong những lựa chọn. Nếu quyết định không về điều này đồng nghĩa là họ có sự lựa chọn tốt hơn.

Nhân chuyện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất các biện pháp thu hút và sử dụng du học sinh Việt Nam tốt nghiệp về nước làm việc, GS Trương Nguyện Thành từng thực hiện một trưng cầu ý kiến trên mạng lưới liên kết trí thức Việt toàn cầu (iVANet), kết quả cho thấy, 2 yếu tố chính cho quyết định ở hay về của du học sinh đó là môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ.

Ông cũng nêu lên thực trạng, đa số du học sinh trở về Việt Nam thì thường lựa chọn làm cho công ty nước ngoài. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài đáp ứng được hai nhu cầu đó.

Trong khi đó, rất ít người trở về làm việc trong cơ quan nhà nước, trừ trường hợp các tiến sĩ nước ngoài về giảng dạy ở các trường đại học.

“Với kinh nghiệm làm việc trong cơ quan nhà nước tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM tuy được một số cơ chế đặc thù, tôi vẫn thấy rằng cơ chế hành chính ở các cơ quan nhà nước còn quá nặng nề và đang trói buộc nhân viên.

Chính những cơ chế này làm môi trường làm việc trở nên gò bó và nhàm chán. Do đó nó không thu hút được người tài mà chỉ thu hút người muốn ăn lương và hưởng lộc Nhà nước”, GS Trương Nguyện Thành chia sẻ.

GS Trương Nguyện Thành đề xuất 3 giải pháp thu hút người tài phục vụ đất nước. Bao gồm:

Thứ nhất, đặt trọng tâm hàng đầu vào tài năng trong việc tuyển chọn nhân viên.

Thứ hai, cởi bỏ các cơ chế hành chính và quản lý đa chiều nặng nề ở các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, có chế độ đãi ngộ tương ứng với hiệu quả công việc.

Lệ Thu/Dân trí