Chỉnh ngữ âm cho trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch

0
1052

Chỉnh ngữ âm cho trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch

Từ trước đến nay khi trẻ bị dị tật về sứt môi, hở hàm ếch, các bậc phụ huynh thường chỉ nghĩ đến việc phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ mà ít người để ý và có kiến thức về việc chỉnh ngữ âm cho trẻ.

Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư đã tổ chức “lớp” chỉnh ngữ âm cho trẻ để giúp trẻ sau phẫu thuật có thể phát triển bình thường về mặt ngôn ngữ.

Gặp rào cản về giao tiếp

Bé T.N.N (3 tuổi, Hà Nam) đã tìm lại được nụ cười tươi sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư phẫu thuật tạo hình lại khe hở môi, khe hở hàm ếch toàn bộ hai bên làm hàm và chỉnh hình lại hai răng trước chìa hẳn ra ngoài.

PGS.TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phục hình Hàm Mặt – Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư cho biết, bé N bị khe hở môi, khe hở hàm ếch toàn bộ hai bên nên bệnh nhân nhi phải trải qua 3 – 4 lần phẫu thuật các bác sĩ mới sửa hết toàn bộ dị tật hàm mặt.

Theo PGS Tuyến, dị tật hở môi phát hiện được qua siêu âm thai khi thai nhi được 4 – 5 tháng nhưng khe hở hàm ếch thì khó thấy. Cũng có khi tư thế nằm của thai nhi ở thời điểm siêu âm không phát hiện dị tật hở môi.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều bậc phụ huynh khi siêu âm thai biết con bị dị tật hở môi rất sốc, lo lắng, thậm chí còn cương quyết phá thai nhi mặc dù được các bác sĩ tư vấn là việc làm này hoàn toàn không nên vì y học đã điều trị được căn bệnh này.

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư cho biết, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 2.000 – 3.000 trường hợp trẻ sinh ra bị dị tật khe hở vòm môi – vòm miệng.

Hiện nay, cũng rất may mắn cho trẻ em sinh ra bị dị tật này đều được phẫu thuật miễn phí. Tuy nhiên, việc chăm sóc, luyện tập phục hồi sau mổ của trẻ vẫn chưa được quan tâm dẫn đến tình trạng trẻ gặp nhiều rào cản trong vấn đề giao tiếp.

PGS Tuyến cho biết thêm, đối với trẻ bị hở môi, hở hàm ếch luôn gặp khó khi phát âm nên thường bị ngọng, phát âm không tròn chữ.

Để bé không ngọng, phát âm rõ ràng, phụ huynh cần đưa trẻ đi phẫu thuật sớm (trước 3 tuổi) và tập luyện phát âm ở bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng cũng như ở nhà cho trẻ.

Từ 4 – 6 tuổi nếu cần sửa chữa gì thêm thì bác sĩ sẽ sửa tiếp cho hoàn chỉnh. Chỉ có như vậy khi trẻ vào lớp 1 mới không bị ngọng.

Phải kiên trì luyện tập

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư, việc mổ đóng khe hở môi – vòm miệng vào là xong, nhưng thực tế, đây mới là sự khởi đầu của cả một giai đoạn dài bởi vì khe hở chỉ là những điều mà mắt chúng ta nhìn thấy, còn sau đó là chỉnh răng, chỉnh hình mặt, khe hở hàm và đặc biệt là giọng nói bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhiều bậc phụ huynh của các bệnh nhân này không biết và không có kiến thức đầy đủ về vấn đề này. Ngay sau khi các bác sĩ mổ xong, họ đã không cho con đi tập phát âm, và khi đã lớn tuổi thì việc tập luyện rất khó khăn.

GS Hải cho rằng, quá trình luyện tập âm ngữ trị liệu rất phức tạp, phải làm quen với việc để hơi thoát ra từ miệng khi nói hoặc thổi, tạo động lực để bé tự nói càng nhiều càng tốt, giúp bé nghe và phân biệt các âm, các từ thường nói sai…

Việc này thường kéo dài từ 1 – 2 năm, tùy thuộc vào sự kiên trì của phụ huynh, sự hợp tác của trẻ, tình trạng bệnh, sự hỗ trợ của nhà trường và giáo viên… Nếu sau khi tập phát âm, tình trạng nói ngọng vẫn không cải thiện, phải đưa trẻ đi kiểm tra lại tại bệnh viện. Nếu khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn và còn khe hở ở vòm cứng hay vòm mềm thì cần phẫu thuật lại để đóng kín lỗ thông.

GS Hải đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh sau khi trẻ phẫu thuật hở hàm ếch, phụ huynh nên hỗ trợ để trẻ có thể phát âm tốt hơn bằng cách thường xuyên massage vết mổ; cho trẻ tập thổi bóng hoặc thổi ống trong cốc nước để giúp các cơ ở vòm miệng và vòm họng hoạt động tốt hơn.

Đồng thời, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên viên âm ngữ trị liệu để đánh giá tình trạng phát âm của trẻ, nếu cần thiết sẽ tiến hành luyện tập âm ngữ trị liệu.

Kiều Việt Thành/Giáo Dục và Thời Đại