Mai Thị Liên Giang kết nối khoảng trống giữa nhà văn với người đọc

0
898

Khi môi trường học thuật khởi sắc, dân chủ, tự do thì chẳng những người làm công tác lý luận phê bình có điều kiện thể hiện năng lực mà nhà văn và bạn đọc cũng hưởng lợi. Không còn cứng nhắc một chiều, nhà phê bình cùng đồng hành sáng tạo, liên tài với nhà văn trên cơ sở văn bản học, đồng thời vẫy gọi, kết nối, gợi hứng cho bạn đọc cùng khám phá, hưởng thụ, nâng cao những giá trị văn chương. Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang với tác phẩm mới “An trú miền đọc” đã bước đi vững vàng theo hướng ấy…

TS. Mai Thị Liên Giang

Một trong những gương mặt tiêu biểu của phê bình trẻ phái đẹp

Có một thời trên các diễn đàn phê bình văn học nước ta và ngay cả đề tài hướng dẫn luận văn, luận án trong các trường đại học, viện nghiên cứu, đối tượng thường trực là các tác giả tác phẩm mang tính kinh điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà,… rồi đến Thơ mới, văn học hiện thực phê phán, văn học kháng chiến. Các nhà lý luận phê bình lẫn giáo dục ngại đụng chạm đến những vấn đề văn học hiện đại, nhất là các tác giả tác phẩm xuất hiện sau ngày đất nước Đổi mới năm 1986. Vì vậy, phê bình văn học gần như bị tụt hậu, đánh mất sứ mệnh đồng hành, động lực, dự cảm đối với đời sống sáng tác.

Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, lý luận phê bình văn học nước ta có một sự chuyển biến mạnh mẽ. Ngoài việc du nhập các học thuyết, trường phái nghiên cứu tinh hoa của thế giới thì một đội ngũ phê bình trẻ đã xuất hiện, được đào tạo bài bản trong một môi trường giáo dục, nghiên cứu thuận lợi, tự do hơn. Đặc biệt ở thập niên thứ hai của thế kỷ mới đã chứng kiến sự xuất hiện liên tục các tác phẩm phê bình văn học, nhất là của các cây bút trẻ có những cách nhìn đa chiều và riêng khác biệt, mà đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các tác phẩm văn học đương đại trong nước và thế giới.

Hoạt động lý luận phê bình đổi mới, đội ngũ cầm bút kế thừa phong phú và lớn mạnh. Điều thú vị là những người viết phê bình trẻ phái đẹp ngày càng nhiều hơn phái mày râu, chủ yếu họ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, mạnh dạn xuất bản các công trình. Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang của Trường Đại học Quảng Bình là một trong những gương mặt tiêu biểu như vậy. Hợp cùng với Cao Thị Hồng, Hoàng Thuỵ Anh, Lê Thị Thanh Tâm, Hoả Diệu Thuý, Trần Huyền Sâm, Thái Phan Vàng Anh, Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Thị Thu Trang, Hà Thanh Vân, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Hoàng Hường, La Mai Thi Gia, Nguyễn Thị Phương Thuý, Trần Thị Ánh Nguyệt,… Mai Thị Liên Giang là một trong những nữ phê bình trẻ đang đồng hành và tiếp thêm cảm hứng, động lực mạnh mẽ cho giới sáng tác, kết nối nhà văn với bạn đọc trên cơ sở văn bản.

Riêng với tỉnh Quảng Bình, tiếp bước Lý Hoài Thu – tác giả của Văn nhân quân đội, Mai Thị Liên Giang cùng Hoàng Thuỵ Anh là hai gương mặt nữ trí thức tài năng, bản lĩnh, nhiệt huyết trong lĩnh vực phê bình, nhưng khác với bậc đàn chị từ lâu đã chuyển ra Hà Nội, hai bạn trẻ hiện vẫn sống, sáng tạo, cống hiến tại quê hương. Và nếu như Hoàng Thuỵ Anh đã xuất bản 4 công trình nghiên cứu thì Mai Thị Liên Giang cũng đã ra mắt 2 công trình: “Chủ thể tiếp nhận và lịch sử tiếp nhận Thơ mới” (2015) và “An trú miền đọc” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành mùa thu 2018.

Với chuyên luận “Chủ thể tiếp nhận và lịch sử tiếp nhận Thơ mới”, Mai Thị Liên Giang đã góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị của một phong trào thơ Việt từ nửa đầu thế kỷ XX. Sau công trình đầu tay ấy, chị bước vào nghiên cứu những tác phẩm văn học hiện đại ở trong và ngoài nước để chủ yếu dựng nên tập tiểu luận – phê bình “An trú miền đọc” từ các thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, lý luận phê bình và cả các sự kiện văn học. Chẳng những tinh lọc, đồng hành và tái sáng tạo cùng nhà văn từ cơ sở văn bản mà chị còn vẫy gọi, dẫn dụ người đọc cùng khám phá, liên tưởng, khơi mở những giá trị văn học bằng những phương pháp khác nhau.

Tác phẩm “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang

Tự chọn phương pháp đọc sách riêng biệt và đúng hướng

Tập tiểu luận – phê bình “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang dày 332 trang, gồm 26 bài, trong đó có 9 bài phê bình về thơ, 5 bài phê bình văn xuôi; 12 bài phê bình lý luận, ý kiến văn học. Ở lời tựa sách, PGS.TS Lý Hoài Thu đã nhận định xác đáng: “Trong thế giới đầy biến động, việc tìm đến một miền an trú thảnh thơi có phương pháp riêng sẽ góp phần tích cực trong việc kéo dài niềm an lạc cho cuộc sống con người. Đối với tác giả, đọc như là một kiểu trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật, một cách nối kết khoảng trống giữa người làm công tác phê bình lý luận và sáng tác văn học. Từ những đánh giá thành tựu và hạn chế của một số công trình lý luận một cách khoa học, nghiêm túc, khách quan; một số cảm nhận, ý kiến phê bình khá sắc sảo, thuyết phục từ các đặc điểm nhìn khác nhau, TS Mai Thị Liên Giang đã tiếp tục xác định được một khoảng lặng riêng biệt, thú vị ở sự đọc”.

Không phải là một bạn đọc bình thường mà Mai Thị Liên Giang là một người đọc chuyên nghiệp và lý tưởng, có phương pháp và mục đích, đồng hành và chiếu rọi văn bản của nhà văn để giải mã, khai mở, đối thoại, liên tưởng trong niềm cảm hứng tái sáng tạo. Từ trải nghiệm của mình chị viết: “Nói đến việc đọc tác phẩm văn học hẳn nhiều người sẽ cho rằng: chuyện xưa như trái đất, ai mà chẳng đọc được khi đã biết chữ. Tuy nhiên vấn đề của người đọc là biết phát ra âm thanh từ các con chữ vẫn chưa phải là biết đọc. Trong quá trình tiếp nhận văn học, hay trong quá trình đọc sách, người đọc phải đối diện trực tiếp với những văn bản. Đây chính là một trong những đối tượng thường trực trong quá trình đối thoại với văn học. Thực tế, ở Việt Nam có những giai đoạn, người đọc đối diện với những quan điểm, tư tưởng của sách chứ không phải là văn bản sách” (Người đọc và những thách thức của văn học thị trường Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá”, tr.263).

Cũng trong bài viết trên Mai Thị Liên Giang còn trình bày rõ hơn về nghệ thuật đọc sách hiện nay trước thực trạng phát triển của văn học thị trường. Mỗi người đọc phải tự biết định hướng và tìm ra phương pháp phù hợp, có thể chọn cách đọc theo các quan điểm ấn tượng học, thi pháp học, ký hiệu học, xã hội học, văn hoá học, hiện tượng học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, phê bình mới, hướng sinh thái, nữ quyền luận, hậu hiện đại,… Theo tác giả: “Khó có thể giải mã cái mới bằng phương pháp đọc lỗi thời. Một đòi hỏi cao với người đọc là phải có sáng tạo, tiếp thu phù hợp với các xu hướng phát triển của văn học. Cần tránh tình trạng thấy sách nào cũng đọc thì cũng không đủ thời gian. Đặc biệt trước trào lưu truyện ngôn tình, người đọc cần có thái độ nghiêm túc và kỹ năng trong việc đọc. Cần đọc trên tinh thần cùng sáng tạo. Trước một tác phẩm mới cần có tầm nhìn bao quát, thái độ khách quan, khoa học để đào thải những sách hời hợt, không có giá trị khoa học” (tr.278-279).

Trên cơ sở phương pháp đọc sách ấy, Mai Thị Liên Giang đã bám sát văn bản tác phẩm để khám phá, phát hiện, nghiên cứu, luận giải, khai phóng cái hay cái đẹp và nhiều điều thú vị mà đôi khi chính nhà văn sáng tác cũng không nghĩ tới. Bằng sự trân quý, chị đặt mình ở tâm thế người đọc đồng hành với hoạt động sáng tạo của tác giả, liên tài với tác giả, đồng thời kết nối khoảng trống giữa người đọc với nhà văn. Hơn nữa, với tư duy mạch lạc, văn phong khúc chiết và đầy cảm xúc, cách nhìn tinh tế và sâu sắc, những bài tiểu luận phê bình của Mai Thị Liên Giang có sức quyến rũ, lôi cuốn, vẫy gọi người đọc dõi theo từng con chữ của mình.

                     TS. Mai Thị Liên Giang còn là nhà quản lý, đang là Phó Hiệu trưởng Đại học Quảng Bình.

Giải mã mật từ và hấp lực của từng trang viết

Theo cảm nhận của nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh trong lời bạt tác phẩm của đồng nghiệp Mai Thị Liên Giang: “Cách chị khảo sát và phân tích cấu trúc ngôn từ, hệ thống và ý nghĩa của các biểu tượng, âm thanh, không gian, thời gian, tính liên văn bản, trò chơi hội thoại, lạ hoá, ẩn dụ kép,… trong thơ Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Vũ Thuật, Phan Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Hoan,… cho thấy một khả năng đọc kỹ lưỡng và diễn giải hết sức thấu đáo. Bản chất của thơ là sự quyến rũ, mê hoặc, hài hoà giữa cảm xúc và ngôn từ. Tìm ra điểm tương hợp của những mật từ, Mai Thị Liên Giang chỉ ra hấp lực riêng của mỗi nhà thơ”.

Hấp lực của thơ Hoàng Vũ Thuật ấy là hàm lượng văn hoá đời người. Hấp lực của thơ Trương Đăng Dung là “thất bại của cái chết”. Hấp lực của thơ Phan Hoàng là hành trình ngược lối trở về cội nguồn. Hấp lực của thơ Nguyễn Quang Thiều là kết cấu vẫy gọi và sự lạ hoá hình tượng đến phi lý. Hấp lực của thơ Hồ Thế Hà là tính biểu tượng và ám gợi. Hấp lực của thơ Trần Quang Đạo là chiều sâu ký ức thiêng liêng. Và với truyện thơ “Nàng công chúa chết và bảy tráng sĩ” của đại thi hào Nga Pushkin, Mai Thị Liên Giang đã tìm thấy “vẻ đẹp đạo đức con người qua hệ thống nhân vật cổ tích”…

Chẳng những giải mã mật từ của thơ mà Mai Thị Liên Giang còn có những phát hiện thú vị từ những tác phẩm văn xuôi qua các bài viết: “Tinh thần nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Chân trời mùa hạ của Hữu Phương”, “Đối thoại tập thể trong sáng tác của Tô Hoài trước 1945”, “K. và nỗi cô đơn thời gian trong Lâu đài”, “Tự do và trách nhiệm trong tiểu thuyết Thằng điên và quỷ sứ”, “Thánh ca và trạng thái yên ổn giả tạo trong tiểu thuyết Đứa trẻ mồ côi của Morizs Zsugmond”. Tinh thần của mỗi tiểu luận được tác giả cô đúc khá ấn tượng trong tên bài. Và cái tinh thần ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mỗi bài viết tạo nên sự chặt chẽ, quyến rũ. Chẳng hạn, đối với nhà văn Franz Kafka của Tiệp Khắc gốc Do Thái và viết bằng tiếng Đức vốn rất quen thuộc với giới nghiên cứu, bạn đọc Việt Nam, qua tác phẩm tiêu biểu của ông là Lâu đài với nhân vật chính K., Mai Thị Liên Giang đã cảm khái: “Tiếp xúc với nhân vật K., người đọc có cảm giác bấp bênh giữa thế giới hư và thực. Cái thế giới xuất hiện trong tác phẩm vừa giống vừa không giống với hiện thực bên ngoài, nó vừa có thể xảy ra vừa không thể hình dung được. Đó chính là biểu hiện của nỗi cô đơn thời gian. Khi con người đứng ở hiện tại nhìn về quá khứ, đối diện với tương lai mà không biết mình bắt đầu như thế nào và sẽ ra sao. Nhưng điều quan trọng là K. đã nhận ra những trạng thái đó của cuộc sống và dám nỗ lực, vượt lên tất cả để thực hiện bổn phận của bản thân mình trước lâu đài, trước thế giới đầy cám dỗ và bí ẩn”.

Một phần quan trọng của cuốn “An trú miền đọc” là các bài nghiên cứu về lý thuyết văn học, tác phẩm lý luận phê bình và sự kiện văn học, dựa trên cơ sở văn bản và người tiếp nhận từ thị trường sách. Đó là quan điểm về tiếp nhận văn học của Hans Robert Jauss với chủ thể tiếp nhận ở Việt Nam, quan niệm về sự đọc của Claudio Magris, cách vận dụng quan điểm của Jacque Derrida trong quá trình đọc văn bản, thi pháp học Roman Jakobson thể hiện qua phương pháp phê bình văn học của Hoàng Thuỵ Anh. Đó là nữ quyền luận trong phê bình của Trần Huyền Sâm, bút pháp phê bình của Lý Hoài Thu trong tác phẩm Văn nhân quân đội, tiên phong phê bình sinh thái của Nguyễn Thị Tịnh Thy. Đó là điểm nhìn mỹ học từ những nẻo đường văn chương của Phạm Ngọc Hiền, cách tiếp cận mới nền văn học Mỹ Latin qua chuyên luận của Phan Tuấn Anh về “nỗi cô đơn huyền thoại” của Gabriel Garcia Marquez,…

 Ngoài việc nhận diện lại một số lý thuyết văn học nước ngoài đã được dịch, giới thiệu và vận dụng vào Việt Nam, tác giả còn chỉ ra những ưu khuyết từ những lý thuyết, tác phẩm phê bình hầu chia sẻ với giới sáng tác lẫn người tiếp nhận.

Có thể nói “An trú miền đọc” là công trình nghiên cứu công phu, thấm đẫm tinh thần khoa học và nhân văn, mang bản sắc riêng khi Mai Thị Liên Giang lấy văn bản tác phẩm làm trung tâm để khảo sát, luận giải, khơi mở trí tưởng tượng sáng tạo. Đúng như đánh giá của PGS.TS Lý Hoài Thu: “Đứng trước nhiều trường phái nghiên cứu, nhiều văn bản tác phẩm văn học xuất hiện khá xô bồ ở Việt Nam hiện nay, bằng độ nhạy cảm, khoa học trong tiếp nhận, tác giả đã biết lựa chọn, đưa ra những cách đọc riêng mình để thâm nhập vào sinh thể tác phẩm”.

PHAN PHÚ YÊN