
Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Kim Trâm (42 tuổi), là chủ của một tiệm cắt tóc trên đường Nguyễn Cừ (phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM). Sống trong căn phòng trọ và cũng là cửa tiệm hớt tóc rộng gần 30 mét vuông, thường ngày chị Trâm phải thức thật sớm để nấu ăn cho các con kịp đến trường. Sau đó, chị lại mở cửa tiệm đón khách như cách mà chị vẫn làm suốt 13 năm nay.
Điều đặc biệt, là chị làm tất cả công việc trên đều chỉ bằng cánh tay phải. Mặc dù bị mất một cánh tay nhưng các thao tác của chị vẫn rất điệu nghệ, không kém các thợ bình thường là mấy.
Năm 2016, chị Trâm bị tai nạn giao thông ở Đồng Nai, hậu quả là tay trái của bị chiếc xe ben 15 tấn cán nát. Lúc đó chỉ nghĩ là cuộc đời mình thế là xong rồi, tàn tật 1 tay thì sinh hoạt đã là điều cực kỳ khó khăn, không thể tiếp tục làm nghề tóc được nữa, 2 con sẽ sống như thế nào.
Ban đầu, chị Trâm nghĩ đời mình đã “tàn”, không thể tiếp tục làm nghề tóc nên chị định sẽ lấy vé số hay thức ăn để bán. Thế nhưng, khao khát được làm tiếp nghề do người cha đã khuất truyền lại vẫn cháy bỏng. Suốt một tháng trong viện, trong đầu người phụ nữ luôn tưởng tượng, với kiểu tóc này mình sẽ xử lý ra sao, không có tay trái cố định lọn tóc để cắt thì lấy gì thay thế.
Sau khi ra viện, chị cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin. Mặc dù cửa tiệm vẫn hoạt động bình thường nhưng chủ yếu là những thợ phụ ra đón khách còn chị thì lấp ló sau bếp. Đối với chị, những công việc đơn giản từ rửa chén, nấu ăn, giặt đồ, thậm chí là mặc quần áo đều trở thành cực hình.
Một tháng sau, có vị khách quen là nam đến hớt tóc, chị Trâm lấy khăn trùm kín người. Khách hỏi, chị kể biến cố đời mình. Những tưởng khách sẽ bỏ đi nhưng bất ngờ, vị khách cao thượng này ngỏ ý muốn lấy đầu tóc mình để chị thử nghiệm cắt luôn, rồi ngồi vào ghế.
Xúc động, chị Trâm cầm tông đơ bắt đầu thử. Hôm đó “đánh vật” gần một tiếng đồng hồ, xoay sở đủ cách chị Trâm cũng hoàn thiện xong đầu tóc cho khách. Vị khách đó về sau còn giới thiệu những người bạn của mình đến tiệm của chị ủng hộ.
Tuy nhiên, không phải khách nào cũng đủ “dũng cảm” để cho chị cắt tóc với một tay, có người đến rồi lại bỏ đi. Có người cũng để chị thử, nhưng dù là khách ruột, chị không còn thấy họ quay lại thêm lần nào nữa. Sau nửa năm kể từ ngày bị tai nạn, cửa tiệm ngày càng vắng khách, có hôm cả ngày chỉ có đúng một người. Tiền công, cũng chỉ dám lấy một nửa.
Ít cắt tóc, nhưng chị nhận gội đầu cho khách nhiều hơn, tay phải đảm đương nhiệm vụ của cả hai tay trước kia. Mỗi khi xong việc, cánh tay chị buông thõng, run rẩy vì quá mỏi. Hàm răng và miệng thì tê cứng bởi phải kẹp vòi nước.

Phải mất một năm kể từ sau tai nạn, chị Trâm mới quen với cơ thể mới, các thao tác cắt tóc dần thuần thục hơn và chị đã có lại lượng khách ổn định. Tuy không đông như ban đầu, nhưng cũng đủ cho chị trang trải cuộc sống và trả tiền thuê nhà.
Chị Mỹ Duyên, 27 tuổi, một người dân ở phường Thảo Điền cho biết trên Vnexpress: “Mình biết chị Trâm cắt tóc một tay lâu rồi nhưng chưa biết tay nghề của chị ấy thế nào nên còn ngại, sợ hư tóc. Vừa rồi mình đã đến tiệm, thấy rất lạ vì trước giờ chưa có thợ nào cắt tóc cho mình bằng tông đơ như chị ấy cả. Chị Trâm cắt rất nhanh và đẹp”.
Hiện tại, thu nhập từ nghề giúp chị đủ trả tiền thuê nhà, lo được cho hai người con ăn học. Bà mẹ đơn thân không còn buồn chuyện cũ. Điều khiến chị chạnh lòng nhất là suốt mấy năm nay, chị không thể tự mình chở hai con đi chơi. Sợ tốn tiền xe ôm nên ba mẹ con thường chỉ quanh quẩn ở nhà.
Có lần, cậu con trai 9 tuổi của chị bị bạn bè ở trường trêu có mẹ một tay, suy nghĩ mất 3 tháng, cậu bé mới dám đáp trả bạn: “Mình rất tự hào về mẹ, mẹ mình một tay nhưng có thể nuôi được chị em mình ăn học”.
Vân Tùy