Trang chủ Giáo dục ‘Bé không vin cả gãy cành’, dù xót con đến đâu, cha...

‘Bé không vin cả gãy cành’, dù xót con đến đâu, cha mẹ cũng nên để trẻ chịu đựng mấy loại ‘khổ’ này

0
307
Ảnh: Freepik.

Có một câu nói khá sai lầm nhưng lại khá phổ biến với những người làm cha làm mẹ trong thời đại hiện nay, đó là bản thân dù có khổ đến đâu cũng không thể để con trẻ chịu khổ, cách nói này dường như đã trở thành “chân lý”, nhất là với những gia đình sống ở thành thị, thật là di hại vô cùng. 

Tuy nhiên, về việc nuôi dạy con trẻ, người xưa từ sớm đã đưa ra được cái nhìn tổng quát rằng: “Cha nghiêm dạy được con hiếu thảo, mẹ hiền phần nhiều khiến con hư”. Ngày trước, tôi từng đọc qua bài viết nói về một người mẹ đã hết mực cưng chiều con trai mình. Từ bé đến lớn, cậu con trai không phải động tay động chân làm bất kỳ việc gì, cả việc ăn uống đều có mẹ “cơm bưng nước rót”, điều này vô tình đã khiến cậu trở nên lười nhác, chỉ thích hưởng thụ và lười lao động. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu con trai vẫn vô công rỗi nghề ở nhà, người mẹ lúc này đã nghỉ hưu, khuyên cậu ra ngoài kiếm việc làm, cậu cãi lại mẹ mình rằng: “Nếu mẹ đã không thể nuôi con cả đời, vậy sao lúc nhỏ lại chiều chuộng con đến vậy?”.

Việc vun đắp khả năng chịu khổ và tình cảm yêu thương của con trẻ, trước nay không phải là điều dễ dàng. Để đại bàng con học bay, đại bàng mẹ đã đưa nó đến vách đá, rồi thả ra, để đại bàng con rơi xuống vực sâu. Để tồn tại, con đại bàng con chỉ có thể vỗ cánh trong tuyệt vọng, và cuối cùng bay lên cao chỉ một giây trước khi rơi xuống đáy vách đá.

Con người cũng vậy, một đứa trẻ sống trong hũ mật, nếu không thể tự đối mặt với thử thách thì sau này tung cánh, cũng khó có thể bay xa. Dù thương con, xót con đến đâu, bạn cũng nên để con chịu đựng 6 loại “khổ” này, tin chắc rằng trong tương lai chúng sẽ cảm ơn bạn.

Cái khổ trong học tập

Những người có tuổi thường nói: Thời trẻ mà không chịu được cái khổ trong học hành thì sau này bù lại phải nếm mùi đắng cay của cuộc đời. Một tuổi thơ vui vẻ không có nghĩa là nuông chiều con trẻ hết mực, trẻ con sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu được kiến thức và kỹ năng sống, đó mới là năm tháng tuổi thơ năng động hoạt bát mà không phí hoài tuổi trẻ.

Hoàng đế Khang Hy từng căn dặn các hoàng tử rằng: “Con người ta lúc nhỏ, tinh thần khá chuyên nhất, không có tư tâm tạp niệm, tư tưởng thông suốt không chướng ngại; sau khi trưởng thành rồi, tư tưởng rất khó tập trung, đầu óc như sông biển quay lộn, vậy nên lúc nhỏ là cơ hội tốt nhất để học hành, các con tuyệt đối đừng lỡ mất cơ hội học tập tốt như vậy”.

Câu nói này cho chúng ta thấy ý nghĩa quan trọng của việc đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta nên học tập càng sớm càng tốt, đừng đợi đến sau này mới nhận ra rằng “tuổi trẻ không gắng sức, già cả phải ngậm ngùi”.

Cuộc sống của người có học hành và người không học là hoàn toàn khác nhau. Những đứa trẻ không thích học đến trường rất thoải mái, trong khi những đứa trẻ khác lắng nghe thì lại sao nhãng, trong khi trẻ khác học thì mình lại mãi chơi. Nhưng sau khi trưởng thành, họ trở thành một người không có tri thức, chẳng biết gì, họ chỉ có thể làm những công việc mệt mỏi nhất và sống một cuộc đời khó khăn nhất. Họ đã “bỏ lỡ” nửa đầu cuộc đời trong sự lười biếng, và tuyệt vọng trả giá trong nửa đời sau của mình. Dẫu học hành là vất vả nhưng không học hành thì cuộc sống càng khó nhọc hơn. Không chịu được cái khổ trong học hành, nó cũng khiến ta mất đi nhiều lựa chọn và cơ hội sau này.

Ảnh: Freepik.

Nhà thơ Lâm Bôn thời Bắc Tống đã từng nói: “Trẻ không siêng năng, về già vất vả, trẻ nghe theo người nhà, về già sẽ an vui”. Cái khổ trong học hành bắt đầu từ chịu khổ những việc nhỏ, đừng sợ khổ, hãy chủ động chịu khổ, chịu khổ càng nhiều thì tương lai càng rộng mở.

Chịu khổ trong suy nghĩ

Khổng Tử đã từng nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi”, tức học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt”.

Một giáo sư ở đại học Trung Quốc chỉ ra rằng: Ở Trung Quốc, 90% trẻ em đang học giả vờ. Một số trẻ cảm thấy việc học là như vậy, đến lớp đúng giờ và làm bài đúng giờ, nếu đạt điểm cao thì cho rằng may mắn, còn bị điểm kém thì thừa nhận mình ‘dốt’. Những đứa trẻ này đã từ bỏ việc chủ động sử dụng não bộ, không muốn giải quyết vấn đề và rơi vào trạng thái thụ động cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tất cả sự trì hoãn, không hoạt động, chán học, thụt lùi hay trì trệ điểm số là do trẻ không muốn “khổ” trong suy nghĩ. Để rèn luyện một đứa trẻ chăm chỉ và chăm học, cha mẹ hãy dành cho con sự kiểm soát phù hợp. Có lẽ, trên đời này không có đứa trẻ nào thực sự dốt, mà chỉ có những đứa trẻ “dốt từ sự lười biếng” mà thôi.

Là cha mẹ, chúng ta đều biết rằng khi lớn lên, người ta thường hối tiếc điều này, hối tiếc điều khác… .“Tôi tiếc rằng tôi đã không học một chuyên ngành, để rồi khi lớn lên, tôi không có gì nổi bật; tôi hối hận vì mình đã không cố gắng học hành chăm chỉ, để khi lớn lên không có được cuộc sống như mong muốn”.

Vậy, sao ta không bảo ban con từ nhỏ: “Khổ chút, ráng kiên trì con nhé, có khổ cũng ráng chịu đựng, con nhé!”.

Chịu khổ trong sự “kiên trì”

Dạy trẻ tính kiên trì là dạy trẻ đam mê với mọi việc, có mục tiêu, nỗ lực hết mình, cố gắng không ngừng, luôn vững vàng, không bỏ cuộc dù có gặp phải những gian nan, thử thách, thậm chí là những thất bại cũng không buông bỏ và quyết tâm làm đến cùng.

Sự kiên trì là một đức tính, phẩm chất đạo đức tốt có ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi người và cần phải được phát huy. Sự kiên trì là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên sự thành công của mỗi người trong cuộc sống. Ông cha ta có câu “có công mài sắt có ngày nên kim” – đây cũng chính là lời răn dạy đối với chúng ta sống phải có sự kiên trì, chịu khó, luôn phải biết nhẫn nại trong cuộc sống thì mới có thể gặt hái được thành công nhất định.

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi khó khăn và chỉ có sự kiên trì mới có thể hóa giải. Hạnh phúc thật sự là kết quả của sự vượt khó, chỉ khi thông qua nỗ lực kiên trì không ngừng, khắc phục khó khăn, chúng ta mới cảm thấy đạt được thành công không hề dễ dàng, mới cảm thấy trân quý những gì mình đã nỗ lực đạt được.

Trên con đường học vấn, quan trọng nhất là cha mẹ đừng bỏ cuộc, đừng dạy con qua loa, bởi kiên trì với những gì nên kiên trì là trách nhiệm lớn nhất đối với con trẻ.

Cái khổ trong lao động 

Nền tảng của việc xây dựng gia đình và khởi nghiệp không thể tách rời cần cù lao động, thêm một phần cày cấy, thì có thêm một phần thu hoạch, cổ ngữ nói “đạo trời khen thưởng người chăm chỉ”.

Các bậc hiền triết đã để lại nhiều danh ngôn rất chuẩn. Hoàng đế Khang Hy từng dạy rằng: “Thánh nhân lấy cần cù lao động làm phúc, xem nhàn hạ như tai họa”.

Âu Dương Tu cũng nói: “Khó khăn mới thấy được người tài, có chí ắt thành công”. Ông nói rằng khó khăn gian khổ có thể kích thích tiềm năng của một người.

Lao động là niềm vinh quang nhất, cũng là điều khó khăn và mệt mỏi nhất. Những người yêu thích lao động và sẵn sàng đổ mồ hôi, hầu hết cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn. Có một câu nói rằng: “Người càng biết nhác thì càng khó được trọng dụng”.

Ảnh: Freepik.

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy khuyến khích con cái làm việc nhà, và hãy làm nhiều hơn một chút trong khả năng của mình, làm vậy không chỉ để san sẻ trách nhiệm với gia đình mà còn để con cái hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của lao động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ càng yêu lao động thì tương lai tỷ lệ thành đạt càng cao và càng hạnh phúc hơn trong cuộc sống, đây là điều mà những đứa trẻ lười lao động không thể có được. Ngược lại, những đứa trẻ được cưng chiều hết mực, được ăn sung mặc sướng, nếu vẫn cứ như vậy cho đến lớn, các kỹ năng sống cơ bản như nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa,… cũng không biết, vô tình đã trở thành một “đứa trẻ to xác”, và tất nhiên sẽ khó làm được công việc gì ngoài xã hội.

Vậy nên, thật sự yêu thương con trẻ không phải lúc nào cũng biết chăm chăm cho con trẻ “con cá” mỗi khi nó cần, mà hãy cho con trẻ “cái cần câu”, biết buông tay một cách hợp lý, cho trẻ có cơ hội trưởng thành.

Cái khổ từ những lời chỉ trích

Một người dẫn chương trình đã từng nói một câu như vậy: “Sinh con thì dễ nhưng nuôi con mới khó; nuôi con thì dễ nhưng dạy con mới khó”. Rất nhiều bậc cha mẹ vì thương con mà ngại phê bình, khiến con cái ngày càng không hiểu chuyện và ương bướng.

Nếu cha mẹ không phê bình và “kỷ luật” con trẻ một cách hợp lý, thì chính là đang nuông chiều, dung túng và làm hư con mình. Chẳng có trẻ nào thích bị phê bình, nhưng sự không thoải mái xuất phát từ những lời phê bình đó sẽ giúp trẻ nhận ra được chỗ thiếu sót, và hiểu rằng mình đã không hoàn thành tốt công việc hoặc không vâng lời như thế nào.

Người xưa có câu: “Cây nhỏ thì cắt tỉa, trẻ nhỏ nhất định phải quản”. Những cây con đang phát triển chỉ có thể phát triển mạnh mẽ hơn sau khi được cắt tỉa, và những đứa trẻ đang lớn chỉ có thể tốt hơn sau khi được hưởng sự giáo dục tốt.

Cái khổ thiếu thốn tiền bạc

Mức sống ngày càng được cải thiện, cha mẹ bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống của con cái, dành cho con cái mọi thứ tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, cái cần thiết cho con trẻ nhiều khi không phải những thứ này. Ngoài cuộc sống sung túc về vật chất ra, thì trẻ lại thiếu thốn đủ bề về kiến thức và kỹ năng sống cần có ngoài xã hội. Vì tiền đã được chu cấp sẵn nên trẻ sẽ không biết quý trọng. Chỉ khi chúng ta cho trẻ thể nghiệm cái khổ khi thiếu thốn tiền bạc là như thế nào, con trẻ mới hiểu được giá trị thật sự của đồng tiền mà bố mẹ vất vả kiếm được.

Việc giúp con con trẻ hiểu được tiền bạc không phải dễ dàng mà có được, điều này cũng giúp trẻ biết cách quản lý tiền bạc hơn.

Cái khổ trong thất bại

Chúng ta biết rằng trong cuộc sống thì mười phân có tám chín phần không như ý. Khi chúng ta nhìn thấy khoảnh khắc vinh dự của những người vươn lên từ nghịch cảnh trong cuộc sống, đó đều không phải ngẫu nhiên mà người ta có được thành tựu như vậy.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ sợ con mình gặp thất bại. Vì sợ con đau khổ, mỗi khi chúng không thành công, trong tiềm thức cha mẹ sẽ nghĩ đủ cách để bảo vệ chúng. Cách bảo vệ này của cha mẹ không tốt cho sự phát triển của trẻ, sẽ chỉ khiến trẻ ngày càng trở nên kém độc lập và ỷ lại, yếu đuối và vụng về.

Cuộc đời mỗi người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, con người ta dù thành công đến đâu cũng phải trải qua vô số thất bại, dù bạn là ai thì cuộc đời cũng sẽ có lúc ít nhiều gặp phải đau khổ, không suôn sẻ. Vậy nên, hãy để trẻ hiểu rằng chỉ có tự mình đứng lên mới có thể đánh gục mọi thất bại và thử thách bản thân.

Trong suốt thời kỳ lớn lên của trẻ, cha mẹ không nên bao bọc con trẻ quá kỹ, mà hãy cho con cái học cách chịu đựng thất bại, nếm trải đau khổ, vì đó là liều thuốc tốt cho sự trưởng thành.

Nhà văn Âu Dương Tu thời Bắc Tống từng nói: “Khó khăn không chỉ bộc lộ tài năng, mà còn đắc được thành quả. “Chịu khó một lúc, thọ dụng cả đời”, chỉ có cách để trẻ “chịu đựng” những nỗi khổ nên phải chịu đựng, chúng mới có thể “thoát thai hoán cốt”, mới có thể nhìn thấy được quang cảnh xa hơn. Chỉ khi đánh gục được mọi khó khăn, trắc trở, dám dũng cảm thử thách bản thân, sau này dù vấp phải khó khăn sẽ không dễ nản lòng, mà can đảm lựa chọn đối mặt với khó khăn bằng tinh thần lạc quan, cuối cùng sẽ thành công.

Người lớn chúng ta chỉ cần trầm tĩnh suy ngẫm và nhìn lại những trải nghiệm đã qua, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cái khổ mà mỗi người cần phải trải qua trong đời là điều không sao tránh khỏi. Những đau khổ mà chúng ta đã né tránh trước đây sẽ có ngày quay trở lại, thậm chí còn phải nếm trải nhiều thống khổ hơn nữa.

Nếu cuộc đời mỗi người đều phải “trải qua mưa gió mới thấy được cầu vồng”, chi bằng hãy cho trẻ nếm trải cái khổ trước mắt, điều này sẽ giúp chúng trưởng thành và mạnh mẽ hơn trên đường đời. Thiết nghĩ, đó mới là điều mà mỗi đứa trẻ thật sự cần và cũng là tình thương thật sự mà bố mẹ dành cho con trẻ. Có thể lúc nhỏ trẻ chưa nhận thức ra điều này, nhưng sau này khi chúng lớn lên và hiểu chuyện rồi, từ sâu trong tâm chúng sẽ thật sự cảm ơn và biết ơn bạn về những cái khổ mà bạn đã làm cho chúng lúc nhỏ.