Trang chủ Giáo dục Trẻ ‘im lặng’ hay ‘cãi lại’ sau khi bị mắng, lớn lên...

Trẻ ‘im lặng’ hay ‘cãi lại’ sau khi bị mắng, lớn lên sẽ có tính cách như thế nào?

0
225
Ảnh: Freepik.

Tin chắc rằng rất nhiều bậc cha mẹ đã từng “la mắng con cái”, không phải chúng ta nóng tính mà đôi lúc thật sự không thể kìm được cơn nóng giận. Trước sự quậy phá, nghịch ngợm, nói mãi không nghe của con cái, dù có tốt tính đến đâu cũng đều khó tránh khỏi việc mất bình tĩnh.

Chỉ có điều là bạn đã bao giờ quan sát đứa trẻ nhà bạn có phản ứng thế nào sau khi bị mắng hay chưa? Là cãi lại hay là im lặng một cách ủy khuất?

Nếu số lần đứa trẻ bị mắng ít thì vẫn còn đỡ. Nhưng nếu đứa trẻ bị mắng nhiều lần, thế thì phản ứng trong tiềm thức của nó kỳ thực đã ngầm cho thấy trạng thái tâm lý và lựa chọn hiện tại của đứa trẻ, điều này thực sự sẽ ảnh hưởng đến tính cách sau này của trẻ ở một mức độ nhất định.

Khi trẻ im lặng

Nếu trẻ có thói quen im lặng ngay khi bị mắng, bạn tuyệt đối đừng nghĩ rằng ấy là do trẻ đã nhận ra sai lầm của mình, giờ đang tự phản tỉnh. Thay vào đó, chúng có thể giữ im lặng vì sợ hãi hoặc để làm hài lòng bạn. Đứa trẻ loại này có thể đụng phải các tình huống sau đây:

1. Mẫn cảm, tự ti

Đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, kỳ thực cũng như bạn đang ngầm nói với chúng rằng “con không được ngoan”, “con đã sai”, nếu bị bóng gió nhiều quá sẽ khiến trẻ  cảm thấy bản thân không thể làm tốt và làm đúng điều gì cả. Con trẻ không đủ dũng khí để phản bác lại những lời trách mắng của chúng ta, chỉ biết âm thầm chịu đựng trong lòng, những đứa trẻ như vậy thường có nhận thức thấp về giá trị bản thân, do đó dễ trở nên mặc cảm, tự ti.

Ảnh: Freepik.

2. Có khoảng cách giữa người lớn và trẻ nhỏ

Một đứa trẻ sau khi bị mắng nói chung sẽ “sợ hãi” cha mẹ và không dám cãi lại.

Vì vậy, nhiều trẻ gặp chuyện ở trường thì khi về nhà không dám kể với bố mẹ, bởi nó không biết liệu mình sẽ nhận được ủng hộ của bố mẹ hay không, hay chỉ nhận lại sự chỉ trích thôi.

Khi trẻ ngày càng im lặng, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng rộng. Thuận theo đứa trẻ lớn lên, chúng ta sẽ thấy rằng nó ngày càng rời xa chúng ta, và chúng ta thậm chí không thể bước vào thế giới của con trẻ.

3. Trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội

Nếu một đứa trẻ im lặng ngay khi bị mắng, lâu dần sẽ hình thành thói quen không dám bộc lộ bản thân, mà im lặng chịu đựng. Khi một đứa trẻ bị bắt nạt ngoài xã hội, nó có thể không dám chống trả mà phải chịu đựng một mình. Thậm chí, có những trẻ sợ bị tổn thương về mặt xã hội nên trở nên thu mình, ngại kết bạn.

Một đứa trẻ im lặng khi bị la mắng có thể trở nên rụt rè, nhút nhát. Sau này khi bước vào xã hội, không dám thể hiện bản thân, không dám phản đối ý kiến của người khác, dễ chịu ủy khuất. Vì vậy, một đứa trẻ quá nghe lời chưa chắc đã là điều tốt.

Khi trẻ cãi lại

Tôi đã nghe một người cha nói rằng thằng bé nhà anh quá “nổi loạn”, nói một mà cãi đến mười. Vừa nói đến nó, nó cãi lại còn lợi hại hơn.

Mặc dù việc nuôi dạy những đứa trẻ nổi loạn quả thực là vấn đề đau đầu của các bậc cha mẹ, nhưng nếu so với những đứa trẻ cứ im lặng khi bị la mắng, cha mẹ không phải lo lắng quá nhiều. Bởi vì những đứa trẻ có thể nói lại, chúng thường có mấy đặc điểm sau.

Ảnh: Freepik.

1. Dám thể hiện bản thân

Một đứa trẻ có thể nói lại sau khi bị mắng cho thấy nó là người hướng ngoại và dám thể hiện bản thân. Khi cảm thấy mình bị đối xử bất công, nó có thể lớn tiếng phản bác và bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình.

Chỉ một đứa trẻ dám thể hiện bản thân thì người khác mới có thể nhìn thấy nhu cầu của nó và tôn trọng các ý kiến ​​của nó. Đứa trẻ như vậy, trong giao tiếp xã hội, nếu gặp phải sự đối xử bất công, nó dám nêu ra ý kiến và bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.

2. Có thể giải tỏa cảm xúc kịp thời

Nhiều trẻ bị mắng không dám nói lại mà chỉ im lặng chịu đựng, nhưng thực ra chúng đã kìm nén cảm xúc đau đớn, buồn tủi vào trong lòng. Lâu dần như vậy, nó hoặc trở nên trầm cảm và có tính cách hướng nội, hoặc chờ đợi một thời điểm nào đó để bộc phát.

Về phần đứa trẻ nào dám nói lại, thực ra nó đã bộc phát cảm xúc ngay lập tức, sau khi qua đi rồi, cảm xúc trong tâm cũng bình ổn trở lại. Trẻ như vậy có xu hướng hướng ngoại hơn về tính cách, có gì nói nấy, sẽ không tích tụ quá nhiều cảm xúc.

Cần giao tiếp với trẻ nhiều hơn

Ảnh: Freepik.

Trên thực tế, dù trẻ có cãi lại hay không, điều đó cho thấy chúng ta đang gặp trở ngại trong giao tiếp với trẻ. Trẻ chưa thực sự nghe lọt lỗ tai, và có thể không nguyện ý quy chính lại hành vi của mình, nên mới có tình trạng đối đầu một cách bị động hoặc chủ động như vậy.

Khi chúng ta nuôi dạy trẻ, nếu gặp vấn đề, chúng ta không nên la mắng chúng ngay lập tức mà có thể dẫn dắt và dạy dỗ chúng một cách tích cực. Ví như giao tiếp nhiều hơn, cho nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình cho chúng hiểu.

Khi chúng ta không cho con trẻ sự thừa nhận, mà cứ một mực chê trách chúng, con trẻ chưa chắc có thể nghe lọt lỗ tai, mà có thể vào tai này ra tai kia, thậm chí còn có thể cố tình làm lơ bạn.

Nhưng nếu chúng ta có thể bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình, như vậy sẽ khiến trẻ cân nhắc điều đó một cách nghiêm túc và suy nghĩ theo một cách khác.

Ví dụ, nếu trẻ không làm việc nhà, bạn có thể nói về suy nghĩ của mình: Nhà là mọi người cùng ở, mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn nhà cửa sạch sẽ. Nếu bố/mẹ vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải quán xuyến việc nhà thì bố/mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Bố/mẹ mong con có thể san sẻ trách nhiệm với bố/mẹ. Sau đó, bạn có thể cho con mình một số lựa chọn: Con thấy con có thể đảm nhận công việc nào?

Kiểu giao tiếp này dễ khiến trẻ em chấp nhận và nguyện ý thay đổi hơn so với việc người lớn cứ thích la rầy chúng.