CEO Trần Thị Phượng: “xây dựng” ước mơ bằng nghề xây dựng

0
1379

Dù bước sang tuổi 42 nhưng doanh nhân Trần Thị Phượng trông vẫn rất trẻ trung, năng động và cuốn hút người đối diện. Có lẽ ở chị luôn có nụ cười duyên thường trực trên môi, cùng tinh thần hăng hái tràn đầy năng lượng. Từ sự phấn đấu, những nỗ lực, đam mê, tỉ mỉ cộng thêm một chút may mắn, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vừa “xây dựng” gia đình, “xây dựng” sự nghiệp bằng nghề xây dựng không phải người phụ nữ nào cũng làm được.

Trần Thị Phượng – Giám đốc Công Ty TNHH tư vấn kiến trúc xây dựng và dịch vụ TM Hà Thành

Tạo dựng sự nghiệp không chỉ bằng năng lực mà còn nhờ vào sự may mắn

Xây dựng được xem là ngành “kén” nữ giới. Khi xác định chọn nghề Xây dựng định hướng nghề nghiệp tương lai đối với giới nữ đó là chuyện không hề đơn giản chút nào. Phụ nữ chọn ngành Xây dựng cần có sự đam mê thật sự. Bởi chỉ có đam mê, họ mới vượt qua tất cả khó khăn và sẵn sàng sống với “nghề” trong mọi hoàn cảnh.

Sinh ra vào năm 1976 tại tỉnh Hậu Giang trong một gia đình có 5 anh chị em. Bố là công chức nhà nước, mẹ ở nhà nội trợ nên kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả. Ý thức được điều đó, từ nhỏ chị Trần Thị Phượng luôn hăng say, chăm chỉ học hành, khi tốt nghiệp hết cấp 3, Chị Phượng chia sẻ. “Lúc đó, mình thích khoa Ngoại ngữ vì mình mê anh văn. Nhưng số trời run rủi thế nào, cho mình đi xây dựng. Thế là phóng lao thì phải theo lao, mình cũng quyết tâm theo đuổi đam mê với ngành xây dựng cho đến bây giờ luôn (cười).”.

Nhìn bề ngoài nhỏ nhắn là thế nhưng ít ai biết rằng bên trong chị luôn ẩn chứa một trái tim sư tử. Mang trong mình tính cách mạnh mẽ, niềm tự hào cao, ưa thử thách và luôn chứng tỏ năng lực của bản thân mình. Tính cách ấy có lẽ rất phù hợp cho những người học ngành Xây dựng, người đời hay gọi vui nôm na là “khô khan”, đòi hỏi nhiều sức khỏe. Chị nhớ lại thời điểm sau khi tốt nghiệp đại học, chị phải dành 10 năm đi làm công cho công ty cơ khí xây dựng. Chị Phượng hồi tưởng: “Lương thời điểm đó của mình chỉ có tầm 1,5 triệu mỗi tháng, thật sự mà nói không đủ chi tiêu. Mình phải rất cố gắng tính toán từng ly từng tý cho hợp lý để còn tiền lo phụ gia đình tiếp các em và lo điện nước ăn ở, chi phí sinh hoạt,… Lúc mình lập gia đình, hai vợ chồng cưới nhau về chỉ có chiếc xe máy làm vốn, hai bàn tay trắng, vì vậy mình nghĩ thấy cần phải nỗ lực, kiên trì, phấn đấu,… gấp nhiều lần so với những bạn bè đồng trang lứa, mình nghĩ an cư mới lạc nghiệp, phải có cái nhà dù lớn hay nhỏ và làm sao đảm bảo cuộc sống ổn định nơi đất khách quê người,…. Vượt qua quãng thời gian khó khăn, hai vợ chồng tích góp được ít vốn bàn bạc, quyết định vay mượn thêm mua được căn nhà nhỏ.”.

“Nói thật, lúc đó mình không có thời gian dành cho bản thân. Mình làm việc chăm chỉ, cật lực đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi, bệnh lên bệnh xuống. Bạn bè rủ đi chơi cũng từ chối. Cứ sáng đi làm, đến chiều tối mới về nhà. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Có lúc, bạn bè gọi rủ đi uống tách cà phê mình cũng từ chối”, chị Phượng cười chia sẻ thêm.

Năm 2012, cảm thấy bản thân không thể đứng dậm chân tại chỗ, lương thấp cùng với thời gian bị ràng buộc, chị quyết định thành lập công ty riêng. May mắn, bên cạnh chị Phượng là người chồng cùng chị đi từ thời thanh xuân cho đến ngày hôm nay cùng chung vai sát cánh và hỗ trợ chị rất nhiều. Chị luôn miệng cười và nói rằng: “Mình cảm thấy rất may mắn khi mở công ty vào thời điểm đó. Có chồng bên cạnh, khách hàng một số bạn bè giới thiệu, rồi bản thân tự tìm kiếm, nên công ty mình cũng nhiều người ủng hộ”.

Khi mở công ty riêng, khối lượng công việc ngày càng tăng lên, công trình nhiều dẫn đến việc chị phải ra ngoài nhiều hơn. Cái nắng và gió công trình không làm cho ý chí và đam mê của người phụ nữ nhỏ bé ấy chùn bước. Chị luôn tâm niệm phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để mang về tương lai tốt hơn cho các con và gia đình nhỏ của mình.

Chị cười xòa: “Lúc đó mới mở công ty nên mình cũng hơi tham công tiếc việc, việc gì cũng ôm về làm cả. Cộng với bản thân có sức khỏe và thu nhập tốt nên luôn luôn hào hứng với công việc mình lựa chọn”. Trời không phụ qua bao năm miệt mài, chịu khó, chăm chỉ làm việc cật lực đến bây giờ, chị sở hữu cho mình công ty riêng cùng với một số tài sản có giá trị. Từ hai bàn tay trắng, phải công nhận rằng năng lực, ý chí, chút “máu liều” của người kinh doanh và cộng thêm chút may mắn, chị Phượng “xây dựng” nên sự nghiệp không phải người phụ nữ nào ở tuổi của chị cũng có thể làm được.

“Xây dựng” sự nghiệp nhưng không quên “xây dựng” gia đình

Khó khăn lớn nhất của nữ giới khi theo ngành này là vấn đề về sức khỏe. Dân Xây dựng thường phải thức khuya nhiều để hoàn thành các thiết kế nếu như không muốn trễ tiến độ. Có những lúc mình phải thức trắng ba, bốn đêm liền nên rất… đuối. Sức vì thế suy giảm rõ rệt. Chị Phượng kể thêm, thời điểm có con vào năm 2004 và 2007, chị gần như kiệt sức. Vừa lo việc ở công ty, vừa lo chuyện nhà cửa, con cái còn bé khiến mọi thời gian hầu như không còn kẽ hở nào. Có lúc, 12 giờ đêm mình vẫn lôi quần áo ra phơi cho kịp khô. Chồng mình thì cũng bận đi công tác suốt. Đôi lúc, mình cũng tủi thân, nhưng vì gia đình, vì các con, mình chấp nhận hết. Khi nào cảm thấy bản thân không thể kham nổi nữa, trong thâm tâm mình vẫn muốn tự tay mình làm cho chu toàn mọi việc. Đến bây giờ, mình vẫn duy trì tự tay làm việc nhà để chăm sóc gia đình”, chị Phượng tươi cười kể.

Với chị, trên trái đất này không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của những bậc sinh thành dành cho con của họ và không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của những người làm cha mẹ nhìn thấy con mình khôn lớn trưởng thành. Chị tâm sự rằng, chị rất thương các con vì bố hay đi công tác xa, các con rất thiệt thòi vì ít được gần gũi với bố nhiều như những gia đình khác. Chị thì lại bận bịu nhiều việc, đôi khi nổi nóng, cáu gắt với các con, lúc nhìn lại thì thương các con nhiều hơn. May mắn, 2 baby của chị Phượng rất ngoan, lại có thể tự lập và ý thức về bản thân. Dù có lúc còn nghịch ngợm, chưa vâng lời nhưng lúc nào với chị chúng cũng là những đứa trẻ ngoan hiền, hiếu thảo.

Khi được hỏi rằng, nếu như sau này các con của chị mong muốn đi theo ngành Xây dựng của ba mẹ mình chị có đồng ý hay không, chị Phượng trông có vẻ đăm chiêu: “Thật ra, mình không áp đặt các con phải theo ngành nghề này hay không được làm nghề kia. Nghề nào cũng được, miễn là nghề làm chân chính, quan trọng hơn là các con được chọn lựa và sống với đam mê và có niềm vui với công việc ấy. Dù mình hiểu ngành xây dựng của mình rất khó khăn, bươn chải nhiều nhưng nếu các con yêu thích, mình vẫn ủng hộ và tạo điều kiện hết mình”.

Đến bây giờ, công việc đã ổn định, chị cũng đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác mà mình yêu thích như hợp tác cà phê sân vườn, bất động sản,… để kiếm thêm thu nhập và niềm vui. Chị cũng tâm sự, sức khỏe bây giờ cũng không còn tốt như xưa nên chị chọn cách điều hành công việc để có nhiều thời gian nghỉ ngơi và quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc các con nhiều hơn.

Chị chia sẻ thêm: Ngoài việc công ty chị tham gia vào các chi hội CLB Doanh Nhân, đây là cơ hội chị học hỏi giao lưu kinh nghiệm của các anh chị, chị đi trước trong kinh doanh, giúp đỡ lẫn nhau trong nghề nghiệp, nâng cao kiến thức khả năng kinh doanh, liên kết, hợp tác, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau và là nơi tập hợp các doanh nhân làm giàu chân chính và giúp ích cho xã hội, tăng giá trị doanh nghiệp, là cầu nối cho các doanh nhân với các cơ quan chính quyền, tiếp nhận thông tin kinh tế của TP. HCM cả nước và Thế giới.  Hiện nay chị đang sinh hoạt trong CLB Doanh nhân Họ Trần TP. HCM hiện là Phó Chủ Tịch – Kim Trưởng ban kinh tế CLB.

Với đôi bàn tay nhỏ bé, sự nỗ lực vươn lên, vừa “xây dựng” sự nghiệp, vừa “xây dựng” gia đình, bổn phận nào chị cũng cố gắng làm tốt nhất có thể. Chính sự đam mê, ý chí cao và nhạy bén trong công việc, doanh nhân Trần Thị Phượng là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ hiện đại, năng động trong thời buổi hội nhập, tích cực cống hiến và hy sinh, sống hết mình làm giàu cho bản thân và cho Xã hội hôm nay.

Hồng Thắm