Eugene Lang là triệu phú tự thân lập nghiệp, nhà đầu tư và nhà hảo tâm sở hữu khối tài sản khổng lồ. Từ năm 1990, ông đã quyết định không để cho các con thừa kế tài sản, ước tính 50 triệu USD lúc bấy giờ.
Eugene Lang là người thành lập công ty phát triển công nghệ REFAC, nhà cung cấp màn hình LCD, máy ATM, hệ thống xác minh thẻ tín dụng và nhiều sản phẩm công nghệ cao cấp khác. Qua đời ở tuổi 98 nhưng Eugene Lang đã để lại cho thế hệ sau cả một gia tài. Đó là quỹ “Tôi có một giấc mơ” được ông thành lập với mong muốn mọi trẻ em nghèo đều được đến trường. Eugene Lang cũng từng được tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do vì những cống hiến của ông cho lĩnh vực giáo dục.
Nổi tiếng là người cha nghiêm khắc, Eugene Lang luôn ủng hộ con cái theo đuổi đam mê sự nghiệp riêng. Từ năm 1990 khi trở thành triệu phú kinh doanh, ông đã quyết định không để cho các con của mình quyền thừa kế tài sản, ước tính 50 triệu USD lúc bấy giờ.
Sau đó ít lâu, Eugene Lang đã đem 150 triệu USD giúp đỡ cho 16.000 sinh viên nghèo có cơ hội được học tập tại các trường cao đẳng, đại học. Bởi ông tin tưởng, các con có thể tự bảo vệ, nỗ lực và phấn đấu vì mục tiêu của mình. Trước đây Eugene Lang cũng vậy, ông đã giành học bổng và nhận được bằng cử nhân kinh doanh của trường cao đắng Swarthmore từ năm 15 tuổi nhờ chương trình tự học. Vì thế, ông cũng chỉ cho các con theo học ở những ngôi trường có chất lượng tốt nhất. Nền tảng giáo dục tốt chính là điều tuyệt vời nhất mà mỗi bậc cha mẹ nên dành cho con cái họ. Eugene Lang đã cho các con “cần cầu” và chúng sẽ tự đi thu hoạch “cá” của riêng mình.
Sau khi vào đại học, cả ba người con của ông đều phải tự túc về mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt phí. “Tôi đã cho các con sự giáo dục tốt nhất, tất cả khuyến khích và động viên để chúng tự lựa chọn con đường riêng cho mình. Một nền giáo dục tốt là thứ hỗ trợ cho các con xây dựng tài sản riêng của chúng“, Eugene Lang từng chia sẻ với thời báo Today của Mỹ vào năm 2006 .
“Tôi không bao giờ tin tưởng vào những thứ xa xỉ. Cho dù là triệu phú thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người bắt gặp tôi đang nhặt một đồng xu rơi trên đường phố”, triệu phú tự thân Eugene Lang nói.
Cả ba người con của Eugene Lang cũng ủng hộ quyết định của người cha đáng kính. “Cha tôi rất tôn trọng những gì tiền có thể làm được nhưng ông không nghĩ nó có thể chi phối mọi mặt. Con người không nên trở thành nô lệ của đồng tiền. Người ta nói rằng cha tôi không cho chúng tôi quyền thừa kế nhưng tôi nghĩ không phải vậy. Thứ quan trọng nhất mà cha tôi cho ba anh em chúng tôi chính là sự ủng hộ và cảm hứng. Điều đó còn có giá trị hơn cả khối tài sản hàng trăm triệu đô của ông“, người con cả Stephen Lang chia sẻ.
Cả ba người con của Eugene Lang không một ai lựa chọn đi theo con đường kinh doanh của cha mình. Mỗi người đều có quyết định sự nghiệp riêng, cậu con cả Stephen chạy theo đam mê trở thành diễn viên kiêm biên kịch nổi tiếng Hollywood, người con gái thứ hai Jane quyết định làm luật sư được nhiều người tin tưởng trong khi cậu con út David lại là một nhà soạn nhạc.
Có không ít tỷ phú cũng học tập theo cách dạy con cái tương tự như vậy. Cụ thể chính là bộ ba tỷ phú quyền lực nhất hiện nay – Warren Buffett, Bill Gates và Mark Zuckerberg. Họ đều dành tối đa số tài sản để thành lập nên những quỹ từ thiện với mục đích giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett còn nhận định, những đứa trẻ được thừa kế tài sản là không công bằng với những đứa trẻ khác và coi đó là một sự bất công trong xã hội.