Tổ chức triển lãm: Muốn vươn lên phải theo hướng chuyên ngành

0
651

Ở các nước phát triển, triển lãm chuyên ngành được liệt vào nhóm ngành MICE (một loại hình du lịch tổng hợp) để thúc đẩy phát triển kinh tế, xúc tiến thương mại, phát triển du lịch.

Tổ chức triển lãm: Muốn vươn lên phải theo hướng chuyên ngành

Nguyễn Thanh Đảo là một trong những cái tên nhiều người biết trong lĩnh vực dịch vụ, tổ chức triển lãm vì uy tín, cách làm việc và sự tận tâm của ông. Vừa lèo lái doanh nghiệp, Nguyễn Thanh Đảo còn rất nhiệt thành trong hoạt động của các hiệp hội, như Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Bất cứ điều gì có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông sẽ không chối: “có lỗ cũng phải làm”.

Gần 20 năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thanh Đảo đã mở một cửa hàng hoa tươi với mục tiêu xa hơn là hướng đến tổ chức trang trí tiểu cảnh, sân vườn. Vốn ít, non kinh nghiệm cộng với thiếu mối quan hệ, mục tiêu ấy đành khép lại. Anh tiếp tục đi làm thuê. Ba năm sau Đảo lại khởi nghiệp ở lĩnh vực dịch vụ hội chợ – triển lãm.

Năm 2008, Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm nội thất Đăng Khoa được thành lập. Một năm sau, Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến thương mại Đông Nam (gọi tắt là Công ty Đông Nam) chuyên tổ chức hội chợ, triển lãm và xúc tiến thương mại ra đời.

Dự án đầu tiên Đông Nam thực hiện là Triển lãm Thiết bị công nghệ ngành quảng cáo Việt Nam (VietAd) vào năm 2010. Đây cũng là triển lãm đầu tiên ở Việt Nam chuyên về máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ ngành quảng cáo. Mười năm qua, mỗi năm Đông Nam tổ chức khoảng 20 hội chợ – triển lãm, đa dạng lĩnh vực từ hội chợ thương mại tổng hợp đến hội chợ – triển lãm chuyên ngành với quảng cáo, in ấn, nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch… Bên cạnh đó, Đông Nam còn thực hiện các chương trình hội nghị, hội thảo, lễ hội dưới sự chủ trì của các cơ quan nhà nước.

* Ở lần khởi nghiệp thứ hai, thất bại của lần đầu có khiến ông e dè?

– Lần khởi nghiệp đầu, tôi chỉ có đam mê và lòng quyết tâm, còn vốn, các mối quan hệ xã hội, ngay cả lĩnh vực tôi làm cũng chưa am hiểu sâu. Thời điểm đó, kinh nghiệm của tôi là marketing cho ngành dệt may. Không thành công, tôi vào làm việc tại một công ty chuyên về dịch vụ hội chợ – triển lãm, décor. Sau ba năm, nhận được sự động viên của nhiều anh em, bạn bè, tôi lại khởi nghiệp. So với giai đoạn ở tuổi 23, tôi tự tin hơn nhưng không vì vậy mà không toát mồ hôi! Cũng như người học lái xe, lần đầu lái ô tô ra đường lớn vậy. Nhưng bản thân tôi muốn  có một sự nghiệp riêng, muốn làm chủ thời gian, thành ra cứ làm thôi.

* Từ đâu ông có ý tưởng làm hội chợ – triển lãm, đặc biệt là triển lãm chuyên ngành?

– Mảng décor chính là điểm tựa tài chính cho mảng tổ chức hội chợ – triển lãm. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp chọn triển lãm hàng tiêu dùng, dễ làm và dễ tạo tiếng vang nhất. Đông Nam chọn chuyên ngành quảng cáo (VietAd) xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Trong quá trình trang trí, tôi bắt đầu có suy nghĩ ngành quảng cáo vô cùng khổng lồ với đủ thứ máy móc, thiết bị, vật tư, ánh sáng… nhưng tại Việt Nam chưa có một triển lãm nào chuyên ngành này. Ngay những người làm trong ngành quảng cáo, tại thời điểm đó cũng chưa hình dung được về một triển lãm ngành quảng cáo cho nên lúc Đông Nam đứng ra tổ chức thì họ e dè. Một nguyên nhân khác nữa là chủ đề triển lãm đã ít, Công ty lại ra mắt ngay thời điểm khủng hoảng kinh tế nên không đa dạng hóa chủ đề được. Thành ra suốt ba kỳ tổ chức đầu, Đông Nam phải bù lỗ.

Qua ba năm đó, triển lãm VietAd lớn dần lên, chủ đề đa dạng hơn. Ngoài những triển lãm Đông Nam tự tổ chức, cũng có những đơn vị thuê Đông Nam tổ chức, cơ quan nhà nước tin tưởng giao những chương trình lớn. Đông Nam là công ty đầu tiên và cho đến hiện tại là duy nhất của Việt Nam gia nhập Hiệp hội Triển lãm Thế giới (UFI). VietAd cũng được UFI công nhận là triển lãm đạt chuẩn quốc tế.

* Ở thời điểm khó khăn, đã lúc nào ông nghĩ nên tập trung vào triển lãm tổng hợp?

– Giai đoạn đó có không ít đơn vị mời Đông Nam tổ chức triển lãm hàng tiêu dùng. Tôi thấy điều đó là cần thiết để tạo ra nguồn thu cho Công ty nên nhận lời. Nếu không linh hoạt, chỉ khăng khăng đi theo hướng triển lãm chuyên ngành thì rất khó để trụ vững ở thời điểm đó. Ngay cả hiện nay, Đông Nam vẫn song song tổ chức triển lãm hàng tiêu dùng và triển lãm chuyên ngành. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của triển lãm hàng tiêu dùng thấp hơn dù về mặt truyền thông khá rình rang, bởi lẽ ai cũng có thể làm được.

* Việc tổ chức hội chợ – triển lãm đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Các triển lãm tổng hợp ngày càng thu hẹp, trong khi triển lãm chuyên ngành ngày càng mở rộng. Hơn 10 năm gắn bó, ông đánh giá thế nào về sự chuyển dịch này?

– Một trong những nguyên nhân của sự dịch chuyển này là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bán lẻ. Trước đây, sản xuất công nghiệp chuyên ngành của Việt Nam chưa phát triển, chủ yếu tập trung vào mảng tiêu dùng. Thời điểm đó không có nhiều siêu thị như hiện tại. Còn hiện tại thì các đại siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi xuất hiện khắp nơi.

Kênh phân phối tương đối hiện đại, đa dạng. Người tiêu dùng thay vì đến hội chợ để mua sắm, họ thích vào các cửa hàng hơn vì ở đó được hưởng dịch vụ tiện nghi, nhiều mặt hàng để lựa chọn, chất lượng hàng hóa đảm bảo. Bên cạnh đó, họ có thể kết hợp nhiều loại hình giải trí khác như xem phim, chơi game. Ở các tỉnh, hội chợ hàng tiêu dùng còn vì nhu cầu vẫn còn. Và còn vì ngoài mua sắm, bà con rất thiếu nơi vui chơi, giải trí. Hội chợ thường kết hợp với biểu diễn văn nghệ. Nhưng xu hướng này cũng sẽ dần thu hẹp.

Đây là quy luật tất yếu. Công nghiệp ngày càng phát triển, xuất khẩu ngày càng nhiều. Ngành sản xuất nào mạnh thì doanh nghiệp trong lĩnh vực đó có nhu cầu triển lãm mạnh, kéo theo các nhà buôn nước ngoài vào để tìm nguồn hàng. Tại các trung tâm triển lãm nước ngoài, có thể đi mấy ngày trời vẫn chưa tham quan hết vì sản xuất của họ rất phát triển, các nhà buôn khắp nơi trên thế giới đổ về tìm nguồn cung.

* Như ông chia sẻ, giữa triển lãm và xúc tiến thương mại có quan hệ chặt chẽ với nhau?

– Đúng là mối quan hệ này rất chặt chẽ. Mỗi ngành sản xuất có một đặc thù, tuy nhiên doanh nghiệp tham gia vào hội chợ tiêu dùng và triển lãm thường có hai mục đích chính: với triển lãm hàng tiêu dùng thì quảng bá hình ảnh, với triển lãm chuyên ngành thì được gặp khách hàng và nhiều nhà cung cấp khác nhau. Họ giới thiệu được tính ưu việc của sản phẩm, có thể chọn được đối tác, mở rộng kênh giao thương. Có những mặt hàng đem đến triển lãm, hiệu quả quảng bá cao hơn quảng cáo truyền thống rất nhiều vì sản phẩm liên quan đến thông số, công nghệ, đối tác cần những trải nghiệm cụ thể, thực tế. Quảng cáo đại trà chỉ hợp với những sản phẩm phổ thông.

* Vậy tại sao đến giờ này các triển lãm chuyên ngành tại Việt Nam vẫn khá “èo uột”? Cơ sở hạ tầng kém phát triển có phải là nguyên nhân?

– Với các triển lãm chuyên ngành, hiện ở Việt Nam phần lớn do các công ty triển lãm nước ngoài hợp tác với công ty triển lãm trong nước tổ chức, bên cạnh đó một số triển lãm do doanh nghiệp Việt Nam tự tổ chức. Địa điểm tổ chức quả thực rất khan hiếm. Cả nước chỉ có mỗi Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) là đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, SECC luôn ở trạng thái “kín lịch”. Hà Nội trước kia có Trung tâm Triển lãm Giảng Võ nhưng sau đó hoán đổi hạ tầng, rồi vướng hàng loạt rào cản, đến nay trung tâm mới vẫn chưa thi công.

Ngay cả SECC diện tích trong nhà cũng chỉ khoảng 8.000 mét vuông, nếu triển lãm cần quy mô lớn hơn thì phải che thêm lều bạt bên ngoài, điều có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

* Theo ông, vì đâu có sự chậm thích ứng như vậy, trong khi triển lãm chuyên ngành rõ ràng đem lại rất nhiều nguồn lợi về kinh tế, thương mại?

– Nhà nước có sự quan tâm nhưng chưa đúng mức. Ở các nước phát triển, triển lãm chuyên ngành được liệt vào nhóm ngành MICE (một loại hình du lịch tổng hợp) để thúc đẩy phát triển kinh tế, xúc tiến thương mại, phát triển du lịch.
Các nước tham gia triển lãm chuyên ngành hoặc tham quan, họ sẽ đi thành từng đoàn, do đó góp phần gia tăng chi phí các loại, từ dịch vụ ăn ở cho đến quảng bá ẩm thực.

Các quốc gia lớn ở châu Âu hay Mỹ, Trung Quốc, mình không đề cập vì họ đã bỏ mình quá xa với các trung tâm triển lãm quy mô lên đến hàng trăm nghìn mét vuông. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng nhận ra nguồn lợi này nên đã sớm tập trung xây dựng nhiều khu triển lãm chuyên ngành rất lớn. Họ đều có cục triển lãm để hỗ trợ kịp thời, nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đến nước họ trưng bày sản phẩm. Thái Lan còn thu hút khách nước ngoài bằng cách khi tổ chức đoàn tham quan triển lãm, họ sẽ trả cho mỗi người 100 USD.

Trong khi đó, tại Việt Nam giá thuê trung tâm triển lãm không những cao mà các loại hình dịch vụ kèm theo khá đắt và thiếu sự lựa chọn. Là một trong những đơn vị tổ chức triển lãm, chúng tôi đã đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, hoặc miễn thuế cho các nhà đầu tư xây dựng, mở rộng các địa điểm triển lãm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.

* Ngoài diện tích lớn, còn có những tiêu chuẩn nào để đánh giá một trung tâm triển lãm đạt chuẩn quốc tế?

– Các dịch vụ kèm theo và quan trọng nhất là hạ tầng giao thông. Ở các nước, có trung tâm triển lãm nằm ngay trung tâm thành phố do xây dựng sớm, còn phần lớn đều ở ngoại ô, với điều kiện tàu điện ngầm, đường bộ thuận tiện, không ở quá xa sân bay. Đó là những điều kiện nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia triển lãm và tham quan, mua hàng.

* Mỗi thời điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải đương đầu với những thách thức khác nhau. Với Đông Nam, bây giờ thách thức đó là gì, thưa ông?

– Ngành tổ chức triển lãm nếu muốn vươn lên, mở rộng quy mô thì chỉ có thể phát triển theo hướng triển lãm chuyên ngành. Các chủ đề triển lãm như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, food and drink… đã được nhiều đơn vị trong nước hoặc đơn vị nước ngoài thực hiện và làm rất thành công. Nếu muốn tiếp bước các chủ đề từng được các doanh nghiệp thực hiện, càng không phải dễ. Doanh nghiệp làm sau phải tạo được sự mới mẻ, phải tạo được ấn tượng mạnh.

Với các công ty nước ngoài vốn nhiều, nhân lực mạnh, có mạng lưới triển lãm vòng quanh thế giới thì việc cạnh tranh với họ càng khó hơn nữa. Đây thực sự là thách thức mang tính hội nhập, đòi hỏi các doanh nghiệp theo ngành triển lãm, trong đó có Đông Nam phải đương đầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn có những lợi thế nhất định, đó là sự am hiểu địa phương, cũng như việc có thể chọn những lĩnh vực, những thị phần mà các công ty nước ngoài chưa có điều kiện để tổ chức triển lãm tại Việt Nam.

* Ông giải bài toán này bằng cách nào?

– Bản thân tôi cố gắng học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, tạo điều kiến nâng cấp đội ngũ vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thạo ngoại ngữ. Ngoại ngữ là yếu tố chủ chốt nếu muốn giao tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài tham gia triển lãm tại Việt Nam hay các nhà buôn quốc tế. Đông Nam sẽ mạnh dạn liên doanh, liên kết để có thể khai thác thế mạnh của một đơn vị trên sân nhà, đồng thời tranh thủ được các quan hệ với đối tác nước ngoài, hạn chế rủi ro.

Hiện Đông Nam đã gia nhập các hiệp hội chuyên ngành trong nước, khu vực châu Á và thế giới nhằm tiệm cận với các tiêu chuẩn tổ chức hội chợ – triển lãm quốc tế. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển lãm chủ đề, như VietAd, VPSE, Agritech Vietnam, Vietnam Farm & Food Expo, Farm & Food Tech. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, tổ chức thêm triển lãm ở những lĩnh vực khác, Đông Nam đang hướng tới việc tổ chức các triển lãm ở nước ngoài. Cụ thể là vào tháng 2/2020, chúng tôi sẽ cùng đối tác tổ chức triển lãm chuyên ngành quảng cáo tại Myanmar.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Hoàng Linh Lan