Phát triển công nghiệp phụ trợ – Bắt đầu từ đâu?

0
532

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, Tập đoàn đang triển khai kế hoạch hình thành trung tâm cơ khí miền Trung, sản xuất linh kiện phụ tùng. Nhà sản xuất ô tô Vinfast (Tập đoàn Vingroup) cũng không giấu tham vọng xây dựng thành công một tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ, thu hút các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới cho tới những doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chuyên về sản xuất công nghiệp phụ trợ.

Phát triển công nghiệp phụ trợ - Bắt đầu từ đâu?

Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy tương lai phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã bắt đầu định hình với sự định hướng dẫn dắt bởi những tập đoàn công nghiệp lớn trong nước. Tuy nhiên, con đường phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT) phía trước còn quá nhiều chông gai.

Công nghiệp phụ trợ èo uột

Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm khá hạn chế như ôtô là 20-30%, da giày, dệt may là trên 10%… Yêu cầu phải phát triển thành công ngành CNPT ngày càng cấp thiết, bởi ngành CNPT có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

CNPT Việt Nam vẫn bị đánh giá là một ngành chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất lắp ráp. Với nguồn vốn hạn hẹp, trình độ nhân công thấp, mặc dù gần đây, ngành CNPT Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong lĩnh vực sản xuất xe máy, điện gia dụng, trong đó ngành điện gia dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa khá cao đến 70-80% và cũng đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Đài Loan đầu tư liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, nhưng bức tranh tổng thể CNPT là rất chậm phát triển. Quy mô CNPT đơn giản, nhỏ, lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp và có sự chênh lệch về năng lực đối với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.

Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có CNPT đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao. Câu chuyện của ngành dệt may là một ví dụ điển hình, khi đã trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn quốc gia, song toàn ngành vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu, khiến DN mất đi tính chủ động trong kinh doanh, khó nâng cao giá trị sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng của CNPT, gần đây Nhà nước đã có định hướng ưu đãi cho các DN hỗ trợ tuy nhiên những ưu đãi này chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là DN nội mà chiếm tới 70% là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Số DN trong nước làm CNPT rất ít. Các DN cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào VN, tiếp theo là các DN Đài Loan, cuối cùng mới là các DN Việt Nam với một tỷ trọng thấp và khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng chênh lệch lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.

Nguyên nhân tại đâu?

cong-nghiep-ho-tro-5411-1566319605.jpg

CNPT chỉ dừng ở sản xuất các linh kiện giản đơn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của ngành CNPT như hiện nay.

Thứ nhất, các DN CNPT đã phần là các DN Nhà nước, cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém, giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, vì quản lý kém…) nên mức tiêu thụ rất hạn chế trong khu vực DN Nhà nước. Và cũng vì dùng những sản phẩm phụ trợ này mà các sản phẩm lắp ráp, các loại máy móc thành phẩm tại các công ty Nhà nước cũng không có sức cạnh tranh. Đây là một sự liên kết kém hiệu suất và bó chân lẫn nhau trong nội bộ các DN Nhà nước.

Thứ hai, khi lựa chọn các sản phẩm CNPT để tập trung phát triển thì diện sản phẩm lựa chọn quá rộng, không phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn, lại làm phân tán nguồn lực hỗ trợ trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ tài chính không rõ ràng, hạn chế tính chủ động của DN. Ví dụ, theo quy định tại Thông tư 14/2012/TT-NHNN về việc hỗ trợ lãi vay 15%/năm đối với DN phát triển CNPT cho thấy, Nhà nước thực sự quan tâm và muốn phát triển ngành công nghiệp này, song thực tế hiện nay, các DN sản xuất hàng phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, do đó, rất khó để có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Nhà nước cũng đang thiếu các định chế trung gian để hỗ trợ các DN trong phát triển sản phẩm CNPT.

Thứ tư, CNPT chậm phát triển cũng do khi Việt Nam tham gia các hiệp định FTA, WTO hàng rào thuế quan giảm xuống, các chi tiết cùng linh kiện cũng được giảm thuế, nên các nhà đầu tư, lắp ráp thường tìm mua các chi tiết, linh kiện từ bên ngoài. CNPT trong nước không cạnh tranh nổi.

Giải pháp nào thúc đẩy CNPT phát triển?

Phát triển CNPT, cần một lộ trình. Nhiều chuyên gia khẳng định cần phát triển 4 yếu tố quan trọng, đó là nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:  Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô, máy tính, điện thoại di động, dệt may, da giày trong hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Doanh nghiệp lớn đi đầu rất quan trọng, tạo nền tảng cho cả ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Về nhân lực, áp dụng những biện pháp khuyến khích đào tạo và học tập về ngành CNPT. Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo dành cho các DN nhỏ, tập trung chú trọng vào các DN có mong muốn trở thành nhà thầu phụ hoặc sản xuất sản phẩm phụ trợ cho các DN khác. Các chương trình đào tạo này cần tập trung vào kỹ năng còn thiếu và yếu của các DN nội địa sản xuất sản phẩm phụ trợ như: Kỹ năng vận hành máy móc thiết bị, quản lý chất lượng sản phẩm…

Về công nghệ, Nhà nước cần lập ra các “Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN nhỏ và vừa”. Trung tâm này sẽ có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các DN như dịch vụ tư vấn về đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu của DN nhỏ và vừa, hay ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, giúp các DN tiếp cận công nghệ mới…

Về tài chính, Việt Nam nên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển CNPT của những ngành đã được chỉ định. Việc chỉ định các ngành, các sản phẩm cần phát triển là việc chỉ rõ các phạm vi ưu tiên để có nguồn ngân sách cụ thể, minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ cần có ưu đãi về thuế cho DN CNPT. Ngoài ra, những ưu đãi khác như quỹ đất để phát triển, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kiểm định chất lượng, dịch vụ tài chính… cũng cần được quan tâm.

Về hệ thống phân phối, việc tăng nhu cầu nội địa là một trong những việc quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển CNPT. Để làm tốt được điều này, chỉ có cách duy nhất là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi và ban hành các chính sách có tính chất ổn định, bền vững, từ đó sẽ tạo điều kiện thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, đồng thời khuyến khích các nhà thầu phụ, sản xuất phụ trợ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp kích cầu sản phẩm phụ trợ.

Vingroup không giấu giếm mục tiêu của mình là tạo chuỗi cung ứng đồng bộ nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trở thành lĩnh vực dẫn dắt cho phát triển công nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, sẵn sàng ký kết nhiều liên doanh và hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng như trong nước để thành lập liên doanh sản xuất, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhà sản xuất đã có mặt tại Việt Nam và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam”, ông Võ Quang Huệ – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Vinfast đã từng nói như vậy.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới đây rằng: “Cần có doanh nghiệp hạt nhân đóng vai trò cốt lõi của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thông qua tăng cường vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu đàn, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI”.

Nguyễn Loan